Tham dự sự kiện, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã trao đổi về các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ĐHQGHN, bàn về giải pháp phát triển thị trường KH&CN. Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc sự kiện Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, lễ hưởng ứng nhằm chia sẻ, nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo toàn dân, là con đường để nhanh chóng tận dụng được sức mạnh của KHCN, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển và đưa Việt Nam tới thịnh vượng. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam hiện tại được đánh giá có năng lực đổi mới sáng tạo xếp vào hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển, xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7), Malaysia (thứ 36) và Thái Lan (thứ 43). Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2022 (theo đánh giá của Startup Blink). Những xếp hạng trên thể hiện tiềm năng, sức bật của nước Việt Nam trong bối cảnh quốc gia còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới. Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, đổi mới sáng tạo không phải là việc của chỉ riêng cá nhân, tổ chức nào, mà phải là tư duy, triết lý được thấm nhuần, thực thi trong từng hành động, từng nhiệm vụ. Khai thác, vận dụng và ứng dụng sức mạnh của trí tuệ, của mô hình kinh doanh, của KHCN để tạo ra giá trị gia tăng, giải quyết các thách thức, vấn đề của bản thân, của cộng đồng và của xã hội, cần trở thành kim chỉ nam cho hành động của cả quốc gia, dân tộc. Đó cũng chính là phát huy vai trò đại đoàn kết toàn dân, thực hành tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Do đó, việc chung tay cùng xây dựng và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển hệ thống giáo dục-đào tạo theo hướng đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh thương mại hóa, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ và tài sản trí tuệ, hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp KHCN và đổi mới sáng tạo, phát triển hệ thống các trung tâm, mạng lưới đổi mới sáng tạo liên kết toàn cầu là những nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng phải được thực hiện. Trưởng ban KH&CN Vũ Văn Tích cho rằng Đề án 844 đã thay đổi cốt lõi nền kinh tế công nghiệp Trình bày tham luận “Đổi mới sáng tạo trong trường đại học và chuyển giao tri thức vào đời sống”, Trưởng ban KH&CN Vũ Văn Tích cho rằng, trong gần 40 năm đổi mới của Việt Nam, với việc tháo gỡ cơ chế quản lý mang tính kế hoạch sang khoán theo sản phẩm đầu ra (Khoán 10) đã đưa Việt Nam phát triển được như ngày hôm nay. Hơn 30 năm mở cửa, hội nhập, nền kinh tế nước ta hội nhập tốt với nền kinh tế thế giới và hệ thống doanh nghiệp đã phát triển hùng hậu. Đổi mới sáng tạo trong hoạt động KH&CN mới bắt đầu được hơn 10 năm với sự xuất hiện của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) do Bộ KH&CN chủ trì đã làm thay đổi cốt lõi của một nền kinh tế công nghiệp, trong đó có liên quan lớn với hoạt động của các trường đại học. Để tiếp tục có những đối mới sáng tạo thành công, ông Vũ Văn Tích đề nghị Chính phủ và Bộ KH&CN tiếp tục đầu tư hơn nữa đề hình thành cho được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của 4 thành phần: Chính phủ - Doanh nghiệp - Trường đại học - Viện nghiên cứu để làm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó coi trọng các đại học lớn để đầu tư; cho phép các trường đại học được thí điểm một số cơ chế chính sách mang tính đột phá để sớm đưa các kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo vào cuộc sống… Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sang tạo trong ĐHQGHN là một nội dung được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển ĐHQGHN Trao đổi tại sự kiện, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, thực hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Đảng và Nhà nước, ĐHQGHN cũng rất quan tâm tổ chức các hoạt động khởi nghiệp cho người học và giảng viên. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ĐHQGHN là một nội dung được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó, ĐHQGHN quyết tâm trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, trong nhóm các đại học hàng đầu châu Á và thế giới. Trong số 9 trường đại học, 5 viện nghiên cứu thành viên và 22 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ trực thuộc ĐHQGHN, các hoạt động KH&CN thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo luôn được tổ chức với các hình thức đa dạng, hấp dẫn. ĐHQGHN tập trung nguồn lực để triển khai các chương trình/đề tài KH&CN trọng điểm quốc gia với 35 nhóm nghiên cứu mạnh, 01 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 09 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN, 38 phòng thí nghiệm mục tiêu, 140 trung tâm nghiên cứu/phòng thí nghiệm chuyên đề, 22 trung tâm nghiên cứu/phòng thí nghiệm thực hành cơ sở. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đóng góp hơn 1.500 bài báo khoa học trên các tạp chí ISI và SCOPUS mỗi năm, gần 100 sáng chế, giải pháp hữu ích, 15 sản phẩm chuyển giao và khởi nghiệp. Đây là nền tảng giúp gia tăng uy tín của ĐHQGHN trong tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương, hợp tác với các đối tác triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cũng cho biết thêm, trong thời gian gần đây, ĐHQGHN tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm KH&CN thông qua các hợp tác với doanh nghiệp, địa phương. Cùng với đó, ĐHQGHN cũng ban hành các chính sách theo hướng đầu tư tập trung vun cao. Vừa qua, ĐHQGHN đã ban hành Quy định quản lý tài sản trí tuệ ở ĐHQGHN hay Hướng dẫn thành lập và phát triển doanh nghiệp trong ĐHQGHN tạo hành lang pháp lý để các nhà khoa học có cơ hội phát triển các nghiên cứu theo hướng ứng dụng, chuyển giao vào cuộc sống. >>> Các tin tức liên quan: - Diễn đàn Kết nối công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam - Lào năm 2023 - Để chính sách quản lý hoạt động KH&CN được thực thi hiệu quả - Kết nối chuyển giao công nghệ giữa ĐHQGHN và các doanh nghiệp công nghệ Cộng hòa Séc - Tăng cường hỗ trợ, phát triển các phòng thí nghiệm ở ĐHQGHN đạt tiêu chuẩn thí nghiệm và hiệu chuẩn - Cần chính sách ưu đãi dành cho đơn vị nghiên cứu trọng điểm và nhóm nghiên cứu mạnh - Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh - Phòng thí nghiệm trọng điểm phải phát huy vai trò cốt lõi cho các sản phẩm khoa học công nghệ - Phòng thí nghiệm/ Trung tâm nghiên cứu trọng điểm là đơn vị khoa học công nghệ quan trọng |