Từ năm 2022, ngày 8/9 hàng năm được Chính phủ chọn làm ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đánh dấu một chặng đường vinh quang mới của tiếng Việt. Để vươn tới cột mốc có ý nghĩa lịch sử và chính trị quan trọng đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những đóng góp đặc biệt giá trị đối với toàn bộ quá trình truyền dạy, quảng bá và lan tỏa tiếng Việt, bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới. Với sứ mệnh “dạy tiếng Việt cho lưu học sinh, xây dựng phương pháp dạy tiếng, đào tạo phiên dịch cao cấp” được trao từ năm 1968, Khoa Tiếng Việt thuộc Đại học Tổng Hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) trải qua hơn 60 năm truyền thống và 55 năm thành lập, trở thành một địa chỉ uy tín bậc nhất Việt Nam về công tác dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong hành trình tôn vinh tiếng Việt PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN trong cuộc họp triển khai Kênh dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài Hoàn thành 6 hạng mục có tính dẫn dắt hệ thống đào tạo quốc tế về tiếng Việt Từ năm 2012 đến 2020, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hoàn thành 6 hạng mục có tính dẫn dắt đối với hệ thống đào tạo quốc tế về tiếng Việt. Thứ nhất, biên soạn thành công Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia (quyết định số 17/2015/TT-BGDĐT, ngày 1.9.2015). Thứ hai, biên soạn thành công Định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia (Quyết định ban hành Định dạng đề thi số 2097/QĐ-BGDĐT và Quyết định phê duyệt Tài liệu hướng dẫn xây dựng đề thi và chấm thi theo Định dạng đề thi đánh giá nănglực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài số 2098/QĐ-BGDĐT, ngày 21.6.2016). Thứ ba, biên soạn Chương trình Đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người nước ngoài một cách có hệ thống, chuyên nghiệp. Thứ tư, đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài cho Chính phủ (hơn 10 khóa với hàng nghìn giáo viên từ nhiều nước trên thế giới, thực hiện trực tiếp và trực tuyến) và đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tại cuộc họp triển khai Kênh dạy tiếng Việt cho kiều bào Thứ năm, đặc trách chuyên môn cho đề án Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài (Quyết định số 1382/QĐ-TTg, ngày 12.7.2016) Thứ sáu, biên soạn thành công Khung chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (thuộc đề án Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, Quyết định số 14/QĐ-TTg, ngày 6.1.2017). Từ năm 2020 đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, quyết liệt đối với nhiệm vụ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, thúc đẩy tiến độ cụ thể hóa các hoạt động giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng kiều bào xa xứ thông qua chuỗi Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” (từ năm 2020) và Đề án “Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” (từ năm 2022) với tổng kinh phí cho cả 2 Đề án lên đến 12 tỷ đồng từ chính nguồn lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn và nhiệm vụ đào tạo có tính quốc tế và tinh thần nhân văn của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức nhóm chuyên môn, hoàn thành toàn bộ 19 hợp phần của tiểu đề án, bao gồm khối ngữ liệu phục vụ công tác chuyển đổi số trong giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào khắp năm châu. Đây là bộ ngữ liệu quy mô đồ sộ nhất, được đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện với hệ sinh thái tiếng Việt, văn hóa Việt, phục vụ kiều bào từ hệ thống tài liệu học tập theo khung năng lực tiếng Việt 6 bậc, tài liệu kiểm tra đánh giá, tài liệu hướng dẫn giảng dạy, tài liệu chỉnh ngữ âm và các bộ tài liệu chuyên môn thiết thực, phù hợp với nhu cầu trao đổi, giao tiếp, thương mại, du lịch, học thuật… của kiều bào ở mọi lứa tuổi. Kiều bào có thể tiếp cận bài học và luyện tập tiếng Việt ở trình độ cao hơn Ngày 8.9.2022, Ban Đề án Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã cho ra mắt Kênh dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài trong Lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (tại Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao). Nguồn ngữ liệu dạy tiếng Việt sơ cấp cho Kênh thuộc hệ thống của Đề án trên nền tảng vận hành của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Khai giảng khoá tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào Việt Nam Lớp học trực tuyến tiếng Việt sơ cấp cho kiều bào từ năm 2022 đến nay đã phục vụ hàng trăm lượt người học đa dạng thuộc nhiều quốc tịch gồm 17 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Malaysia, Anh, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Campuchia. Đây là khóa học trực tuyến đa văn hóa, đa quốc tịch, dưới hình thức phục vụ miễn phí các tầng lớp kiều bào, góp phần tạo nên thành tựu đột phá về công tác đối ngoại nhân dân cũng như hành trình thực hiện sứ mệnh quốc gia của Đại học Quốc gia Hà Nội. Dự kiến đến năm 2024, Kênh giảng dạy này sẽ trở thành địa chỉ trung tâm của kiều bào trong việc rèn luyện tiếng Việt trình độ trung cấp, là nền tảng ngôn ngữ trọng yếu đối với kiều bào có nhu cầu học tập đại học và sau đại học tại Việt Nam. Người học là kiều bào có thể tiếp cận bài học và luyện tập tiếng Việt ở trình độ cao hơn, cùng với hệ sinh thái các tài liệu tham khảo có giá trị để thúc đẩy tinh thần tự học, tự đào tạo của người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. TS Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2022 Tiên phong và nỗ lực xây dựng các chương trình đào tạo, các dự án tầm vóc lớn của quốc gia và dân tộc, Đại học Quốc gia Hà Nội đã để lại dấu ấn chiến lược giáo dục nhân văn, nhãn quan quản trị đại học nhạy bén với quá trình gần 5 năm quyết liệt đầu tư và hoàn thiện “Đề án tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Mô hình của Đề án trọng tâm này đã góp phần chuyển hóa các giá trị hàn lâm thành thực tiễn ứng dụng khoa học công nghệ một cách thiết thực, nhằm mục tiêu phục vụ hiệu quả cho hơn 5,3 triệu kiều bào. |