Hội thảo cũng có sự tham gia của Trường Đại học Curtin (Australia) và Trường Kinh doanh IPAG (CH. Pháp).
Hội thảo quốc tế thường niên VSEFI được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề, những thách thức trong đổi mới, kinh doanh và tài chính. Đây cũng là dịp để các học giả Việt Nam trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển các dự án nghiên cứu với các học giả và chuyên gia quốc tế. Đặc biệt, với những chủ đề đa dạng và cấp thiết, hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp lớn (World Bank, KPMG) đến cùng chia sẻ kinh nghiệm.
Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Nguyễn Quang Thuận phát biểu khai mạc hội thảo
Các chủ đề chính của hội thảo gồm có: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn và Máy học trong Tài chính; Mô hình kinh doanh và đổi mới sáng tạo; Huy động vốn từ cộng đồng; Chuyển đổi kỹ thuật số trong doanh nghiệp; Tài sản tiền điện tử; Tài chính và ngân hàng kỹ thuật số; Đổi mới kỹ thuật số và quản lý tri thức; Nguồn nhân lực kỹ thuật số; Thị trường điện tử và nền tảng giao dịch; Khởi nghiệp/Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đổi mới Kỹ thuật số; Tài chính số; Chiến lược tăng trưởng theo định hướng đổi mới; Quản lý đổi mới; Quản trị và tài trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao; Tiền điện tử; Cho vay P2P; Tính bền vững trong Thế giới số…
Đặc biệt, tại Hội thảo lần này, vấn đề “tài chính xanh” dành được sự quan tâm của nhiều diễn giả. Cách đây vài năm, khái niệm tài chính xanh còn khá mới mẻ với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu hiện nay, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề này. Đây được xem là giải pháp quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.
PGS.TS. Phạm Thu Phương, Trường ĐH Curtin, Australia chia sẻ, để phát triển bền vững thì nhất định phải có tài chính xanh đồng hành. Để tạo dựng được “nền tài chính xanh” thì trước hết Chính phủ cần có cơ chế, chính sách, động thái để nâng cao nhận thức của người dân. Tiếp đến, Chính phủ cũng cần xây dựng chính sách hỗ trợ về tài chính cho các đơn vị sản xuất sản phẩm xanh, để giảm chi phí sản xuất sản phẩm này để người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Về hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng nghiệp, GS.TS. Nguyễn Đức Khương – chuyên gia Trường Quốc tế, khẳng định đổi mới sáng tạo có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của nền kinh tế. Theo thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, để hoạt động đổi mới sáng tạo có đất phát triển, Chính phủ cần xây dựng cơ chế chính sách để tạo dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp, nhà đổi mới sáng tạo phải thật nhiều tâm huyết và mong muốn đi lên, cùng kết nối các chủ thể khác trong hệ sinh thái cũng như các chủ thể ở nước ngoài để tận dụng về khoa học công nghệ, kiến thức cũng như sự hợp tác, phối hợp. “Chúng ta cũng cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các thành phần khác trong hệ sinh thái như các ngân hàng, quỹ đầu tư mạo hiểm, họ cũng phải rất quan tâm đến Việt Nam – một đất nước đang có rất nhiều bài toán lớn, nhiều khó khăn và những khó khăn này cần có sự tư duy sáng tạo và giải pháp công nghệ sáng tạo”, GS.TS Nguyễn Đức Khương chia sẻ.
GS Iftekhar Hasan – Đại học Fordham, Hoa Kỳ; biên tạp viên tạp chí Financial Stability – diễn giả chính tại hội thảo
Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội thảo được nghe những ý kiến hữu ích từ các chuyên gia doanh nghiệp về bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng (ESG) tại phiên bàn tròn thảo luận. Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp đã định hướng lại hoạt động kinh doanh nhằm tạo ra giá trị bền vững từ môi trường, sự gắn kết của nhân viên, quan hệ đối tác đến tác động xã hội. Thước đo thành công của nhiều doanh nghiệp không chỉ nằm ở các chỉ tiêu tài chính nữa mà bao gồm cả các yếu tố ESG.
Năm nay, hội thảo quốc tế “Sáng nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo” đã lựa chọn 60 báo cáo từ hơn 100 báo cáo gửi về để trình bày trong các phiên thảo luận chính thức của hội thảo.
Các chuyên gia và doanh nghiệp tại phiên thảo luận bàn tròn
Sinh viên Trường Quốc tế thuyết trình tại phiên thảo luận song song
|