TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 15:31:17 Ngày 06/06/2008 GMT+7
Mừng thọ GS.TS NGUT Phan Hữu Dật tuổi 80: tri ân người và tri ân đời
Sáng ngày 29/5/2008, lễ mừng thọ tuổi 80 của GS.TS.NGUT Phan Hữu Dật, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã diễn ra trang trọng mà ấm cúng tại hội trường Nguỵ Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Đông đảo bằng hữu, các thế học trò của GS. đã có mặt để cùng chia sẻ niềm vui, ôn lại kỷ niệm và những tình cảm gắn bó với người bạn, người thầy mà họ hằng yêu quý và ngưỡng mộ.

Thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc đã chúc mừng GS. Phan Hữu Dật nhân tuổi 80. Phó Giám đốc Vũ Minh Giang đã đánh giá cao những đóng góp và công lao to lớn của GS. Phan Hữu Dật đối với Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây và Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay. GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng GS. Phan Hữu Dật là “người luôn xuất hiện và đứng mũi chịu sào ở những thời điểm khó khăn nhất, những hoàn cảnh đòi hỏi người đứng đầu một tầm trí tuệ cao, sự tâm huyết và quyết đoán đề giải quyết vấn đề”. Và ông khẳng định: “Đối với những thế hệ đi sau thì thầy Dật và gia đình luôn là hình mẫu lý tưởng để chúng tôi học tập”.

Trong khuôn khổ của buổi lễ, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV và PGS.TS Bùi Duy Cam - Hiệu trưởng Trường Đại học Tự nhiên đã lên phát biểu điểm lại chặng đường học tập, công tác của GS. Phan Hữu Dật và ghi nhận những đóng góp lớn của ông cho Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói riêng cũng như nền giáo dục Việt Nam nói chung. GS. Nguyễn Văn Khánh phát biểu: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng mỗi bước trưởng thành của Trường ĐHKHXH&NV hôm nay luôn có công gây dựng, vun trồng của các thế hệ cán bộ và sinh viên đi trước, nhất là vai trò chèo lái của thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà GS. Phan Hữu Dật là vị Hiệu trưởng thứ hai”. Thay mặt Nhà trường, GS. Nguyễn Văn Khánh đã trao tặng GS. Phan Hữu Dật bức trướng với 4 chữ: “Thanh Lương phương dự” với hàm ý nhắc đến quê hương Thanh Lương như là nguồn cội mát lành đã vun đắp nên cuộc đời nhân ái mà bão dông, vất vả nhưng nhiều cống hiến ông đã trải qua.

Đại diện cho Khoa Lịch sử - nơi mà có thời gian 10 năm GS. Phan Hữu Dật trực tiếp quản lý và giảng dạy, PGS. TSKH. Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa cũng dành cho ông những lời chân thành, mộc mạc mà đầy tình cảm: “Khoa Lịch sử đã hơn nửa thế kỷ và GS. đã “thênh thênh” tháng ngày khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng Khoa Sử vẫn luôn là Khoa Sử - nghĩa là luôn bên thầy như những năm tháng tráng niên, mãi mãi là chốn đi - về của Thầy và các thế hệ thầy cô”.

Rất nhiều lời phát biểu chúc mừng khác, những kỷ niệm và tình cảm của đông đảo bạn bè, học trò cũng đã được gửi đến GS. Phan Hữu Dật và phu nhân của ông là bà Nguyễn Phước Chánh Thành như một lời cảm ơn chân thành vì những đóng góp và ân tình mà vị GS đã dành cho họ trong suốt cuộc đời mình.

Một cách vừa hài hước, vừa xúc động, GS. Phan Hữu Dật đã tâm sự cùng cử toạ rằng: “Ngay cả trong mơ tôi cũng không tưởng tượng được rằng mình có thể sống đến tuổi 80, quá tuổi thất thập cổ lai hy những ... 10 năm. Tôi cũng vô cùng xúc động khi được một cơ quan giáo dục lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ mừng thọ vừa trang trọng, vừa đầm ấm và đầy tình nghĩa như thế này”. Nói về hành trình đến với cách mạng, về chặng đường gian khó gắn bó với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông phát biểu: “Sinh ra tôi là cha mẹ tôi. Dẫn dắt tôi đến với cách mạng là Đảng Công sản việt Nam, là Bác Hồ kính yêu. Nơi đã tôi rèn, động viên, cộng tác, tạo điều kiện, giúp đỡ tôi trưởng thành là mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nếu không có những con người ấy, những hoàn cảnh ấy thì không có tôi ngày hôm nay”.

Tri ân với những tấm lòng, tri ân với cuộc đời chính là thông điệp mà vị GS tuổi 80 muốn gửi đến bằng hữu, học trò trong buổi lễ mừng thọ hôm nay. Đối với ông, những sự ủng hộ, cộng tác của mọi người đã đem đến cho ông nghị lực, niềm tin để làm việc và nghiên cứu. Cuộc đời với nhiều thử thách nhưng cũng lắm thành quả đem đến cho ông những niềm vui và niềm hạnh phúc lớn. Và như ông đã nói: “Tôi xin tri ân cuộc đời - một cuộc đời đẹp mà vì nó ta dám hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả sức lực của mình để cống hiến và phấn đấu”.

* Vài nét về tiểu sử của GS. Phan Hữu Dật:

GS. Phan Hữu Dật sinh ra và lớn lên tại làng Thanh Lương, bên dòng sông Bồ, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học. Năm 17 tuổi, ông tham dự cuộc mít tinh trước Ngọ Môn và tuần hành trên đường phố Huế trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Ty Thông tin - Tuyên truyền tỉnh Quảng Trị, duyên nghiệp nhà giáo đã gắn bó với ông bắt đầu từ trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu. Năm 1947, tại chiến khu Ba Lòng, ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một năm sau khi hoà bình lập lại, ông được cử đi học đại học và sau đó học nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Dân tộc học ở nước Nga. Từ năm 1964, GS. Phan Hữu Dật về công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành một trong những người đầu tiên xây đắp nền móng cho Bộ môn Dân tộc học ở Khoa Lịch sử nói riêng và ngành Dân tộc học Việt Nam nói chung.

Trên cương vị nhà giáo, nhà khoa học, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân và thạc sỹ, tiến sỹ ngành Dân tộc học, Sử học. Ông là nhà khoa học đầu tiên viết giáo trình Cơ sở Dân tộc học để giảng dạy trong các trường đại học Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Phan Hữu Dật đã trở thành một trong những nhà khoa học đầu ngành về Dân tộc học Việt Nam. Trên 100 công trình nghiên cứu đã được công bố của ông đề cập đến những vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu tộc người và văn hoá tộc người, mà công trình nào cũng sâu sắc về mặt lý luận, có tính nguyên tắc về mặt tư tưởng và có ý nghĩa thực tiễn. Đặc biệt, công trình “Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam” của GS. đã được giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005.

GS. Phan Hữu Dật còn là một nhà tổ chức và quản lý giáo dục tâm huyết và tài năng. Ông đã từng là Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; tham gia Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1977, ông được cử giữ vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, quyền Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến năm 1988. Kế nhiệm GS. Nguỵ Như Kon Tum, trong bối cảnh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hiệu trưởng Phan Hữu Dật đã cùng tập thể Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đứng mũi chịu sào, chủ động giải quyết khó khăn, từng bước đưa Nhà trường ổn định và phát triển, làm cho cái tên Đại học Tổng hợp trở thành một trong những địa chỉ giáo dục uy tín cả trong và ngoài nước. GS. Phan Hữu Dật còn được phong GS danh dự của Đại học tổng hợp Maxcơva danh tiếng, là thành viên của Hiệp hội các trường đại học thế giới, là Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiểu sử Hoa Kỳ. Tên ông có trong từ điển “Who’s Who” của nước Mỹ.

 Hà - Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ