- Giáo sư có thể giới thiệu đôi nét về cuốn sách “Ngôn ngữ học đại cương: Những nội dung quan yếu” – công trình vừa được Giám đốc ĐHQGHN trao tặng Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu năm 2013?
Công trình Ngôn ngữ học đại cương – Những nội dung quan yếu của tôi mới được NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2012. Đây là kết quả nghiên cứu và giảng dạy môn học Ngôn ngữ học đại cương mà tôi theo đuổi trong hơn 30 năm, nhằm đáp ứng yêu cầu nhận thức, nhận thức lại và cập nhật các tri thức lí thuyết, phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học. Công trình Ngôn ngữ học đại cương gắng trình bày các vấn đề cơ bản của ngôn ngữ học hiện đại một cách có hệ thống, khoa học và đặc biệt kết nối được các thành tựu của ngôn ngữ thế giới với ngôn ngữ học đông phương và Việt ngữ học. Cuốn sách có 595 trang (kể cả phần tài liệu tham khảo), khổ 16×24, chia làm 12 chương, trình bày những nội dung quan yếu nhất của Ngôn ngữ học đại cương, được tôi lựa chọn theo ba nguyên tắc ưu tiên cơ bản, thiết thực và sư phạm (tr.9). Điều đáng lưu ý là bố cục của cuốn sách không được trình bày theo lối diễn dịch truyền thống thường thấy trong các công trình Ngôn ngữ học đại cương. Thay vì trình bày từ lí luận tổng quan đến các cấp độ ngôn ngữ, tôi đã chọn theo một lôgic phản ánh quá trình nhận thức là đi từ quan niệm (về ngôn ngữ học đại cương) đến đối tượng nghiên cứu (bản chất, chức năng và hệ thống, cấu trúc ngôn ngữ) và phương pháp nghiên cứu (các lí thuyết ngôn ngữ học). Cách tổ chức nội dung quyển sách như thế có nét mới mẻ so với các công trình đã có.
- Giáo sư có thể thông tin rõ hơn về các nội dung của công trình nghiên cứu này?
Nội dung thứ nhất của quyển sách đề cập đến các vấn đề cơ bản của triết lý ngôn ngữ cái vốn đã được đề cập và thảo luận khá nhiều trong các công trình ngôn ngữ học đại cương trước đó từ nhiều quan niệm lí thuyết khác nhau, trong sách này tôi đã tìm cách làm sáng tỏ thêm cả về mặt lí luận và dữ kiện ngôn ngữ. Trên cơ sở lí thuyết đó, tôi đã trình bày và thảo luận sâu sắc thêm các vấn đề chức năng giao tiếp của ngôn ngữ, bản chất kí hiệu của ngôn ngữ, cơ chế hoạt động của ngôn ngữ và đặc biệt là vấn đề mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy đều được nhìn nhận và giải thích từ các tiền đề lí thuyết hiện đại.
Nội dung thứ hai và thứ ba của cuốn sách – các vấn đề về hệ thống, cấu trúc và cơ chế hoạt động của ngôn ngữ, được trình bày cô đọng ở các chương 4 và 5, tôi đã trình bày và thảo luận kĩ về các cách tiếp cận và các phương pháp nghiên cứu của ngôn ngữ học, qua đó một lần nữa làm sáng tỏ các vấn đề hệ thống – cấu trúc và cơ chế hoạt động của ngôn ngữ.
Ở phần nội dung thứ tư, người đọc có thể tiếp cận ngay với phương pháp luận và các tiền đề lí thuyết và phương pháp của ngôn ngữ học hiện đại.
Cách trình bày của tôi kết hợp vừa theo hướng lịch sử (khuynh hướng nghiên cứu) vừa theo hệ giá trị từng vấn đề như vậy mang lại cho người đọc một bức tranh khá toàn diện về các nội dung hữu quan, mặc dù không phải lúc nào cũng dễ theo dõi.
Một cố gắng khác của cuốn sách là ngoài việc cung cấp cho người đọc một hệ thống kiến thức lí luận vừa toàn diện, vừa cụ thể về ngôn ngữ học đại cương, ở nhiều vấn đề, tôi đã vận dụng lí luận đại cương để giúp người đọc hiểu rõ các vấn đề của Việt ngữ học và thực tiễn tiếng Việt. Có thể thấy rõ điều này qua những trang viết khá sâu về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy với cấu trúc và chức năng của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Cuốn sách có bố cục khá chặt chẽ, nội dung các chương đã gắng liên kết với nhau một cách logic và mạch lạc. Tôi sử dụng văn phong có tính hàn lâm, khoa học nhưng cũng dễ hiểu và có tính sư phạm, có sự kết hợp giữa trình bày lí luận với ý kiến phân tích, đánh giá với những dẫn dụ cụ thể được lấy từ thực tiễn tiếng Việt và các ngôn ngữ khác.
Ảnh: Nguyễn Hồng Cổn
- Giáo sư có thể chia sẻ về công việc nghiên cứu của nhà khoa học để hình thành được công trình khoa học công phu này?
Tôi đã dạy ngôn ngữ học gần 50 năm và trong quá trình đó vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu và tích lũy thêm kinh nghiệm. Riêng công trình “Ngôn ngữ học đại cương: Những nội dung quan yếu” tích lũy phải mất đến 30 năm. Tôi dạy môn học này từ những năm 1980 cho đến nay. Trong quá trình đó tôi đặt ra ba việc là phải học được những kiến thức cơ bản; tiếp nhận, cập nhật được các thông tin khoa học quốc tế; trong khi nghiên cứu thì phải thể hiện được đặc điểm của thực tiễn Việt Nam cho phù hợp với kiến thức đó. Dần dần hình thành nên cuốn sách trong ý tưởng và bắt đầu thực hiện cuốn sách cũng phải mất gần 10 năm từ 2002 đến 2012.
Tôi đã cố gắng cập nhật trong 600 trang sách những phương diện quan yếu nhất và cơ bản nhất, có những cái mới so với những cuốn sách có cùng chuyên ngành. Song kiến thức là vô cùng nhưng tiếp tục phải rèn giũa và bổ sung để khi tái bản, thì các thông tin tiếp tục được cập nhật hơn.
- Gần 70 tuổi đời, với xấp xỉ 50 năm tuổi nghề, đến nay, Giáo sư đã chủ trì 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN, xuất bản 5 cuốn sách, công bố hơn 40 bài báo khoa học và là Thầy của nhiều thế hệ học trò. Cơ duyên nào đã gắn bó Giáo sư với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học?
Tôi là lứa sinh viên khóa 6 của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây, nay là ĐHQGHN. Tôi vào trường năm 1961 và ra trường năm 1965, vẫn còn trong thời gian kháng chiến chống Mĩ.
Thủa đó, chúng tôi không được chọn ngành học mà do sự phân công của nhà nước. Tôi may được Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn chọn để bồi dưỡng, đào tạo và truyền nghề. Tôi bị Thầy mắng rất nhiều rồi mới định hình được mình qua từng bước, từ chỗ đi học đến công việc nghiên cứu. Đến nay thật ra thì tôi cũng chưa có đóng góp gì lớn cả. Tôi cố gắng thực hiện tốt công việc của giảng viên, một người nghiên cứu để xuất bản một vài cuốn sách, công bố một số bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước. Tôi thực sự chưa thấy thỏa mãn và bằng lòng với những kết quả mà mình đạt được. Trong công tác giảng dạy, tôi muốn cố gắng truyền đạt cho sinh viên những kiến thức cơ bản và cập nhật những kiến thức mới mẻ. Tôi đã hướng dẫn cho 18 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ và rất nhiều cử nhân chuyên ngành ngôn ngữ học.
- Gần đây, triết lí của ĐHQGHN về khoa học công nghệ là “khoa học vị nhân sinh”, “giảng viên – nhà khoa học”, ý kiến của Giáo sư về nội dung này là gì?
Tôi thấy rằng, nhà giáo ở đại học bắt buộc phải song hành thực hiện cả hai nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu. Trong quá trình công tác thực hiện các công việc đó, người thầy phải làm công việc giảng dạy và nghiên cứu của mình đồng thời truyền cảm hứng cho học trò để học có thể độc lập trong giảng dạy và nghiên cứu. Đây là công việc không chỉ để sinh viên có thể trở thành nhà nghiên cứu mà là để sinh viên có thể chủ động tư duy độc lập, tiếp cận và xử lí các vấn đề một cách độc lập để tích lũy kinh nghiệm và hành động thực tế. Các sinh viên tốt nghiệp Trường ĐHKHXH&NV có thể trở thành nhà nghiên cứu song cũng có thể trở thành doanh nhân hoặc làm các công việc khác. Kiến thức mà đại học đào tạo cho người học theo tư duy nghiên cứu là rất quan trọng.
Định hướng “khoa học vị nhân sinh”, “giảng viên – nhà khoa học” của ĐHQGHN là một chủ trương cực kì đúng đắn. Mục tiêu cuối cùng theo tôi là rèn luyện để đầu ra ở bậc đại học và sau đại học đều biết việc và làm việc được, phục vụ thật thà các công việc mà họ đeo đuổi.
Tôi cho rằng ĐHQGHN cần có cơ chế hỗ trợ nghiên cứu cơ bản vốn là mũi nhọn mà ở đó cho ta cơ sở lý luận để giải quyết những bài toán của xã hội. Các nhà nghiên cứu của ĐHQGHN không chỉ nghiên cứu những thứ mình đang có mà phải nghiên cứu những điều thực tiễn xã hội đang cần. Tôi lưu ý một điều là không có khoa học cơ bản không thể giải quyết được.
Nền khoa học của Việt Nam ngày càng phát triển đi lên và có định dạng khá tốt bởi lẽ khoa học cơ bản của Việt Nam tương đối tốt. Ngay trong thời kì kháng chiến mặc dù khó khăn song Đảng và Nhà nước vẫn duy trì đào tạo nền khoa học cơ bản tốt và từ đó để có thể phát triển các chuyên ngành khác. Khoa học cơ bản là nên móng lí thuyết để các ngành khoa học khác phát triển đến.
Tôi rất tán đồng với chủ trương này và mong muốn các hoạt động khoa học cụ thể của ĐHQGHN sẽ tiếp tục ngày càng phát triển.
- Gần đây, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Hội nghị lần 8 Ban Chấp hành TW khóa XI đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Dưới góc độ của một nhà khoa học – giảng viên đại học, ý kiến của Giáo sư về một số chủ trương, đường lối chính sách gần đây trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ?
Vấn đề trong Nghị quyết nêu rất đúng. Đảng có chủ trương và Nhà nước có chiến lược khoa học công nghệ cũng như giáo dục và đào tạo phát triển, song để đổi mới thì phải dựa trên căn cốt là Nghị quyết phải vào cuộc sống và cuộc sống vào Nghị quyết. Cuộc sống vốn đa dạng, phức tạp và khó lường. Cần phải triển khai bằng tư duy và hành động, bằng biện pháp và hỗ trợ trong đó có hỗ trợ bằng vật chất mới có thể thành công được. Tôi cho rằng Nghị quyết về đổi mới giáo dục rất đúng, đáp ứng được mong mỏi của đội ngũ nhà giáo.
Nhưng tôi cũng còn băn khoăn. Nghị quyết rất đúng và trúng song việc áp dụng trong thực tiễn thì phải vừa làm vừa tìm hiểu và phải kiên định. Tôi cho rằng, giải pháp tốt nhất để Nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải bám lấy thực tế, xuất phát từ thực tế để giải quyết các vấn đề. Tôi rất mong nội dung nghị quyết của trung ương sớm đi vào cuộc sống.
- Theo Giáo sư, trong môi trường đại học đa ngành, gốc dễ của đổi mới cần bắt đầu từ đâu?
Tôi cho rằng cần phải đổi mới cả giảng dạy và nghiên cứu. Trong giảng dạy thì phải đổi mới cả cách dạy và cách học. Tôi cho rằng cần phải thông qua tăng cường sự phản biện của sinh viên sau khi nghe bài giảng của thầy. Chương trình đào tạo phải cung cấp thước đo nhận thức để sinh viên biết họ cần phải làm những gì, làm vào lúc nào, giải quyết những vấn đề thực tiễn ra sao để cho họ thảo luận, bàn bạc và có những phản ứng tương tác với hoạt động của thầy. Không nên để cho sinh viên nghe thầy cô một chiều. Kiến thức của Thầy có thể cập nhật, có thể không song thực tiễn thì đa dạng, muôn màu muôn vẻ.
Nghiên cứu thì nên bắt đầu từ những thứ thiết thực xung quanh ta. Tôi cho rằng thấy gì vừa sức, có ích thì làm trước. Phương pháp nghiên cứu thì nên học hỏi bạn bè quốc tế. Họ giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp trong phương pháp giải quyết nhưng tôi muốn lưu ý thêm là phương pháp ấy phải gắn với bài toán thực tiễn của Việt Nam. Lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông, còn phương pháp không gắn với lí luận thì trở thành mù quáng. Do vậy, những giảng viên – nhà khoa học nên thường xuyên cập nhật thông tin trên Internet, tiếp cận các thông tin khoa học thế giới và bám sát thực tế Việt nam.
Đổi mới nghiên cứu phải đồng bộ từ cá nhân và tổ chức. Tổ chức phải có sự đầu tư, cập nhật trong quản trị nghiên cứu khoa học. Bấy lâu nay ta vẫn chỉ đầu tư nhỏ giọt, chưa tập trung nguồn lực. Cá nhân các chuyên gia đầu ngành đứng đầu các nhóm nghiên cứu mạnh, tổ chức phải tập hợp các chuyên gia giỏi để thực hiện các nghiên cứu liên ngành thì mới có thể thực hiện đổi mới thành công.
- Mong mỏi của Giáo sư đối với hoạt động giáo dục đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học ở ĐHQGHN?
Gần 50 năm giảng dạy tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, tôi luôn mong dạy tốt – học tốt – nghiên cứu tốt. Người Thầy phải tự nâng cao năng lực nghiên cứu của mình thông qua các công bố trong nước và quốc tế; các bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, xuất bản sách chuyên khảo, giáo trình,…
Đối với ĐHQGHN, để thực hiện thành công triết lí xây dựng ĐH nghiên cứu thì phải sớm hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh. Có nhóm nghiên cứu mạnh thì mới có kết quả nghiên cứu tầm cỡ và sẽ thành công trên con đường xây dựng đại học nghiên cứu. Phong trào nghiên cứu vẫn cần được mở rộng bên cạnh việc đi vào chiều sâu là xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong từng địa hạt: công nghệ, xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, kinh tế, luật,…
Tôi nghĩ cần phải mở rộng nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN thông qua việc mời các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước cùng tham gia.
Việc đầu tư thì phải quan tâm ủng hộ 3 việc như sau: nâng cao chất lượng và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm của KHTN và công nghệ; hiện đại hóa thư viện trong đó lưu tâm đến nguồn sách báo khoa học của nước ngoài và đầu tư cho tạp chí khoa học. Đây là 3 lĩnh vực nổi bật thể hiện chất lượng của ĐH nghiên cứu.
- Bấy lâu nay, chỉ số công bố ISI và scopus thường được ngầm gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Là một nhà khoa học trong lĩnh vực KHXH&NV, Giáo sư nghĩ gì về các chỉ số này?
Việc công bố các công trình KHXH&NV trên các tạp chí ISI không thể nhanh chóng như khoa học tự nhiên hay công nghệ được. Đặc tính của KHXH&NV là cần tích lũy và đánh giá qua thực tiễn.
Đối với Việt Nam, chúng ta có ưu thế nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ học, ngôn ngữ học, lịch sử tư tưởng và văn hóa nghệ thuật… Có nhiều công trình có giá trị nhưng việc chuyển ngữ lại khá khó khăn.
KHXH&NV mới có sự giao lưu và cởi mở kể từ cuối những năm 80 của thế kỉ trước nên việc giao lưu cập nhật còn hạn chế. Do vậy các nhà khoa học trong lĩnh vực này cần phải cập nhật thực tiễn và đi thực địa, điền dã và cần có sự đầu tư mạnh của nhà nước.
Đầu tư cho KHXH&NV khác với đầu tư cho KHCN vì kết quả không thấy ngay được. Đôi khi phải trải qua một thời gian dài kết quả nghiên cứu mới được kiểm chứng. Lâu nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu KHXH&NV vẫn còn hàn lâm, chưa thay đổi và cập nhật phù hợp với thực tiễn của công tác quản lí.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư. |