Đến dự hội thảo có TS. Willibold Frehner - Trưởng đại diện KAS, PGS.TS Vũ Đức Nghiệu - Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng các nhà khoa học đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN,...
Hội thảo lần này là hoạt động hợp tác đầu tiên trong số chuỗi các hoạt động khác nằm trong chương trình hợp tác tổng thể mà nhà trường và Viện KAS đã thống nhất triển khai trong năm 2007.
Đi từ quan niệm cơ bản về kinh tế tri thức (KTTT), các báo cáo đã phân tích vai trò của nhà nước và của tri thức, khoa học trong việc xây dựng và phát triển nền KTTT, những thách thức và giải pháp đối với Việt Nam để chuyển hướng hiệu quả sang nền KTTT vốn là xu thế tất yếu của thế giới trong thời đại mới.
Sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, trong đó tri thức đóng vai trò như lực lượng sản xuất chủ yếu đã dẫn đến sự hình thành một nền KTTT. Đó là nền kinh tế “trong đó sự sản sinh, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống” (GS. Đặng Hữu). Trong tham luận “Kinh tế Việt Nam trên đường tiến tới kinh tế tri thức hiệu quả”, TS. Lê Đăng Doanh nhận định: sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập, dù có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế có thu nhập thấp và tồn tại nhiều bất lợi đối với quá trình chuyển sang KTTT. Do đó, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách trên mọi lĩnh vực, hoàn thành cơ bản quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, thực hiện các cam kết WTO, hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực; cải cách giáo dục, hệ thống an sinh xã hội, hệ thống khoa học - công nghệ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của nền kinh tế; cải cách hành chính, chống tham nhũng, lạm dụng chức quyền, thực hiện chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; phát triển công nghệ thông tin, phổ cập việc sử dụng internet trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội...
|
|
Bàn về vai trò của nhà nước trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, các báo cáo khẳng định chính phủ là cơ quan thực hiện việc tổ chức quản lý toàn diện quốc gia và cũng là trung tâm sử dụng quyền lực quốc gia, do đó, ở một góc độ nào đó, các yếu tố cấu thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia có phát huy được hiệu quả cao nhất hay không phụ thuộc vào chất lượng chính phủ, cụ thể là bản chất chính trị của chính phủ, trình độ pháp luật hoá, dân chủ hoá của chính phủ, cơ cấu và hiệu quả điều hành của chính phủ. Hiện nay, để cải thiện chất lượng chính phủ, về mặt đối nội, nhà nước Việt Nam cần thúc đẩy cải cách hành chính, tinh lọc bộ máy quốc gia, tăng cường đạo đức tư cách và trách nhiệm cá nhân của quan chức nhà nước; thúc đẩy cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền phù hợp với xã hội dân chủ; cải tiến cách thức ban hành chính sách bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn và phương pháp khoa học; tăng cường năng lực phối hợp tổ chức và công tác lãnh đạo giữa các thực thể của hệ thống quyền lực; tăng cường dân chủ hoá; tăng cường vai trò hỗ trợ và hướng dẫn của nhà nước cho doanh nghiệp và dân chúng thông qua các biện pháp thông tin ...
|
|
Bàn về giáo dục và đào tạo trong nền kinh tế tri thức, các báo cáo đã đề cập đến những vấn đề đang đặt ra cho giáo dục Việt Nam: Một là phải khai thác được tiềm năng của bộ phận trí thức ưu tú, những người có tài và tầm trí tuệ có thể là đầu tầu kéo cả đất nước đi lên. Hai là giáo dục phải lấy chất lượng làm đầu, coi đó là điểm đột phá nhằm chấn chỉnh toàn diện hệ thống giáo dục hiện nay, là nền tảng quyết định tương lai, là chiến lược của sự phát triển. Ba là ngành giáo dục Việt Nam phải đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, thể hiện ở việc đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo ở tất cả các ngành, các cấp bậc của hệ thống giáo dục.
Bên cạnh đó, một số báo cáo khác bàn về những thay đổi trong định hướng và phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn; tầm quan trọng của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận tri thức trong nền KTTT... |