Ngày 09/05/2024, Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp đã tổ chức Tọa đàm “Những xu thế và thách thức trong đào tạo trực tuyến: Kinh nghiệm triển khai trên thế giới và bài học cho giáo dục đại học Việt Nam”. TS. Huỳnh Thế Du, Quản lý Chương trình của Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học (PHER) là diễn giả của chương trình. Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN Nghiêm Xuân Huy chia sẻ, đào tạo trực tuyến đã trở nên phổ biến trong các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới. Tại Việt Nam, các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ sở giáo dục đại học đã có quy định về đào tạo trực tuyến như là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Ông Nghiêm Xuân Huy nhấn mạnh, để triển khai có hệ thống, bài bản và mang lại hiệu quả cao trong công tác đào tạo trực tuyến, các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học cần tham khảo những mô hình và cách thực hiện tốt của các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới đã triển khai thành công công tác này.
Tại tọa đàm, TS. Huỳnh Thế Du chia sẻ, đào tạo trực tuyến đang có sự phát triển nhanh chóng trên thế giới. Hiện nay, trên thế giới đã có khoảng 49% sinh viên tham gia vào các lớp học trực tuyến theo nhiều mô hình khác nhau, 70% sinh viên cho rằng học tập trực tuyến có nhiều ưu điểm hơn so với học tập truyền thống và dự kiến đến số người học tham gia học tập trực tuyến sẽ tăng lên 57 triệu người vào năm 2027. Đặc biệt, mô hình đào tạo trực tuyến giúp cải thiện kết quả, hiệu suất của người đi làm từ 15-20% Xuyên suốt Tọa đàm, TS. Huỳnh Thế Du đã cùng chia sẻ và thảo luận với người tham gia xoay quanh các nội dung chính: bBối cảnh đào tạo trực tuyến trên thế giới và tại Việt Nam; Các mô hình đào tạo trực tuyến trên thế giới: Mô hình tiến hóa, mô hình siêu đại học, mô hình cơ sở online, các chương trình đào tạo được quản lý bởi trường đại học, mô hình tổng thể; Kinh nghiệm đào tạo trực tuyến tại Đại học Indiana; Các gợi ý và khuyến nghị về đào tạo trực tuyến tại Việt Nam. TS. Huỳnh Thế Du chỉ ra ba yếu tố chính cần đặc biệt quan tâm để một chương trình đào tạo trực tuyến thành công, bao gồm: mô hình tổ chức và phát triển phải rõ ràng; vấn đề đảm bảo chất lượng, quản lý chất lượng để chất lượng của đào tạo trực tuyến tương đương với đào tạo trực tiếp; đảm bảo về mặt tài chính và nguồn lực. Trong đó, TS. Du nhấn mạnh yếu tố thứ ba là yếu tố vô cùng quan trọng vì nếu không đảm bảo được thì việc thực hiện đào tạo trực tuyến sẽ rất khó để tồn tại, duy trì và phát triển. Ngoài ra, có bốn yếu tố chính cần cân nhắc khi triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến đó là xác định mục tiêu cụ thể, dựa trên nhu cầu của thị trường, xây dựng, thiết kế chiến lược phát triển và cuối cùng là quản lý, điều hành.
Tọa đàm đã nhận được các ý kiến trao đổi và câu hỏi gửi tới diễn giả đến từ người tham gia trên toàn quốc. Quý vị có thể xem lại bản ghi của Tọa đàm tại: https://www.youtube.com/watch?v=v2nNxsJEbyQ Các sự kiện của Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp ngày càng thu hút đông đảo người tham gia, góp phần thực hiện nhiệm vụ của Kênh trong lan tỏa văn hóa chất lượng và đồng hành cùng cộng đồng trong hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, quản trị, xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục. Để cập nhật thông tin sớm nhất về các hoạt động sắp tới của Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (UniHub) - Đại học Quốc gia Hà Nội, trân trọng kính mời Quý vị theo dõi các kênh thông tin của UniHub: Website: https://unihub.vnu.edu.vn/ Fanpage: https://www.facebook.com/unihub.vnu Zalo: https://zalo.me/g/fuzgbe936 Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCn0CeQWetpd4lh-ymb_SboA |