Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, Phó Giám đốc phụ trách VNU-CSK Đặng Thành Đạt đã điểm qua chặng đường phát triển của Trung tâm thời gian qua và một số kết quả trong thời gian qua. VNU-CSK có tiền thân là Trung tâm Hợp tác và Chuyển giao tri thức được ĐHQGHN thành lập năm 2011 và đến năm 2017 được ĐHQGHN bổ sung chức năng nhiệm vụ và đổi tên thành Trung tâm CSK. Năm 2022 đánh dấu 5 năm hoạt động của Trung tâm CSK và trong suốt giai đoạn 5 năm vừa qua, toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm đã luôn cố gắng nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức trong những mảng hoạt động liên quan và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Ông Đặng Thành Đạt chia sẻ, Hội nghị kết nối khoa học công nghệ với mong muốn được trình bày một số kết quả đạt được qua Chương trình VNU Techgate “Chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, sản phẩm KH&CN của các nhà khoa học ĐHQGHN” và lắng nghe các ý kiến từ doanh nghiệp, từ đơn vị và các nhà khoa học để CSK triển khai tốt hơn hoạt động kết nối chuyển giao, đặt hàng KH&CN.
Chương trình khởi nghiệp trong doanh nghiệp là Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp thứ 2 trong năm 2022 mà Trung tâm CSK tổ chức. Chương trình VNU Starup 100 với mục tiêu ươm tạo các dự án khởi nghiệp của sinh viên ĐHQGHN hình thành qua các cuộc thi khởi nghiệp trong ĐHQGHN đã được triển khai từ tháng 7/2022. Chương trình khởi nghiệp trong doanh nghiệp hướng đến giải quyết những vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp, do doanh nghiệp đặt hàng và các nhóm sinh viên của ĐHQGHN hình thành từ các trường sẽ nghiên cứu, giải quyết.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chúc mừng và ghi nhận một số kết quả của VNU-CSK trong chặng đường hình thành và phát triển thời gian qua. VNU-CSK đã có những bước tiến tích cực, thực tiễn hơn trong các hoạt động sở hữu trí tuệ, chuyển giao tri thức, hỗ trợ khởi nghiệp; cũng đã góp phần thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ĐHQGHN. Trong những năm gần đây, các hoạt động của Trung tâm càng dần đi vào chiều sâu và cũng đạt được những kết quả tích cực, hỗ trợ cho các nhà khoa học trong đăng ký sở hữu trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền tác giả. Chương trình VNU-Techgate do Trung tâm triển khai từ năm 2021 cũng đã hỗ trợ cho một số kết quả nghiên cứu, sản phẩm KH&CN của nhà khoa học ĐHQGHN tiếp cận gần hơn tới chuyển giao, thương mại hóa qua hoạt động kết nối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong hoạt động khởi nghiệp đã bước đầu ươm tạo các dự án khởi nghiệp của sinh viên ĐHQGHN.
Trong giai đoạn tới, Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị Trung tâm tiếp tục triển khai các hoạt động theo chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực, cụ thể trong các mảng công tác; thể hiện rõ vai trò của Trung tâm trong thúc đẩy và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp của toàn ĐHQGHN.
Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh, Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021- 2030 xác định đến năm 2030, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN đóng vai trò nòng cột, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết một số thách thức và cấp bách của quốc gia. VNU-CSK đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển các tổ chức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn yêu cầu VNU-CSK cần quan tâm đến việc thúc đẩy hình thành doanh nghiệp spin-off và doanh nghiệp khởi nghiệp để hỗ trợ phát triển sản phẩm ứng dụng và thương mại hoá; thực hiện phát triển dịch vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với việc tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ đăng ký và chuyển giao tài sản trí tuệ; tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên gia đạt các chứng chỉ theo chuẩn trong nước và quốc tế gắn với chuyển giao, thương mại hoá các sản phẩm KH&CN; phát triển không gian và hoạt động kết nối, thương mại hoá sản phẩm Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN.
Tại Hội thảo, ông Vương Quốc Thắng, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp đã chia sẻ nhiều thông tin về quá trình hình thành và phát triển VNU-CSK. Ông cho rằng việc hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyên giao tri thức là một dấu mốc quan trọng, thể hiện tầm nhìn trong định hướng phát triển hoạt động khoa học công nghệ của ĐHQGHN nói chung.
Trong khuôn khổ của lễ kỉ niệm, đại diện lãnh đạo ĐHQGHN đã trao tặng Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ĐHQGHN cho 2 viên chức của Trung tâm.
Trong khuôn khổ của hội thảo, đại diện lãnh đạo VNU-CSK đã sơ kết giai đoạn Chương trình VNU-Techgate 2022 và Công bố triển khai Chương trình “Khởi nghiệp trong doanh nghiệp”.
Lãnh đạo VNU-CSK đã ký kết văn bản hợp tác với các đối tác: Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ - Bộ KH&CN; Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo Công nghệ cao HITC; Trung tâm Dịch vụ KH&CN - Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Quỹ GMT-SI Fund; Học viện Thành Công; Ký kết hợp tác về khoa học công nghệ với các đối tác: Tập đoàn Y Dược Phúc Thành An; Tập đoàn Y Dược và Chăm sóc sức khỏe Nam Sơ; Bàn giao sản phẩm KH&CN phục vụ thử nghiệm giữa nhà khoa học Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học và Tập đoàn Y Dược và Chăm sóc sức khỏe Nam Sơn.
>>>>> Các thông tin liên quan:
|