Tham dự có lãnh đạo Ban chức năng ĐHQGHN, đại diện Ban điều hành CLB nhà khoa học ĐHQGHN, thủ trưởng các đơn vị thành viên, trực thuộc cùng đại diện hơn 200 nhà khoa học là cán bộ trẻ. Đây là buổi đối thoại đầu tiên giữa Ban Giám đốc cùng các nhà khoa học trẻ ĐHQGHN được tổ chức trong khuôn viên tổ hợp giảng đường HT2 tại Hòa Lạc. Tại buổi đối thoại, Giám đốc Lê Quân chia sẻ, cuộc gặp gỡ này với mục tiêu tăng cường hỗ trợ các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN trong việc nâng cao năng lực công bố, tháo gỡ các khó khăn trong việc tham gia chủ trì các đề tài/dự án khoa học công nghệ của ĐHQGHN; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ khoa học. ĐHQGHN ban hành nhiều chính sách dành cho nhà khoa học trẻ Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh: Với uy tín, vị thế ở trong và ngoài nước, cũng như bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, ĐHQGHN đã có nhiều quyết sách để phát huy nội lực và ươm mầm nhà khoa học trẻ. Trong năm 2021, ĐHQGHN đã ban hành chính sách cấp học bổng cho tiến sĩ, thực tập sinh, tổng giá trị học bổng lên tới 120 triệu đồng/ học viên/năm. Gần đây là chương trình trao học bổng cho ngành khoa học cơ bản, chương trình dành cho sinh viên, giảng viên xuất sắc, mức học bổng lên tới 300 triệu đồng/suất. Chương trình quy đổi giờ giảng cho giảng viên khi làm nghiên cứu. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân Trong chiến lược phát triển, ĐHQGHN chú trọng đến việc chính sách đầu tư con người – đội ngũ nhà khoa học trẻ đang công tác tại ĐHQGHN. Cụ thể, là trong phát triển nhà khoa học, các cá nhân tham gia các đề tài khoa học công nghệ từ cấp ĐHQGHN trở lên, thúc đẩy các nhà khoa học có nhiều bài báo công bố quốc tế, nhiều sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao. Nhiều sản sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó có sản phẩm tiềm năng được doanh nghiệp tài trợ và có khả năng thương mại hóa. Nhằm khuyến khích các nhà khoa học trẻ phát triển tốt khả năng sáng tạo của bản thân và định hướng ươm mầm nhiều tài năng trẻ từ học sinh, sinh viên để có nhiều đóng góp sản phẩm nghiên cứu cho xã hội. Lãnh đạo ĐHQGHN nhấn mạnh, ươm tạo nhà khoa học trẻ tại ĐHQGHN vừa là mục tiêu vừa là động lực để tăng cường các nguồn lực chất lượng cao, phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, cộng tác viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đang giảng dạy, nghiên cứu, học tập tại ĐHQGHN và các trường đại học uy tín trong nước và quốc tế. Đề án phát hiện và thu hút các mầm ươm khoa học từ 3 nhóm (học sinh chuyên, năng khiếu có học lực giỏi, xuất sắc) có nguyện vọng và được tuyển chọn tham gia chương trình ươm tạo từ trình độ đại học; sinh viên và học viên giỏi, xuất sắc, thạc sĩ, giảng viên trẻ chưa là tiến sĩ có nguyện vọng và được tuyển chọn tham gia chương trình ươm tạo trở thành nhà khoa học có trình độ tiến sĩ; giảng viên và nhà khoa học trẻ đã đạt trình độ tiến sĩ có nguyện vọng tham gia chương trình ươm tạo nhà khoa học trẻ trình độ sau tiến sĩ, và/hoặc được tuyển dụng vào làm việc tại ĐHQGHN. Chương trình ươm tạo phù hợp với từng nhóm; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ, kết nối giúp người học được trang bị những kiến thức, kỹ năng, điều kiện cần thiết để tham gia vào chương trình đào tạo tiến sĩ, sau tiến sĩ của ĐHQGHN và các cơ sở đào tạo uy tín ở trong nước, quốc tế. Gỡ vướng cho nhiều nhà khoa học trẻ khi làm nghiên cứu Nhiều nhà khoa học trẻ ĐHQGHN bày tỏ, cuộc đối thoại đã giúp nhà khoa học trẻ có cái nhìn khách quan trong công tác làm nghiên cứu. Ban Giám đốc ĐHQGHN đã giải đáp được những vấn đề cụ thể, những vướng mắc mà nhà khoa học đang gặp phải của từng đơn vị. ĐHQGHN luôn đồng hành và có những quy định cụ thể song mức độ thông tin của giảng viên ở từng đơn vị trong ĐHQGHN chưa đồng đều, các đơn vị đã thông tin đầy đủ song còn một số cán bộ ở đơn vị chưa tiếp cận đầy đủ nguồn thông tin chính sách liên quan. Chia sẻ về công tác nghiên cứu khoa học, nhà khoa học đến từ Trường quốc tế cho biết: Với một giảng viên, ngoài công tác giảng dạy thì công tác nghiên cứu khoa học sẽ góp phần tạo nên giá trị cốt lõi của bản thân. Với nhận thức đó, mặc dù các giảng viên bận rộn để truyền thụ kiến thức, định hướng và khơi tạo sự sáng tạo cho sinh viên, đình và công tác xã hội, các nhà khoa học trẻ luôn dành tối đa thời gian trống để trao đổi chuyên môn, nghiên cứu khoa học, viết báo và viết sách, có sản phẩm công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế. Những bài báo được công bố không chỉ nâng cao uy tín mà còn tăng thêm cả thu nhập, đặc biệt góp sức nghiên cứu gắn với thực tiễn. ĐHQGHN luôn tự hào vì có nhiều giảng viên trẻ luôn ý thức và đam mê nghiên cứu khoa học được duy trì đều đặn như một thói quen hàng ngày. 200 nhà khoa học trẻ đang công tác tại ĐHQGHN tham dự ĐHQGHN cũng theo dõi, tư vấn, kết nối để các nhà khoa học trẻ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, sau tiến sĩ có thể tham gia mạng lưới nhà khoa học theo lĩnh vực chuyên môn, tiếp xúc và làm việc tại ĐHQGHN, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ để phát triển đất nước. Buổi đối thoại cũng là dịp để các nhà khoa học trẻ nắm bắt được chiến lược phát triển chung của ĐHQGHN trong tương lai. ĐHQGHN sẽ đẩy mạnh 2 hoạt động trong đó có công bố quốc tế, đưa ra các đề xuất thiết thực để cùng hỗ trợ nhà khoa học trẻ nỗ lực thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu và gắn với thương mại hóa hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, trong công tác giải quyết dứt điểm cơ sở dữ liệu, Trung tâm Thư viện và Tri thức số đưa ra các giải pháp cụ thể để hỗ trợ nhà khoa học tra cứu tài liệu tham khảo. Đồng thời, ĐHQGHN sẽ rà soát đội ngũ tiến sĩ trẻ hiện đang là giảng viên đang công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các đơn vị để có chính sách liên quan, tạo yên tâm công tác cho các giảng viên nghiên cứu. Tới đây, ĐHQGHN tiếp tục thu hút nhà khoa học trẻ là tiến sĩ về công tác, đảm bảo được sự phát triển chung theo kế hoạch ban đầu. ĐHQGHN chú trọng đổi mới sáng tạo nghiên cứu và chuyển giao trong đại học, đẩy mạnh nghiên cứu thế mạnh, mô hình khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp. Những điều đó sẽ tạo nên nền tảng vững chãi cho cho nhà khoa học trẻ ĐHQGHN có nhiều cơ hội và hướng đi để nhà khoa học phát triển nhiều hơn nữa. Tại buổi đối thoại, các nhà khoa học đã trao đổi các nội dung xoay quanh các vấn đề vướng mắc khi giảng viên thực hiện đề tài để công bố quốc tế như: chính sách hỗ trợ của ĐHQGHN với các lĩnh vực, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, y dược, đặc biệt nhiều lĩnh vực mới như kỹ thuật công nghệ, mỹ thuật ứng dụng, các ngành sáng tạo nghệ thuật; cơ sở dữ liệu dùng chung; quy định mã định danh quốc tế của ĐHQGHN; các văn bản hướng dẫn cụ thể trong quá trình làm nghiên cứu, hợp tác quốc tế; kết nối cộng đồng; tài trợ, …. Tại cuộc trao đổi, Ban Giám đốc ĐHQGHN đã trực tiếp đối thoại, chia sẻ các vướng mắc mà nhà khoa học đang gặp phải. Trong kết luận buổi trao đổi, Giám đốc Lê Quân nêu rõ, giao nhiệm vụ cho Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ (VSL) tổ chức tập huấn cho nhà khoa học trẻ, từ đó xây dựng 30 đề xuất đề tài ĐHQGHN đê có tối thiểu 20 đề xuất được phê duyệt. VSL sẽ là một kênh để các nhà khoa học trẻ trực tiếp nộp đề xuất lên Ban Giám đốc, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo động lực khuyến khích nhà khoa học trẻ tại ĐHQGHN tham gia và chủ trì các đề tài, nhóm nghiẻn cứu, hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành, tạo ra sự khác biệt và thế mạnh vượt trội của ĐHQGHN.
Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN (viết tắt là VNU-VSL) phải là cầu nối trực tiếp của đội ngũ nhà khoa học với Ban Giám đốc ĐHQGHN. VSL là kênh thông tin để Ban Giám đốc ĐHQGHN tiếp nhận những ý kiến, đóng góp, trăn trở của đội ngũ cán bộ khoa học – lực lượng quan trọng nhất của đại học – với sự phát triển của ĐHQGHN. Trong thời gian qua, VSL đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các nhà khoa học giao lưu với nhau, tiếp xúc với các đối tác trong và ngoài nước; kết nối tri thức, thiết lập và phát triển môi trường học thuật để phát huy tối đa năng lực cá nhân, nâng cao trình độ, trao đổi kinh nghiệm học thuật, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giao lưu, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tham gia vào các nhiệm vụ, đơn đặt hàng nghiên cứu từ bên ngoài. VSL đã trở thành diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng, đối thoại, trao đổi và giải quyết các nhiệm vụ chung của ĐHQGHN. Đồng thời. VSL cũng góp phần trong việc định hướng, quy hoạch các nhà khoa học trẻ ĐHQGHN vào nhiệm vụ trọng điểm của ĐHQGHN trong từng giai đoạn phát triển và tạo nguồn quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ tài năng, nhiệt huyết, giàu sức sáng tạo để tham gia giải quyết các nhiệm vụ, các vấn đề đặt ra của ĐHQGHN. Đại diện Ban Giám đốc ĐHQGHN giữ vai trò Chủ tịch VSL, cho thấy sự quan tâm của Ban Giám đốc đối với hoạt động của các nhà khoa học. Ở mỗi giai đoạn, VSL đã có những điều chỉnh nội dung và cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình phát triển của ĐHQGHN. | >>> Tin bài liên quan: -VNU-VSL: Kết nối cộng đồng nhà khoa học vì sự phát triển của ĐHQGHN - VNU – VSL: Nhịp cầu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo - VNU – VSL: Tọa đàm số 3 về chủ đề “Thúc đẩy quyền năng phụ nữ trong khoa học” - VISL: cầu nối của tri thức, gia tăng các giá trị khoa học - ĐHQGHN ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với nghiên cứu viên - Học bổng hỗ trợ cho nghiên cứu sinh và các thực tập sau tiến sỹ - bước đột phá tiên phong của ĐHQGHN - Lần đầu tiên ĐHQGHN triển khai chương trình gói học bổng bao gồm hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Khoa học Cơ bản
|