Hội thảo nhằm hiện thực hóa từng bước trong nội dung hợp tác giữa HDC với PwC Việt Nam. Hội thảo hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp và trong khuôn khổ hội thảo này sẽ trao đổi những nội dung quan trọng như: viêc thực hành báo cáo môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp - ESG (Environmental, Social, and Governance); Chương trình thúc đẩy tài chính khí hậu - CFA (Climate Finance Accelerator) tại Việt Nam; cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - CSR (Corporate Social Responsibility). Các chủ đề này ngày càng trở nên quan trọng và thu hút sự quan tâm rộng rãi từ các doanh nghiệp không chỉ trên thế giới mà cả tại Việt Nam.
Doanh nghiệp để phát triển cần đến yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (viết tắt là ESG). ESG hiện đang là xu hướng toàn cầu mang tính chiến lược và cấp thiết cho hầu hết các doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững trong dài hạn. Từ năm 2021, cam kết của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (“Net Zero”) đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị COP26, yêu cầu biến cam kết thành hành động, thúc đẩy các cấp chính quyền xây dựng chính sách, luật định liên quan tới môi trường cũng như các doanh nghiệp chung tay để hiện thực hóa cam kết quốc gia. Do đó, việc hiểu về ESG và xây dựng lộ trình thực hành ESG trong doanh nghiệp thực sự quan trọng.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Phát triển Nguồn Nhân lực (HDC), ông Trương Việt Hà cho biết: ĐHQGHN đã đóng góp tích cực vào "hệ sinh thái doanh nghiệp" (Business Ecosystem). Đơn cử là sự ra mắt của Kênh Hợp tác và Phát triển doanh nghiệp của ĐHQGHN (VIC) được thành lập với mục tiêu trở thành nơi hội tụ của các doanh nghiệp, tạo ra những giá trị cộng hưởng cho cả cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, chúng tôi luôn nỗ lực với tôn chỉ "Cùng nhau kết nối, cùng nhau chia sẻ và cùng nhau phát triển".
Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Dự báo và Phát triển Nguồn nhân lực, ĐHQGHN và Công ty PwC (Việt Nam) cùng hướng tới mục tiêu phát triển Kênh Hợp tác và Phát triển Doanh nghiệp của ĐHQGHN (VIC). HDC đánh giá cao sự hợp tác này và tin rằng nó sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho các bên.
Ông Trương Việt Hà nhấn mạnh: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là một trách nhiệm pháp lý mà còn là một phần không thể thiếu của chiến lược kinh doanh bền vững, đem lại giá trị cho cả doanh nghiệp và xã hội. Chúng tôi tin rằng thông qua sự chia sẻ và trao đổi từ các chuyên gia, diễn giả và khách mời, hội thảo này sẽ giúp đưa ra các gợi ý, giải pháp thực tế và giải đáp các thắc mắc về môi trường, xã hội, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tiến bộ và góp phần xây dựng một xã hội, một tương lai bền vững hơn nữa.
Ngoài ra, Hội thảo còn mang đến cái nhìn thiết thực về Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu (CFA) tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ các dự án liên quan đến khí hậu và thu hút các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực này.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch Công ty PwC đánh giá cao về sự hợp tác của Trung tâm HDC đối với doanh nghiệp. Đây sẽ là diễn đàn nhằm chia sẻ những góc nhìn, quan điểm của các chuyên gia, diễn giả và khách mời về các khía cạnh của ESG và giới thiệu về chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu Việt Nam. Trong thời gian qua ĐHQGHN đã tham gia tích cực và góp phần quan trọng vào hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia, thông qua sứ mệnh như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, chuyển giao tri thức và công nghệ mới, cung cấp kỹ năng và kiến thức để khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân mong muốn trong thời gian tới, phía Công ty sẽ được hợp tác sâu rộng cùng với Trung tâm HDC thông qua các chuỗi hội thảo chuyên môn để nhằm giúp đội ngũ giảng viên, sinh viên của ĐHQGHN tiệm cận thực tiễn hơn về lĩnh vực ESG và áp dụng ngay trong nội tại ĐHQGHN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chia sẻ từ các chuyên gia ESG về vấn đề: Doanh nghiệp Việt Nam và cuộc cách mạng ESG; Thực hành ESG trong chuyển đổi năng lượng xanh; Chuyển đổi để phát triển bền vững bằng ESG và chuyển đổi số; Giới thiệu Chương trình CFA toàn cầu, CFA Việt Nam và tiêu chí lựa chọn; Chia sẻ bài học thực hành ESG của doanh nghiệp Việt Nam; …
Các nội dung xoay quanh các vấn đề tài chính, kêu gọi tài trợ trực tiếp cho các dự án, tạo ra nguồn dự án có khả năng vay vốn và cho vay. Nâng cao năng lực giúp các dự án thu hút hơn, các dự án có khả năng đáp ứng thiết thực hơn với nhu cầu thị trường cần để tăng khả năng kêu gọi tài trợ, phát triển dự án thành công.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, ông Hoàng Việt Cường - Phó tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Doanh nghiệp tại PwC Việt Nam đã điều phối cuộc thảo luận về xu thế ESG toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào trong thời gian tới? đây có phải là thời điểm lý tưởng để các công ty chuyển đổi lên thực hành ESG; Lời khuyên dành cho các doanh nghiệp, làm thế nào triển khai CSR hiệu quả?; Những thách thức chính của doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng xanh là gì? Lĩnh vực nào có thể gặp nhiều thách thức, khó khăn nhất?; Chương trình CFA có tài trợ vốn cho các dự án không và có giới hạn mức tài trợ không? Một nhà phát triển có được nộp cho nhiều dự án cùng lúc? Các dự án cần những gì để thu hút đầu tư?; …Các chuyên gia đến từ PwC đã giải đáp mọi vấn đề mà nhiều nhà khoa học, nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng trong xu thế cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
THÔNG TIN VỀ ĐƠN VỊ TỔ CHỨC HỘI THẢO
Công ty TNHH PwC (Việt Nam) là đơn vị đối tác thực hiện chương trình CFA tại Việt Nam. Đến với chương trình CFA, các đơn vị phát triển dự án sẽ nhận được hỗ trợ và huấn luyện, đào tạo bởi các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội. Ngoài ra, chương trình cũng tạo điều kiện học hỏi và chia sẻ kiến thức chuyên môn giữa các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, và các nhà hoạch định chính sách. Sau khi kết thúc giai đoạn đào tạo, chương trình CFA Việt Nam sẽ tổ chức các hội thảo dành cho các đơn vị phát triển dự án và các tổ chức tài chính. Đây là cơ hội để các đơn vị phát triển dự án gặp gỡ và tiếp xúc với các nhà đầu tư và trình bày dự án của mình.
Chương trình CFA Giai đoạn 1 được triển khai từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023, với chín (09) dự án tiềm năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng năng lực trong 2,5 tháng. Sau đó, sự kiện chính của chương trình CFA Giai đoạn 1 đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2023 để kết nối các dự án được chọn, các nhà tài trợ và nhà đầu tư, đại diện chính phủ và các bên liênquan khác.
Trung tâm Dự báo Phát triển Nguồn Nhân lực ĐHQGHN (HDC)
Là một đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực có nhiệm vụ nghiên cứu dự báo và phát triển nguồn nhân lực cho ĐHQGHN và cung cấp sản phẩm, dịch vụ nghiên cứu dự báo, phát triển nguồn nhân lực đỉnh cao cho xã hội. Được tận dụng và phát huy nguồn lực trí tuệ chất lượng cao của ĐHQGHN với gần 700 giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng ngàn tiến sĩ, trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, HDC có sứ mệnh kết nối, lan tỏa tinh hoa tri thức của Đại học Quốc gia Hà Nội đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương trong cả nước.
Sau 10 năm hoạt động, cộng hợp với thành quả đạt được của Trung tâm Phát triển Hệ thống (CSD) và Trung tâm Công nghệ Đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC), Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực ngày càng phát triển và khẳng định vị thế của một đơn vị chuyên nghiên cứu dự báo và phát triển nguồn nhân lực của ĐHQGHN.
Phát huy thế mạnh của một đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu đến năm 2025 trở thành đơn vị hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu dự báo và cung cấp các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ đỉnh cao về phát triển nguồn nhân lực cho các tổ chức trong nước và Quốc tế.
|
>>> Tin bài liên quan:
ĐHQGHN ra mắt Kênh Hợp tác & Phát triển doanh nghiệp và Ban điều hành CLB Cựu sinh viên doanh nhân
|