Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU dựa trên chính sách kinh tế xanh Diễn đàn được Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Đại học Kinh tế Cracow (Ba Lan), Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO), Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại EU (VBAE) tổ chức Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam – EU 2023 (VEF 2023) đồng tổ chức. Đây là nơi tập hợp các nhà hoạch định chính sách, học giả, doanh nhân Việt Nam và EU để cùng trao đổi, thảo luận cách thức thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai khu vực. Tăng trưởng kinh tế tại Châu Á là động lực quan trọng trong mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU Mối quan hệ kinh tế giữa châu Âu - châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là mối quan hệ quan trọng với cả hai khu vực, phụ thuộc vào thương mại và đầu tư. Trong những năm gần đây, sự tăng trưởng của nền kinh tế châu Á đã là một trong những động lực quan trọng của mối quan hệ kinh tế giữa hai khu vực này, với các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam trở thành đối tác thương mại chính cho các quốc gia châu Âu. Điều này đã được hỗ trợ bởi sự gia tăng của toàn cầu hóa, cho phép tạo ra một chuỗi cung ứng toàn cầu và sự tăng trưởng của thương mại quốc tế. Ở phiên chuyên đề 1 với chủ đề Thúc đẩy mối quan hệ kinh tế Việt Nam – EU do GS. Ewa Slezak-Belowska (Đại học Kinh tế Cracow) và TS. Vũ Thanh Hương (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) chủ trì đã diễn ra sôi nổi. ThS. Đàm Thị Phương Thảo, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã có bài báo cáo về Tác động của EVFTA đến xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU, liên quan đến Hiệp định thương mại tự do và quan hệ thương mại song phương. TS. Trần Thị Trúc, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cũng có bài báo cáo về Chính sách của các nước Trung và Đông Âu về cải thiện liên kết FDI hướng nội và bài học cho Việt Nam. Những ý kiến của TS. Trúc đã nêu những thuận lợi cho thương mại và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Dù gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU vẫn phục hồi và tăng trưởng tốt. Sự bổ trợ và gắn kết lợi ích giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, đặc biệt kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực. Tác động của EVFTA tới xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường EU cũng là một chủ đề mà TS. Lê Thị Việt Hà, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trình bày trong phiên chuyên đề lần này. Báo cáo cho thấy EVFTA đã giúp Việt Nam thành địa điểm hấp dẫn hơn để EU nhập khẩu những mặt hang như dệt may, công nghệ, … Cũng trong phiên 1, một số báo cáo khác như Phổ biến các biện pháp phi thuế quan của EU với nông sản, thực phẩm nhập khẩu và những tác động đối với Việt Nam do ThS. Mai Thị Thanh Mai, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trình bày. Hay Cơ hội và thách thức của Thương mại điện tử nông sản xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước châu Âu do ThS. Trần An Quân, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN diễn giải. Thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Tăng trưởng gắn liền với thách thức của biến đổi khí hậu Kinh tế xanh đang trở thành xu hướng phát triển tại nhiều quốc gia, trong bối cảnh các nước đều đang theo đuổi mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước như Liên minh Châu Âu (EU) rất quý báu đối với tiến trình hiện thực hóa mục tiêu hoàn thiện một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam. Song song phiên 1 là phiên 2 với chủ đề Chính sách nền kinh tế xanh và nền kinh tế các bon thấp tại các nước Việt Nam và EU. Phiên chuyên đề 2 tập trung các tham luận có liên quan đến Chuyển đổi năng lượng tái tạo, Cơ chế định giá các bon, Sáng kiến kinh tế tuần hoàn, Đầu tư cơ sở hạ tầng xanh và Thích ứng với khí hậu và khả năng phục hồi. Phiên họp này do GS.TSKH Trương Quang Học (ĐHQGHN) và PGS.TS Nguyễn An Thịnh (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) chủ trì. Phiên họp đã nêu ra một số vấn đề về môi trường. Khi kinh tế phát triển, đồng nghĩa với việc môi trường bị đe dọa và chịu ảnh hưởng nặng nề. Điển hình của ô nhiễm môi trường là thiên nhiên ngày một xấu đi. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, mưa, bão, lũ quét thất thường, suy giảm nguồn tài nguyên rừng. Ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng, hàng loạt loài động vật bị tuyệt chủng hay đứng trước bờ vực tuyệt chủng, thảm thực vật bị nghèo đi. Nguồn nước bị ô nhiễm với nhiều chất độc hại, nguồn nước tự nhiên cạn kiệt. Vì vậy, các bài báo cáo đã chỉ ra các phương thức cũng như nghiên cứu nhằm hạn chế, cải thiện các vấn đề nêu trên. Nhìn chung, mối quan hệ giữa châu Âu và châu Á và mối quan hệ giữa Việt Nam & EU là một mối quan hệ được định hình bởi một hàng loạt các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Sự gia tăng của toàn cầu hóa, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mối quan hệ này, khi cả hai khu vực đều cố gắng cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và chiến lược của họ trong khi đồng thời đối phó với những thách thức toàn cầu quan trọng. Khi thế giới tiếp tục thay đổi và xuất hiện những thách thức mới, châu Âu và châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ cần phải tiếp tục hợp tác để đối phó với những thách thức này và thúc đẩy sự phát triển kinh tế và phát triển bền vững. EU coi thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 3 trọng tâm của Chương trình hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn 2021-2027. Việt Nam và EU cũng đã triển khai nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, chuyển đổi năng lượng cân bằng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ... Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, phiên 3 với chủ đề: Hợp tác giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các nước Việt Nam và EU do TS. Roland Pac (Đại học Civitas Collegium, Ba Lan) và PGS.TS Lê Đình Hải (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) chủ trì cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Phiên chuyên đề này đưa ra các ý tưởng về Chương trình trao đổi sinh viên và học bổng, Ngoại giao văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa, Hợp tác nghiên cứu khoa học, Hệ sinh thái chuyển giao và đổi mới công nghệ, cũng như các Chương trình trao đổi ngôn ngữ và văn hóa giữa Việt Nam và các nước liên minh châu Âu. Việc trao đổi sinh viên dựa trên cơ sở đối sánh chương trình đào tạo, đảm bảo sự tương đồng về mục tiêu đào tạo, nội dung dạy và học, số lượng tín chỉ cũng như hỗ trợ việc nghiên cứu các báo cáo quốc tế được tốt hơn. Qua các hoạt động này sẽ tăng thêm tình hữu nghị khăng khít giữa các nước thành viên EU với Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh Tế, ĐHQGHN cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức, đối tác từ EU và cộng đồng doanh nghiệp EU luôn coi Trường Đại học Kinh Tế, ĐHQGHN là một địa chỉ tin cậy, là đối tác cho các hoạt động giáo dục, đào tạo đại học, cũng như nghiên cứu, xúc tiến đầu tư của EU tại Việt Nam. Cùng với đó là hoạt động trao đổi sinh viên với các trường đại học thuộc khối EU cũng là ưu tiên hàng đầu mà nhà trường hướng đến. Diễn đàn được tổ chức nhân kỷ niệm 33 năm hình thành và phát triển mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (28/11/1990-28/11/2023), diễn ra từ ngày 9-10/11, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. >>> Tin bài liên quan: Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam – EU 2023: Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững giữa Việt Nam và EU trong bối cảnh mới
|