TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 08:47:43 Ngày 29/08/2024 GMT+7
5 nhà khoa học của ĐHQGHN được vinh danh trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu 2024
Ngày 28/8/2024, tại Hà Nội, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã dự và trao biểu trưng cho 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Trong số đó, ĐHQGHN có 05 nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học và công nghệ được vinh danh gồm: PGS.TS Đặng Văn Bào; GS.TS Nguyễn Xuân Cự; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức; GS.TS Trương Quang Hải và nhà khoa học trẻ chủ nhân của giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 PGS.TS Trần Mạnh Trí.

Sự kiện do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực vận động trí thức và thúc đẩy các phong trào sáng tạo khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương đóng góp của 135 trí thức tiêu biểu được tôn vinh. Ông cũng ghi nhận Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã từng bước thể hiện vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, đóng góp phát triển kinh tế xã hội. Nhiều gương mặt trí thức thuộc thế hệ 8x, như "chủ nhân giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024" PGS.TS Trần Mạnh Trí (43 tuổi), Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh những thành tựu, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra cơ chế, chính sách chưa khuyến khích, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, toàn cầu hóa giúp khoa học và công nghệ từng bước hội nhập, tạo thuận lợi cho việc học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ quốc tế. Bên cạnh đó là yêu cầu cấp thiết về hành lang pháp lý, thể chế, chính sách, đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học và các trung tâm khoa học lớn. Bối cảnh đó đòi hỏi đội ngũ trí thức nước nhà phải có nhận thức mới, tư duy khoa học gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đặt niềm tin vào đội ngũ trí thức nước nhà; xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện. Ông mong các trí thức tiêu biểu được vinh danh sẽ trở thành những tấm gương sáng lan tỏa, truyền cảm hứng và đóng góp hơn nữa cho nước nhà.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết đến nay Liên hiệp hội đã tập hợp được trên 2,2 triệu trí thức, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước. Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ có nhiều cống hiến, khát vọng vươn lên, đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước.

Chia sẻ cảm xúc trong ngày được vinh danh, GS.TS Trương Quang Hải bày tỏ sự biết ơn và hạnh phúc khi được đại diện cho nhiều nhà khoa học tiêu biểu của ĐHQGHN được vinh danh ngày hôm nay. Ông cho biết, ĐHQGHN là trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của cả nước, nơi hội tụ nhiều nhà khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, đặc biệt trong thời gian qua, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã có nhiều đóng góp bằng những sản phẩm tri thức thiết thực cho cộng đồng trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội & nhân văn, … và với quá trình đóng góp lâu dài, đa dạng đó các nhà khoa học ĐHQGHN đã mang lại nhiều thành quả thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Không giấu được niềm vui, sự tự hào PGS.TS Trần Mạnh Trí nói, được vinh danh ngày hôm nay là niềm khích lệ to lớn với cá nhân cũng như đội ngũ trí thức nói chung. PGS. Trần Mạnh Trí nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như vai trò to lớn của đội ngũ trí thức trong việc tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ để đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ cho đất nước, mang lại giá trị thiết thực cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bày tỏ niềm vinh dự khi được đại diện cho đội ngũ trí thức của ĐHQGHN được tôn vinh, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ, trí thức ĐHQGHN có vai trò tiên phong, dẫn dắt của 1 đại học hàng đầu đất nước, nên trách nhiệm càng lớn lao hơn. Đây là vinh dự, tự hào với cá nhân tôi và cũng là của ĐHQGHN. Cá nhân giáo sư thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm vinh dự đó.

Thông tin về 5 nhà khoa học của ĐHQGHN được vinh danh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024

1. PGS.TS Đặng Văn Bào, Chủ tịch Hội Đệ tứ - Địa mạo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, Khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN:

Với thành tích chủ trì 19 đề tài nhiệm vụ khoa học công nghệ, hoàn thành và bảo vệ thành công 17 nhiệm vụ, có 03 đề KH&CN cấp Nhà nước, 06 đề tài cấp Bộ, ĐHQGHN và tương đương. Nhiều đề tài đã được ứng dụng trong thực tiễn, ứng dụng vào đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các đề tài được đánh giá cao, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn góp phần quản lý lãnh thổ, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai.

Tham gia xây dựng nhiều hồ sơ và trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới như: Hồ sơ di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2000-2003), Phố cổ Hội An (1988-1991), …

Công bố 115 bài báo trong các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và Việt Nam, Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc gia, 12 bài báo quốc tế trong danh mục tạp chí uy tín (USI/SCOPUS) có chỉ số trích dẫn cao. Hướng dẫn 09 nghiên cứu sinh và 23 học viên cao học, trong đó 08 nghiên cứu sinh thành công luận án tiến sĩ, 23 học viên bảo vệ thành công thạc sĩ.

2. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu mới composite của Việt Nam và cộng đồng khoa học Quốc tế, Trưởng Nhóm nghiên cứu mạnh, Trưởng Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu Tiên tiến của Trường ĐH Công nghệ , Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong suốt chặng đường gần 40 năm hoạt động khoa học, GS. Nguyễn Đình Đức đã công bố gần 400 công trình khoa học, trong đó có hơn 200 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có trong danh mục các tạp chí ISI (SCI, SCIE) có uy tín quốc tế; tác giả của 1 bằng phát minh và 1 bằng sáng chế; 6 đầu sách giáo trình và chuyên khảo xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh.

Các nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Đình Đức tập trung vào các kết cấu và vật liệu composite, vật liệu nano, các vật liệu carbon siêu nhẹ, siêu bền nhiệt, vật liệu thông minh có cơ lý tính biến đổi FGM và vật liệu nano FG CNTRC, vật liệu có hệ số Poát xông âm có đặc tính giảm chấn và hấp thụ sóng nổ và gần đây nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật. Những hướng nghiên cứu chuyên sâu gắn với những công trình khoa học công bố được các nhà khoa học thế giới thừa nhận đã khẳng định vị trí trường phái về vật liệu và kết cấu tiên tiến hiện đại của Việt Nam do ông đứng đầu. Ông cũng đã mở đường và dìu dắt, góp phần đào tạo nhiều nhân tài, nhiều nhà khoa học trẻ tài năng cho đất nước.

Giáo sư Đức là thành viên của hơn 10 hội đồng khoa học của các tạp chí chuyên môn có uy tín trên thế giới; thành viên ủy ban quốc tế về Vật liệu chức năng cơ lý tính biến đổi FGM, thành viên Ủy ban quốc tế về vật liệu composite (the International Committee on Composite Materials – ICCM).

Trong những năm gần đây, GS. Nguyễn Đình Đức là nhà khoa học Việt Nam hiếm hoi đang công tác tại môi trường trong nước nhưng đã vinh dự lọt vào bảng xếp hạng các nhà khoa học Việt Nam được research.com công bố và xếp hạng trong lĩnh vực Engineering. Điều đó đã khẳng định vị thế của các nhà khoa học Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế và góp phần định danh khoa học công nghệ của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Với những công hiến của mình cho khoa học, liên tục từ năm 2019 đến nay, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã được Tạp chí PLoS Biology (Hoa Kỳ) công bố lọt vào bảng xếp hạng 10.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, và xếp thứ 85 – trong bảng xếp hạng 100 nhà khoa học xuất sắc nhất, ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ vào năm 2023.

Không chỉ là trí thức KHCN Việt Nam tiêu biểu, trước đó, vào năm 2022, nhân dịp 40 năm sự nghiệp giáo dục (1982-2022), ông cùng với 2 giáo sư của ĐHQGHN là Giáo sư, NGND Mai Trọng Nhuận – nguyên Giám đốc ĐHQGHN và Giáo sư, NGND Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng trường ĐH Y dược ĐHQGHN đã được Bộ giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen và vinh danh là nhà giáo tiêu biểu của ngành giáo dục Việt Nam.

3. PGS.TS Trần Mạnh Trí là chủ nhân giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024. PGS.TS Trần Mạnh Trí (43 tuổi), Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS.TS Trần Mạnh Trí tốt nghiệp cử nhân hóa học (năm 2004), thạc sĩ hóa học (năm 2006) và tiến sĩ hóa học (năm 2011) tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó, ứng viên Trần Mạnh Trí nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Wadsworth, Sở Y tế bang New York, Hoa Kỳ (năm 2014); tham gia các khóa đào tạo về thiết bị tại hãng Bruker, Zurich, Thụy Sĩ (2015); kỹ thuật phân tích môi trường tại Đại học Lancaster, Vương Quốc Anh (2017); phương pháp phân tích hóa học tại Đại học Tokyo, Nhật Bản (2019).

PGS.TS Trần Mạnh Trí là một trong những giảng viên, nhà khoa học xuất sắc của Trường ĐHKHTN và hiện tại giữ vị trí Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ, thành viên chính của nhóm nghiên cứu mạnh "Quan trắc và đánh giá rủi ro các độc chất hữu cơ trong môi trường".

PGS.TS Trần Mạnh Trí đã chủ trì thành công các đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (2019-2021) và 02 đề tài do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ. PGS.TS Trần Mạnh Trí cũng đã tham gia một số đề tài cấp Bộ và cấp nhà nước. PGS.TS Trần Mạnh Trí cũng là giảng viên có thành tích trong công tác đào tạo đại học và sau đại học với 03 tiến sĩ, 17 thạc sĩ và hơn 50 cử nhân đã hướng dẫn thành công.

Với nền tảng kiến thức được đào tạo bài bản và đam mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trần Mạnh Trí đã công bố 40 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín (phần lớn trong số đó thuộc danh mục tạp chí WoS uy tín với chỉ số ảnh hưởng cao), hơn 50 bài báo trên các tạp chí quốc gia uy tín, 20 báo cáo tại các hội nghị quốc gia/quốc tế, 02 chương sách và 01 giáo trình.

Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, PGS.TS Trần Mạnh Trí được tặng Giải thưởng Đại học Quốc gia Hà Nội về Khoa học và Công nghệ năm 2021; Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về những thành tích xuất sắc trong công bố quốc tế và sở hữu trí tuệ hai năm liên tiếp (2020 và 2021); Giải thưởng nhà khoa học trẻ tại Hội nghị Hóa học khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2015.

4. GS.TS.NGƯT Nguyễn Xuân Cự là một trong những nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực môi trường. Từng đảm nhiệm qua nhiều cương vị như: Phó Trưởng khoa Môi trường, Trưởng Bộ môn Thổ nhưỡng - Môi trường đất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, ông đã có những dấu ấn đóng góp ý nghĩa trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học, GS.TS Nguyễn Xuân Cự luôn kiên định theo đuổi các lĩnh vực khoa học về Đất và Môi trường. Ông đã chủ trì và hoàn thành nhiều đề tài NCKH các cấp, tập trung theo các hướng gắn khoa học cơ bản với ứng dụng thực tiễn, như: Nghiên cứu quá trình trong đất, trên cơ sở đó để đánh giá khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng; Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến môi trường và chất lượng nông sản; Nghiên cứu các giải pháp sử dụng bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải để cải tạo đất; Nghiên cứu ô nhiễm kim loại nặng và sự tích lũy kim loại nặng trong nông sản; Nghiên cứu khả năng sử dụng một số loại phân bón và một số chất khác để giảm thiểu sự hút thu kim loại nặng của cây trồng nông nghiệp; Nghiên cứu về quản lý các chất thải nông nghiệp, và sản xuất etanol sinh học từ nguồn nguyên liệu giàu xenlulo; Nghiên cứu các giải pháp đa lợi ích sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước, Nghiên cứu về các vấn đề môi trường nông thôn và miền núi;…Trong đó, đề tài NCKH cấp Nhà nước“Nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn xanh, sạch cho trâu bò quy mô trang trại tại vùng Tây Bắc”do GS.TS Nguyễn Xuân Cự chủ trì có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh miền núi nước ta. Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Xuân Cự đã chủ trì đề tài “Nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ môi trường cho cộng đồng vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020”, đem lại những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở các vùng dân tộc thiểu số của nước ta. Những đề tài khoa học do GS.TS Nguyễn Xuân Cự thực hiện đã có những đóng góp tích cực trong nghiên cứu lý luận khoa học, luôn mang lại hiệu quả cao khi áp dụng vào thực tiễn, góp phần quan trọng cho công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân. Với các kết quả nghiên cứu của mình, ông đã công bố 75 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín ở trong và ngoài nước.

5. GS.TS Trương Quang Hải, hiện nay đang công tác tại Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Sinh thái Cảnh quan và Môi trường, Bộ môn Địa Nhân văn và Quy Hoạch, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ông đã công bố 181 công trình khoa học, trong đó 25 sách chuyên khảo, atlas, từ điền, giáo trình: 36 bài báo và báo cáo khoa học quốc tế, 120 bài báo bài báo tạp chí và báo cáo khoa học trong nước.

Ông là chủ nhiệm và thành viên tham gia chính các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ: 62 đề tài trong đó có 19 đề tài cấp Nhà nước, 43 đề tài cấp Bộ và tương đương; có kinh nghiệm 45 năm giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp cũ nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, đóng góp tích cực phát triển các ngành: Quản lý tài nguyên và môi trường, Địa lý nhân văn và Quy hoạch, Việt Nam học. Hướng dẫn 19 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Thành viên Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ KHCN trọng điểm cấp quốc gia: Địa chí Quốc gia Việt Nam (2017-2022).

Đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng tạp chí chuyên ngành về Khoa học Trái đất, Môi trường, Địa lý nhân văn tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên và công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Tham gia ban chuyên môn và biên tập nhiều kỷ yếu hội thảo quốc tế quy mô lớn.

Tham gia trao đổi học giả quốc tế về Môi trường và Địa lý tại Mỹ theo Chương trình Fulbright (1998-1999), chuyên gia tư vấn cho một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Đại diện Lãnh đạo Ban Khoa học & Công nghệ, Ban Xúc tiến Đầu tư ĐHQGHN tặng hoa chúc mừng các nhà trí thức ĐHQGHN được vinh danh.


 Thùy Dương, Quốc Toản - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ