Để có những thông tin cụ thể hơn về VNU - VSL, phóng viên Website ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn TS. Trịnh Thị Thúy Giang – Phó Chủ tịch VSL.
- Chị có thể cho biết ý tưởng ban đầu của những người sáng lập VNU - VSL?
Phần lớn, các trường đại học danh tiếng trên thế giới đều xây dựng các vườn ươm để nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, tiềm năng. Không ít những sản phẩm khoa học công nghệ, ý tưởng kinh doanh xuất sắc khởi nghiệp từ nơi đây. Là một người rất am hiểu về mô hình đại học trên thế giới, tâm huyết trong công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ nhà khoa học trẻ, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN, với mong muốn VSL là vườn ươm, thúc đẩy sự sáng tạo của những tài năng trẻ, nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN.
Trong nhiều họat động thường kì của VSL, đã không ít lần Giám đốc ĐHQGHN – Chủ tịch VSL Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ quan điểm, các nhà khoa học chính là lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng trong lộ trình xây dựng ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến ở Việt Nam và khu vực.
Việc hình thành các câu lạc bộ nhà khoa học ở các trường đại học không phải là mới song hoạt động của VSL hơn một năm qua đã tạo ra được dấu ấn riêng. Với một cách thức hoạt động mềm dẻo, linh hoạt, thông qua các chương trình Café định kì hàng tháng với những chủ đề hữu ích, VSL đã tự thân tạo nên sức hút, thu hút sự tham gia tự nguyện của các nhà khoa học trẻ ở ĐHQGHN.
- Tiêu chí và mục đích hoạt động của VNU - VSL là gì thưa Chị?
VNU – VSL là một tổ chức để tập hợp, kết nối các nhà khoa học trẻ trong và ngoài ĐHQGHN, từ đó tạo thành một “young talent pool” cung cấp nguồn lực đa dạng, giàu tư duy đổi mới và nhiệt huyết, sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ trọng điểm, mang tính liên ngành của ĐHQGHN.
Các hoạt động của VSL nhằm mục đích: Tạo một sân chơi bổ ích cho các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN có cơ hội được thỏa sức đam mê với khoa học, được cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết và niềm say mê khoa học cho sự phát triển khoa học công nghệ của ĐHQGHN nói riêng và của Việt Nam nói chung.
VSL hỗ trợ các thành viên phát triển theo lộ trình cá nhân, đạt các yêu cầu về học hàm, học vị, nâng cao năng lực về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu ĐHQGHN.
Đồng thời, VSL tạo sự gắn kết các nhà khoa học để từ đó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu liên ngành có khả năng triển khai được các đề tài nghiên cứu khoa học lớn trong và ngoài nước. Hỗ trợ các nhà khoa học trẻ đẩy mạnh công bố khoa học quốc tế.
Cùng với đó, VSL mong muốn thu hút được các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước cùng cộng tác với ĐHQGHN trong nghiên cứu khoa học, góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ; Nâng cao năng lực lãnh đạo và hiểu biết về văn hóa, định hướng phát triển ĐHQGHN cho các nhà khoa học trẻ, từ đó nhận diện và quy hoạch các “hạt giống đỏ” cho các nhiệm vụ trọng điểm trong tương lai tại ĐHQGHN.
- Thời gian qua, nhiều nhà khoa học của VSL đã nhận được hỗ trợ cho các sản phẩm công bố quốc tế. Chị có thể thông tin rõ hơn về nội dung này?
Chương trình hỗ trợ nhà khoa học ĐHQGHN công bố quốc tế của VSL chính thức triển khai từ tháng 8/2013. Nguồn kinh phí ban đầu do Quỹ Phát triển ĐHQGHN tài trợ là 1 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 1/2014, chương trình đã hỗ trợ cho hơn 40 nhà khoa học với tổng số tiền tài trợ lên đến gần 700 triệu đồng. VSL dự định sẽ tiếp tục tìm nguồn kinh phí (chủ yếu là tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước) để duy trì chương trình trở thành thường niên.
Chương trình thực sự đã trở thành một sức mạnh tinh thần hơn là sức mạnh vật chất, góp phần thúc đẩy, động viên các cán bộ trẻ của ĐHQGHN công bố quốc tế. Thành quả khoa học được vinh danh, làm cho các cán bộ trẻ sẽ tập trung hơn, tâm huyết hơn với công việc nghiên cứu của mình. Đặc biệt, chương trình thực sự rất hữu ích đối với các nhà khoa học tiềm năng, các sinh viên năm cuối, các học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh của ĐHQGHN sớm nâng cao chất lượng nghiên cứu thông qua các công bố quốc tế.
- Một số hoạt động giao lưu với các nhà khoa học uy tín cũng đã được VSL tổ chức. Chị có thể chia sẻ thêm thông tin về những hoạt động này?
Tính đến nay, các thành viên của VSL đã tham gia 6 buổi sinh hoạt khoa học (Chương trình Café định kỳ của VSL). Trong chương trình Café số 1, ra mắt VSL, các thành viên đã thảo luận và chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến chủ đề: “VSL nhà khoa học giao lưu cùng Giám đốc ĐHQGHN”. Tham dự chương trình còn có đại diện một số doanh nghiệp lớn. Ban Chủ nhiệm VSL hy vọng sẽ có được sự kết nối gần hơn với các doanh nghiệp để cùng hợp tác trong nghiên cứu với các sản phẩm nghiên cứu được đặt hàng trực tiếp từ các doanh nghiệp.
Chương trình Café số 4 với chủ đề “Tiềm lực khoa học công nghệ ĐHQGHN – Các địa chỉ tiềm năng”. Chương trình café số 5 giao lưu cùng GS. Ngô Bảo Châu với chủ đề: “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học”. Chương trình café số 6: “Tham gia xây dựng chiến lược phát triển ĐHQGHN”.
Sắp tới VSL sẽ chú trọng tổ chức các hoạt động lớn, gắn kết đội ngũ khoa học giữa các đơn vị thuộc ĐHQGHN; các Tiểu ban thuộc VSL sẽ là đầu mối xây dựng các nội dung hoạt động chuyên môn sâu.
- Tham gia VSL có những người đã định hình hướng nghiên cứu song cũng có nhiều TS. tuổi còn khá trẻ. Ban Chủ nhiệm trù tính những hoạt động thế nào để mọi thành viên đều cộng hưởng với nội dung của VSL?
Hiện nay, VSL đã hình thành được 18 nhóm nghiên cứu khoa học tiềm năng. Trưởng nhóm và đại diện của nhóm là những người đã có năng lực nghiên cứu tốt; các thành viên tham gia là những tiến sĩ trẻ cùng lĩnh vực hoặc các lĩnh vực nghiên cứu liên quan, cận kề.
Các nhóm đều có đề án hoạt động trong đó chỉ rõ hướng nghiên cứu, năng lực nghiên cứu và có cam kết sản phẩm đầu ra. Sắp tới CLB sẽ kiến nghị lãnh đạo ĐHQGHN có cơ chế chính sách và tài chính để hỗ trợ các nhóm hoạt động.
Mỗi nhóm đều có đặc thù riêng, có nhóm thì đã có các đề tài nghiên cứu chỉ cần hỗ trợ về cơ chế, có nhóm thì có tiềm lực nghiên cứu và khả năng công bố quốc tế tốt nhưng chưa được chủ trì các đề tài thì cần hỗ trợ đăng ký các đề tài nghiên cứu, có nhóm thì cần hỗ trợ về uy tín, thương hiệu và kinh phí đối ứng của ĐHQGHN để xây dựng các nhóm nghiên cứu quốc tế, phòng thí nghiệm quốc tế,…
Chúng tôi hy vọng các nhóm nghiên cứu tiềm năng sẽ góp phần làm tăng số lượng công bố quốc tế của ĐHQGHN và sẽ có những sản phẩm KHCN ứng dụng vào thực tế. VSL thực sự sẽ là nhịp cầu thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo của các thành viên.
- Chị có thể cho biết thêm một số hoạt động dự kiến của VSL trong thời gian tới?
VSL vừa mới tổ chức mừng sinh nhật tròn 1 tuổi vào tháng 3/2014. Qua hơn một năm hoạt động, chúng tôi đã cố gắng hết sức để triển khai tốt một số mục tiêu đề ra từ khi được thành lập. Tuy nhiên, còn rất nhiều nội dung mà do thời gian còn ngắn nên chưa thể triển khai được. Trong năm 2014 - 2015, VSL sẽ tiếp tục tập trung vào một số hoạt động trọng tâm sau đây: Duy trì các hoạt động sinh hoạt Café hàng quý, tập trung vào những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của ĐHQGHN, của ngành GD&ĐT và của đất nước; Tiếp tục thu hút nguồn kinh phí tài trợ từ các cá nhân và tổ chức để duy trì chương trình hỗ trợ công bố quốc tế; Xây dựng nhóm “Proofreading” giúp các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là các nghiên cứu sinh công bố quốc tế; Tập trung cơ chế và tài chính cho các nhóm nghiên cứu khoa học tiềm năng lớn mạnh và phát triển; Mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp để hợp tác trong nghiên cứu và triển khai hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực mà VSL có thế mạnh như quản lý, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới,…; Phát triển mô hình vườn ươm khoa học công nghệ.
- Theo Chị làm thế nào để nhà khoa học cống hiến cho các hoạt động của tổ chức, đơn vị họ đang công tác và tiếp tục phát triển ĐHQGHN?
Tôi cho rằng, việc cống hiến của cá nhân và sự phát triển của tổ chức là vấn đề lớn mang tính hệ thống, gắn với chiến lược phát triển của bất kì một tổ chức, đơn vị nào đó. Đây là một câu hỏi lớn liên quan đến yếu tố con người. Mà cá nhân tôi cho rằng, con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại trong mọi việc.
Tôi nghĩ muốn con người cống hiến cho đơn vị tổ chức của họ thì cần phải xác định rõ mục đích của họ là gì? Bạn đi làm vì cần có một công việc để nuôi sống bản thân và gia đình, bạn đi làm và làm việc hết mình vì bạn được làm công việc mà mình yêu thích trong một môi trường tốt và cũng có thể bạn đi làm và làm việc quên mệt mỏi, đôi khi quên cả lợi ích cá nhân vì bạn có người lãnh đạo tài giỏi, đáng kính, tận tâm, biết quan tâm, chia sẻ với nhân viên,…
Dù là mục đích gì thì tôi nghĩ vẫn là 2 yếu tố vật chất và tinh thần. Đây là hai yếu tố quan trọng trong tất cả mọi lĩnh vực, mọi đơn vị... Tùy từng đặc thù của mỗi đơn vị để lãnh đạo có những quyết sách đúng đắn, phù hợp khích lệ được cán bộ cống hiến cho sự phát triển của đơn vị mình,
- Theo ý kiến của cá nhân Chị thì nên làm gì để chặng đường tới, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có bề dày như ĐHQGHN tiếp tục phát triển?
Theo tôi, cần có cơ chế, chính sách tốt thu hút và giữ những người tài và tâm huyết làm việc tại ĐHQGHN. Các đơn vị thuộc ĐHQGHN cần tạo môi trường làm việc tốt, các nhà khoa học cùng bình đẳng và được khuyến khích phát triển năng lực cá nhân. Xây dựng một cộng đồng, thương hiệu ĐHQGHN để mọi cán bộ, sinh viên luôn tự hào vì mình đang được học tập và làm việc tại ĐHQGHN.
Mỗi thành viên của ĐHQGHN đều phải có trách nhiệm vào xây dựng và phát triển “văn hóa ĐHQGHN”, “văn hóa khoa học ĐHQGHN”, “văn hóa giảng dạy ĐHQGHN”… để ĐHQGHN luôn là trụ cột của hệ thống giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ Việt Nam.
Cảm ơn Phó Chủ tịch VSL Trịnh Thị Thúy Giang về cuộc phỏng vấn này. |