Tại chương trình Café số 4 của CLB Nhà khoa học ĐHQGHN, 15 nhà khoa học đã nhận hỗ trợ của Quỹ phát triển ĐHQGHN cho những công bố khoa học quốc tế xuất sắc trong năm 2013
Công bố quốc tế = thước đo năng lực nghiên cứu
Công bố quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân nhà khoa học cũng như các cơ sở đại học với tư cách là nơi sáng tạo ra tri thức mới. Được đăng tải trên các tạp chí khoa học hàng đầu cũng đồng nghĩa với việc khẳng định chất lượng các công trình nghiên cứu ấy đã đạt chuẩn quốc tế. Do vậy, công bố quốc tế được coi như thước đo năng lực nghiên cứu và khả năng hội nhập của các nhà khoa học. Theo xếp hạng đại học của QS, số bài báo/giảng viên và số lần trích dẫn của bài báo là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá và xếp hạng đại học.
TS. Trần Quang Tuyến (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN) - một trong những nhà khoa học đầu tiên được nhận hỗ trợ của ĐHQGHN cho công trình khoa học được công bố quốc tế trong năm 2013 chia sẻ quan điểm: công bố quốc tế (thuộc danh mục Scopus và ISI) của các nhà khoa học với tên của trường sẽ góp phần làm tăng hạng quốc tế, nâng cao uy tín và thương hiệu của trường đại học. Bởi vậy các trường đại học trên thế giới đều có chiến lược gia tăng số lượng và chất lượng công bố quốc tế của giảng viên để nâng cao thương hiệu quốc tế của mình.
TS. Phan Xuân Hiếu (Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN) thì cho rằng công bố quốc tế là một trong những chỉ số quan trọng nhất cho biết một nhà nghiên cứu: có tiếp cận và cập nhật những xu thế mới và quan trọng trong ngành của khoa học thế giới hay không?; có đủ năng lực để tương tác với các đồng nghiệp quốc tế thông qua ngôn ngữ khoa học hay không?; có những kết quả nghiên cứu có giá trị và thực sự ít nhiều có ảnh hưởng đến cộng đồng nghiên cứu hay không? Vì vậy, những con số thống kê về công bố quốc tế là một chỉ số quan trọng và khách quan giúp mỗi nhà khoa học định vị bản thân mình trong bản đồ R&D của ngành và lĩnh vực.
Từ góc nhìn quản lý, kinh tế, TS. Nguyễn Hoàng Nam (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) khẳng định: công bố quốc tế sẽ giúp đại học quảng cáo mình tốt hơn, qua đó thu hút được nhiều sinh viên và các nguồn tài trợ, thu hút thêm nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo.
Trên thực tế, đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học trải nghiệm và tương tác với đồng nghiệp giỏi trên thế giới, tạo mạng lưới quan hệ và cộng tác học thuật rộng lớn trong lĩnh vực của mình. Khi đã có vị trí và tên tuổi nhất định, các nhà khoa học sẽ dễ tiếp cận được các nguồn tài trợ thường xuyên, điều này càng quan trọng trong bối cảnh các dự án nghiên cứu ngày nay có xu hướng liên ngành, liên lĩnh vực, cần nhiều đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại để tiến hành thực nghiệm.
Phải đam mê và kiên trì
Tỷ lệ từ chối của các tạp chí khoa học hàng đầu lên đến 90%, các tạp chí khoa học trung bình là 50%. Thời gian thẩm định bài báo có thể kéo dài 1, thậm chí 2 năm. Đa số các bài báo bị từ chối là do không có tính mới, đính độc đáo. Theo một thống kê cho thấy, 4 đại học hàng đầu Việt Nam mỗi năm có khoảng trên dưới 160 báo cáo được công bố quốc tế, trong đó hơn 50% công bố với tư cách đồng tác giả với các nhà khoa học nước ngoài, chỉ có 50% là đứng tên độc lập. Công bố quốc tế của 4 đại học hàng đầu Việt Nam và Viện Hàn lâm kỹ thuật Việt Nam một năm chỉ bằng công bố của đại học hàng đầu Thái Lan là Chulalongkon. Tỷ lệ công bố khoa học tính trên 1 triệu dân của Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ thấp nhất khu vực. Điều này cho thấy để có công bố quốc tế không phải là điều dễ dàng đối với các nhà khoa học Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, TS. Phan Xuân Hiếu (Trường ĐH Công nghệ) cho rằng, để có những công bố quốc tế có giá trị thì nhà khoa học cần có lòng đam mê với hướng nghiên cứu của mình, luôn theo dõi sâu và sát những kết quả nghiên cứu mới, bước tiến mới của thế giới về vấn đề mình quan tâm. Bên cạnh đó, cần có khả năng lên kế hoạch, tổ chức, và quản lý thời gian hiệu quả trong nhóm nghiên cứu vì nếu không có một kế hoạch tốt, các ý tưởng đều khó được triển khai. Tuy nhiên, TS. Phan Xuân Hiếu nhấn mạnh: nên xem công bố quốc tế là hệ quả quan trọng của một dự án nghiên cứu tốt thay vì là mục tiêu tối thượng. Nếu một người có xu hướng chạy theo số luợng công bố và nhãn mác quốc tế thì khó lòng có những công trình có giá trị ở những tạp chí, hội nghị chất lượng cao.
TS. Trần Quang Tuyến (Trường ĐH Kinh tế) cho rằng: “cần nuôi dưỡng niềm đam mê, tích cực học hỏi các GS nước ngoài, các đồng nghiệp trẻ ở Việt Nam đã có nhiều công bố quốc tế”. Để có thể tiếp cận và có công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thế giới, các nhà khoa học Việt Nam cần biết tìm tạp chí phù hợp với hướng nghiên cứu của mình và phải biết kiên trì. Anh chia sẻ câu chuyện của mình: đầu năm 2013, khi gửi 02 bài báo tới các tạp chí thuộc danh mục ISI, anh đã bị từ chối tới 3 lần, tới lần thứ 4 mới tìm được tạp chí phù hợp rồi gửi đi phản biện và được chấp nhận đăng. Quá trình tiếp cận, gửi bài, chờ phản hồi và chỉnh sửa theo yêu cầu của báo là mất khá nhiều thời gian và công sức. Năm 2013, tác giả này có 2 bài đăng ở tạp chí thuộc ISI, 01 bài đăng ở tạp chí thuộc danh mục Scopus với cương vị tác giả chính và 01 bài ở tạp chí thuộc ISI với tư cách đồng tác giả.
Cần thêm những hỗ trợ
Để động viên và khuyến khích các nhà khoa học tăng cường các công bố quốc tế, Quỹ Phát triển ĐHQGHN lần đầu tiên có những hỗ trợ thiết thực cho các nhà khoa học trẻ. ThS. Trần Điệp Thành (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) bày tỏ niềm vui: Tôi nhận thấy đây là lần đầu tiên ĐHQGHN có một chính sách đặc biệt nhằm động viên, khen thưởng tập trung vào các nhà khoa học trẻ có công bố quốc tế (có bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh sách của ISI, Scopus, hoặc có chỉ số IF cao). Một chính sách khuyến khích như vậy có ý nghĩa rất đặc biệt đối với cá nhân tôi vì bài nghiên cứu tâm huyết của tôi được nhận sự động viên từ ĐHQGHN. Với mỗi bài nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ ĐHQGHN được đăng tại một tạp chí khoa học nước ngoài có chỉ số ISSN thì có nghĩa là cán bộ đó đã góp một công sức nhỏ để khẳng định “thương hiệu” của ĐHQGHN trên “thương trường” quốc tế. Theo nghĩa đó, chính sách khuyến khích của ĐHQGHN lần này theo tôi là một chính sách mang tầm “chiến lược” nhằm xây dựng và phát triển ĐHQGHN thực sự trở thành một ĐH nghiên cứu hàng đầu, thẳng tiến xếp hàng với các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Phan Xuân Hiếu chia sẻ thêm: các chính sách, chủ trương và chế độ khuyến khích của ĐHQGHN nếu được duy trì một cách ổn định và thường xuyên sẽ tiếp thêm động lực để các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tập trung thêm nhiều trí lực và tâm sức hơn nữa cho công việc nghiên cứu. Bản thân các nhà khoa học khi được lãnh đạo ghi nhận dù dưới hình thức nào cũng sẽ cảm thấy mình là một phần không tách rời trong ngôi nhà chung và kết quả nghiên cứu của họ thêm ý nghĩa khi góp phần vào sự phát triển chung của ĐHQGHN. |