Tham dự hội thảo có đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đại diện các nhà khoa học, học giả, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên của Viện Trần Nhân Tông. Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh nhấn mạnh: “Viện Trần Nhân Tông là tổ chức khoa học và đào tạo đặc thù, việc quyết định thành lập Viện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước tới văn hóa truyền thống dân tộc và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo đối với văn hóa tư tưởng, tôn giáo truyền thống. Viện Trần Nhân Tông nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và sứ mệnh của mình, cam kết sẽ phát triển vì sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu học thuật về lĩnh vực khoa học phật giáo. Việc tổ chức hội thảo “Phật giáo và hoạt động từ thiện” nhằm thực hiện sứ mệnh tôn lên những giá trị văn hóa và tinh thần phụng sự xã hội của Viện Trần Nhân Tông nói riêng và Phật giáo nói chung. Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Từ thiện xã hội của Trung ương Giáo hội Phật giáo nhấn mạnh: “Trên tinh thần từ bi, Phật giáo hướng đến giải thoát cho chúng sinh. Cửa chùa là cửa từ bi, đạo Phật là đạo từ bi, luôn mang lại hạnh phúc cho chúng sinh, nhưng từ bi phải đi cùng với trí tuệ. Trong Phật giáo, việc bố thí cứu giúp gồm: tài thí, pháp thí, vô uý thí. Quan trọng nhất là pháp thí, giúp khỏi vô minh tham ái, đó là gốc của mọi khổ đau. Pháp thí giúp soi đường đi đến trí tuệ, từ bi, vượt lên chính mình. Nếu chỉ có tài thí không thì không thoát khỏi sinh tử luân hồi. Chỉ có pháp thí mới tự giải thoát chính mình khỏi luân hồi. Hy vọng sau này, Viện sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo liên quan để làm sáng thêm tinh thần hộ quốc an dân, phát huy tinh thần Phật giáo nói chung, Phật giáo nhà Trần nói riêng”. Thông qua hội thảo đã có 68 bài tham luận đến từ các học giả trong và ngoài nước. Tại các phiên chuyên đề, nhiều tham luận tiêu biểu đã được trình bày theo các chủ đề tại các phiên như: “Tư tưởng, quan niệm của phật giáo về từ thiện”; “hoạt động từ thiện phật giáo: phát triển và thành tựu”; “hoạt động từ thiện phật giáo: vấn đề và xu hướng”; “phát huy vai trò, hiệu quả của hoạt động từ thiện phật giáo trong bối cảnh mới”. Tại các phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu cho rằng, từ thiện là sự sẻ chia đùm bọc chứ không phải sự ban phát xuất phát từ Tứ vô lượng tâm; “trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, tinh thần từ bi, nhập thế của phật giáo Việt Nam đã được khẳng định sâu sắc hơn nữa thông qua các hoạt động từ thiện của giáo hội như: chung tay cùng Nhà nước phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ vật tư y tế, phân phát nhu yếu phẩm cho người dân, ... Những hoạt động từ thiện mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm được trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 rất đáng được ghi nhận và là minh chứng cho tinh thần “ích đời, đẹp đạo” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông qua các hoạt động đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện chức năng xã hội quan trọng, góp phần cùng Nhà nước thực hiện an sinh xã hội”; “Từ thiện là một hoạt động trao gửi, ban cho, hiến tặng, … bằng tình thương và lòng nhân ái, qua đó tạo điều kiện cho những cá nhân, tập thể đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, có cơ hội vươn lên làm mới, làm đẹp cuộc đời. Trong Phật giáo, từ thiện còn mang giá trị tâm linh cao quý, diệt trừ tâm tham - sân - si, dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân, nuôi dưỡng hạt giống từ bi, bác ái. >>> Tin bài liên quan: -5 năm thành lập Viện Trần Nhân Tông với dấu ấn đậm nét trong nghiên cứu khoa học -Viện Trần Nhân Tông tổng kết năm 2017: Cơ duyên lớn, trách nhiệm nhiều - Hội thảo Khoa học Quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại” -Tư tưởng Phật Hoàng Trần Nhân Tông là sự kết hợp giữa tinh thần dân tộc và tinh thần bác ái nhân văn - ĐHQGHN tổ chức Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông - Đưa giá trị nhân văn của Trần Nhân Tông đến với nhân loại |