TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 14:37:26 Ngày 12/09/2022 GMT+7
Cần chính sách ưu đãi dành cho đơn vị nghiên cứu trọng điểm và nhóm nghiên cứu mạnh
Ngày 9/9/2022, ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo “Chính sách ưu đãi phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm và nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN”.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chủ trì hội thảo.

Cùng chủ trì có Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, Trưởng ban Khoa học Công nghệ Vũ Văn Tích. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng và các Ban chức năng của ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc, phòng khoa học công nghệ, phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN.

Trưởng ban KHCN Vũ Văn Tích trình bày báo cáo tại hội thảo

Tại hội thảo, Trưởng ban Khoa học Công nghệ Vũ Văn Tích cho biết, hiện nay, ĐHQGHN có 10 phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm, trong đó, 01 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Nhà nước, 07 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN, 02 trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN. Các phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm có lĩnh vực hoạt động, chức năng nhiệm vụ, định hướng nghiên cứu/sản phẩm rõ ràng; các nhân lực chủ chốt có kinh nghiệm tổ chức và điều hành hoạt động phòng thí nghiệm, nhân lực chính của các phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm là thành viên của các nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN.

Giai đoạn 2016 đến nay, ĐHQGHN đã ban hành và thực hiện một số chính sách ưu tiên, đầu tư cho phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm như: Quy hoạch phòng thí nghiệm trọng điểm, ban hành hướng dẫn phát triển và chế độ ưu đãi dành cho nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN; Quy định về công nhận, quản lý và phát triển phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN; Ưu tiên các hạng mục trong các dự án đầu tư về KH&CN hàng năm; Ưu tiên đề xuất các nhiệm vụ cấp quốc gia và quốc tế, nhiệm vụ hợp tác với doanh nghiệp…

Trong giai đoạn mới, ĐHQGHN tiếp tục thực hiện các chính sách hiệu quả đã được thực thi. Trong đó, các nhà khoa học được ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển, đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển phòng thí nghiệm cho nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện dòng sản phẩm KH&CN ưu tiên của ĐHQGHN; được tạo điều kiện tiếp cận thông tin, cơ sở dữ liệu về KH&CN để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho thành viên nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm.

GS. Phan Văn Tân mong muốn ĐHQGHN có cơ chế xây dựng được nhóm nghiên cứu có nhiều cán bộ khoa học trẻ

GS.TS Phan Văn Tân – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, đội ngũ các nhà khoa học luôn làm việc bằng niềm đam mê và khát khao cống hiến, tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ cũng như việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một nhóm nghiên cứu. GS. Phan Văn Tân mong muốn, ĐHQGHN có cơ chế xây dựng được nhóm nghiên cứu có nhiều cán bộ khoa học trẻ, thu hút các nhà khoa học bên ngoài ĐHQGHN về làm việc để đào tạo thế hệ khoa học kế cận.

PGS.TS Lâm Quang Đông mong muốn thu hút thành viên nhóm nghiên cứu là nhà khoa học nước ngoài

Theo PGS.TS Lâm Quang Đông – Trường ĐH Ngoại ngữ, Nhà trường xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh theo hướng “đứng trên vai người khổng lồ”. Theo đó, Trường mong muốn thu hút thành viên nhóm nghiên cứu là nhà khoa học nước ngoài, tuy nhiên, việc này gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý. PGS. Lâm Quang Đông chia sẻ, cần có sự linh hoạt, cởi mở trong thu hút và giữ chân người tài.

TS. Chu Đình Tới đánh giá cao các kết quả nổi trội về nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN

TS. Chu Đình Tới – Trường Quốc tế đánh giá cao các kết quả nổi trội về nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN trong thời gian qua. TS. Tới đề xuất các chính sách ưu tiên cần chú ý đến chất lượng nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu đỉnh cao trong nhóm 5% công bố thế giới. Đồng thời, đối với các nghiên cứu mang tính xuyên ngành, xuyên đơn vị, xuyên quốc gia thì cần đầu tư xuyên suốt quá trình nghiên cứu, tức là trước khi có sản phẩm khoa học cuối cùng.

GS. Phạm Hùng Việt đề nghị các đơn vị đào tạo cần gia tăng thời lượng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo

GS.TS Phạm Hùng Việt khẳng định, nhiệm vụ đầu tiên của một trường đại học là đào tạo, tuy vậy cũng cần gia tăng thời lượng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chú trọng đổi mới sáng tạo. Theo GS. Phạm Hùng Việt, trong tất cả các nguồn lực thì nguồn lực về con người cần phải được đảm bảo. Hiện nay, kinh phí được cấp cho mỗi đề tài, dự án không đủ hấp dẫn để giữ chân nhà khoa học. Vì vậy, cần thiết phải tính toán, phân bổ các nguồn kinh phí một cách hợp lý để giúp các nhà khoa học ổn định thu nhập, duy trì tâm lý tốt, toàn tâm toàn ý cho hoạt động nghiên cứu.

PGS.TS Trần Quốc Bình – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên mong đợi có nhiều chuyển biến về chính sách ưu đãi dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học đỉnh cao trong thời gian tới. PGS. Trần Quốc Bình cho rằng, nếu chỉ đi sâu nghiên cứu theo hướng khoa học cơ bản thì chưa toàn diện mà cần tập trung song song cả nghiên cứu ứng dụng và triển khai. Về chính sách tài chính, PGS. Trần Quốc Bình cũng cho rằng, ĐHQGHN cần có quỹ chi trả cho các hoạt động nghiên cứu. Ngoài ra, cần thiết có cơ chế thu hút các đề tài, dự án từ nhiều nguồn bên ngoài để có kinh phí duy trì hoạt động của các nhóm nghiên cứu.

GS. Nguyễn Hữu Đức đánh giá cao các chính sách ĐHQGHN đã ban hành để hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu

GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ, trường đại học lớn phải có xuất bản và công bố quốc tế, các chính sách được thảo luận nhiều nhưng vẫn còn nhiều bất cập so với thế giới. Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, trong hoạt động nghiên cứu thì điều quan trọng nhất là đam mê của nhà khoa học. Khoảng cách từ bài báo ra đến sản phẩm là một hành trình dài và nhiều gian nan. GS. Nguyễn Hữu Đức cũng đánh giá cao các chính sách ĐHQGHN đã ban hành và đề nghị xây dựng quỹ phát triển để hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu còn hạn chế về nguồn lực, đồng thời cần xây dựng chính sách đầu tư cụ thể cho các phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm.

GS.TS Phạm Hồng Tung – Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển nhấn mạnh cơ chế đặt hàng đối với nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế khai thác nhân lực và kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm.

Nhấn mạnh vai trò của nhóm nghiên cứu mạnh đối với các sản phẩm khoa học đỉnh cao, GS.TS Nguyễn Văn Nội đề xuất ĐHQGHN xây dựng chính sách hỗ trợ mặt bằng tại Hòa Lạc cho các nhóm nghiên cứu mạnh, lấy đây làm cơ sở để thuyết minh hợp tác cho các đề tài, dự án quốc tế.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn khẳng định, trong chiến lược KH&CN của ĐHQGHN đã nêu rõ định hướng trong thời gian tới sẽ đa dạng hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cũng đề nghị cần gia tăng giải pháp, đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp trong các chương trình, nhiệm vụ KH&CN lớn. Phó Giám đốc ĐHQGHN yêu cầu tăng cường số hóa sản phẩm KH&CN, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về KH&CN của từng đơn vị để thu hút đầu tư.

Kết luận hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, hội thảo là cơ hội để lãnh đạo ĐHQGHN lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học, từ đó xây dựng và ban hành các chính sách đầu tư một cách phù hợp. Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, nhóm nghiên cứu mạnh phải là nhóm nghiên cứu có công bố tốt, ĐHQGHN sẽ ưu tiên đầu tư hơn so với nhóm công bố nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng.

“Chính sách của ĐHQGHN đưa ra theo hướng đầu tư tập trung “vun cao”. Các thầy cô có ý tưởng phát triển nhóm nghiên cứu, dự án đầu tư hay các chính sách về nhân lực có thể làm đề xuất và gửi về Ban Giám đốc xem xét trực tiếp. ĐHQGHN sẽ lựa chọn 10 nhóm đầu tư có trọng điểm để ưu tiên hỗ trợ các nguồn lực” – Giám đốc cho biết.

Giám đốc ĐHQGHN đề nghị, hoạt động KH&CN của ĐHQGHN trong thời gian tới cần tập trung vào các chương trình, đề tài trọng điểm quốc gia như: Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển… Song song với đó, tăng cường hợp tác với địa phương, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.

Giám đốc cũng đề nghị Ban Khoa học Công nghệ làm đầu mối đổi mới quy trình, phương thức quản lý KH&CN trong toàn ĐHQGHN, hỗ trợ nhà khoa học tiếp cận dự án. Xây dựng phần mềm giới thiệu tiềm lực KH&CN của đơn vị, đăng ký sử dụng phòng thí nghiệm phục vụ hoạt động nghiên cứu, từ đó dễ dàng tham gia chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm.

>>> Các tin tức liên quan:

- Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh

- Phòng thí nghiệm trọng điểm phải phát huy vai trò cốt lõi cho các sản phẩm khoa học công nghệ

- Phòng thí nghiệm/ Trung tâm nghiên cứu trọng điểm là đơn vị khoa học công nghệ quan trọng

- Năm 2016: Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm thúc đẩy đào tạo và nghiên cứu đỉnh cao

 Đăng An - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ