Tham dự buổi gặp mặt có Ban Giám đốc ĐHQGHN; các giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân hiện đang công tác tại ĐHQGHN; trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN; Giám đốc Phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm ĐHQGHN; các nhà khoa học đạt thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo năm 2023; lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng; đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN. Trong những năm qua, ĐHQGHN tiếp tục khẳng định vị thế của đại học tốt nhất Việt Nam, trong nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của các tổ chức xếp hạng uy tín như Tạp chí Times Higher Education và QS. Đặc biệt, ĐHQGHN có 5 lĩnh vực được xếp vào nhóm 500 thế giới của QS là: Cơ kỹ thuật, hàng không & chế tạo; Vật lý & Thiên văn học; Kinh doanh & Khoa học quản lý và Kỹ thuật điện & điện tử. ĐHQGHN giữ vững xu hướng gia tăng lĩnh vực được xếp hạng và tăng điểm ở tiêu chí Uy tín học thuật và Tuyển dụng. Phát biểu chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, ĐHQGHN có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà khoa học. Sứ mệnh của ĐHQGHN là phát triển các ngành khoa học cơ bản, đào tạo sau đại học, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Đây là sứ mệnh và trọng trách quan trọng của ĐHQGHN đối với sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà trong thời gian tới. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu tại lễ gặp mặt Vừa qua, Đảng bộ ĐHQGHN đã đánh giá việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, cơ cấu đào tạo đã có sự thay đổi rất tích cực theo hướng đẩy mạnh đào tạo khối ngành kỹ thuật - công nghệ, khối ngành công nghiệp sáng tạo. Cơ cấu đào tạo khối ngành khoa học cơ bản cũng có sự chuyển biến rõ rệt. ĐHQGHN đang xây dựng đề án “Đầu tư, phát triển các ngành Khoa học cơ bản” cho các ngành khoa học cơ bản truyền thống phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường trong ĐHQGHN. Cùng với đó, ĐHQGHN tiếp tục xây dựng cơ chế ưu tiên đầu tư kinh phí đào tạo nhân tài trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết thêm, ĐHQGHN đã xây dựng Chương trình ươm tạo tài năng bậc trung học phổ thông (VNU12+), thí điểm cho phép học sinh từ lớp 10 chọn ngành nghề đại học, được định hướng nghề nghiệp và học sớm một số học phần đại học. ĐHQGHN có chính sách ưu tiên cho những học sinh chọn học các ngành khoa học cơ bản và khoa học công nghệ mũi nhọn ngay từ lớp 11. Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ, để thực hiện Đề án phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, hoạt động KH&CN cần có những đột phá, tiến gần đến tiêu chuẩn quốc tế; các nhà khoa học phải có khả năng chủ trì nhiệm vụ KH&CN, giảng dạy và tham gia hoạt động học thuật quốc tế. Thời gian gần đây, ĐHQGHN tiếp tục tiên phong trong xúc tiến đầu tư và hợp tác công tư. Không chỉ tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐHQGHN còn hướng tới trở thành đơn vị tìm được những giải pháp cùng doanh nghiệp phát triển; Hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến, phát triển các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Để hiện thực hóa mô hình đại học đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác, kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tài chính để huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, doanh nhân cùng cộng hưởng với nguồn lực của ĐHQGHN là các chuyên gia, nhà khoa học uy tín tầm quốc gia, quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KH&CN. Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, các nguồn lực ưu tiên của ĐHQGHN trong thời gian tới sẽ tập trung và hoạt động khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao; đầu tư trực tiếp cho các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm và các nhà khoa học xuất sắc. Trưởng ban Khoa học & Công nghệ Trần Thị Thanh Tú trình bày báo cáo tại buổi lễ
Trưởng ban Khoa học & Công nghệ Trần Thị Thanh Tú đã trình bày báo cáo về hoạt động KH&CN và Chính sách phát triển KH&CN của ĐHQGHN. Trong những năm vừa qua, ĐHQGHN đã xây dựng quy hoạch hệ thống tổ chức KH&CN và có kế hoạch đầu tư phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh. ĐHQGHN là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng và chất lượng các công trình khoa học với tỷ lệ công bố thuộc danh mục Scopus gia tăng trung bình khoảng 16%/năm và chiếm khoảng 10% tổng số công bố quốc tế của cả nước. Số lượng công bố thuộc danh mục WoS/SCOPUS của ĐHQGHN tăng dần theo các giai đoạn. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đóng góp gần 2.000 bài báo theo chuẩn ISI và SCOPUS mỗi năm, gần 100 sáng chế, giải pháp hữu ích, 15 sản phẩm chuyển giao và khởi nghiệp. Đây là nền tảng giúp gia tăng uy tín của ĐHQGHN trong tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương, hợp tác với các đối tác triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Với vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam, ĐHQGHN đã tham gia đóng góp trong việc tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ, các cơ quan Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương…), các bộ ngành và tham gia góp ý quy hoạch của một số địa phương; hợp tác với các đối tác triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. ĐHQGHN đã tăng cường hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai và xây dựng các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ lớn như: Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển”; Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng khung chương trình Tây Bắc giai đoạn 2 và đề xuất Ban Chủ nhiệm Chương trình; xây dựng Đề án “Thí điểm liên kết giữa đại học, doanh nghiệp và nhà đầu tư ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2023-2028 ở ĐHQGHN”. Đồng thời, ĐHQGHN tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm đã được phê duyệt và xây dựng và triển các Dự án ODA cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhằm tăng cường thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhà khoa học và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN đã ban hành nhiều chính sách để tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ đơn vị cũng như đội ngũ nhà khoa học, tiêu biểu như: (1) Quy định về chế độ ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN; (2) Chương trình tư vấn sức khỏe đối với đội ngũ nhà giáo là giáo sư, phó giáo sư; (3) Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên tại ĐHQGHN; (4) Giải thưởng Nhà giáo ĐHQGHN được xét hàng năm dành cho giảng viên xuất sắc, trị giá 300 triệu cho giảng viên xuất sắc nhất và 100 triệu cho giảng viên đứng thứ hai; (5) Vinh danh nhà khoa học xuất sắc, với trị giải thưởng hàng trăm triệu đồng; (6) Thí điểm chính sách hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ; (7) Chương trình ươm tạo nhà khoa học với phương châm mọi học sinh, sinh viên có mong muốn trở thành nhà khoa học và đáp ứng đủ yêu cầu về năng lực sẽ được ĐHQGHN hỗ trợ; (8) Chính sách hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu/năm cho các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc... Hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng được nâng tầm thông qua việc ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Mô hình nhóm nghiên cứu mạnh được ĐHQGHN thiết lập từ rất sớm, mô hình này đã được nhân rộng ra ở nhiều cơ sở nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam. Sự phát triển và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN gắn với mục tiêu tạo sản phẩm KH&CN chủ lực, mang thương hiệu ĐHQGHN, góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. ĐHQGHN tập trung nguồn lực để triển khai các chương trình/đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia với 213 phòng thí nghiệm trong đó có 01 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 10 phòng thí nghiệm cấp ĐHQGHN, 02 trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN, 200 phòng thí nghiệm mục tiêu, chuyên đề và thực hành cơ sở. Các chính sách của ĐHQGHN đưa ra theo hướng đầu tư tập trung “vun cao”, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu có công bố tốt và các chương trình/đề tài KHCN trọng điểm quốc gia. Định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành đã và đang được tăng cường, đặc biệt là chiến lược phát triển hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành tại Khu 22,9 ha ở Hòa Lạc để đổi mới việc tổ chức nghiên cứu gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tới tạo ra các nghiên cứu tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước và các sản phẩm KHCN ứng dụng trong thực tiễn. ĐHQGHN tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông qua phát triển doanh nghiệp KH&CN (doanh nghiệp spin-off). Việc phát triển các tổ chức KH&CN theo hình thức này giúp các nhà khoa học có sản phẩm KH&CN tiềm năng có môi trường khởi nghiệp, chuyển giao sản phẩm, nghiên cứu ứng dụng gắn với nhu cầu của thị trường, xã hội. Chủ trương này được hiện thực hóa thông qua văn bản về Chỉ số đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN giai đoạn 2023-2030 (Quyết định 1039/QĐ-ĐHQGHN ngày 24/3/2023), văn bản hướng dẫn tạm thời về thành lập doanh nghiệp KH&CN của ĐHQGHN (Hướng dẫn số 581/HD-ĐHQGHN ngày 24/3/3023). Lãnh đạo ĐHQGHN đã lắng nghe ý kiến chia sẻ của các nhà khoa học ĐHQGHN tiếp tục ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình, đề tài KH&CN trọng điểm quốc gia, tích cực tham gia tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương; phối hợp đề xuất một số chính sách thí điểm để thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu từ đầu tư công vào sản xuất kinh doanh. Đến nay, ở ĐHQGHN có 36 nhóm nghiên cứu đã được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN, đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực khoa học và hướng nghiên cứu tiên tiến trong nước và khu vực. Dưới sự dẫn dắt của các nhà khoa học đầu ngành, các nhóm nghiên cứu đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo tài năng cho sinh viên theo hướng cá thể hóa, đồng thời thúc đẩy công bố quốc tế và hoạt động đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các nhà khoa học của ĐHQGHN trong một số lĩnh vực cũng được quốc tế đánh giá xếp hạng vào top những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới và hàng đầu của Việt Nam. Tại buổi lễ, lãnh đạo ĐHQGHN đã lắng nghe ý kiến chia sẻ của các nhà khoa học các vướng mắc trong cơ chế cũng như đề xuất ĐHQGHN tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà khoa học yên tâm công tác và cống hiến cho khoa học. Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, lãnh đạo ĐHQGHN đã trao Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho các nhà khoa học đạt thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo năm 2023.
ĐHQGHN luôn đi đầu trong phát triển công nghệ, khởi nghiệp và chuyển giao tri thức, góp phần phát triển bền vững các vùng và địa phương nơi ĐHQGHN hợp tác. Trong những năm qua, ĐHQGHN đã và đang khẳng định trách nhiệm quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước như: Chương trình Tây Bắc, Nhiệm vụ Xây dựng Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam, Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển; Dự án Trung tâm Tư liệu Việt Nam học… Trong thời gian qua, ĐHQGHN tiếp tục phát huy thế mạnh hợp tác các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc song song với đẩy mạnh hoạt động hợp tác gắn với các tỉnh duyên hải nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực ven biển; gắn kết mạnh mẽ hơn với nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn các vùng kinh tế trọng điểm. Trong tiến trình đó, việc tiếp nhận Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành một trường đại học thành viên sẽ có thêm điều kiện thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao gắn với kinh tế biển và đẩy mạnh hợp tác với nước bạn Lào và Campuchia. ĐHQGHN tiếp tục tham gia phát triển các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia như Chương trình chip, bán dẫn; hydrogen, công nghệ sinh học, y - dược, khoa học biển, khoa học sức khỏe… Cùng với đó, ĐHQGHN đã đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh…
| >>> Một số hình ảnh tại buổi lễ Ban Giám đốc ĐHQGHN cùng các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Cổng số 1 tại Khu đô thị ĐHQGHN Hòa Lạc >>> Các tin tức liên quan: - Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trước những cơ hội và thử thách - Đại học Quốc gia Hà Nội quan tâm phát triển khoa học và công nghệ sự sống - Giải pháp quản lý nhiệm vụ khoa học và khai thác hệ thống dữ liệu nghiên cứu - Thu hút nhà khoa học xuất sắc để phát triển nhanh và bền vững |