TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 16:13:16 Ngày 15/11/2024 GMT+7
Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN: 25 năm phát triển khẳng định vị thế trong đào tạo giáo viên gắn với triết lý đào tạo nhà giáo dục
Ngày 15/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày truyền thống. Đây là dịp để Nhà trường cùng nhìn lại chặng đường phát triển và là cơ hội để tri ân và tôn vinh những thành tựu đóng góp của các thế hệ giảng viên, cán bộ và sinh viên.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tới dự và phát biểu chúc mừng.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công an; nguyên lãnh đạo ĐHQGHN, Trường ĐH Giáo dục; đối tác hợp tác và đặc biệt sự có mặt của đông đảo cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên tiêu biểu qua nhiều thời kỳ.

Ghi nhận những thành tựu về 25 năm qua của Trường ĐH Giáo dục, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao vai trò của Trường Đại học Giáo dục trong hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Ông khẳng định: “Với những thành tựu đạt được, Trường Đại học Giáo dục đã và đang khẳng định vị trí là cơ sở đào tạo giáo viên, nhà quản lý giáo dục chất lượng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới giáo dục.”

Đội ngũ của Trường đã tăng gấp nhiều lần với gần 300 viên chức và người lao động, cùng quy mô đào tạo hiện nay đạt 6-7 ngàn người học mỗi năm. Đáng tự hào hơn, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ đạt gần 84%, và tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS chiếm gần 30%. Các thầy cô đã và đang góp phần quan trọng trong công tác tư vấn chính sách, xây dựng nhiều văn bản pháp luật như Luật Giáo dục đại học, Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục, Quy hoạch  mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tham gia xây dựng các Nghị định, Thông tư trong lĩnh vực giáo dục…

Nhà trường cũng có nhiều đóng góp trong đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành công an, quân đội, góp phần vào công cuộc bảo vệ tổ quốc. Nhiều hoạt động của Trường trong việc phát triển các kênh hỗ trợ giáo dục mầm non và phổ thông, tư vấn sức khỏe tâm thần cho giáo viên và học sinh trong đại dịch Covid-19 đã thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, sức lan tỏa và ảnh hưởng của thương hiệu Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN trong cộng đồng.

Cũng phải kể đến sự đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, với Diễn đàn Hà Nội về Khoa học Giáo dục và Sư phạm - HaFPES tổ chức thường niên đã trở thành điểm đến của các nhà khoa học giáo dục trong và ngoài nước. Những nỗ lực không nhỏ của Nhà Trường đã góp phần đưa lĩnh vực Giáo dục của ĐHQGHN vào tốp 401–500 thế giới năm 2023.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn phát biểu tại lễ kỷ niệm

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh, qua 25 năm phát triển, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN đã trở thành một thương hiệu, một niềm tự hào. Nhà trường đã không ngừng tạo dựng bản sắc riêng, trở thành một thương hiệu trong hệ thống giáo dục Việt Nam và quốc tế. Sự trưởng thành này là kết quả của nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, cũng như sự chỉ đạo và quan tâm của Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành, và sự hỗ trợ từ Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong thời gian tới, với mục tiêu định hướng phát triển Trường Đại học Giáo dục theo định hướng đại học nghiên cứu và đại học số ở mức cao trong các hoạt động của Nhà trường. Xây dựng Trường Đại học Giáo dục thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ giáo dục hàng đầu Việt Nam.

Phát triển cơ cấu tổ chức nhà trường theo hướng đảm bảo một hệ sinh thái đầy đủ cho đào tạo giáo viên và nghiên cứu khoa học giáo dục; Đẩy mạnh các hoạt động phát triển một cơ sở hiện đại, xanh và đẹp tại Hòa Lạc.

Đào tạo chất lượng cao theo mô hình TPACK+E (tăng cường tiếng Anh); Tiếp tục nghiên cứu và đào tạo các lĩnh vực liên ngành, tích hợp trong khoa học giáo dục và sư phạm; Đẩy mạnh nghiên cứu về công nghệ giáo dục. Như vậy, chúng ta cùng tin tưởng vị thế thương hiệu Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN sẽ là điểm đến lý tưởng và nơi ươm tạo những nhà giáo dục chất lượng cao phục vụ cho đất nước.

25 năm hành trình kiến tạo tương lai của Trường ĐH Giáo dục

Trong bài phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết: Việc hình thành và phát triển Khoa Sư phạm nay là Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đã đánh dấu sự ra đời và phát triển của một mô hình đào tạo mới trong lịch sử khoa học giáo dục Việt Nam. Mô hình đào tạo hướng tới sự liên thông tuyệt đối trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ĐHQGHN.

Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục GS.TS.NGƯT Nguyễn Quý Thanh

Đó là một sáng kiến lớn thể hiện tầm nhìn xa rộng của các nhà lãnh đạo ĐHQGHN hơn 25 năm về trước, thể hiện nhận thức và kỳ vọng tạo lập một cơ sở giáo dục vừa thực hiện chức năng giáo dục đại học, vừa thực hiện chức năng nghiên cứu và tư vấn chính sách giáo dục, định hướng phát triển giáo dục và giải quyết các vấn đề lớn của giáo dục nước nhà.

Khoa Sư phạm (tiền thân của Trường Đại học Giáo dục) chính thức được thành lập theo Quyết định số 1481/TCCB của Giám đốc ĐHQGHN. Việc thành lập Khoa Sư phạm đánh dấu sự ra đời một mô hình đào tạo giáo viên mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam - mô hình đào tạo mở hướng tới sự liên thông, liên kết trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Để ghi nhận và phát triển mô hình đào tạo tiên tiến, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 441/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 4 năm 2009 thành lập Trường Đại học Giáo dục trên cơ sở Khoa Sư phạm. Trường Đại học Giáo dục đã trở thành thành viên thứ 6 trong ngôi nhà chung ĐHQGHN.

Trường Đại học Giáo dục có sứ mạng là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục. Điểm độc đáo của mô hình đào tạo giáo viên kiểu mới trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

GS. Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh, Trường ĐH Giáo dục là cơ sở tiên phong ở Việt Nam mô hình đào tạo giáo viên phổ thông theo mô hình nối tiếp - đan xen 3+1 trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực như ĐHQGHN. Mô hình đã được thể nghiệm trong giai đoạn 2000 - 2005 tại Khoa Sư phạm. Sang đến giai đoạn 2006 – 2012, công tác đào tạo giáo viên THPT được tổ chức theo mô hình kế tiếp 3+1 và 4+1. Mô hình 3+1 được xây dựng với thời gian 3 năm đào tạo kiến thức cơ bản tại các trường đại học thành viên của ĐHQGHN và 1 năm đào tạo kiến thức nghiệp vụ sư phạm, giáo dục tại Trường Đại học Giáo dục. Còn mô hình 4 + 1 được thiết kế đào tạo khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm, giáo dục cho những đối tượng cử nhân khoa học, ngành đào tạo tương ứng trong thời gian 1 năm.

Mô hình đã được ngành GD&ĐT thừa nhận như một mô hình đào tạo giáo viên THPT chính thức trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam. Qua quá trình hình thành và rút kinh nghiệm đã có được mô hình (a+b) như Trường Đại học Giáo dục hiện nay.

Mô hình mới này đã khai thác được thế mạnh về khoa học giáo dục cơ bản của các đơn vị thành viên trong ĐHQGHN. Mặc dù là sinh viên sư phạm nhưng lại được đào tạo kiến thức khoa học cơ bản giống như sinh viên các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Từ đó phát huy được thế mạnh của một đơn vị thành viên trong đại học đa ngành đa lĩnh vực như ĐHQGHN. Đồng thời khẳng định một mô hình, một phương thức đào tạo giáo viên mới và như vậy nhiệm vụ đào tạo giáo viên cũng phải được hạn chế về số lượng nhưng với mục đích đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Trải qua chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay mô hình đào tạo giáo viên này đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam. Các thế hệ sinh viên trưởng thành tại Trường đã có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và giáo  dục, được xã hội công nhận và tôn vinh.

Điểm khác biệt trong triết lý giáo dục

Ngay từ khi thành lập, ĐHQGHN đã xác định, Khoa Sư phạm và Trường Đại học Giáo dục sau này phải tạo nên sự khác biệt. Đó là sự khác biệt trong triết lý giáo dục để đào tạo nên những người thầy, những nhà giáo dục trong thế kỷ mới. Chính tên gọi của Trường Đại học Giáo dục đã phản ánh triết lý đào tạo của Nhà trường. Ưu điểm của mô hình là giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên và đào tạo được các nhà giáo dục có tư  duy của nhà khoa học.

Trên thế giới, các khoa hay các trường đại học giáo dục trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực đều gọi là: “Faculty of Education” hoặc “College of Education”. Cả về ý nghĩa và thuật ngữ, “Giáo dục” sẽ bao quát được toàn bộ phạm vi sứ mệnh và triết lý đào tạo của Trường thay vì cách gọi phổ biến và “Trường sư phạm”.

Chia sẻ về triết lý giáo dục của Trường Đại học Giáo dục: “Người thầy trước hết phải là chuyên gia, tinh thông về nghề sư phạm”, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN cho biết: “Giáo viên đương nhiên là người giảng dạy 1 môn khoa học nào đó, nhưng trước hết họ phải là những nhà giáo dục. Nhà Giáo dục nghĩa là họ cần phải hiểu về công việc của chính mình; vinh quang của họ là ở việc đào tạo, hình thành nhân cách con người, tạo nên một thế hệ làm chủ tương lai của đất nước chứ không đơn giản là truyền đạt kiến thức của 1 môn khoa học nào đó. Sinh viên của Trường Đại học Giáo dục được đào tạo để khi ra trường sẽ có cái tầm và cái tâm của một nhà giáo dục; họ có nền tảng của các khoa học như: khoa học triết học, giáo dục, tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, khoa học quản lý; được trang bị tầm hiểu biết và nhãn quan của nhà chính trị, nhà văn hóa và đôi khi là nhà kinh tế trước khi trở thành người giáo viên có chuyên môn giảng dạy giỏi.

Nguyên Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Giáo dục, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc

Mô hình đã được ngành GD&ĐT thừa nhận như một mô hình đào tạo giáo viên THPT chính thức trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam. Qua quá trình hình thành và rút kinh nghiệm đã có được mô hình (a+b) như Trường Đại học Giáo dục hiện nay.

Mô hình mới này đã khai thác được thế mạnh về khoa học giáo dục cơ bản của các đơn vị thành viên trong ĐHQGHN. Mặc dù là sinh viên sư phạm nhưng lại được đào tạo kiến thức khoa học cơ bản giống như sinh viên các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Từ đó phát huy được thế mạnh của một đơn vị thành viên trong đại học đa ngành đa lĩnh vực như ĐHQGHN. Đồng thời khẳng định một mô hình, một phương thức đào tạo giáo viên mới và như vậy nhiệm vụ đào tạo giáo viên cũng phải được hạn chế về số lượng nhưng với mục đích đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Những dấu ấn đáng tự hào

Trải qua chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay mô hình đào tạo giáo viên này đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam. Các thế hệ sinh viên trưởng thành tại Trường đã có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và giáo  dục, được xã hội công nhận và tôn vinh.

Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh: “Chúng ta tự hào khi nhìn lại hành trình 25 năm của Trường Đại học Giáo dục, một chặng đường phát triển với nhiều thách thức nhưng cũng đầy những thành tựu đáng tự hào, khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia và quốc tế.” Nguồn nhân lực khoa học được tăng cường: Trường thu hút mạnh mẽ các nhà khoa học có trình độ Tiến sĩ, chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư về Trường giảng dạy và nghiên cứu. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là trên 80%, giảng viên có chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư là khoảng 30%. Đây được coi là tỷ lệ vàng trong ĐHQGHN và là tỷ lệ rất cao trên cả nước.

Cơ sở vật chất được đầu tư mạnh mẽ: ĐHQGHN tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho khối đại học và THPT, trong đó có các phòng thí nghiệm, phòng Lab công nghệ giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiện đại học chương trình đào tạo.

Tổng nguồn thu tăng, trong đó nguồn thu sự nghiệp ngoài tăng rất mạnh trong những năm trở lại đây. Thu nhập bình quân của cán bộ, giảng viên tăng gần 3 lần, tích luỹ các quỹ cũng tăng mạnh.

Mở rộng cơ cấu đào tạo và tiên phong trong đào tạo các lĩnh vực mới: Cơ cấu đào tạo tăng, phát triển cân đối hơn giữa các ngành đào tạo giáo viên và ngoài giáo viên. Quy mô đào tạo tăng, tiệm cận dần với mức quy chuẩn trường đại học để phát triển bền vững. Trong đó, quy mô đào tạo đại học tăng 300% so với khi mới thành lập; quy mô đào tạo sau đại học ở mức cao so với cả nước. Trường Đại học Giáo dục là đơn vị tiên phong đào tạo các lĩnh vực mới trong khoa học giáo dục như: Quản trị trường học, Quản trị chất lượng, Tham vấn học đường, Công nghệ Giáo dục…Đặc biệt, Trường Đại học Giáo dục là đơn vị đầu tiên của cả nước đào tạo giáo viên dạy học các môn tích hợp cho bậc THCS: Sư phạm Lịch sử & Địa lý, Sư phạm Khoa học Tự nhiên.

Công bố quốc tế gia tăng vượt trội: Số lượng công bố quốc tế, đặc biệt trên các hệ thống ISI/Scopus tăng rất mạnh, ước đạt 20% một năm. Các nghiên cứu ứng dụng cũng được triển khai với các sáng chế và các giải pháp hữu ích được công nhận, đặc biệt là các nghiên cứu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Số lượng sách chuyên khảo, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp tiếp tục gia tăng; thu hút nhiều dự án khoa học công nghệ giáo dục xuyên quốc gia; các diễn đàn, hội nghị mang tầm quốc tế được tổ chức với sự tham gia của các học giả hàng đầu thế giới.

Tiên phong trong kiểm định chất lượng: 100% các chương trình bậc đại học có sinh viên tốt nghiệp được kiểm định; 20% các chương trình thạc sĩ đã được kiểm định. Trường cũng là đơn vị đầu tiên hoàn thành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2.

Gia tăng thứ hạng trong nhóm lĩnh vực giáo dục: Trường ĐHGD tự hào là 1 trong 9 trường đại học thành viên trong ngôi nhà chung ĐHQGHN – đại học tốt nhất Việt Nam, nhóm 1000 đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của tạp chí THE và tổ chức QS. Trong Bảng xếp hạng QS thế giới theo lĩnh vực năm 2023 (QS WUR by subject 2023), ĐHQGHN tiếp tục duy trì vị thế tại các lĩnh vực mũi nhọn, trong đó, nhóm lĩnh vực giáo dục nằm trong nhóm 401-500 thế giới ngay trong lần đầu tiên tham gia xếp hạng. Trường Đại học Giáo dục tự hào đóng vai trò nòng cột, góp phần nâng cao vị thế và danh tiếng của ĐHQGHN trong nhóm lĩnh vực giáo dục trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Đóng góp vào việc xây dựng nhiều chính sách quan trọng: Đội ngũ chuyên gia của Nhà trường đã tham gia tư vấn chính sách, tham gia xây dựng nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như  Luật GDĐH, Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, các Nghị định , Thông tư trong lĩnh vực giáo dục, tham gia xây dựng phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, v.v. Các dự án giáo dục vì cộng đồng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Việt Nam.

Những thành tựu đã đạt được hôm nay là kết quả của sự đoàn kết, trí tuệ, trách nhiệm, sự nỗ lực, đồng sức, đồng lòng của tập thể cán bộ, giảng viên và người học qua nhiều thế hệ; sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, Đảng uỷ, Ban Giám đốc ĐHQGHN, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, Ban, Ngành; sự hợp tác và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Nhân dịp này, PGĐ ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cũng đã trao Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2024 cho GS.TS Nguyễn Quý Thanh và TS Tôn Quang Cường do Chủ tịch nước phong tặng. 

Buổi lễ kỷ niệm không chỉ tôn vinh quá khứ mà còn là dịp để định hướng tương lai. Nhà trường cam kết tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, hướng tới mục tiêu trở thành  một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu giáo dục hàng đầu của khu vực.

>>> Tin bài liên quan:

-Năm học 2024, Trường Đại học Giáo dục tuyển sinh 1150 chỉ tiêu cho 16 ngành đào tạo

-Phương pháp kiểm tra đánh giá năng lực người học bằng bài thi trắc nghiệm thích ứng trên máy tính

- Đào tạo phải gắn với thực tiễn của giáo dục Việt Nam và thị trường lao động

 Thùy Dương - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ