Để đạt được những thành tích như hiện tại, giảng viên Phan Thị Huyền Trang đã bộc lộ tài năng và tố chất của mình rất sớm. Bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học ngay từ khi là sinh viên năm hai, trong hai năm liên tiếp, chị đều giành giải Nhất phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường, đồng thời tốt nghiệp Thủ khoa Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Dẫn luận ngôn ngữ - một môn học gây khó khăn với nhiều người lại chính là môn học yêu thích của cô sinh viên Huyền Trang lúc bấy giờ. Với chị, học tập không phải là một quá trình tiếp thu kiến thức theo khuôn phép, mà đơn giản chỉ là lao ngay vào tìm hiểu khi mình thấy hứng thú và băn khoăn. Bản thân Huyền Trang yêu thích tìm hiểu về sự có quy tắc của những điều tưởng chừng như bất quy tắc trong ngôn ngữ. Một trong những câu hỏi nảy lên trong đầu cô là tại sao ở Nam Định - quê hương cô - lại có rất nhiều địa danh có tên bắt đầu bằng từ “Cổ”, liệu việc đặt tên này có tuân theo bất kỳ quy luật nào không? Hay đơn giản, khi đọc thơ Hàn Mặc Tử, cô băn khoăn là liệu có quy luật ngữ âm nào đằng sau nhạc tính của những tác phẩm thi ca của người nghệ sĩ này không? Nữ giảng viên cho rằng, bất cứ sinh viên nào cũng nên theo đuổi đề tài khi đã có sự tò mò, băn khoăn với nó, vì sinh viên có thể dễ dàng kết nối được với các chuyên gia ngay tại Khoa và Trường đại học. Thậm chí sinh viên cũng có thể tìm kiếm người hướng dẫn ở ngoài trường, ngoài “biên giới quốc gia”, chỉ cần người đó phù hợp và có đủ khả năng, cũng như có cái tâm nhiệt huyết chỉ dạy, bất kỳ ai cũng đều có thể làm người hướng dẫn cho bạn. Chị chia sẻ, mỗi bài nghiên cứu của chị thường được thực hiện trong 4 đến 5 năm, từ lúc bắt đầu cho đến lúc được xuất bản. Mặc dù, trong số các công trình khoa học chị thực hiện có nhiều bài bị từ chối nhưng với chị, đây chính là cơ hội để chị chỉnh sửa và hoàn thiện bài viết dựa trên những góp ý của tạp chí, những phản biện của hội đồng, đúc rút kinh nghiệm cho mình để bài viết tốt hơn ở những lần sau. Đến thời điểm hiện tại, chị đã xuất bản ba cuốn sách và hơn 10 bài báo khoa học đã được xuất bản ở các nhà xuất bản và tạp chí quốc tế uy tín. Cuốn sách mà chị tâm đắc là chuyên luận do chị làm chủ biên "Interdisciplinary perspective on Vietnamese languages" được xuất bản bởi Nhà xuất bản John Benjamins năm 2019 và cuốn sách "Vietnamese Linguistics: State of the field, do University of Hawaii" xuất bản năm 2022. Đây là những công trình khoa học chị và nhóm làm việc đã tạo ra một cộng đồng chuyên môn để kết nối các nhà Việt ngữ học trên thế giới và ở Việt Nam. Gắn bó với việc nghiên cứu lý thuyết trong nhiều năm, giảng viên Phan Thị Huyền Trang cũng tích lũy cho mình những trải nghiệm thực tế quý báu. Một trong số đó là chuyến thực tế cùng đoàn nghiên cứu Thụy Sĩ tại đảo Cát Bà (Hải Phòng) để tìm hiểu về việc học tiếng Việt của trẻ em ở đây. Qua chuyến điền dã này, chị có cơ hội được làm việc như một nhà ngôn ngữ học thực nghiệm. Nữ giảng viên trẻ ngày càng nhận ra vai trò và giá trị của hoạt động nghiên cứu khoa học khi có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, trong chuyến đi này, chị cũng đã gắn kết được tam giác nghiên cứu: gia đình - nhà trường - cộng đồng thông qua việc kết nối nhóm sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Ngoại ngữ với đoàn nghiên cứu quốc tế. Ít ai biết rằng, dù đạt được nhiều thành tựu như vậy nhưng Phan Thị Huyền Trang vẫn luôn mang trong mình cảm giác không hiểu hoặc hoang mang khi đọc các bài báo khoa học, các công trình nghiên cứu. Đây cũng là vấn đề mà rất nhiều bạn trẻ gặp phải khi mới tiếp xúc với nghiên cứu khoa học. Hằng ngày chị vẫn dành thời gian đọc những bài báo liên quan đến những đề tài mình quan tâm. Huyền Trang thường có thói quen vào lớp sớm hơn 15 phút để đọc những bài tạp chí khoa học mình yêu thích. Lời khuyên của chị là hãy đọc kể cả khi không hiểu, đọc theo chủ đề, đọc nhiều và làm quen với chủ đề đó rồi dần dần sẽ hiểu về nghiên cứu và nội dung bài đọc. Từ góc nhìn của chị, nghiên cứu không phải là một nghề riêng biệt mà là một thực hành ai cũng đang làm ở một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của mình. Ai cũng là một nhà nghiên cứu tự thân khi liên quan đến lĩnh vực mình yêu thích. Bản thân chị nhìn đâu cũng thấy thứ hay để học hỏi, giữ cho mình một “learner mindset” (tư duy người học). Khi được hỏi về lý do lựa chọn Trường ĐH Ngoại ngữ là nơi để thoả sức nghiên cứu và sáng tạo, Huyền Trang cho rằng đây là một môi trường năng động, chuyên nghiệp, có nhiều cơ hội để phát triển và kết nối với quốc tế. Câu nói tâm đắc nhất của chị là: "Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân". Tuy vậy, những cánh én nhỏ hợp sức cùng nhau có thể tạo nên mùa xuân. Trường ĐH Ngoại ngữ nói riêng và ĐHQGHN nói chung đang đầu tư rất tốt cho nghiên cứu, đặt thế cân bằng cho tầm quan trọng của việc giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt trong 5 năm gần đây. Mặc dù, trên thực tế, môi trường nghiên cứu ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển như thế giới nhưng đã có nhiều giảng viên học tập, trao đổi ở nước ngoài, mang về những “màu sắc mới mẻ”, là những “cánh chim mang mùa xuân đến”, giúp sinh viên được tiếp cận với kiến thức và phương pháp học mới mẻ, hiện đại. Đặc biệt, chị đánh giá cao sự hiếu học, cầu thị và thái độ học tập của sinh viên Việt Nam, “chỉ cần thực sự muốn là sẽ không quản ngại ngày đêm thực hiện”. Với tư cách là Trưởng nhóm cộng đồng Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, chị luôn tâm niệm đây sẽ là sân chơi, không gian học tập sôi động, tạo cảm hứng nghiên cứu cho tập thể giảng viên và sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, đồng thời mong muốn biến Trường ĐH Ngoại ngữ thành đầu mối nghiên cứu tiếng Việt giữa Việt Nam và nước ngoài.
|