Tham dự chương trình có TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Quốc hội khóa 14, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc Gia. Về phía ĐHQGHN có Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn, Ban Giám hiệu Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. Về phía Viện Friedrich Naumann (CHLB Đức) – Đơn vị đồng hành tổ chức Cuộc thi có Ông Moritz Kleine-Brockhoff, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Viện Friedrich Naumman; Ông Mark Stanitzki, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumman Việt Nam. Bên cạnh đó, buổi Gala chung kết còn sự tham dự của đại diện các nhà tài trợ, các đối tác, các nhà đầu tư, các mentor (người hướng dẫn) của các đội thi… đã đồng hành cùng Business Challenges 2018 suốt 8 tháng qua.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại chương trình, TS. Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh vai trò của khởi nghiệp trong nền kinh tế “khởi nghiệp là một trong những giá trị cốt lõi của những doanh nghiệp đang tồn tại, những dự án đang vận hành. Khởi nghiệp mãi là khẩu hiệu của mọi nền kinh tế, mọi doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới hiện nay, vì nếu dừng khởi nghiệp lại thì doanh nghiệp đó sẽ không thể tồn tại. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cuộc thi Business Challenges 2018 là sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ nói chung và sinh viên Hà Nội nói riêng, đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng của Trường Đại học Kinh tế nhằm kết hợp giảng dạy với thực tiễn, kết nối với doanh nghiệp nhằm hình thành một mạng lưới hỗ trợ các ý tưởng, hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên, thực hiện sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Business Challenges 2018 diễn ra với quy mô rộng khắp trên toàn thành phố Hà Nội. Đối tượng cuộc thi không chỉ là sinh viên mà còn có học sinh các trường THPT, người đã ra trường có đam mê về kinh doanh. Trải qua hơn 8 tháng (từ tháng 4/2018 đến nay) với 5 vòng thi và 6 Workshops, từ 52 đội thi ban đầu đến nay, Vòng Chung kết với 6 đội thi xuất sắc, chia thành 2 nhánh: Nhánh 1: Yolife, Vi Do, Bù Nhìn Rơm; Nhánh 2: S4U, Felix, Lumos. Tại vòng Gala chung kết này, 6 đội thi đã lần lượt thuyết trình và bảo vệ dự án kinh doanh của mình. Kết quả chung cuộc, đội Vi Do với dự án khởi nghiệp về công nghệ với ý tưởng mạng lưới cho thuê đồ dùng rảnh tại nơi bạn ở đã xuất sắc thuyết phục Ban Giám khảo và dành giải thưởng cao nhất của chương trình. Ông Lại Mạnh Quân, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PTI Tràng An, thành viên Ban Giám khảo nhận định 6 đội thi năm nay đều đã có thành công nhất định khi đã có các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền, và thậm chí đã bỏ tiền để đầu tư vào các dự án này. Ông Quân đánh giá Nhánh mới về giải quyết các vấn đề doanh nghiệp năm nay là một cách làm đột phá của Nhà trường, giúp sinh viên được tiếp cận với các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp, từ đó giúp sinh viên rút ra được những bài học mang tính thực tế cao nhất. Bên cạnh đó, ông Quân cũng cho rằng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đang đi rất đúng hướng của các trường đại học tại nước phát triển khi tạo liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, để thông qua đó bổ sung được hàm lượng kiến thức thực tiễn vào chương trình giảng dạy. Business Challenges 2018 có sự đồng hành của đối tác Vườn ươm Khởi nghiệp BestB, và sự tài trợ của các đơn vị như Quỹ Thriive (Hoa Kỳ), Medlatec Group, Ngân hàng Nam Á, Công ty Vidic. Các thí sinh dự thi đã được tham gia chuỗi các sự kiện và workshops, bao gồm: Workshop 1 - Hành trang khởi nghiệp; Workshop 2 - Marketing không giới hạn; Workshop 3 - Đột phá tư duy công nghệ; Workshop 4 - Đầu tư nhân lực - Đón đầu cơ hội; Workshop 5 - Làm chủ tài chính - Bí quyết thành công; Workshop 6 - Những vấn đề cần lưu ý trong gọi vốn đầu tư. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của Business Challenges 2018, đã có nhiều sự kiện được tổ chức nhằm tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ như: Ngày kết nối - Demo Day, Ngày vàng đầu tư (9/9/2018), Hội chợ Khởi nghiệp Business Challenges (11/11/2018). TS. Hồ Chí Dũng, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo ra một cơ hội để các bạn trẻ có sự rèn giũa, cọ xát và khẳng định được ý tưởng cũng như năng lực của mình, đây là rất quan trọng vì khi các em ngồi trên ghế nhà trường, các em chỉ học lý thuyết thôi mà không va đập với thực tiễn thì các em không trưởng thành được. Thứ hai, chúng tôi muốn rút ngắn cho các em trong cơ hội có được sự chỉ bảo từ các thế hệ trước, thế hệ đã thực sự trải qua và trưởng thành lên từ khó khăn. Mạng lưới kết nối này cũng là điều rất quan trọng đối với các em trong hành trang bước vào đời”. |