Cơ duyên đặc biệt với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN Yêu thích các môn tự nhiên, trong thời gian đăng kí nguyện vọng xét tuyển đại học, Đinh Thế Nam luôn băn khoăn về việc chọn trường học cho mình. Khi ấy, chị gái của Nam - cựu sinh viên của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có khuyên Nam chọn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Theo lời chị thì Trường ĐHKHTN rất tốt, lại được trang bị nhiều thiết bị thí nghiệm hiện đại, đội ngũ thầy cô đều là giáo sư, phó giáo sư đầu ngành, uy tín,… và quan trọng là học phí khá thấp so với các trường khác, mà chất lượng đào tạo hàng đầu."
Thủ khoa ngành Khoa học Vật liệu K64, Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN Đinh Thế Nam Nam bén duyên với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN từ đó. Nam thấy ngành Khoa học Vật liệu, hoàn toàn phù hợp với định hướng chuyên ngành màng mỏng bán dẫn mà em theo đuổi Môi trường học thuật lí tưởng Khoa Vật lý là một trong những khoa có truyền thống lâu đời của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. Đội ngũ giảng viên là những chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm đào tạo. Theo học tại Khoa, Nam không chỉ được học lý thuyêt mà còn được thực hành trong hệ thống phòng thí nghiệp “đỉnh của chóp”. Nam và nhiều sinh viên khác choáng ngợp khi được học cùng thiết bị thí nghiệm hiện đại hàng đầu thế giới như máy gia tốc, kính hiển vi điện tử quét, các hệ laser, hệ siêu máy tính, ... “Khoa và nhà trường cũng khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học từ sớm, nên chúng em cũng được tiếp cận và khai thác hệ thống nghiên cứu hiện đại này” - Nam chia sẻ. Sau 4 năm học tập tại trường, được sự giúp đỡ của thầy cô, Thế Nam đã hoàn thành chương trình đào tạo, sẵn sàng áp dụng kiến thức và kĩ năng cơ bản về bộ môn Toán, Vật Lý để áp dụng cho nghiên cứu khoa học. “Những kiến thức chuyên ngành được các thầy cô bộ mộn tận tình truyền đạt, giúp em dễ hiểu hơn và tập trung hơn trong mỗi giờ học. Chúng em cũng may mắn khi được học tập cùng các Giáo sư, Phó giáo sư - những “cây đa, cây đề” trong Khoa - như thầy Lê Văn Vũ, thầy Bạch Thành Công, thầy Nguyễn Quang Báu…” Nam kể: “Nhớ lần học môn Điện và Từ, 12 giờ đêm em nhắn tin cho giảng viên để hỏi bài, nghĩ rằng sáng dậy cô sẽ trả lời, nhưng không ngờ cô vẫn đang thức. Cô đã tận tình trả lời em ngay lúc đó. Các thầy cô cũng rất vui tính, như thầy Nguyễn Hoàng Nam, thầy Hoàng Chí Hiếu luôn xen kẽ những câu chuyện, thông điệp thú vị vào bài giảng, để tiết học của sinh viên vui vẻ hơn, vừa học được kiến thức, vừa học được những kĩ năng xã hội. Các giảng viên cũng luôn khích lệ chúng em phát biểu đóng góp xây dựng bài, với phương châm học và làm việc chủ động, sáng tạo – cũng là điều đã giúp em củng cố thêm kiến thức và sự tự tin, bồi dưỡng niềm say mê nghiên cứu”. Triết lý trong đào tạo nhân tài của ĐHQGHN là đào tạo tinh hoa. Đào tạo ở ĐHQGHN không chỉ nhằm trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức, năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức, mà còn chú trọng đào tạo cho sinh viên ngoại ngữ, các kỹ năng và năng lực tổ chức, đặc biệt là phát triển tư duy, tầm nhìn, tạo cho sinh viên có đầy đủ bản lĩnh và nghị lực để vào đời và sáng nghiệp. Ngoài các giờ học và giờ thực hành trên phòng thí nghiệm, Thế Nam cũng tham gia các Câu lạc bộ Vật lý, tham gia các hoạt động nghiên cứu học thuật như Cách mạng A+, Lab Tour. “Hằng năm, nhà trường cũng tổ chức các Hội nghị Khoa học sinh viên, là sân chơi giúp chúng em có cơ hội trình bày những nghiên cứu và giao lưu học hỏi”. Và kết quả mà Đinh Thế Nam nhận được là vô cùng xứng đáng, khi mà GPA của bạn dần được cải thiện sau 4 năm học. Tốt nghiệp thủ khoa đầu ra Ngành Khoa học Vật liệu với GPA toàn khóa 3.53, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đạt 10/10, Nam còn là “thợ săn học bổng” chính hiệu với học bổng khuyến khích học tập nhiều học kỳ liên tiếp; học bổng dành cho sinh viên tốt nghiệp loại giỏi toàn khóa; học bổng Odon Vallet năm học 2021-2022; học bổng Đào Minh Quang năm học 2021-2022. Bạn cũng là một trong 6 sinh viên xuất sắc của Khoa Vật lý nhận Giải thưởng Nguyễn Hoàng Phương năm học 2021-2022. Đinh Thế Nam cũng nhiều lần được nhận Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên trong học tập và tích cực trong công tác lớp. Không chỉ học giỏi, Thế Nam còn là một gương mặt trẻ tiêu biểu cho hoạt động ngoại khóa và Đoàn, Hội. Nam đã vinh dự được nhận danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2022; danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp ĐHQGHN, cấp Thành phố Hà Nội và từng giành Giải 3 cuộc thi “Đại sứ truyền thông HUS” năm 2023. Khi là sinh viên theo học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, Nam có cơ hội nhận được nhiều loại học bổng khuyến khích học tập ngoài ngân sách đến từ cá nhân, tổ chức, … “Gia đình em cũng không thuộc diện khá giả, nên những nguồn học bổng như vậy đã giúp em và gia đình đỡ được phần nào chi phí cho học tập” - Nam bộc bạch. Cơ hội việc làm rộng mở cho ngành Khoa học Vật liệu “Khoảng thời gian từ năm 2021 trở về trước, bản thân Nam nhận thấy rất ít sinh viên có quan tâm tới ngành học này. Điều này cũng cho thấy, đây là một ngành học chưa được phổ biến tại Việt Nam, so với các ngành học thông thường khác”. Trên thực tế, “ma trận” các ngành học như công nghệ thông tin, kinh tế, ngân hàng, … luôn là những ngành “hot”, thu hút nhiều sinh viên theo học. Những ngành như khoa học cơ bản lại có rất ít sinh viên theo học, mặc dù khoa học cơ bản là cốt lõi của sự phát triển thế giới, đặc biệt trong thời kì công nghệ 4.0. Khi nhu cầu thị trường ngày càng tăng, nguồn cung thấp, đồng nghĩa với việc nhà tuyển dụng cần săn đón các sinh viên ngay khi vừa tốt nghiệp. Hiện nay, các sản phẩm về vật liệu dẫn thuốc, thực phẩm bổ trợ, vật liệu cho lọc nước, nhận biết về chất độc, thiết bị tiết kiệm điện, thiết bị tích điện năng pin mặt trời, … đều là sản phẩm của quá trình nghiên cứu về khoa học vật liệu. Tốt nghiệp ngành Khoa học Vật liệu, sinh viên hoàn toàn có có hội làm việc tại các công ty, tập đoàn công nghệ cao như LG, Samsung, Canon, … và được làm việc theo đúng chuyên ngành. Mỗi năm, Khoa Vật lý đều tổ chức các chương trình hướng nghiệp và mời các tập đoàn về phỏng vấn, tuyển nhân sự trực tiếp, nên sinh viên đều có cơ hội việc làm tốt. Bên cạnh đó, các chương trình liên kết với các đại học trong nước và quốc tế của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cũng mở rộng, giúp sinh viên có cơ hội học cao hơn và có cơ hội du học. “Bản thân em cũng may mắn có cơ hội nhận được học bổng toàn phần từ Chính phủ Nhật Bản để theo học chương trình sau đại học tại Viện Công nghệ Tokyo. Có lẽ, điều may mắn và sáng suốt nhất mà em đã chọn là đăng kí vào trường và lựa chọn ngành học này”. Thủ khoa đầu ra Đinh Thế Nam quan tâm và thích thú chính sách thu hút và đãi ngộ cho các nhà khoa học của ĐHQGHN hiện nay. Thế Nam mong rằng sau khi hoàn thành khóa học ở nước ngoài, Nam sẽ về nước, tiếp tục tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu, như con đường mà Thầy em PGS.TS Bùi Nguyên Quốc Trình cũng như nhiều giảng viên đã và đang đi. Đinh Thế Nam quan niệm, cống hiến cho quê hương đã là một điều tuyệt vời. Và được trưởng thành trên mảnh đất Việt Nam chắc chắn sẽ tuyệt vời hơn nữa! >>> Tin bài liên quan: -Thông tin về Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – lá cờ đầu trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản của cả nước -Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – Đầu tàu trong nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng nhân tài của đất nước
|