Sáng ngày 9/11/2022, Trung tâm Khảo thí ĐHGHN tổ chức Hội thảo Khảo thí thường niên 2022, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đã đến dự và phát biểu khai mạc. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đến từ 30 trường đại học, học viện trong cả nước tham dự. Khảo thí là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi các hoạt động đảm bảo chất lượng, phát triển năng lực con người của giáo dục hiện đại. Theo xu hướng hội nhập, hoạt động kiểm tra đánh giá được xác định chính xác thông qua công cụ khảo thí hiện đại, đặc biệt khi giáo dục hiện đại từ bậc phổ thông đến các bậc cao hơn đều hướng tới hình thành các năng lực sáng tạo, giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp - hợp tác, tư duy ngôn ngữ, tính toán, tư duy phản biện... Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục nghiên cứu, xây dựng phát triển các bộ công cụ kiểm tra đánh giá người học theo năng lực, trong đó phát triển bộ công cụ khảo thí phục vụ các kỳ thi tuyển sinh luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng chuyên môn cũng như xã hội. Hội thảo Khảo thí thường niên là sáng kiến của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức nhằm tạo dựng một diễn đàn khoa học tổng hợp và chia sẻ dữ liệu về các kỳ thi đánh giá năng lực/tư duy ở Việt Nam; cung cấp cho các nhà khoa học/quản lý cái nhìn tổng thể về hoạt động khảo thí phục vụ tuyển sinh đại học; là một kênh thông tin nhìn nhận chất lượng đào tạo từ bậc trung học phổ thông đến đại học; tư vấn hoạt động dạy và học, hoạt động kiểm tra đánh giá ở các bậc đào tạo, tuyển sinh. Đối với các đơn vị khảo thí chuyên nghiệp, hội thảo là cầu nối gắn kết cộng tác, chia sẻ tài nguyên, cơ sở vật chất, kinh nghiệm, tư liệu khoa học phục vụ hoạt động nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực khảo thí. Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh: Hoạt động khảo thí nói riêng và các kỳ thi phục vụ tuyển sinh đại học nói chung đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đào tao, đặc biệt tuyển chọn được các thí sinh chất lượng theo học các chương trình đào tạo phù hợp với phẩm chất, năng lực thí sinh. Hội thảo Khảo thí thường niên 2022 là diễn đàn trao đổi kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Qua Hội thảo này, các đơn vị tổ chức phối hợp nghiên cứu hình hành các bộ công cụ chuyển đổi điểm các bài thi phù hợp, tạo ra sân chơi để thí sinh không phải dự thi nhiều lần và cung cấp nguồn tuyển chất lượng cho công tác tuyển sinh đại học. Thep thống kê, năm 2022 các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đã phục vụ 195.547 lượt thí sinh. Đây là kho dữ liệu quan trọng cho các nhà khoa học, quản lý đào tạo lần đầu tiên tiếp cận được một cách hệ thống tại Hội thảo. Bên cạnh đó, Hội thảo mang lại những thông tin quan trọng về kết quả các kỳ thi, đối tượng dự thi, tính ổn định, tính toàn diện, mức độ phổ quát của từng kỳ thi; điểm độc đáo của mỗi loại hình/bài thi hiện nay; so sánh tương quan điểm bài thi với kết quả học tập các bậc học; cung cấp thông tin khoa học cho các cán bộ quản lý về đào tạo, khảo thí và tuyển sinh xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh; định hướng tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong thời gian tới. Hội thảo Khảo thí thường niên 2022 có các báo cáo đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Tại hội thảo, các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận với các nội dung xoanh quanh các bài học kinh nghiệm trong công tác khảo thí và hướng tiếp cận tuyển sinh đại học theo năng lực ứng viên. Năm 2023, hai Đại học Quốc gia (ĐHQG) thống nhất xây dựng bộc công cụ chuyển đổi điểm hai bài thi đánh giá năng lực. Việc xây dựng thang chuyển đổi điểm bài thi đánh giá năng lực của 2 ĐHQG dựa trên công cụ đo lường giáo dục, tạo điều kiện cho các thí sinh tại các vùng miền khác nhau đều tiếp cận được các bài thi đánh giá năng lực mà không phải dự thi nhiều lần, nhiều bài thi. Thêm vào đó, bài thi đánh giá năng lực thiết kế đánh giá năng lực nên việc thí sinh dự thi nhiều lần (hay nhiều bài thi) đều không cải thiện điểm số và ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khác muốn dự thi nhưng không thể đăng ký thi. Hơn nữa, trước đây nhiều trường dùng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh nhưng khó có thể đối chiếu được điểm giữa các thí sinh xét tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực thì nay có thang điểm chuyển đổi, đối sánh. Việc thiết lập thang điểm chuyển đổi giữa hai bài thi đánh giá năng lực không chỉ mang lại lợi ích cho thí sinh mà còn tạo thuận tiện cho các trường đại học. “Việc thi và tuyển ở ĐHQGHN là tách biệt nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, việc xây dựng thang điểm chuyển đổi giữa hai bài thi sẽ góp phần giúp cơ sở đào tạo có thể sử dụng đồng thời 2 bài thi để xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, làm giảm số lượng phương thức xét tuyển đại học”- GS.TS Nguyễn Tiến Thảo phân tích. Năm 2023, ĐHQGHN tiếp tục triển khai các đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô dự kiến 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh, thành trên cả nước gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên. | |