Tham dự có đại diện lãnh đạo Cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Viện Khoa học Tài nguyên Nước; Tổng Cục Thủy Lợi; Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam; Bộ Quốc phòng; các đối tác hợp tác của Khoa; Lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cùng đông đảo các thầy cô, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh qua các thời kỳ. Buổi lễ là dịp để các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên cùng nhau ôn lại hành trình xây dựng và phát triển của Bộ môn trong suốt bốn thập kỷ qua. Từ những ngày đầu thành lập còn nhiều khó khăn, Bộ môn Thủy văn và Tài nguyên nước đã không ngừng trưởng thành, trở thành một trong những đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực thủy văn, tài nguyên nước và môi trường tại Việt Nam. Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Vũ Hoàng Linh chúc mừng thầy và trò của Khoa và Bộ môn qua các thời kỳ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ghi nhận những thành tích của Khoa và Bộ môn trong thời gian qua, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết: 40 năm là hành trình khẳng định vị thế của Bộ môn trong công tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thủy văn và Hải dương học của cả nước. Bộ môn Thủy văn & Tài nguyên nước nói riêng và Khoa Khí tượng Thủy Văn & Hải dương học nói chung đã đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo đội ngũ lĩnh vực này của đất nước. Các chương trình đào tạo của Khoa và Bộ môn luôn đổi mới, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, nhằm trang bị cho người học nền tảng kiến thức vững chắc cũng kỹ năng thực hành chuyên nghiệp. Bộ môn Thủy văn và Tài nguyên nước, trong 40 năm qua, đã xây dựng được vị thế vững chắc, không ngừng đổi mới và sáng tạo trong nghiên cứu và đào tạo. Bộ môn không chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế mà còn đóng góp những công trình khoa học mang tính ứng dụng cao, giải quyết các vấn đề cấp bách như dự báo và cảnh báo các hiện tượng thủy tai, quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Những đóng góp này phần nào được ghi nhận qua Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng cho Bộ môn. Hiệu trưởng Vũ Hoàng Linh tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, cùng với Bộ môn Thủy văn và Tài nguyên nước, sẽ tiếp tục gặt hái thêm các nhiều thành công mới, khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam và vươn tầm quốc tế.
Trưởng Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học PGS.TS Nguyễn Tiền Giang gửi lời chúc mừng tới các thầy cô qua các thời kỳ. Trưởng Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học Nguyễn Tiền Giang cho biết: Trải qua chặng đường dài, từ những ngày đầu tiên đầy khó khăn, Bộ môn đã không ngừng trưởng thành, khẳng định vai trò tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu về thủy văn, tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Để có được những thành quả hôm nay, chúng ta không thể không nhắc tới công lao to lớn của các thế hệ thầy cô đi trước. Chính các thầy cô là những người đã đặt nền móng đầu tiên, xây dựng chương trình đào tạo, thiết lập các hướng nghiên cứu và vượt qua muôn vàn khó khăn để định hình nên một Bộ môn vững mạnh. Các thầy cô đã truyền lại không chỉ tri thức, mà còn truyền lửa đam mê, tinh thần trách nhiệm và khát vọng vươn xa cho các thế hệ học trò. Trưởng Bộ môn Thủy văn và Tài nguyên nước TS. Nguyễn Ý Như chia sẻ về những ngày đầu thành lập Bộ môn với bộn bề khó khăn, thách thức, bắt đầu từ những sinh viên ít ỏi. Nhưng đến nay, Bộ môn đã không ngừng phát triển mạnh mẽ và khẳng định được vị thế của mình trong nền giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu đội ngũ nhân lực chất lượng cao về khí tượng và tài nguyên nước. TS. Nguyễn Ý Như bày tỏ, mỗi thế hệ sinh viên, mỗi một thầy cô đều là một mắt xích không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của Bộ môn. Chúng ta tự hào về sự phát triển không ngừng của đội ngũ giảng viên, với hiện nay 30 cán bộ giảng dạy, trong đó đội ngũ cơ hữu có 2 phó giáo sư và 7 tiến sĩ. Bộ môn đã đào tạo hàng nghìn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều đơn vị trong và ngoài nước. Những thành tựu này là minh chứng cho sự cống hiến, nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ thầy trò. GS.TS Đoàn Văn Bộ, đại diện cựu giáo chức của Khoa đánh giá cao thành tích của khoa đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực dự báo thiên tai, bảo vệ môi trường phát triển bền vững cho đất nước. Chia sẻ cảm xúc khi tham dự lễ kỷ niệm nhiều sinh viên Bộ môn Khí tượng và Biến đổi khí hậu, Thủy văn & Tài nguyên nước nói: Được trở thành sinh viên của Khoa là niềm vui lớn, bởi đây là môi trường đào tạo khoa học cơ bản lớn nhất của cả nước. Sinh viên khi theo học được các các giáo sư, các thầy cô định hướng rõ chuyên môn nghiên cứu về lĩnh vực sinh viên đam mê ngay từ năm thứ nhất. Đặc biệt, đây là ngành học mà xã hội đang cần nguồn nhân lực cao để phụng sự đất nước trong công tác nghiên cứu, công trình dự báo về thiên tai, lũ lụt, giúp đất nước hạn chế được nhiều thiệt hại do thiên nhiên gây ra, giúp xã hội phát triển bền vững hơn. Những dấu ấn trong cộng đồng về lĩnh vực Khí tượng và Biến đổi khí hậu, Thủy văn & Tài nguyên nước, Khoa học & Công nghệ Biển Khoa Khí tượng Thủy văn & Hải dương học với ba bộ môn: Khí tượng và Biến đổi khí hậu, Thủy văn & Tài nguyên nước, Khoa học & Công nghệ Biển, Trải qua gần sáu thập kỷ hình thành và phát triển, Khoa đã đạt được những thành tích đáng tự hào, trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học. Về công tác đào tạo, Khoa đã đào tạo hơn 5000 cử nhân, 500 thạc sĩ và tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và tổ chức trong nước & quốc tế. Các thế hệ sinh viên của Khoa luôn được đánh giá cao không chỉ bởi kiến thức chuyên môn mà còn bởi tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo và năng lực làm việc xuất sắc. Nhiều cựu người học hiện đang giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan, tổ chức, góp phần to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước. Về nghiên cứu khoa học, Khoa đã thực hiện hàng trăm đề tài/dự án nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ, địa phương tập trung vào các vấn đề nóng như cảnh báo dự báo thiên tai, quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu, dự báo ngư trường. Khoa đã có trên hàng nghìn bài báo khoa học trong nước và quốc tế được công bố. Các công trình nghiên cứu của Khoa không chỉ mang lại những đóng góp về mặt học thuật mà còn có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững ở nhiều địa phương cũng như quốc gia. Trong 40 năm qua, Tập thể cán bộ Bộ môn đã công bố hơn 400 bài báo trong các tạp chí và hội thảo quốc gia, quốc tế. Trong giai đoạn 2020-2024, các cán bộ của Bộ môn Thuỷ văn và Tài nguyên nước đã công bố được tổng 49 bài báo trên Tạp chí Quốc tế thuộc danh mục ISI/ Scopus, 09 báo cáo tại hội thảo Quốc tế và 28 bài báo trên tạp chí quốc gia. Trong đó 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm 20 công trình công bố so với trung bình khoảng 13 bài của giai đoạn 5 năm trước. Cùng với việc đầu tư các phòng thí nghiệm và đổi mới phương pháp giảng dạy, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Việc trao đổi Hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học đã được tiến hành đều đặn với các chuyên gia Đức, Pháp, Hà Lan, Mỹ và Hy Lạp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippin, Úc và một số nước khác trong khu vực. Những thành tựu này là minh chứng cho sự dịch chuyển không ngừng của Bộ môn Thủy văn Tài nguyên nước, tiếp tục góp phần vào sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học của đất nước. SDG14: LIFE BELOW WATER Tài nguyên và môi trường biển – Life below water: mục tiêu này nhấn mạnh đến năm 2025, ngăn chặn và giảm đáng kể các loại ô nhiễm biển, đặc biệt là do các hoạt động trên đất liền, bao gồm rác thải biển và ô nhiễm chất dinh dưỡng. Đến năm 2030, tăng lợi ích kinh tế cho các Quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển nhất từ việc sử dụng bền vững tài nguyên biển, bao gồm thông qua quản lý bền vững nghề cá, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Nâng cao kiến thức khoa học, phát triển năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ biển, cung cấp khả năng tiếp cận thị trường và tài nguyên biển. Tăng cường bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương và tài nguyên của chúng. SDG15: LIFE ON LAND Tài nguyên và môi trường trên đất liền – Life on land: hướng đến Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất. |