TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Khoa học và Công nghệ 09:43:45 Ngày 20/03/2019 GMT+7
Tây Bắc: Tiềm năng và triển vọng nguồn khoán sản để quản lý và khai thác bền vững
Đây là nội dung của đề tài “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng và triển vọng quặng Cu, Au, Ni khu vực Tây Bắc” (đề tài cấp nhà nước giai đoạn 2013-2018 mang mã số KHCN-TB.02T/13-18 do Viện Công nghệ Địa chất và Khoáng sản thuộc Tổng Hội Địa chất Việt Nam thực hiện.

 

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, khu vực Tây Bắc Việt Nam là nơi có cấu trúc địa chất, lịch sử phát triển kiến tạo lâu dài và phức tạp. Các công tác điều tra, nghiên cứu trước đây trong khu vực đã phát hiện khá đa dạng các mỏ khoáng sản kim loại Cu-Ni (Au). Bên cạnh các mỏ lớn đã biết như Cu-Ni Bản Phúc, Cu Sin Quyền, đã phát hiện được hàng trăm các mỏ khoáng và các điểm quặng Cu-Ni (Au) khác. Đó là những thành tích đáng kể của công tác đo vẽ bản đồ và tìm kiếm khoáng sản.
Tuy nhiên, phần lớn các mỏ khoáng và các điểm quặng này được nghiên cứu chủ yếu dựa vào các phương pháp định tính truyền thống như khảo sát địa chất, nghiên cứu thành phần vật chất dưới kính hiển vi quang học kết hợp với các kết quả phân tích bán định lượng trong tìm kiếm khoáng sản, vì vậy việc luận giải các yếu tố cấu trúc khống chế, điều kiện thành tạo và nguồn gốc quặng hóa, mô hình thành tạo mỏ quặng còn khá hạn chế và còn nhiều tranh luận. Vấn đề đánh giá tiềm năng và triển vọng khoáng sản Cu, Ni (Au) ở khu vực Tây Bắc cũng là một câu hỏi lớn được đặt ra đối với ngành địa chất. Rõ ràng, vấn đề nghiên cứu đánh giá tiềm năng và triển vọng quặng hóa Cu, Ni (Au) ở khu vực Tây Bắc đã trở thành một vấn đề cấp thiết được đặt ra.
Tây Bắc có tiền năng khoáng sản phong phú và dồi dào
Những đánh giá tổng thể tiềm năng, triển vọng các loại hình khoáng sản Cu-Ni (Au) khu vực Tây Bắc nhằm mục đích phân chia được các diện tích có tiềm năng, triển vọng ở các mức độ khác nhau. Kết quả của công tác này là bộ bản đồ phân vùng triển vọng khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 và bộ bản đồ phân vùng tiềm năng tỷ lệ 1:25.000 tại một số khu vực cụ thể. Đây chính là 2 trong số các nội dung nghiên cứu chính của đề tài này. Trên cơ sở bộ bản đồ phân vùng tiềm năng và triển vọng mới có thể thành lập bộ sơ đồ cấu trúc khống chế quặng đối với một số điểm quặng có tiềm năng, phục vụ cho việc định hướng công tác tìm kiếm – thăm dò khoáng sản trong khu vực Tây Bắc. Việc đánh giá tiềm năng, triển vọng dựa trên tập hợp các kết quả nghiên cứu chính của đề tài về đặc điểm quặng hóa, diện phân bố và quy luật phân bố các thân quặng, nguồn gốc quặng hóa, các tiền đề - dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản.
Đối với tiềm năng mỏ quặng đồng Sin Quyền: Dựa trên các đặc điểm về cấu tạo quặng và quy luật phân bố, quặng Cu tại mỏ Sin Quyền tồn tại chủ yếu ở hai kiểu là quặng dạng khối đặc sít và quặng dạng dải lấp đầy theo các mặt phiến, với một lượng nhỏ các mạch, vi mạch thạch anh, calcit xuyên cắt không theo quy luật trong đới quặng và đá vây quanh. Pyrotin, chalcopyrit là những khoáng vật chủ đạo trong thành phần quặng hóa Cu Sin Quyền. Khoáng vật quặng thứ yếu có monazit, chevkinit, vàng tự nhiên. Các tổ hợp khoáng vật này thường xuyên xuất hiện cùng nhau trong các diện biến đổi skarn. Từ các đặc điểm trên cho thấy, quặng Cu trong mỏ Sin Quyền rất có tiềm năng.
Đối với tiềm năng mỏ đồng Lũng Pô: Khu mỏ Lũng Pô thuộc xã Amusung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nằm sát biên giới Việt Trung. Vùng có đặc điểm địa hình là đồi núi thấp, phân cắt mạnh, độ cao trung bình 300-400m. Những khảo sát của tập thể tác giả vào năm 2011 cho thấy mỏ đang đi vào giai đoạn cuối của quá trình khai thác, các thân quặng gần như không còn, chỉ còn lại những đới mạch thạch anh sulfur chứa chalcopyrit với sự tập trung kém.
Đối với tiềm năng điểm quặng đồng Trịnh Tường: Điểm quặng nằm ở địa phận 2 xã Trịnh Tường và Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Quặng hóa nằm trong các đới biến đổi kiểu propylit với tổ hợp biến đổi nhiệt dịch như chlorit hóa, epidot hóa, sericit hóa, albit hóa. Khoáng hóa malachit tập trung khá giàu trong đá vây quanh ven rìa mạch thạch anh. Cả đá vây quanh và các mạch thạch anh chứa quặng đều bị tác động kiến tạo mạnh mẽ của đới trượt Sông Hồng dẫn đến bị ép dẹt theo mặt phiến, đứt đoạn và dịch trượt tạo thành những thấu kính kiến tạo.
Đối với tiềm năng, triển vọng quặng Cu Suối Thầu: Những kết quả phân tích thành phần tướng khí trong bao thể khí lỏng khoáng hóa đồng tụ khoáng Suối Thầu cho thấy dung dịch tạo quặng mang đặc trưng của dung dịch tạo quặng nguồn magma có sự hỗn nhiễm của thành phần đá biến chất tập 2 hệ tầng Sin Quyền giàu graphit. Kết quả này cho thấy hoàn toàn có hy vọng về triển vọng quặng dưới sâu tại tụ khoáng Suối Thầu. 
Đối với tiềm năng các điểm quặng khác như Mỏ đồng Vi Kẽm với quặng hóa Cu tập trung trong đá biến chất trao đổi dạng skarn với hai tổ hợp đá: là tổ hợp đá biến chất trao đổi Fe-K khá phổ biến, có màu lục sẫm, không đều hạt, cấu tạo dải, đôi khi khối, kiến trúc biến tinh. Tổ hợp đá biến chất trao đổi Ca-Na có mức độ phân bố hạn chế, thường phân bố tại rìa các thấu kính đá hoa, tạo thành các ổ nhỏ, ranh giới chuyển tiếp, cấu tạo khối, kiến trúc hạt biến tinh.
Điểm quặng Cu Nậm Mít đã được các nhà địa chất Đoàn 5 phát hiện và tiến hành công tác tìm kiếm tỉ mỉ, xác định được 3 thân quặng Cu, mỗi thân quặng dày trung bình trên 2m, chỗ dày nhất 19,2m, dài từ 200-500m. Khoáng vật quặng có: chalcopyrit, pyrotin và orthit. Hàm lượng Cu thay đổi từ 0,35-0,6%. Đa số các thân quặng có dạng mạch nằm trong các đá biến chất trao đổi có thành phần là pyroxen, và amphibol.
Tiềm năng và triển vọng quặng nickel khu vực Tây Bắc như sau: Trong khu vực nghiên cứu, đề tài quan tâm đến hai khối xâm nhập lớn có chứa quặng Ni-Cu xâm tán, đó là khối xâm nhập Bản Khoa và khối xâm nhập Bản Phúc. Cụ thể: Tiềm năng quặng Ni-Cu trong khối xâm nhập Bản Phúc Khối siêu mafic Bản Phúc chứa quặng xâm tán có diện lộ khoảng 0,4km2, chiều dài khoảng 950m, chiều rộng từ 200-400m. Tại khu vực mỏ Bản Phúc, kết quả thăm dò của đoàn 305 đã xác định được 2 thân quặng. Kết quả thăm dò bổ sung của Công ty TNHH Mỏ Nickel Bản Phúc cũng xác định được 2 thân quặng và được đánh số là TQ.2, TQ.3 trên bản đồ. Tại khu vực Bản Khoa có diện lộ rộng vài chục mét, dài 400-500m, kéo dài chủ yếu theo phương bắc – nam và có quan hệ kiến tạo với các đá trầm tích xung quanh. Đặc điểm phân bố, hình dạng và cấu trúc của khối xâm nhập và quặng xâm tán ở trong khối Bản Khoa cũng có sự thay đổi tương tự như ở khối Bản Phúc. Đặc điểm thành phần thạch học và đặc điểm chứa quặng của khối Bản Khoa cũng tương đồng với khối Bản Phúc. Trong khối Bản Khoa đã ghi nhận được 4 thân quặng nhỏ ở phần dưới sâu.
Tiềm năng, triển vọng quặng sulfur Cu-Ni đặc sít liên quan đến các đai mạch siêu mafic, mafic trong đới Tạ Khoa gắn liền với các khối magma lớn như khối Bản Phúc hoặc là một phần của kênh dẫn magma nằm trong sự khống chế bởi các cấu trúc phá hủy kiến tạo, chủ yếu là các đới trượt thuộc pha biến dạng thứ hai. Các đới triển vọng có mặt các thân sulfur Ni-Cu đặc xít kiểu mỏ Bản Phúc trong các đới biến dạng cao xung quanh các khối siêu mafic lớn gồm có hai đới là đới phía nam và đới phía bắc. Trong đó đới phía nam khối là nơi tồn tại nhiều đứt gãy dạng trượt tạo thành một đới trượt rộng vài chục mét và trong đó có một thân quặng sulfur Ni-Cu đặc sít lớn nhất trong khu vực. Hiện thân quặng này đã và đang được khai thác. Các đới biến dạng cao xung quanh khối Bản Khoa gồm 2 đới : Đới phía nam và đới phía bắc. Trong đó đới biến dạng phía nam được xác định là đới có triển vọng cao với sự tồn tại của đới trượt nam Bản Khoa. Ở đây có các đai siêu mafic xuất lộ ở một số vị trí theo đường phương của đới trượt.
Các đới triển vọng khoáng hóa kiểu sulfur Ni-Cu đặc sít kiểu Suối Đán đã xác định là các kênh dẫn magma bị khống chế bởi các đới trượt, đứt gãy dạng đứt gãy lông chim của đứt gãy lớn Chim Vàn - Cò Muồng, Tà Hộc, Song Pe – Hồng Ngài,... Các đới này thuộc pha biến dạng thứ hai, có chiều dài lớn và có các đai siêu mafic – mafic, trong đó có đai chứa các thấu kính sulfur đặc sít và sulfur xâm tán với đặc điểm như đã mô tả ở điểm quặng Suối Đán. Tại các vị trí đó có dị thường địa hóa Ni và Cu thứ sinh mạnh và dị thường trường chuyển với độ dẫn điện trung bình tới mạnh. Hiện nay đã xác định được các điểm quặng Suối Đán, Suối Háo,...
Tập thể tác giả cho rằng, trong khu vực Tây Bắc, quặng hóa Cu-Au trong các đá xâm nhập – phun trào kiềm vùng Phong Thổ tỉnh Lai Châu là có tiềm năng. Kết quả của các công trình khoan đào do Liên đoàn Intergeo và Công ty TPJ thi công năm 2011 đã xác nhận tại đây có bốn tiểu khu là 5, 6, 7, 8 có chứa các đới biến đổi liên quan khoáng hóa vàng. Trong đó, tiểu khu 5 có 13 đoạn thân quặng, tiểu khu 6 có 3 đoạn thân quặng, tiểu khu 7 có 4 đoạn thân quặng và tiểu khu 8 có 2 đoạn thân quặng.
Tiềm năng và triển vọng quặng Cu-Mo khu vực Tây Bắc như sau: Biểu hiện giàu Pb, Zn, Ba của các đới khoáng hóa Bản Khoang và Ô Quy Hồ có thể là dấu hiệu chứng tỏ chúng mới chỉ là biểu hiện của đới khoáng hóa ngoài, còn đới khoáng hóa trong giàu Mo, Cu (Au) hơn còn chưa được phát hiện. Sự tổ hợp chặt chẽ của các biểu hiện quặng hóa Cu, Cu-(Au-TR) và Cu(Au)-Mo trong phạm vi khối nâng Phan Si Pan với các kiểu hoạt động magma khác nhau và thuộc các giai đoạn khác nhau cho phép xem xét cấu trúc này như là một đai sinh khoáng với các phức hệ quặng Cu, Au-Cu và Cu-(Au)-Mo. Vì thế. để đánh giá một cách tổng thể triển vọng của quặng hóa Cu (Au), Cu (Mo, Au), Mo (Cu, Au) porphyr ở Tây Bắc Việt Nam liên quan tới sự hình thành và phát triển đới trượt lớn Kainozoi Sông Hồng, ngoài các biểu hiện quặng hóa Mo, Cu (Au) trên đới Phan Si Pan, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu đầy đủ về các biểu hiện quặng hóa Au (Cu) hoặc Cu (Au) trên ranh giới đới Phan Si Pan và Sông Đà, nơi phát triển các hoạt động magma mafic và felsic kiềm kali và siêu kiềm kali Kainozoi. 
Tiềm năng và triển vọng quặng Ni biểu sinh khu vực Tây Bắc như sau Laterit chứa nickel ở Suối Củn là kết quả sự làm giàu biểu sinh của Ni được hình thành từ quá trình phong hóa hóa học và cơ học của các đá siêu mafic thuộc phứ hệ Suối Củn. Tại đây hội tụ đủ các điều kiện tích tụ Ni laterit, tạo ra mặt cắt phong hóa bắt đầu bằng đá gốc chưa bị phong hoá tại đáy mặt cắt, tiếp theo là saprolit, đới chuyển tiếp smectit chỉ có trong các mặt cắt nơi sự thoát nước kém, phía trên là limonit, và trên cùng được phủ bới ferricret ở đỉnh. 
Đề xuất định hướng công tác tìm kiếm – thăm dò khoáng sản hợp lý
Từ những kết quả nghiên cứu đã đạt được như trên, Đề tài tập trung định hướng cho công tác thăm dò khoáng sản Cu, Ni (Au) vào các khu vực sau đây: Đối với vùng Suối Thầu – Phìn Ngan, những kết quả nghiên cứu cấu trúc khống chế quặng hóa cho thấy quặng hóa đồng vùng Suối Thầu có liên quan trực tiếp đến khối xâm nhập trung tính Suối Thầu, phần quặng công nghiệp chủ yếu nằm trong khối và ở phần đỉnh vòm của khối. Khối xâm nhập và quặng hóa có xu hướng xuyên cắt và tập trung dọc theo mặt trục của các nếp lồi phát triển trong các đá biến chất thuộc tập 2, phần dưới của hệ tầng Sin Quyền. Kết hợp các yếu tố trên, tập thể tác giả đã vạch ra một số khu vực có triển vọng ẩn sâu gộp thành diện tích 1A bao gồm: phía đông nam của bản Cốc Mỳ (là phần kéo dài phía đông nam của thân quặng chính khu vực trung tâm Suối Thầu) và phần diện tích thuộc bản Bầu Bàng. Phương pháp kỹ thuật chính cần được triển khai nếu tiến hành công tác thăm dò đồng trong vùng là khảo sát địa chất theo tuyến, thi công công trình hào và khoan máy. Công tác lộ trình địa chất và hào nhằm phát hiện, khoanh định diện phân bố của các khối xâm nhập trung tính trên bề mặt. Phương pháp khoan được sử dụng nhằm mục đích khống chế thân quặng ở phần dưới sâu.
 Đối với vùng Tạ Khoa: Trên cơ sở mức độ tiềm năng cũng như các dạng công tác khác đã được tiến hành tại đây, tập thể tác giả lựa chọn một số diện tích đề xuất tiến hành công tác thăm dò như sau: Tại diện tích 2A bao gồm khu vực Bản Phúc, Bản Khoa, Bản Xang, Bản Mông thuộc vùng rất triển vọng. Gần đây là Công ty TNHH mỏ Nickel Bản Phúc đã thăm dò lại khu vực Bản Phúc và thăm dò mở rộng một phần về phía đông nam. Tại các diện tích 3A, gồm các khu vực Đá Đỏ, Bản Lẹt, Bản Sa, Xuân Giàng; khu vực Suối Bâu, Bản Pưn, Bản Ban; khu vực Suối Chát là vùng rất triển vọng, có tổng diện tích 58km2. Trong các diện tích trên đã ghi nhận được các khoáng sản đồng – vàng gốc.
Đối với vùng Phong Thổ: Tại diện tích 4A, gồm vùng Bãi Bằng và một phần của vùng Bắc Nậm Tra có tổng diện tích khoảng 6km2 là những vùng rất có triển vọng về quặng Au. Đây là những khu vực đã được tìm kiếm - thăm dò với mạng lưới 1:2.000, khá chi tiết và đã xác định được các thân khoáng với các cấp tính trữ lượng cấp 122 và tài nguyên cấp 333. Vì vậy định hướng cho công tác thăm dò dưới sâu và xác định các phương thức và công nghệ khai thác tại khu vực này.
Đối với vùng Ô Quy Hồ - Bản Khoang: Kết quả phân tích mẫu quặng tại một số vị trí cho thấy hàm lượng Mo khá cao, đáp ứng chỉ tiêu công nghiệp. Tại diện tích 5A: gồm các khu vực xóm 7, xóm 8 (thuộc trung tâm xã Ô Quy Hồ) và khu vực Bản Khoang (suối Lạnh) với tổng diện tích khoảng 14km2. Công trình thăm dò cần được tiến hành trong diện tích là hào và khoan sâu kết hợp với lộ trình địa chất trên mặt để tìm kiếm và khoanh định diện lộ của các thể granit porphyr. Công trình hào khống chế hình dạng thân quặng trên bề mặt, các lỗ khoan sẽ góp phần xác định độ sâu thân quặng và lấy mẫu xác định hàm lượng quặng.
Từ những kết quả trên, tập thể tác giả đã đưa ra định hướng công tác tìm kiếm khoáng sản Tây Bắc như sau: Đối với vùng Thuận Châu, các thân quặng và đới khoáng hóa Cu trong vùng Thuận Châu đều phân bố trong đá phun trào của hệ tầng Nậm Muội (P2-T1 nm) chiếm chủ yếu ở trung tâm vùng nghiên cứu từ đầu diện tích đánh giá tỷ lệ 1:25.000 ở Tây Bắc, kéo dài xuống cuối diện tích ở Đông Nam và còn tiếp tục kéo dài ra ngoài vùng nghiên cứu. Kết quả công tác đánh giá quặng trong vùng đã xác định 2 kiểu quặng đồng, đó là kiểu quặng đồng tự sinh và kiểu quặng đồng sulfur.
Đối với vùng Cao Bằng, laterit chứa nickel ở Hà Trì là kết quả sự làm giàu biểu sinh của Ni được hình thành từ quá trình phong hóa hóa học và cơ học của các đá siêu mafic thuộc phức hệ Cao Bằng. Đến nay có thể khẳng định rằng laterit chứa nickel ở khu vực Hà Trì được thành tạo trên khối siêu mafic khu vực Hà Trì (íP3-T1cb2) có thành phần thạch học là peridotit, trong đó thành phần khoáng vật chủ yếu là olivin (40-70%), ortopyroxen và clinpyroxen (20-25%), đôi khi có plagioclas (đến 10%), biotit (5%). Khoáng vật chứa nickel ban đầu là olivin - forsterit (thường 0,3-0,4% Ni). Các đá này bị serpentin hoá khá mạnh, sản phẩm của quá trình biến chất của chúng là serpentin.
Đối với vùng Minh Lương, quặng hoá vàng gốc chủ yếu phân bố trong các đá phun trào (gồm cuội kết dung nham, ryotrachyt) của phức hệ núi lửa Tú Lệ, cát, bột kết tuf, đá phiến sericit, ryolit porphyr và tuf axit thuộc hệ tầng Trạm Tấu. Dải quặng trung tâm kéo dài theo phương tây bắc - đông nam, dài 22,5km, rộng 200-300m, các mạch quặng lớn thường bám dọc theo các đứt gãy và bị dập vỡ mạnh, chiều dày 5-10m, còn các mạch và mạng mạch nhỏ chứa khoáng sulfur - vàng xuyên cắt các mặt ép của đá vây quanh và chứa hàm lượng vàng thường cao hơn. Dải quặng được gọi là bãi vàng “Rừng Xanh” chạy dọc theo đới đứt gãy cắt qua tiếp xúc các đá cacbonat, đá bột kết và đá granit có chiều dài 1,2km, rộng 200-250m. Dải này có 3 thân quặng vàng, hàm lượng vàng không cao, thường là 2-5g/t.
Xây dựng bản đồ khoáng sản và sơ đồ cấu trúc khống chế quặng
Từ những kết quả nghiên cứu của đề tài, tập thể tác giả rút ra một số kết luận sau đây: Thứ nhất, quặng Cu, Ni, Au khu vực Tây Bắc Việt Nam bao gồm các loại hình khoáng sản Cu-Ni, Cu, Au, Cu-Mo và Ni biểu sinh. Các loại hình quặng này phân bố trên những cấu trúc địa chất khác nhau (rift Sông Đà, đới Sông Hiến, đới Lô Gâm,…) và liên quan tới những thành tạo magma, trầm tích biến chất, phun trào khác nhau.
Thứ hai, quặng hóa Ni trong khu vực Tây Bắc tập trung triển vọng nhất tại đới cấu trúc Tạ Khoa thuộc huyện Mường Khoa, tỉnh Sơn La. Quá trình hình thành và phân bố quặng hóa Ni thường liên quan đến các thể magma siêu mafic – mafic. Tại vùng Tạ Khoa thì quặng Ni thường tồn tại dưới 2 dạng: Dạng 1, quặng sulfur Ni xâm tán trong các khối magma siêu mafic lớn (khối Bản Khoa, khối Bản Phúc, thuộc phức hệ Ba Vì). Loại quặng này tuy có hàm lượng Ni và Cu không cao bằng loại quặng đặc sít, tuy nhiên quy mô của các thân quặng tương đối lớn nên đối tượng này được đánh giá là rất có tiềm năng. Dạng 2, quặng sulfur Ni đặc sít liên quan đến các đai mạch siêu mafic – mafic bên cạnh các khối xâm nhập lớn, các đai mạch thuộc tập 2 của hệ tầng Nậm Sập. Loại quặng này có hàm lượng Ni khá cao, hàm lượng quặng Cu thấp, quá trình thành tạo Ni đặc sít có liên quan với quá trình thành tạo Ni xâm tán. Quặng Ni đặc sít đã và đang được khai thác. Ngoài 2 khu vực quặng trên, trong vùng Suối Đán cách các thân quặng vừa nêu khoảng 1,6km về phía đông bắc cũng tồn tại nhiều đai mạch siêu mafic – mafic có chứa khoáng hóa sulfur Ni đặc sít. Quan nghiên cứu cho thấy các diện tích này được đánh giá là rất có tiềm năng về quặng Ni, do đó đề tài đề xuất thăm dò mở rộng các diện tích bên ngoài các thân quặng đang khai thác và trong vùng Suối Đán.
Thứ ba, quặng hóa Cu khu vực Tây Bắc tập trung triển vọng nhất dọc đới cấu trúc Sông Hồng thuộc địa phận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Quặng hóa Cu khu vực Tây Bắc tồn tại dưới 3 hình thức: Hình thức 1: Quặng Cu đặc sít trong các đá biến chất thuộc tập 2 của hệ tầng Sin Quyền. Đây là loại quặng được đánh giá là có nhiều tiềm năng và triển vọng nhất, điển hình là mỏ đồng Sin Quyền, mỏ đồng Vi Kẽm, mỏ đồng Tả Phời và một số điểm quặng có giá trị khác. Hình thức 2: Quặng Cu xâm tán trong các đá bazan hệ tầng Viên Nam dọc bờ phải sông Hồng (mỏ đồng Lũng Pô, Trịnh Tường, điểm quặng Nậm Chạc, Nậm Mít). Loại hình quặng này có hàm lượng Cu rất thấp, phân bố xâm tán nhỏ lẻ nên được đánh giá là không có tiềm năng. Hình thức 3:Quặng Cu trong các đá xâm nhập trung tính (điểm quặng Suối Thầu, Phìn Ngan, Lùng Thàng). Đây là loại hình quặng mới được phát hiện và nghiên cứu, hàm lượng Cu đạt mức yêu cầu công nghiệp, các thể xâm nhập trung tính chứa quặng phân bố rộng rãi dọc đới Sông Hồng và thường mở rộng khối theo chiều sâu. Do vậy, loại quặng này được đánh giá là rất có tiềm năng. Qua nghiên cứu về quặng Cu, đề tài đã đề xuất thăm dò mở rộng tại các vị trí sau: phần ngoài biên của mỏ đồng Sin Quyền; các diện tích Suối Thầu, Phìn Ngan và Lùng Thàng; tìm kiếm chi tiết tại diện tích Trịnh Tường.
Thứ tư, quặng hóa Au khu vực Tây Bắc tồn tại dưới 3 dạng: Dạng 1, quặng Au trong các đá xâm nhập – phun trào kiềm thuộc hệ tầng Putra trong vùng Phu Sam Cap, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Dạng 2, quặng Au trong các đá magma đới Tú Lệ vùng Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Dạng 3, quặng Au trong các đá bazan hệ tầng Viên Nam thuộc đới cấu trúc Sông Đà vùng Đồi Bù, tỉnh Hòa Bình. Trong đó, có tiềm năng nhất là quặng Au tại vùng Phong Thổ, Lai Châu.  
Thứ năm, quặng hóa Mo khu vực Tây Bắc tập trung triển vọng nhất tại khu vực Ô Quy Hồ và Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Quặng Mo ở đây tồn tại dưới 2 dạng: Dạng 1, quặng Mo cùng với các khoáng vật chalcopyrit và pyrotin xâm tán thưa trong các khối granit biotit hạt nhỏ, hàm lượng chalcopyrit và pyrotin rất thấp. Dạng 2, quặng Mo đặc sít, dạng ổ đi kèm với các mạch thạch anh nhiệt dịch xuyên cắt các đá biến chất thuộc tập 2 của hệ tầng Sin Quyền. Cả 2 loại hình quặng này đều rất có tiềm năng, hàm lượng Mo cao. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất công tác thăm dò cho cả 2 diện tích Ô Quy Hồ và Bản Khoang.
Thứ sáu, quặng hóa Ni biểu sinh khu vực Tây Bắc mới được phát hiện và nghiên cứu tại các vùng Phan Thanh, Hà Trì thuộc thành phố Cao Bằng. Theo những nghiên cứu về các mỏ Ni biểu sinh trên thế giới cho thấy loại hình quặng này thường có quy mô lớn. Các nghiên cứu về Ni biểu sinh tại Việt Nam còn khá sơ lược, tiềm năng và triển vọng còn chưa được xác định một cách chính xác. Do đó, đề tài đề xuất việc nghiên cứu sâu hơn nữa về các điểm quặng nêu trên.
Từ 6 kết luận trên, tập thể tác giả tiếp tục đưa ra một số kiến nghị mang tính cấp thiết, cụ thể như sau: Thứ nhất, tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu đối với các loại hình quặng có tiềm năng như: quặng Cu trong đá xâm nhập trung tính vùng Suối Thầu, quặng Ni biểu sinh khu vực Hà Trì, quặng Mo khu vực Ô Quy Hồ. Thứ 2, từ những kết quả thu được, đề tài đề xuất thăm dò một số diện tích rất có triển vọng: diện tích Suối Thầu – Phìn Ngan (quặng Cu), diện tích Ô Quy Hồ (quặng Mo).
 Thanh Xuân - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ