TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Đào tạo 00:00:00 Ngày 30/08/2018 GMT+7
[Video]-Công tác đào tạo của ĐHQGHN: Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đào tạo
8.500 chỉ tiêu tuyển sinh vào 105 ngành/chương trình đào tạo bậc đại học thông qua 4 hình thức xét tuyển, lần đầu tiên thực hiện đăng ký tuyển sinh sau đại học bằng hình thức trực tuyến, tăng quy mô mở mới các chương trình đào tạo, hệ THPT chuyên gặt hái nhiều thành tích khu vực và quốc tế… là những kết quả nổi bật được lãnh đạo Ban Đào tạo ĐHQGHN công bố tại hội nghị tổng kết công tác đào tạo năm học 2017 – 2018 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm học 2018 – 2019.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn và Trưởng Ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức đồng chủ trì.

Tới dự Hội nghị có các Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Hoàng Hải, GS.VS Đào Trọng Thi – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên – Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội, Nguyên Giám đốc ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng ĐHQGHN cùng toàn thể lãnh đạo và cán bộ viên chức làm công tác quản lý đào tạo đại học và sau đại học của các đơn vị thuộc ĐHQGHN.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tại hội nghị, Trưởng Ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức cho biết, công tác đào tạo năm học 2017 – 2018 của ĐHQGHN cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, trong đó có một số kết quả nổi bật trên các mảng công tác như: tuyển sinh, phát triển chương trình đào tạo (CTĐT), kiểm định chất lượng, quản lý đào tạo bậc đại học và sau đại học (SĐH).

Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức phát biểu tổng kết công tác đào tạo năm 2017-2018

Năm học 2018 – 2019, công tác đào tạo của ĐHQGHN bám sát chủ đề năm học, đó là “Đổi mới phương pháp giảng dạy”. Theo đó, ĐHQGHN tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH TW Đảng, tăng cường năng lực tổ chức quản lý đào tạo theo mô hình quản trị đại học tiên tiến, nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đào tạo đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng 4.0.

Để thực hiện mục tiêu trên, các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là: đổi mới phương pháp giảng dạy các môn chung, tăng cường liên thông về tổ chức quản lý đào tạo; tăng cường đào tạo tài năng, chuẩn quốc tế, chất lượng cao nhằm tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa, giỏi về chuyên môn và ngoại ngữ cũng như được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sáng tạo và khởi nghiệp; tiếp tục tăng cường công tác tin học hóa trong quản lý đào tạo; tăng cường các nguồn lực để đầu tư phát triển thành tích và quy mô hệ THPT chuyên và THPT Khoa học giáo dục…

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thực trạng công tác đào tạo của đơn vị, những kết quả nổi bật trong năm học vừa qua cũng như đề xuất các giải pháp thu hút người học, mở mới CTĐT đáp ứng nhu cầu xã hội…

TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, bức tranh chung về đào tạo của Nhà trường trong năm học vừa qua được thể hiện ở tất cả các phương diện, đặc biệt các chương trình đào tạo mới mở ở các bậc học đều thu hút được sự quan tâm của đông đảo người học. TS. Đỗ Tuấn Minh đánh giá, Trường ĐH Ngoại ngữ có vai trò đảm bảo chất lượng giảng dạy học phần ngoại ngữ bậc đại học và sau đại học trong toàn ĐHQGHN, chất lượng đào tạo ngoại ngữ của các trường thành viên trong ĐHQGHN được nâng cao.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Vũ Hoàng Linh phát biểu tại hội nghị

Bàn về các giải pháp để thu hút người học, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, bên cạnh công tác quảng bá thì rất cần các giải pháp khác nhau, tùy thuộc vào tính chất của từng CTĐT như: điều chỉnh các CTĐT theo hướng tăng cường các kiến thức hiện đại hơn, tăng thời lượng thực hành, thực tế cũng như tăng cường kết nối với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng…

PGS.TS Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ đánh giá cao vai trò của nhà tuyển dụng trong việc thẩm định, đánh giá chất lượng đào tạo. Do đó, có thể nói 100% sinh viên của Trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong công tác đào tạo cũng như nỗ lực của những cán bộ thực hiện công tác này trong ĐHQGHN.

Giám đốc yêu cầu, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN cần nhìn nhận rõ những cơ hội và thách thức, cũng như kiên trì với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

“Đặc biệt, để khẳng định vai trò tiên phong, nòng cột của mô hình ĐHQG trong quá trình đưa giáo dục Việt Nam ra trường quốc tế bằng các chỉ số xếp hạng, kiểm định chất lượng, rất cần sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp từ các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN” – Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh – “Trên tinh thần One VNU, các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN là những mắt xích kết nối, hỗ trợ lẫn nhau để kiên định mục tiêu chất lượng và đẳng cấp”

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ ủy quyền cho thủ trưởng các đơn vị trong việc phê duyệt, phát triển các CTĐT nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị.

Chủ đề của năm học 2018 – 2019 là “Đổi mới phương pháp giảng dạy” đặt ra yêu cầu nâng cao quyền chủ động của giảng viên. Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác quản lý đào tạo cần chuyên nghiệp hóa các mảng công việc, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ khác như: tăng cường tin học hóa trong quản lý đào tạo, tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện quy chế đào tạo, công tác giáo trình – học liệu…

Song song với các nhiệm vụ nêu trên, Giám đốc cũng đề nghị đổi mới mô hình đào tạo tài năng, chất lượng cao theo hướng cá thể hóa. Theo đó, mô hình đào tạo tài năng, chất lượng cao phải được phát triển và mở rộng trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, khoa học xã hội, khoa học giáo dục…

Công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2017, 2018 thành công tốt đẹp, vượt chỉ tiêu được giao. Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐHQGHN chiếm tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Kết quả tuyển sinh cho thấy các ngành của ĐHQGHN có sự phân tầng rõ rệt, qua đó thấy được sức hút của các ngành theo nhu cầu xã hội.

Năm học 2017 – 2018 là lần đầu tiên triển khai đăng ký trực tuyến tuyển sinh sau đại học, thực hiện thống nhất quản lý tuyển sinh toàn ĐHQGHN. Năm 2018 đã áp dụng thực hiện đăng ký trực tuyến cho tuyển sinh sinh viên quốc tế.

Công tác phát triển CTĐT tập trung vào các định hướng: Mở mới các CTĐT liên ngành, liên lĩnh vực nhằm phát huy thế mạnh tổng hợp của ĐHQGHN, đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Mở thêm các CTĐT trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng; Mở rộng các CTĐT chất lượng cao trình độ đại học thu học phí theo chi phí đào tạo và đảm bảo chất lượng đáp ứng Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT. Quy mô mở các chương trình đại học, sau đại học trong năm học qua tiếp tục tăng, tổng toàn ĐHQGHN có 28 chương trình đào tạo các loại, các bậc học được phê duyệt mới, trong đó có 12 CTĐT bậc ĐH, 12 CTĐT bậc ThS và 04 CTĐT bậc TS.

Năm học 2017 – 2018, ĐHQGHN đã ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ và hoàn thành Đề án đổi mới đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN. Đây là cơ sở quan trọng để gắn kết đào tạo tiến sĩ với hoạt động chuyên môn của Bộ môn/Phòng thí nghiệm; gắn luận án của NCS với hoạt động nghiên cứu, nâng cao chuẩn đầu vào/đầu ra, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN. ĐHQGHN có chính sách hỗ trợ học bổng cho NCS và đã phân bổ các chỉ tiêu học bổng cho các đơn vị để xét cấp cho NCS khóa QH.2018.

Về kiểm định và đánh giá chất lượng các CTĐT, trong năm học vừa qua, toàn ĐHQGHN đã kiểm định chất lượng và đánh giá chất lượng 14 CTĐT, trong đó có 4 CTĐT theo chuẩn AUN, 3 CTĐT kiểm định chất lượng theo chuẩn của Bộ GD&ĐT và 7 CTĐT đánh giá chất lượng đồng cấp. Dự kiến, có 12 CTĐT được kiểm định, đánh giá chất lượng mới trong năm học 2018 – 2019.

Trước kỳ tuyển sinh năm 2018, ĐHQGHN đã sửa đổi, ban hành Hướng dẫn quy định đặc thù trong đào tạo THPT chuyên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc tuyển được những học sinh giỏi khắp các trường chuyên trong cả nước. Thành tích xuất sắc của khối THPT chuyên với nhiều giải quốc gia và huy chương quốc tế, góp phần mang lại uy tín và thương hiệu cho ĐHQGHN.

>>> Các tin tức liên quan:

- Công tác đào tạo của ĐHQGHN cần phải đảm bảo chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội

- Tuyển sinh SĐH năm 2018: Tuyển sinh thêm 8 chuyên ngành mới

- Tuyển sinh đại học 2018: Cần lựa chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp năng lực

 Hương Giang - Ngọc Tùng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ