Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải phát biểu tại hội nghị Hội nghị tổng kết cũng là khởi đầu một hành trình, mở ra phiên bản HSA mới, tiên tiến hơn, hiện đại hơn, cập nhật hơn, phổ quát hơn nhưng vẫn kiên trung mục tiêu: ổn định, phân loại và hướng nghiệp xuyên suốt trong triết lý xây dựng bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN thời gian qua. HSA bài thi đánh giá năng lực đầu tiên tại Việt Nam Hiện tại, bài thi HSA của ĐHQGHN là bài thi duy nhất tại Việt Nam thực hiện đăng ký dự thi, làm bài thi trên máy tính có kết quả hiển thị ngay sau khi thí sinh nộp bài. Đây cũng là kỳ thi đầu tiên và duy nhất thí sinh được chủ động lựa chọn địa điểm thi, ca thi. Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN Nguyễn Tiến Thảo cho biết kỳ thi đánh giá năng lực của luôn ĐHQGHN đặt chất lượng, khách quan minh bạch lên hàng đầu – đó vừa là mục tiêu kỳ thi, là trách nhiệm của những người tổ chức thi. Nhấn mạnh về mục tiêu của kỳ thi HSA, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho biết: Kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi chuẩn hóa có ảnh hưởng lớn. Nếu như những ngày đầu năm 2021 chúng ta tổ chức quy mô nhỏ để lấy tiêu chí an toàn là mục tiêu thì đến nay HSA đã để lại dấu ấn vượt bậc về uy tín, chất lượng và quy mô cả về số lượng và khu vực phối hợp tổ chức kỳ thi. ĐHQGHN tiên phong tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực HSA không chỉ là với mục đích xét tuyển đại học mà còn nhằm định hướng, hướng nghiệp trúng cho thí sinh. ĐHQGHN cũng tính đến phương án tổ chức thi với số lượng thí sinh lớn hơn bằng cách tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức thi, bảo đảm tính chính xác, khoa học; tiếp tục hoàn thiện bộ đề với yêu cầu về chất lượng, gia tăng câu hỏi về hiểu biết thực tế. ĐHQGHN mong muốn phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước để chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, phối hợp trong các khâu tổ chức thi, sử dụng chung kết quả kỳ thi nhằm tiết kiệm xã hội và đảm bảo quyền lợi học sinh. ĐHQGHN cam kết sẽ tổ chức kỳ thi hiệu quả, công bằng, thành công và được chuẩn hóa đảm bảo chọn lọc được số lượng thí sinh xuất sắc phục vụ công tác tuyển sinh đầu vào chất lượng cho các trường đại học trong cả nước – Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh. Con số ấn tượng về kỳ thi HSA năm 2024 của ĐHQGHN Kỳ thi HSA 2024 diễn ra trong 6 đợt từ 23/3 đến 02/6/2024 tại 19 địa điểm thi ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định Thái Bình, Ninh Bình,Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Tổng số lượt đăng ký năm 2024 hơn 104.000, trong đó 96,2% thí sinh đến dự thi và chỉ có 21 thí sinh bị kỷ luật do vi phạm quy chế. Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ tại hội nghị Thống kê số lượng thí sinh các tỉnh thành dự thi năm 2024, ngoại trừ Hà Nội, Nam Định là tỉnh có số thí sinh đăng ký nhiều nhất, kế đó lần lượt là Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang…Kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc, theo đúng quy chế thi và kế hoạch ban hành, các khâu tổ chức thi cho đến bàn giao dữ liệu kết quả thi đều theo đúng quy trình. Dữ liệu ngân hàng câu hỏi thi được kết xuất từ ngân hàng câu hỏi thi dưới sự chứng kiến của các cơ quan an ninh và đại diện của ĐHQGHN (Ban Thanh tra Pháp chế, Ban Đào tạo), mã hóa, niêm phong bảo quản theo chế độ tài liệu mật và được bảo vệ bởi mật khẩu nhiều lớp. Phổ điểm bài thi của 100.633 lượt thi (bao gồm 32,2% thi lần thứ hai) có dạng phân phối chuẩn với trung vị tại 76,0/150. Điểm cao nhất của kỳ thi năm 2024 là 129/150; thấp nhất 17/150; điểm trung bình là 76,5/150. Điểm trung bình và trung vị tương đối ổn định trong ba năm trở lại đây mặc dù số lượt thí sinh dự thi HSA tăng khoảng 15-25% mỗi năm. Năm 2024, thống kê cho thấy 1.035/2.970 trường THPT có học sinh tham dự (cả nước có 2.465 trường THPT công lập, 505 trường THPT tư thục); 53/64 tỉnh/thành có học sinh tham dự kỳ thi HSA. Trong số đó, Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất, tiếp đó là Nam Định và Thái Bình. Thí sinh ở xa nhất đến từ Vĩnh Long, An Giang, Ninh Thuận, Đắk Nông. Căn cứ vào phân bố tỉnh thành, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tiếp tục mở rộng địa bàn phục vụ thí sinh dự thi ĐGNL thời gian tới. Qua theo dõi phản hồi của thí sinh dự thi HSA trong 2 năm trở lại đây, kỳ thi HSA duy trì ổn định mặc dù quy mô dự thi tăng lên mỗi năm. Tính minh bạch của kỳ thi được thí sinh nhận định tăng lên năm 2024 so với năm 2023 càng minh chứng cho thấy kết quả thi HSA không chỉ giá trị về điểm số mà còn là niềm tin của thí sinh, xã hội về kỳ thi. Việc xây dựng bài thi đánh giá tương đối toàn diện năng lực học sinh góp phần hạn chế được khả năng học lệch, học tủ hay luyện thi. Trên 60% thí sinh nhận định tự học là chìa khóa để tham dự tốt kỳ thi HSA. Điều đáng chú ý là các nhà chuyên môn luôn nhìn nhận tích cực về kỳ thi HSA. Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đã tuyên dương và trao thưởng cho 6 thí sinh có điểm cao nhất. Các thí sinh được cấp giấy chứng nhận thành tích đạt được với học bổng loại A: 5.000.000 đồng cho các thí sinh đạt điểm cao nhất; học bổng loại B: 4.000.000 đồng cho các thí sinh đạt điểm đứng vị trí thứ hai; học bổng loại B: 3.000.000 đồng cho các thí sinh đạt điểm đứng vị trí thứ ba. Chia sẻ về kỳ thi HSA, nhiều thí sinh tham dự kỳ thi có kết quả tốt đánh giá cao về kỳ thi, đặc biệt là chất lượng đề thi, đề thi mang tính bao quát chương trình THPT và kết hợp với kiến thức thực tiễn, qua đó sẽ phân hóa được chất lượng thí sinh rõ rệt. Thí sinh muốn có điểm cao phải thực sự toàn diện. Nhiều trường đại học đánh giá cao tính tiên phong, cũng như chất lượng thí sinh tham gia kỳ thi HSA của ĐHQGHN qua công tác xét tuyển và học tập tại trường đại học thông qua kết quả đầu vào. Các trường đại học phối hợp trong công tác tổ chức điểm thi tại các địa phương bày tỏ cảm ơn Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đã tạo điều kiện để các trường đại học chắt lọc được nhiều thí sinh có chất lượng đầu vào tốt, đồng thời nhờ kỳ thi HSA mà kết quả tuyển sinh tăng mạnh. Các trường đại học cam kết đồng hành cùng kỳ thi để kỳ thi đạt được hiệu quả tốt nhất. Điểm mới và lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐHQGHN Trong năm 2025, thực hiện mục tiêu đánh giá năng lực học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; định hướng nghề nghiệp cho người học dựa trên nền tảng năng lực cá nhân; Kiểm tra kiến thức tự nhiên xã hội, tư duy của người học, kỹ năng, thái độ của người học. Cấu trúc đề thi gồm 50 câu hỏi toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học – ngôn ngữ. Đây là hai phần thi bắt buộc của bài thi HSA. Phần thi thứ ba cho phép thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc Tiếng Anh. Thời gian làm bài cho thi thứ ba là 60 phút. Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý; mỗi chủ đề có 17 câu hỏi (gồm 1 câu thử nghiệm) để hoàn thành phần thi Khoa học. Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ. Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Câu hỏi trong đề thi HSA có khoảng trên 75% là câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn. Điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao. Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực. Đây là những thay đổi chất về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực. Đặc biệt từ năm 2025, bên cạnh phần thi Khoa học, năm nay cấu trúc đề thi đánh giá năng lực có thêm phần thi tiếng Anh để thí sinh đăng ký các ngành học liên quan ngoại ngữ có thể lựa chọn để phục vụ cho công tác xét tuyển. Bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới. Thông qua nội dung kiến thức thuộc chương trình giáo dục phổ thông, bài thi đánh giá ba nhóm năng lực chính học sinh đạt được sau khi tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông. Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỉ lệ: Cấp độ 1: 20%, Cấp độ 2: 60%, Cấp độ 3: 20%. Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Nguyễn Tiến Thảo cho biết thêm, dạng thức và câu hỏi thi, đề thi được điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ban hành năm 2018 không gây xáo trộn việc dạy và học bậc THPT; thay đổi về chất lượng câu hỏi thi ĐGNL học sinh. Điểm của bài thi được chấm tự động bằng phần mềm thi đánh giá năng lực. Kết quả bài thi được hiển thị trên màn hình máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài làm hoặc hết thời gian thi theo quy định. Tổng điểm của toàn bài thi là 150 điểm dựa trên tổng số câu trả lời đúng của thí sinh. Mỗi câu trả lời đúng được 01 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được tính điểm (các câu hỏi thử nghiệm không tính điểm). Điểm của bài thi là tổng điểm của ba phần thi, trong đó mỗi phần thi tối đa 50 điểm. Bảng điểm kết quả bao gồm điểm tổng (tối đa 150 điểm) và 3 đầu điểm thành phần: Toán học và Xử lý số liệu (tư duy định lượng), Văn học – Ngôn ngữ (tư duy định tính), Khoa học hoặc Tiếng Anh. Năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN tổ chức 6 đợt, bắt đầu từ ngày 23/3 đến ngày 2/6/2025 tại 19 địa điểm thi. Các đợt thi dự kiến diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5/2025 với quy mô 85.000 lượt thi. Ngày 8/2/2025, chính thức mở cổng đăng ký dự thi kỳ thi HSA năm 2025. Ngày 15/3/2025 dự kiến thí sinh sẽ dự thi đợt thi thứ nhất, đến ngày 17/5/2025 thi đợt thi thứ 6. Cổng đăng ký dự thi ĐGNL tiếp nhận thí sinh đăng ký tối thiểu trước 30 ngày kể từ đợt thi đầu tiên của năm. Thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm và thời gian đăng ký dự thi giữa 2 ca thi liền kề cách nhau 28 ngày (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ, cuối tuần) tùy theo nguyện vọng của thí sinh. >>> Thí sinh tham khảo cấu trúc bài thi mẫu năm 2025 tại đây. Đề thi tham khảo cung cấp dạng thức câu hỏi, cấu trúc bài thi để học sinh xây dựng kế hoạch học tập phù hợp yêu cầu của kỳ thi. Thí sinh có thể truy cập vào địa chỉ https://tk.cet.vnu.edu.vn/ hoặc https://hsa.edu.vn/ để làm bài trên máy tính từ ngày 1/9/2024. Trong đề thi tham khảo cũng như đề thi chính thức, câu hỏi không sắp xếp từ dễ đến khó mà được xáo trộn một cách ngẫu nhiên theo ma trận cố định. Thí sinh làm bài tham khảo để quen với dạng thức bài thi, ôn tập bổ sung kiến thức, kỹ năng và luyện tập cách kiểm soát thời gian khi làm bài.
| |