TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Chân dung 00:00:00 Ngày 06/08/2021 GMT+7
Hán Nôm - ngành học quan trọng kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai
Trở thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm khi mới 35 tuổi, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, viện trưởng trẻ nhất trong lịch sử của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng như các viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới học thuật cả trong nước và thế giới. Anh cho rằng, tư liệu Hán Nôm không chỉ là “di sản” (heritage), mà còn là “tài sản” (property). Chính vì vậy, tư liệu Hán Nôm cần được phát huy giá trị về mặt văn hóa, xã hội, học thuật và cả giá trị kinh tế trong thời đại ngày nay.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm xuất sắc

Nếu không được thông tin trước, có lẽ tôi không tin người ngồi trong căn phòng nhỏ chứa đầy sách ở ngôi nhà số 183 phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội là Viện trưởng của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một viện quan trọng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) bởi anh còn khá trẻ. Sau chút e ngại ban đầu, anh cởi mở trò chuyện với tôi về “cái duyên” với ngành Hán Nôm cũng như những nhận định của mình về ngành này.

Anh Tuấn Cường cho biết, anh đến với Hán Nôm không phải bởi sự tình cờ. Anh thích văn thơ cổ do ảnh hưởng từ bố, người hay kể các mẩu chuyện và đọc văn thơ cho anh nghe từ thuở nhỏ. Ông cũng là người dạy “vỡ lòng” cho anh tiếng Anh và tiếng Trung Quốc từ cấp 2 và cấp 3, nền tảng để anh học thêm ngoại ngữ sau này.

Khi đứng trước lựa chọn nghề nghiệp, anh đã thi đỗ vào Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, và Khoa tiếng Trung Quốc, Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). Yêu thích cả hai lĩnh vực nên anh quyết tâm học cả hai với suy nghĩ: tiếng Trung Quốc là “nghề”, Hán Nôm là “nghiệp”, nếu Hán Nôm khó tìm việc thì sẽ lấy “nghề” để nuôi “nghiệp”.

Hán Nôm rất khó, nhưng vì là ngành yêu thích nên khó khăn mấy anh cũng khắc phục. anh còn học cả tiếng Trung Quốc hiện đại. Vất vả là vậy nhưng bù lại đạt hiệu quả cao, bởi có tính hỗ trợ qua lại giữa tri thức cổ với tri thức hiện đại. Khi tốt nghiệp, Tuấn Cường là Thủ khoa ngành Hán Nôm, đồng thời là Á khoa ngành tiếng Trung Quốc.

Ngay sau khi ra trường, anh Tuấn Cường nhận được nhiều lời mời làm việc, từ giảng viên, nghiên cứu viên đến các vị trí công tác tại các doanh nghiệp nhưng anh đã lựa chọn ở lại làm giảng viên tại Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN từ năm 2004.

“Môi trường công tác tại đây giúp tôi tiếp tục con đường học vấn. Những chuyến đi học tập và công tác tại những môi trường học thuật nước ngoài tiên tiến đã giúp tôi có cơ hội mở rộng tầm nhìn khoa học, tạo dựng thêm nhiều mối quan hệ học thuật quốc tế”, Tuấn Cường chia sẻ.

Từ Hoa Kì trở về Việt Nam, anh nhận lời mời của VASS chuyển sang làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sau đó một năm, anh được bầu làm Viện trưởng. “Tôi may mắn được làm việc tại hai đơn vị có chuyên môn sâu nhất ở Việt Nam đối với người học Hán Nôm, đó là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây là những môi trường công tác có tính học thuật hàn lâm, chuyên nghiệp, với những người thầy, đồng nghiệp giỏi mà tôi có thể học hỏi nhiều”, anh cho biết.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị cấp vụ, trực thuộc VASS, thành lập cách đây 50 năm. Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện các chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế, nhân bản, biên dịch, khai thác và xuất bản di sản Hán Nôm của dân tộc. Thời gian qua, cùng với các nhà nghiên cứu, nhà quản lí, đội ngũ nhân viên phục vụ, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường có đóng góp trên 3 bình diện là nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực Hán Nôm.

Về cá nhân mình, sau gần 20 năm công tác, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường đã xuất bản 17 quyển sách (trong đó có 2 quyển in riêng, 2 quyển đồng chủ biên bằng tiếng Trung) và công bố khoảng 100 bài nghiên cứu trong đó có gần 40 bài bằng tiếng Anh, Trung, Nhật, Pháp. Ngoài ra, anh được đối tác nước ngoài mời tham dự và trình bày báo cáo khoa học tại hơn 40 hội thảo quốc tế ở hơn 30 thành phố thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ Mỹ, Canada, Đức, Pháp Anh còn được mời diễn giảng và là Giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở nước ngoài. Anh cũng giữ một số vai trò học thuật quốc tế như: Phó Chủ tịch Hiệp hội Mộc bản quốc tế (IAPW), Phân hội trưởng Việt Nam của Hội Hán tự học thế giới (WACCS), Phó Tổng Biên tập Tạp chí Journal of Chinese Writing Systems (Anh, Scopus, Q2), ủy viên hội đồng biên tập của nhiều tạp chí ISI, Scopus và các tạp chí khác.

Tư liệu Hán Nôm là di sản và tài sản

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Hán Nôm có tầm quan trọng nhất định trong xã hội ngày nay, bởi đây là ngành giúp chúng ta gìn giữ và giải đọc các tư liệu văn tự của tổ tiên để lại từ trong quá khứ, giúp con người hiện đại hiểu biết thêm về lịch sử và văn hóa nước nhà. Thực tế, chữ Hán đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi phần lớn tri thức truyền thống về tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và con người trong khu vực đồng văn Đông Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam) đều được biểu đạt thông qua văn tự này. Riêng Việt Nam còn sử dụng thêm chữ Nôm. Khi chúng ta chuyển sang hệ hình văn hóa hiện đại và sử dụng chữ Quốc ngữ, một loại hình văn tự khác thì dẫn đến sự “đứt gãy về văn hóa”, sự cách bức về nền tảng tri thức, học vấn, văn hóa. Do đó, học chữ Hán, chữ Nôm là “cửa ngõ” giúp chúng ta tiếp cận với mạch nguồn truyền thống văn hóa của tổ tiên xưa.

Để phát huy đúng giá trị của tư liệu Hán Nôm, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường cho rằng, cần phải bắt đầu từ cách quan niệm về tư liệu Hán Nôm.

“Xã hội nhìn nhận đó là “di sản”. Theo tôi như thế cũng đúng, nhưng chưa đủ. Tư liệu Hán Nôm không chỉ là “di sản” (heritage), mà còn là “tài sản” (property). Di sản để gìn giữ và chiêm ngưỡng về quá khứ. Còn tài sản thì có thể tạo ra giá trị mới về văn hóa, xã hội, học thuật và cả giá trị kinh tế cho hiện tại và tương lai. Nếu chỉ coi tư liệu Hán Nôm là di sản thì dễ dẫn đến quan điểm bó hẹp, chỉ biết “giữ khư khư”, không chia sẻ, mà cũng không tìm hiểu, nghiên cứu. Như thế vô tình làm hại tư liệu, vì tư liệu chỉ có giá trị khi nó được quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu, phát huy giá trị. Vì vậy, tôi cho rằng người làm công tác Hán Nôm ngày nay cần có góc nhìn hài hòa, một mặt cần giữ gìn, tu bổ để tư liệu có thể tồn tại lâu dài; mặt khác cần tìm hiểu, nghiên cứu, khai thác giá trị của nó”, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường khẳng định.

Nói về hướng đi của ngành Hán Nôm, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường cho rằng, các nhà nghiên cứu Hán Nôm cần kế thừa thành tựu của các thế hệ đi trước để tạo đà thực hiện tốt các công việc thường xuyên và cấp bách, đồng thời lưu ý phát triển “bốn hóa” là chuyên môn hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa  tin học hóa để tích cực phát huy giá trị của tư liệu Hán Nôm trong xã hội hiện đại và tương lai.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường cũng chia sẻ thêm, từ khi đóng vai trò người quản lý, anh có điều kiện để khơi mào tổ chức các công trình và sự kiện khoa học để các đồng nghiệp cùng nhau thực hiện.

“Chính vì lẽ đó nên thời gian làm nghiên cứu cá nhân không được nhiều như mong đợi. Nhưng lại, tôi có thể đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chung. Người ta nói rằng muốn nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng tôi đang đi cùng nhau để ai cũng có cơ hội đi xa hơn so với năng lực riêng lẻ của từng người”, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường cười hiền hậu.

Rời ngôi nhà 183 Đặng Tiến Đông, tôi thầm chúc cho những người làm công tác nghiên cứu tư liệu Hán Nôm nói chung, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường nói riêng ngày càng thành công trên con đường học thuật để những giá trị quý báu của Hán Nôm ngày càng được phát huy nhiều hơn nữa trong xã hội hiện tại và tương lai.

Anh Nguyễn Tuấn Cường nhận học vị Thạc sĩ ngành Hán Nôm năm 2006 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, học vị Tiến sĩ ngành Ngữ văn, chuyên ngành Hán Nôm năm 2012 tại Học viện Khoa học xã hội thuộc VASS. Trong thời gian học Tiến sĩ, anh được nhận học bổng của Quỹ Nhật Bản (Japan Foundation) để sang Osaka tham dự khóa học tiếng Nhật và nghiên cứu 6 tháng (9/2011-3/2012) dành cho chuyên gia về văn hóa và học thuật. Sau khi bảo vệ luận án, anh tiếp tục nghiên cứu tại Học viện Harvard Yenching, Hoa K (8/2013-6/2014) với tư cách “học giả khách mời” (Visiting Scholar).

 

 Nguyễn Xuân - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ