Hội Đền Hùng năm nay...
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ, ngày mùng 10/3 âm lịch xuân Đinh Hợi (tức ngày 26/4/2007), Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng sẽ được tổ chức theo lễ nghi quốc lễ. Quá trình hành lễ bắt đầu từ trung tâm lễ hội, diễn ra ở đền Thượng và Lăng Hùng Vương, sau đó dâng hoa tại bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong. Các hoạt động hội được diễn ra từ ngày mùng 6/3 âm lịch tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì, gắn với chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2007. Tại trung tâm Khu di tích lịch sử, cùng với việc tổ chức cho xã Hy Cương và các xã xung quanh rước kiệu vào Đền Hùng sẽ có các đoàn nghệ thuật đến từ Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Liên đoàn xiếc Việt Nam, Đoàn ca múa nhạc Lào Cai, Đoàn nghệ thuật Yên Bái, Đoàn nghệ thuật chèo và đoàn kịch nói Phú Thọ… biểu diễn. Đồng thời với việc tổ chức hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng các huyện, thành, thị; triển lãm sản phẩm hàng nghề truyền thống Việt Nam; trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương... sẽ có các hoạt động văn hóa dân gian như: Đánh trống đồng, đâm đuống, múa sư tử, hát xoan ghẹo, hát quan họ, múa rối nước, múa lân, rước chúa gái, trò diễn “tứ dân chi nghiệp” và “bách nghệ khôi hài”. Các hoạt động thể dục thể thao được tổ chức gồm: Giải vật, giải bóng chuyền nam, giải bắn nỏ, giải cờ tướng... Tại thành phố Việt Trì sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa như: Triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày hiện vật bảo tàng, giới thiệu sách, trình diễn thời trang áo dài và trang phục dân tộc Việt Nam, biểu diễn của các đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương. Tối mùng 9/3 âm lịch xuân Đinh Hợi sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp. Tại nhà luyện tập và thi đấu thể thao sẽ diễn ra giải vô địch bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc - Cúp Hùng Vương 2007; tại ngã ba sông Bạch Hạc tổ chức hội thi bơi chải…
|
Rước kiệu lên Đền Thượng |
Bốn phương về Hội Tổ ngày xuân
Điều đặc biệt năm nay là ngành giao thông Phú Thọ đã hoàn thành cơ bản thêm một đường từ đường 32C vào khu vực trung tâm lễ hội Đền Hùng nhằm giảm lưu lượng người và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cũ. Du khách có thể đi qua 18 cấp với 499 bậc đá trên núi Hùng, tới thắp hương tại các ngôi đền Hạ, đền Trung, đền Thượng thờ 18 đời Hùng Vương và các vị thần núi linh thiêng (cạnh đền Hạ còn có ngôi chùa thờ Phật có tên chữ là “Thiên Quang Thiền Tự”. Từ đền Thượng, qua 617 bậc đá nữa sẽ xuống đến ngôi đền dưới chân núi Hùng - đền Giếng, nơi thờ hai nàng công chúa con gái Hùng Vương thứ 18. Từ cổng chính của đền Hùng, vòng qua bên phải về phía Bắc núi Hùng khoảng 2km, men theo hồ Lạc Long Quân tới chân núi Trọc, từ đó du khách có thể đi lên 553 bậc đá sẽ tới thắp hương tại đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ mới xây dựng. Bây giờ, khi mà người ta coi trảy hội Đền Hùng trở thành một tập quán, nét sinh hoạt không thể thiếu; khi mà trình độ dân trí ngày một cao, nhu cầu tìm hiểu lịch sử ngày một tăng, thì số lượng đồng bào về Đền Hùng ngày càng đông. Chỉ riêng trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch những năm gần đây, con số ấy đã lên tới hàng triệu lượt người - đấy là chưa kể đến dịp mùa xuân và các tháng trong năm, số lượt người về Đền Hùng cũng tới hàng chục vạn người, nhất là năm 2007 này, theo nghị quyết của UBTVQH, người lao động sẽ được nghỉ ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch. Điều này là một lý do để dự báo lượng khách hành hương về Đền Hùng trong dịp giỗ Tổ sẽ gia tăng đột biến.
|
|
Chúng tôi đã đặt chân đến rất nhiều địa danh xung quanh Đền Hùng để được đắm mình vào những hội làng. Từ Làng Chanh, Hùng Lô, Kim Đức, Hy Cương, Sơn Vy, Tiên Kiên (huyện Phù Ninh) đến hội ở các đình Luông, An Thái, đền Phượng Lâu (Việt Trì). Những ngày giáp hội, đâu đâu cũng thấy mọi người rậm rịch suốt cả tuần, có khi nửa tháng; ai nấy đều hồi hộp chờ mong mình hoặc người thân của mình được làng đánh giá là có đức có tài, để bậc cao niên xung vào đội tế lễ; trai thanh gái lịch thì xung vào hàng phụng nghênh loan giá. Số nam nữ trai trẻ thì hào hứng với những cuộc thi có giải: Bóng chuyền, cờ tướng, kéo co, chọi gà, bắn nỏ. Các thôn nữ duyên dáng khổ công luyện tập những điệu dân ca quen thuộc, cùng bài hát xoan truyền thống; những chàng trai tái diễn công đức của vị thành hoàng. Trong hội lớn Đền Hùng hàng năm đều có các hoạt động văn hóa - thể thao diễn ra sôi nổi. Đoàn rước kiệu làng xã nào cũng dài gần cây số, đều nổi lên cỗ kiệu Bát cống uy linh chất bánh dầy, bánh chưng cùng hoa quả, nhang đăng ngự trên vai 8 nam thanh nữ tú và 5 gái trai thanh lịch khác, đều vận áo nỉ thắt lưng đều rước kiệu nghinh văn bước đi chững chạc. Dù đoàn kiệu Kim Đức, Hùng Lô hay Hy Cương, Tiên Kiên, khi hành hương về mộ Tổ hay đoàn nào khác đều có chiếc xe uy nghiêm chở quan mệnh (chủ tế) kèm theo đội “vệ binh” áo quần nai nịt, đội nón chóp nhỏ như “tốt đỏ tốt đen” vác bát bửu hộ tống theo tiếng chiêng, tiếng trống đệm bước chân theo nhịp 2-2/2-2: Tùng - bili - tùng / tùng - bili - tùng... cùng bước theo hàng cờ ngũ sắc bay bay từ ngã ba đền Giếng, từ đình làng Hy Cương vượt qua 525 bậc đá lên đền Thượng cùng “Phương dân ngưng trắc giáng/ Hương hỏa đáo kim truyền”, làm cho mọi gương mặt cháu con từ các miền đất nước về tụ hội thêm rạng rỡ. Đoàn rước kiệu nơi nào về đến đền hoặc đình đều chuyển sang phần tế lễ, ghi nhớ công ơn vị thần thờ phụng: Như đền thôn Phượng Lâu, đình Chanh xã Vĩnh Phú: Lễ ơn đức Quý Minh, tướng giỏi Vua Hùng hay đình An Thái, Hùng Lô tế lễ thờ Vua Hùng. Trong buổi tế, khi bên đông xướng: “Khởi chinh cổ - nhạc sinh tựu vị” vừa dứt, là trống chiêng rung lên, nhạc cử hồi Lưu thủy là mở đầu buổi lễ và tế 3 tuần (nhất hành sơ, nhị hành á, tam hành chung). Ban tế là các cụ từ lão trung, lão thượng có đức, có tài được làng tiến cử làm quan mệnh và giữ các chức hiệu như bồi tế, chấp sự, nội tán, điển văn và độc chúc... đều lần lượt bước đi, bước nghỉ qua các việc thượng hương, chước tửu, hiến tước, độc chúc, ẩm phước... đến phần chót là đốt văn tế, lễ tất. Và cứ thế, dòng người nườm nượp ngợp trong màu cờ ngũ sắc, khung cảnh đó khiến mỗi người hướng tâm về cội nguồn, thêm yêu quý hơn mỗi hình ảnh thân thuộc của làng quê, từ bóng cau, hiên nhà, đến hương lúa chín, cọng rơm vàng... để bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước.
|
Thi bắn nỏ | |
|
Thi giã bánh giày | |
Chương trình Lễ hội Đền Hùng năm 2007 từ ngày 22 đến ngày 26-4 (mùng 6 đến 10-3 âm lịch)
* Ngày 22/4 (6/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng diễn ra các trận thi đấu bóng chuyền nam, bắn nỏ, vật dân tộc và cờ tướng, cờ người mở rộng tại sân thể thao số 1 - 2; Triển lãm và trình diễn xướng dân gian và giao lưu các trại văn hóa; Đánh trống đồng, hát xoan, múa sư tử, đâm đuống tại khu Công Quán; Chiếu phim màn ảnh rộng ngoài trời; biểu diễn văn nghệ quần chúng của công ty supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao. Tại khu di tích khảo cổ Làng Cả (thành phố Việt Trì) diễn ra lễ đón bằng xếp hạng di tích Quốc gia và công bố quy hoạch chi tiết; Biểu diễn ca nhạc, trình diễn trang phục Việt Nam theo dòng lịch sử tại khu di tích khảo cổ Làng Cả và nhà thi đấu thể thao Phú Thọ.
* Ngày 23/4 (7/3 âm lịch) tại khu di tích lịch sử Đền Hùng diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao như khai mạc hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng; thi đấu bóng chuyền nam, vật dân tộc, bắn nỏ, cờ tướng, cờ người; đánh trống đồng, hát xoan và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của T.Ư, Phú Thọ và các tỉnh bạn.
* Ngày 24/4 (8/3 âm lịch) tại thành phố Việt Trì diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, biểu diễn văn nghệ quần chúng; trưng bày giới thiệu sách tại Thư viện tỉnh. Tại khu di tích lịch sử Đền Hùng diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng do thành phố Việt Trì chủ trì; Rước kiệu của xã Hy Cương và các hoạt động thể thao, nghệ thuật như hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng các huyện thành thị.
* Ngày 25/4 (9/3 âm lịch) tại khu di tích lịch sử Đền Hùng diễn ra các hoạt động như rước kiệu của các xã Vân Phú, thị trấn Hùng Sơn và thị trấn Lâm Thao; Khai mạc hội thi nấu bánh chưng và giã bánh dày của 8 tỉnh; hội thi bơi chải trên sông lô diễn ra tại phường Bạch Hạc (Việt Trì); hát dân ca trên thuyền tại hồ Khuôn Muồi khu di tích lịch sử Đền Hùng; bế mạc trao thưởng hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng, chiếu phim nhựa màn ảnh rộng; bắn pháo hoa tầm thấp tại thành phố Việt Trì.
* Ngày 26/4 (10/3 âm lịch) diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu DTLSĐH; bế mạc trao thưởng giải bóng chuyền nam và giải vật dân tộc, bắn nỏ, cờ tướng, cờ người... | |