Diễn đàn có sự tham gia của các Bộ, Ban, Ngành, Thành phố Hà Nội; các nhà khoa học, học giả, các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín của Việt Nam; đồng thời, cũng chào đón các vị khách quốc tế từ các Đại sứ quán của các nước Đông Nam Á và một số quốc gia khác; sự tham gia trực tuyến của các học giả đến từ các đại học, viện nghiên cứu có tiếng ở các nước trong và ngoài khu vực ASEAN như Lào, Singapore, Thái Lan, Nga,… Sự cần thiết của việc hợp tác quản trị an ninh phi truyền thống tại khu vực ASEAN Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có những nền kinh tế năng động nhất thế giới và ASEAN hiện là thị trường lớn thứ 3 toàn cầu với mức tăng trưởng GDP dự báo vào khoảng 5,5%/ năm và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2025. Song song với thực tế đó, ASEAN cũng phải đối mặt với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa về an ninh đang hiện hữu và ngày càng tăng lên, trong đó, đặc biệt nổi lên là các vấn đề an ninh phi truyền thống như: chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng, dịch bệnh, thảm hoạ thiên nhiên… “Trước tình hình đó, hợp tác ASEAN về an ninh phi truyền thống trở thành nhu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài để phát triển bền vững và bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân các nước” – Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Diễn đàn. Với việc thành lập Cộng đồng ASEAN từ năm 2015 với ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, những năm qua, ASEAN đã có những cơ chế phối hợp và hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này. Trong hầu hết các diễn đàn, hội nghị quan trọng của ASEAN như ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN), AMM (Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN), ADMM (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN),… các cơ chế khác như ASEAN + 1, ASEAN + 3,…đều đưa vấn đề an ninh phi truyền thống vào chương trình nghị sự. Tuy nhiên, bản chất an ninh phi truyền thống là một vấn đề rộng, do đó, hợp tác quản trị vấn đề này trong nội khối ASEAN luôn cần được tăng cường, trong đó, các cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu có thể góp phần cung cấp luận cứ cho các nhà hoạch định chính sách ứng phó tốt hơn với các rủi ro và thách thức đe dọa an ninh phi truyền thống của từng quốc gia và khu vực. ACF-MNS: chia sẻ và trao đổi về lý luận và thực tiễn của công tác quản trị an ninh phi truyền thống Giới thiệu về Diễn đàn, Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐHQGHN cho biết chủ đề của Diễn đàn lần thứ nhất này là “Đoàn kết, chủ động hợp tác quản trị, ứng phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở khu vực ASEAN”. Diễn đàn tiếp cận từ 03 góc độ: cơ chế, chính sách, pháp luật về an ninh phi truyền thống; nghiên cứu khoa học và đào tạo về an ninh phi truyền thống; quản trị, thực thi an ninh phi truyền thống. Tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giữa các cơ quan hành pháp, quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo về an ninh phi truyền thống, góp phần nâng cao hiệu quả việc xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam và các nước ASEAN về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh Hoàng Đình Phi Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh Hoàng Đình Phi chia sẻ trong quá trình chuẩn bị cho Diễn đàn, Ban Tổ chức đã nhận được 65 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, trong đó, có 50 báo cáo của các tác giả Việt Nam và 15 báo cáo của các tác giả nước ngoài ở các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN. Trong tham luận của mình, các tác giả đã dành nhiều công sức, trí tuệ để phân tích, đánh giá và làm sáng tỏ các nội dung theo chủ đề của Diễn đàn. Trong khuôn khổ chương trình, diễn đàn tập trung thảo luận phân tích và chia sẻ tri thức về an ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống; phân tích các vấn đề an ninh phi truyền thống và tác động của nó đối với từng quốc gia và khu vực ASEAN; đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác để nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo và quản trị an ninh phi truyền thống từ chính sách đến chiến lược, hành động. Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định đây là một tọa đàm này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay Theo Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, vấn đề đặt ra cần phải nhận thức đầy đủ về nội hàm của quản trị an ninh phi truyền thống đặt trong tổng thể của hoạt động quản trị quốc gia; cần phân biệt rõ giữa quản lý và quản trị. Bên cạnh đó, cần phải sử dụng các chỉ số trong quản trị quốc gia để quản trị an ninh phi truyền thống. Bản thân các nhà khoa học cũng cần chủ động nghiên cứu từ các vấn đề thực tiễn để đánh giá tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống đối với từng quốc gia và khu vực. Ngoài ra, ASEAN cần tăng cường hợp tác trên lĩnh vực học thuật để các nước có thể chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với các thách thức này. ĐHQGHN kỳ vọng sau sự thành công của Diễn đàn này sẽ hình thành nên một diễn đàn chung, thường niên của ASEAN về an ninh phi truyền thống, là nơi thu hút các nhà khoa học và học giả, các nhà quản trị, hoạch định chính sách trong và ngoài ASEAN tới bàn thảo về các khía cạnh khác nhau của an ninh phi truyền thống nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, thịnh vượng và phát triển bền vững. Từ năm 2014, Đại học Quốc gia Hà Nội – cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam đã mở chuyên ngành đào tạo Thạc sỹ Quản trị An ninh phi truyền thống với 8 chuyên ngành là Chính sách và Chiến lược An ninh phi truyền thống; An ninh và phát triển địa phương; An ninh kinh tế và An ninh tài chính; An ninh doanh nghiệp; Rủi ro thị trường và điều tra thương mại; An ninh thông tin và An ninh mạng; An ninh con người và An ninh môi trường; An ninh hàng không và từ năm 2021 mở chuyên ngành Cử nhân Quản trị và An ninh với 3 chuyên ngành: An ninh mạng, An ninh tài chính và Kinh doanh số. Năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Viện An ninh phi truyền thống đặt trực thuộc Trường Quản trị và Kinh doanh và đang xúc tiến ra mắt Tạp chí Quản trị và An ninh. Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học liên ngành về lĩnh vực an ninh phi truyền thống đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 3768/NQ-HĐ ngày 24/11/2021 của Hội đồng ĐHQGHN do Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Kim Sơn ký, ngày 01/12/2021, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã ký ban hành quyết định thành lập Trường Quản trị và Kinh doanh trên cơ sở tổ chức Khoa Quản trị và Kinh doanh. | >>> Các tin liên quan: ĐHQGHN thành lập Trường Quốc tế và Trường Quản trị và Kinh doanh Trường Quản trị và Kinh doanh - Nơi khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của người học VNU-HSB: Đột phá trong chất lượng đào tạo, phấn đấu trở thành Trường Quản trị và Kinh doanh Năm 2021: Tuyển sinh khóa đầu tiên Cử nhân Quản trị và An ninh |