TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 14:14:15 Ngày 10/05/2024 GMT+7
Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội: ĐHQGHN đã bảo đảm tính liên thông, liên kết, thống nhất, hướng tới mô hình phát triển bền vững
Ngày 10/5/2024, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCHTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ĐHQGHN.

 

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đồng chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có các Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Hiệu và Phạm Bảo Sơn, lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng, lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành và các thành viên Đoàn giám sát.

ĐHQGHN được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993. Từ năm 2013 đến nay, hoạt động theo Nghị định số 186/2013/NĐ-CP và Quy chế số 26/2014/QĐ-TTg về ĐHQG; là đơn vị sự nghiệp Trung ương.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Nguyễn Hiệu cho biết, Đảng bộ ĐHQGHN được thành lập từ tháng 02/1995 - là Đảng bộ cấp trên cơ sở, trực thuộc Đảng bộ TP. Hà Nội. Đến nay, Đảng bộ ĐHQGHN có 35 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (18 đảng bộ cơ sở và 17 chi bộ cơ sở) với khoảng 2.833 đảng viên.

Công đoàn ĐHQGHN trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam, hiện có 35 tổ chức công đoàn cơ sở trực thuộc với 4.800 công đoàn viên; Đoàn Thanh niên ĐHQGHN trực thuộc Thành đoàn Hà Nội, hiện có 26 cơ sở đoàn trực thuộc với 48.000 đoàn viên.

ĐHQGHN có 37 đầu mối đơn vị (gồm cả Cơ quan ĐHQGHN) thành viên, trực thuộc. Số lượng cán bộ, viên chức và người lao động tính đến 31/12/2023 là 5.190, trong đó 2.739 cán bộ khoa học (gồm giảng viên và nghiên cứu viên - chiếm 66,8%); gần 1.300 giảng viên thỉnh giảng. Tỷ lệ cán bộ khoa học có trình độ TS/TSKH là 62%, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS trên tổng số giảng viên cơ hữu là 22%.

ĐHQGHN đang triển khai hơn 500 chương trình đào tạo từ bậc đại học đến tiến sỹ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, giáo dục, ngoại ngữ… Hàng năm, ĐHQGHN đào tạo trên 5.000 cử nhân khoa học, trong đó 13.1% sinh viên tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế; 2.400 thạc sỹ và 200 tiến sỹ.

Hiện nay, ĐHQGHN có 70 đơn vị sự nghiệp cấp 2 (37) và 3 (33), trong đó có: 19 đơn vị sự nghiệp GD&ĐT; 02 đơn vị cấp 2 về sự nghiệp y tế; 02 đơn vị cấp 2 về sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; 33 đơn vị sự nghiệp KH&CN; 02 đơn vị sự nghiệp cấp 2 về thông tin truyền thông, báo chí và xuất bản; 13 đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

ĐHQGHN dự kiến việc sắp xếp, tổ chức lại trong giai đoạn 2023 – 2025 gồm: Nâng cấp 01 Khoa trực thuộc thành Trường trực thuộc; Sáp nhập 01 trường đại học trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh trở thành trường ĐH thành viên của ĐHQGHN; Điều chỉnh, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc đảm bảo tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hội đồng ĐHQGHN nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 27 thành viên. Hiện nay, có 09/09 trường ĐH thành viên của ĐHQGHN đã hoàn thành việc thành lập Hội đồng trường. ĐHQGHN cũng đã ban hành Quy chế phối hợp giữa cấp ủy,  hội đồng trường và ban giám hiệu trường đại học thành viên của ĐHQGHN, phân định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và công tác phối hợp trong từng lĩnh vực hoạt động.

ĐHQGHN đã thực hiện công tác phân cấp, phân quyền và tăng cường tính  tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực tổ chức, hoạt động cho các đơn vị thành viên, trực thuộc. Các đơn vị thuộc ĐHQGHN được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao; song hành cùng với việc mở và liên thông, liên kết trong hoạt động chuyên môn nhằm phát huy lợi thế nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao, có uy tín trong đào tạo và NCKH, thì việc đảm bảo sự điều phối thống nhất của ĐHQGHN trong khuôn khổ pháp lý cũng được chú trọng. ĐHQGHN đã và đang triển khai có hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp nhằm thu hút, tuyển dụng và phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, cán bộ khoa học xuất sắc như “Đề án ươm tạo nhà khoa học trẻ tại ĐHQGHN đến năm 2025”, “Đề án tăng cường năng lực NCKH, công bố quốc tế của đội ngũ nhà khoa học, nghiên cứu sinh thuộc lĩnh vực KHXH&NV”, thí điểm chính sách hỗ trợ tài chính đối với CBKH trẻ (giai đoạn 2022-2025); Thí điểm thực hiện chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc đến làm việc và NCKH tại ĐHQGHN...

Báo cáo cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác điều chỉnh, sắp xếp, tổ chức lại và phát triển tổ chức của ĐHQGHN đó là: Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hóa việc thành lập và phát triển doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học; Chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết trong văn bản của Nhà nước về việc phân loại tổ chức, cơ chế chính sách về điều kiện thành lập các đơn vị thuộc đơn vị thành viên, trực thuộc của ĐHQGHN; Các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐHQGHN vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định... Trong quá trình triển khai tự chủ đại học, ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, trực thuộc gặp nhiều vướng mắc do hệ thống văn bản pháp lý chồng chéo, chưa hỗ trợ để phát huy hiệu quả tự chủ và phát triển đại học.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQG; chỉ đạo rà soát và xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể về tinh giản biên chế, trong đó cần giảm về độ tuổi, thời gian công tác để được nghỉ hưu đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế. Đồng thời, ông cũng đề nghị có những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về tự chủ đại học, cụ thể là tự chủ trong tổ chức bộ máy và sử dụng nguồn nhân lực, tự chủ về tài chính, tự chủ về học phí và tự chủ về sử dụng tài sản công.

ĐHQGHN cũng kiến nghị tới các bộ, ngành liên quan tạo cơ chế, hỗ trợ các giải pháp hình thành các đơn vị chuyển giao KH&CN mới; quan tâm cấp kinh phí sự nghiệp KH&CN để đầu tư  phát triển các sản phẩm lớn, liên ngành, sản phẩm có tính ứng dụng cao; đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động liên quan tới quản trị đại học trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; ĐHQGHN được chủ động trong việc thực hiện công tác định biên xác định vị trí việc làm. Lãnh đạo ĐHQGHN cũng kiến nghị về việc đầu tư phát triển ĐHQGHN tại Hoà Lạc; phát triển hạ tầng giao thông kết nối Hoà Lạc với nội thành...

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, ĐHQGHN đã có sự chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đại học bảo đảm tính liên thông, liên kết, thống nhất và khắc phục trùng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị, hướng tới mô hình phát triển bền vững. Việc rà soát, cập nhật và ban hành hệ thống văn bản nội bộ được tiến hành thường xuyên, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho việc định hướng các đơn vị triển khai hoạt động theo đúng kế hoạch chiến lược đề ra.

Ghi nhận những kiến nghị của ĐHQGHN, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị ĐHQGHN tiếp tục hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát, đề xuất những kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến trao đổi tại buổi làm việc

 Các tin liên quan:

- Các nhà khoa học ĐHQGHN kiến nghị có cơ chế đặc thù để thu hút nhân tài trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

- Bệnh viện Đại học Y Dược, ĐHQGHN phấn đấu trở thành bệnh viện đa khoa đặc biệt có vị thế cao

Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển Bệnh viện Xây dựng là đơn vị trực thuộc ĐHQGHN

- Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – một thành viên mới của ĐHQGHN

 Sinh Vũ, Ảnh: Quốc Toản - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ