VNU Media: Thưa GS, xuất phát từ thực tiễn nào trong công tác tuyển sinh và đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN dẫn tới việc cần phải đổi mới trong công tác này?
ĐHQGHN là một cơ sở giáo dục được xây dựng theo mô hình đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực. Với đại học nghiên cứu, công tác đào tạo sau đại học có vai trò then chốt. Đào tạo sau đại học (SĐH) là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh và làm gia tăng hàm lượng nghiên cứu, tăng công bố quốc tế và qua đó nâng cao vị thế và xếp hạng đại học.
Trong những năm gần đây, tình hình tuyển sinh và đào tạo SĐH tại Việt Nam nói chung, tại ĐHQGHN nói riêng có dấu hiệu giảm sút về cả số lượng và chất lượng. Sự chênh lệch về cơ cấu ngành nghề cũng thể hiện ngày càng rõ rệt.
Trước thực trạng này, ĐHQGHN đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu để đưa ra một số giải pháp nhằm đổi mới công tác tuyển sinh sau đại học.
Học viên cao học đi thực tế công trình tầu điện ngầm ở TP. Hồ Chí Minh thuộc chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật hạ tầng, Trường ĐH Việt Nhật, một trong nhiều chương trình đào tạo chuẩn quốc tể của ĐHQGHN
VNU Media: Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát, GS. có thể chia sẻ một số kinh nghiệm tuyển sinh của một số trường đại học trên thế giới? Theo ông, có thể áp dụng những kinh nghiệm này với điều kiện của Việt Nam như thế nào?
Hiện nay trên thế giới vẫn tồn tại song song hai hình thức tuyển sinh sau đại học: thi tuyển và xét tuyển. Tại một số nước Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện vẫn tồn tại cả hai hình thức tuyển sinh: thi tuyển và xét tuyển. Trong lúc đó, ở Mỹ các nước Châu Âu, hình thức tuyển sinh chủ yếu là xét tuyển. Tuy nhiên, ở Mỹ dù thực hiện xét tuyển, nhưng trên nền tảng ứng viên đều phải trải qua kỳ thi để có chứng chỉ GRE hoặc GMAT,… mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển để học ở bậc sau đại học.
Mỗi hình thức tuyển sinh đều có những điểm ưu việt cũng như những điểm hạn chế riêng.
Trong những năm vừa qua, một số chuyên ngành đặc thù của ĐHQGHN đã thí điểm thực hiện tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển, trong đó có Trường Đại học Việt Nhật. Kết quả của một số năm thí điểm cho thấy hình thức xét tuyển là hình thức tuyển sinh cho kết quả đánh giá ứng viên một cách trực tiếp và toàn diện, tin cậy, hơn nữa lại có tính linh hoạt cao, phù hợp với bối cảnh như hiện nay.
Song, để việc xét tuyển đảm bảo được tính khách quan, chính xác, cần phải có những tiêu chí và thước đo đánh giá năng lực học tập sau đại học của ứng viên một cách phù hợp và khoa học.
ĐHQGHN sở hữu nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, cơ sở vật chất quan trọng trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong ảnh là phòng thí nghiệm máy gia tốc, Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
VNU Media: Bằng việc khảo sát thí sinh trúng tuyển nhập học đợt 1 năm 2019 của ĐHQGHN, GS. có đánh giá gì?
Qua kết quả khảo sát, tôi rất vui khi thấy tuyệt đại đa số thí sinh tham gia đào tạo sau đại học với mục đích nâng cao trình độ và chọn ĐHQGHN vì yếu tố chất lượng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh xã hội đang phải lên tiếng về xu thế chạy theo bằng cấp, bỏ quên chất lượng của không ít những người tham gia đào tạo sau đại học.
Trong hai năm qua, ĐHQGHN đã triển khai thử nghiệm phương thức nộp hồ sơ tuyển sinh trực tuyến. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết thí sinh đánh giá cao về tính ưu việt, thuận lợi và khách quan của phương thức này. Một số vướng mắc nhỏ về mặt kĩ thuật sẽ được ĐHQGHN tiếp tục cải tiến, hoàn thiện trong thời gian tới.
Hiện ĐHQGHN đang áp dụng khá đa dạng các phương thức tuyển sinh: thi tuyển theo phương thức truyền thống, thi tuyển kết hợp bài kiểm tra đánh giá năng lực và một số chuyên ngành thí điểm áp dụng phương thức xét tuyển. Mỗi phương thức tuyển sinh đều có ưu điểm riêng, song phương thức xét tuyển đang là phương thức được nhiều đơn vị đào tạo của ĐHQGHN mong muốn áp dụng.
Các tân thạc sĩ, tiến sĩ ngày nhận bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
VNU Media: Theo GS., những chính sách nào cần được ĐHQGHN ưu tiên trong quá trình đổi mới tuyển sinh SĐH?
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy cần có những chính sách đổi mới trong công tác tuyển sinh sau đại học nhằm thu hút được nhiều hơn những người có nền tảng kiến thức tốt, chắc và năng lực thực sự tham gia các chương trình đào tạo sau đại học, giảm bớt những thủ tục, yêu cầu mang tính rào cản về kĩ thuật. Một số giải pháp cụ thể được đề xuất là:
- Mở rộng việc thí điểm phương thức xét tuyển trong tuyển sinh đào tạo thạc sĩ (với một số yêu cầu bắt buộc như kết quả học tập ở bậc đại học hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực; kết quả thành tích trong nghiên cứu; kinh nghiệm và lĩnh vực công tác (với một số chuyên ngành đặc thù), minh chứng trình độ ngoại ngữ);
- Xét tuyển thẳng đào tạo thạc sĩ đối với các đối tượng: Tốt nghiệp đại học ngành đúng các chương trình đào tạo (CTĐT) tài năng, chuẩn quốc tế, chất lượng cao; các chương trình đào tạo kỹ sư; các CTĐT đã được kiểm định AUN/kiểm định trong nước; Tốt nghiệp CTĐT chuẩn ngành đúng tại ĐHQGHN hoặc tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín, có thành tích nghiên cứu khoa học, trong thời gian 12 tháng và đạt học lực loại Khá trở lên;
Phòng thí nghiệm Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Công nghệ
- Để thu hút các bạn trẻ tài năng, với các em sinh viên chính quy tốt nghiệp đạt loại học lực giỏi, đủ điều kiện về thành tích học tập và năng lực nghiên cứu để chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh (NCS) nhưng chưa đủ điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đầu vào có thể xem xét cho làm NCS và sẽ được tăng cường học ngoại ngữ trong chương trình để đảm bảo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ theo quy định.
- Xây dựng mô hình đào tạo liên thông trình độ đại học và thạc sỹ, cho phép sinh viên năm thứ 3 trở đi có kết quả học tập tốt có thể đăng ký học trước một số học phần trong CTĐT thạc sỹ ngành đúng và bảo lưu kết quả này khi học tiếp CTĐT ở bậc thạc sỹ tương ứng;
- Thí sinh đã tốt nghiệp CTĐT bậc đại học có số tín chỉ từ 150 trở lên được tham gia CTĐT bậc thạc sĩ có số tín chỉ từ 30 – 40 tín chỉ (học 1 năm );
- Mở rộng đối tượng tuyển sinh SĐH đối với một số chuyên ngành đào tạo mang tính đặc thù;
- Cho phép thí sinh học bổ sung kiến thức sau khi trúng tuyển (trước khi công nhận học viên hoặc trước khi học các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành).
ĐHQGHN sẽ lập Đề án và các giải pháp thí điểm này sẽ được trình xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thực hiện.
VNU Media: Ngoài những chính sách trên, ĐHQGHN có thêm những giải pháp gì để nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo SĐH không? Xin GS. chia sẻ về điều này?
Ngoài những giải pháp cụ thể về chính sách tuyển sinh đã nêu ở trên, ĐHQGHN cũng sẽ thực hiện một loạt các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo SĐH của ĐHQGHN, bao gồm:
- Nghiên cứu, xây dựng các CTĐT mới đặc sắc, đáp ứng yêu cầu nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, các CTĐT sẽ được cơ cấu lại linh hoạt để hội nhập với quốc tế, tạo điều kiện cho việc trao đổi và công nhận tín chỉ với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín ở trong, ngoài nước, cũng như thuận lợi trong việc thu hút học viên cao học, nghiên cứu sinh người nước ngoài.
- Gắn đào tạo sau đại học với nghiên cứu, đặc biệt là đào tạo bậc tiến sỹ. Đầu tư xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và thực hiện đào tạo sau đại học thông qua các nhóm nghiên cứu để tiếp cận các hướng nghiên cứu hiện đại và từng bước hội nhập với trình độ của thế giới. Đồng thời tăng cường thực hành, thực tập, thực tế trong quá trình đào tạo, gắn học với hành, lý luận với thực tiễn.
- Mở rộng quy mô và tăng cường chất lượng đào tạo SĐH, đặc biệt là chất lượng đào tạo tiến sỹ; Đổi mới sâu rộng hoạt động giảng dạy trong toàn ĐHQGHN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo dựa trên 3 trục chính: (1) Lấy nền tảng công nghệ thông tin, số hóa để hỗ trợ hoạt động quản lí, đào tạo và công tác hỗ trợ người học; (2) Lấy triết lí đào tạo theo các thể hóa làm lõi, quan tâm phát huy năng lực và sở trường của từng cá nhân; (3) Lấy công nghệ dạy học mới, tiên tiến làm phương tiện để tăng cơ hội cho người học; Bên cạnh đó, việc thu hút nhân tài và các nguồn lực bổ sung cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất cho đào tạo SĐH là yếu tố then chốt. Đây được xem là hoạt động trọng tâm của ĐHQGHN trong năm 2019 và một số năm tiếp theo.
Phòng thí nghiệm tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học ĐHQGHN
- Triển khai các giải pháp hỗ trợ năng lực nghiên cứu và trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho các NCS dự bị; tăng nguồn học bổng hỗ trợ NCS; Xây dựng giải pháp tư vấn, hỗ trợ ứng viên dự tuyển nghiên cứu sinh chuẩn bị các điều kiện đầu vào trước khi đăng ký.
- Trong quá trình đào tạo hỗ trợ NCS tham gia các đề tài, dự án, các hoạt động trợ giảng và có chính sách hỗ trợ xứng đáng những NCS có thành tích nghiên cứu, công bố xuất sắc.
- Khai thác các hợp tác, liên kết với các đối tác nước ngoài có uy tín để người học SĐH có cơ hội thực tập, trải nghiệm hoặc được đào tạo ngắn ngày tại nước ngoài;
- Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong công tác tuyển sinh.
- Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về các CTĐT và chất lượng đào tạo của ĐHQGHN.
Với những giải pháp này, nếu được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, tôi tin tưởng công tác đào tạo SĐH ở ĐHQGHN sẽ có những khởi sắc và đột phá cả về số lượng và chất lượng, góp phần tích cực và hiệu quả làm cho ĐHQGHN giữ vững vai trò tiên phong, nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học của nước nhà.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
>>> Tin bài liên quan:
- Kế hoạch tuyển sinh sau đại học năm 2019 của ĐHQGHN
- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN ban hành theo Quyết định số 4555/QĐ-ĐHQGHN ngày 24/11/2017
- Quy chế đào tạo tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội
- Công tác đào tạo của ĐHQGHN
- Cổng thông tin tuyển sinh sau đại học của ĐHQGHN
|