GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQGHN đã đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo chia làm hai tiểu ban. Tiểu ban 1: Việt Nam - các mối quan hệ và bang giao truyền thống. Tiểu ban 2: Việt Nam trong thời đại hoàng kim của hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI - XVII. Từ cái nhìn lịch sử và cách tiếp cận chuyên ngành kết hợp với nghiên cứu liên ngành và khu vực học, các báo cáo tập trung trình bày và phân tích vai trò của kinh tế thương mại Việt Nam trong hệ thống thương mại khu vực, đặc biệt là thời đại hoàng kim của nền kinh tế thương mại châu Á thế kỷ XVI - XVII. Hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề học thuật bao gồm: tiềm năng kinh tế đối ngoại của Việt Nam, các nguồn tài nguyên, vai trò của một số ngành sản xuất, các tuyến giao thương truyền thống, chính sách của giới cầm quyền, các mối quan hệ bang giao đa dạng, đa chiều giữa các quốc gia khu vực và tác động của hoạt động thương mại khu vực, thế giới đối với đời sống kinh tế xã hội trong nước.
Tại tiểu ban 1, xuất phát từ lịch sử phát triển địa hình vùng duyên hải Việt Nam, trên cơ sở phân tích đặc điểm bối cảnh quốc tế dẫn đến việc hình thành hệ thống thương mại châu Á thời tiền Cận đại, cũng như nghiên cứu về truyền thống thương mại trong tâm thức cổ truyền của người Việt dựa trên các cứ liệu dân gian, chính sử, các báo cáo đã lý giải và trình bày việc hình thành các quan hệ ngoại giao và kinh tế Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á khác qua các thời kỳ Lý - Trần - Lê Mạc. Các báo cáo tiêu biểu về chủ đề này là: “Thăng Long - Kẻ Chợ trong hệ thống kinh tế đô thị Việt Nam thế kỷ XVI - XVII” (PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ); “Hoạt động thương mại của các sứ bộ Việt Nam ở Trung Quốc thời Thanh” (TS. Trần Đức Anh Sơn); “Bác dịch trường: quan hệ buôn bán Lý - Tống thế kỷ XI - XIII” (ThS. Nguyễn Hữu Tâm); “Về những văn thư trao đổi giữa triều Lê – Chúa Trịnh và Nhật Bản thế kỷ XVII” (ThS. Phan Thanh Hải); “Thương cảng Nước Mặn (Quy Nhơn) - xứ Đàng Trong” (TS. Lê Đình Phụng); “Thương mại trong tâm thức cổ truyền của người Việt” (PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế);...
|
|
Tại tiểu ban 2, các báo cáo tập trung làm rõ những hoạt động buôn bán, giao thương tiêu biểu của Việt Nam với các quốc gia khác, trên cơ sở đó dựng lại bức tranh thương mại đa dạng, sinh động của khu vực Đông Nam Á thế kỷ XVI - XVII mà Việt Nam là một thành viên với những thế mạnh riêng do ưu thế về địa lý, kinh tế, xã hội đem lại. Các báo cáo tiêu biểu: “Thử nhìn lại tình hình nghiên cứu gốm sứ xuất khẩu miền Bắc Việt Nam thế kỷ XV-XVII” (PGS.TS Hán Văn Khẩn); “Gốm sứ Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam và Đông Nam Á thế kỷ XVII” (TS. Miki Saburaba); “Con đường gốm sứ và vị trí của các thương cảng Nam – Trung Bộ Việt Nam” (TS. Bùi Minh Trí); “Hoạt động nhập khẩu kim loại tiền tệ của công ty Đông Ấn Hà Lan và tác động của nó đến kinh tế Đàng Ngoài thế kỷ XVII” (TS. Hoàng Anh Tuấn); “Phố cảng Thanh Hà trong bối cảnh phát triển thương mại Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII” (PGS.TS Đỗ Bang); “Mối giao thương buôn bán giữa Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia trong thời kỳ phong kiến” (PGS.TS Nguyễn Lệ Thi); “Sự hình thành cộng đồng người Hoa và hoạt động thương mại ở Hội An thế kỷ XVI-XVIII” (ThS. Tống Quốc Hưng – Dương Văn Huy)...
Trên cơ sở bàn về hoạt động giao thương Việt Nam trong khu vực thế kỷ XVI - XVII, hội thảo khẳng định Việt Nam có những ưu thế và tiềm năng nhất định về địa lý, tài nguyên, truyền thống lịch sử trong việc phát triển kinh tế ngoại thương. Những hoạt động này đã có ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển lớn mạnh của các quốc gia phong kiến Việt Nam. Bàn về quá khứ để hướng tới tương lai. Các tham luận đã có những hướng gợi mở nhất định, là cơ sở để các nhà khoa học, các cơ quan quản lý tham khảo và có chính sách đầu tư, phát triển hiệu quả trong lĩnh vực ngoại thương Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay.
|