TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 10:53:42 Ngày 20/08/2023 GMT+7
Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN sẵn sàng mở ngành cử nhân Thiết kế công nghiệp và đồ họa
Ngày 18/8/2023, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà tuyển dụng để hoàn thiện dự thảo chương trình đào tạo và đề án mở ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa bậc đại học.

 

Đến dự có GS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Tổ trưởng Tổ chuyên gia xây dựng Đề án mở ngành này – chủ trì hội thảo.

Tham gia Hội thảo, ngoài các giảng viên của Khoa Xây dựng – Giao thông và CNTT của nhà trường, còn có các thầy cô và đại biểu đại diện các trường đại học, các công ty liên quan đến ngành thiết kế công nghiệp và đồ họa đến từ ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, Đại học FPT, ĐH Phenikaa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Kiến trúc, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Quốc tế – ĐHQGHN, Viện thiết kế BQP, Đại diện Sumsung, Siemen, LGEDV, Công ty Cổ phần trang trí nội ngoại thất Home Decor, Giám đốc văn phòng KTS Ngô Lê và đại diện Ban Đào tạo ĐHQGHN.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh về định hướng phát triển của Trường Đại học Công nghệ, ngay từ khi thành lập, cố GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập của Nhà trường đã xây dựng và xác lập tầm nhìn chiến lược và sứ mệnh của Trường Đại học Công nghệ là lấy khoa học cơ bản mạnh mẽ làm nền tảng vững chắc để phát triển các ngành và lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đại của thế kỷ 21 theo hướng Công nghệ thông tin và Truyền thông, điện tử viễn thông, tự động hóa, vật lý kỹ thuật, robotics, công nghệ Nano, công nghệ sinh học và tự động hóa.

 

GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ phát biểu

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc ĐHQGHN và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy trách nhiệm xã hội, Nhà trường đang từng bước hoàn thiện và phát triển định hướng nghiên cứu, triển khai một số lĩnh vực mới trên cơ sở phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông gồm Công nghệ nông nghiệp, Công nghệ Hàng không vũ trụ và Công nghệ xây dựng – giao thông. Trên cơ sở nhu cầu của xã hội, nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Trường ĐH Công nghệ nhận thấy sự cần thiết của việc mở ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa.

Hiệu trưởng hy vọng các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các nhà tuyển dụng góp ý, bổ sung về sự cần thiết của ngành, góp ý về chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo để Nhà trường có thể hoàn thiện đề án mở ngành đào tạo Thiết kế công nghiệp và đồ họa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Thay mặt nhóm chuyên trách, TS Phan Hải Đăng – khoa Công nghệ Xây dựng – giao thông đã trình bày dự thảo chương trình đào tạo và đề án mở ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa của Trường Đại học Công nghệ.

 

TS. Phan Hải Đăng – khoa Công nghệ Xây dựng – giao thông trình bày báo cáo

Hội thảo cũng được lắng nghe 2 báo cáo bao gồm: Đào tạo kỹ sư thiết kế theo định hướng ứng dụng trong công nghiệp – PGS.TS Trần Thế Văn (Trưởng Khoa Cơ khí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) và Thực tế giảng dạy chuyên ngành thiết kế công nghiệp và những tiềm năng – ThS. Lý Thị Hoài Thu (Trường ĐH Kiến trúc).

 

ThS. Lý Thị Hoài Thu (Trường ĐH Kiến trúc) trình bày báo cáo “Thực tế giảng dạy chuyên ngành thiết kế công nghiệp và những tiềm năng”

 

PGS.TS. Trần Thế Văn (Trưởng Khoa Cơ khí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) trình bày báo cáo “Đào tạo kỹ sư thiết kế theo định hướng ứng dụng trong công nghiệp”

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận với nhiều nhận xét, góp ý cho nhóm chuyên trách để hoàn thiện chuẩn đầu ra, khung chương trình đào tạo, … đảm bảo tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

Các giảng viên, nhà tuyển dụng đã đóng góp nhiều ý kiến đối với ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa

 

Kết thúc Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ xây dựng – giao thông khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng ngành đào tạo Thiết kế công nghiệp và đồ họa đáp ứng nhu cầu xã hội trong tương lai. Đất nước phải đào tạo không chỉ có cử nhân, kỹ sư. Mà muốn làm nên những sản phẩm quốc gia phải có các công trình sư, tổng công trình sư. Thiết kế công nghiệp và đồ họa không chỉ là thiết kế kiểu dáng công nghiệp và kiểu dáng sản phẩm, đồ. Mà xa hơn, phải là người am hiểu – giỏi về kỹ thuật và công nghệ. Ví dụ muốn chế tạo tên lửa, phải có công trình sư/tổng công trình sư hiểu rất rõ về 3 cấu thành quan trọng nhất của nó là thân vỏ – động cơ và điều khiển, từ đó chỉ huy các lực lượng liên quan thiết kế và chế tạo. Và đương nhiên, sẽ phải hiểu thẩm mỹ và khí động khi thiết kế. Ngành thiết kế công nghiệp và đồ họa của Trường ĐH Công nghệ mở ra có sự khác biệt, với tham vọng, tầm nhìn chiến lược và sâu sắc như vậy. Mở ra ngành này, cùng với ngành cơ khí chế tạo máy tới đây, sẽ là một bước ngoặt và động lực quan trọng cho sự phát triển của nhà trường và ĐHQGHN trong tương lai.

Giáo sư cũng gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã có những góp ý để nhóm chuyên trách hoàn thiện đề án mở ngành trước khi nghiệm thu ở các cấp tiếp theo.

  

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch HĐ trường, phụ trách nhóm chuyên gia xây dựng Đề án mở ngành phát biểu

Ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa với mục tiêu đào tạo cho người học những kiến thức về nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật, công nghệ, mỹ thuật và đồ họa trong thiết kế hệ thống, trang thiết bị, thiết kế sản phẩm công nghiệp, đồ họa và thiết kế mỹ thuật. Trên cơ sở đó, sinh viên có thể nghiên cứu, ứng dụng kiến thức chuyên ngành, liên ngành và thực tế xã hội để tìm ra giải pháp tối ưu các bài toán đặt ra trong thiết kế công nghiệp và đồ họa.

 VNU Media - UETnews
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ