TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Đào tạo   Sau đại học 00:00:00 Ngày 06/12/2017 GMT+7
Nâng chuẩn đào tạo Tiến sĩ phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế
Ngày 24/11/2017, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định số 4555/QĐ-ĐHQGHN ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN. Quy chế mới này đã nâng cao chuẩn đầu vào và đầu ra đối với các chương trình đào tạo tiến sĩ (TS) và đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với luận án TS cũng như người hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS). Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN đã có buổi trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trường Ban Đào tạo về vấn đề này.

Nâng cao hơn và cụ thể hoá nhiều tiêu chí quan trọng

- Thưa GS, một trong những điểm mới được nhiều người quan tâm trong Quy chế đào tạo tiến sĩ vừa được ĐHQGHN là việc nâng tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào bậc tiến sĩ. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này?

Có thể thấy rằng quy chế đào tạo tiến sĩ mới được ban hành tại ĐHQGHN đã cụ thể hoá nhiều tiêu chí đầu vào cũng như các tiêu chí đo lường năng lực nghiên cứu trong suốt quá trình đào tạo của NCS.

Theo quy chế mới, thí sinh muốn dự tuyển vào chương trình đào tạo TS tại ĐHQHN phải có bằng tốt nghiệp ĐH chính quy ngành đúng từ loại Giỏi trở lên hoặc bằng Thạc sĩ ngành/chuyên ngành đúng, ngành/chuyên ngành phù hợp hoặc ngành/chuyên ngành gần với ngành/chuyên ngành đăng ký dự tuyển. Nếu là văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định hiện hành.

Trưởng Ban Đào tạo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức tại giảng đường Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN

ĐHQGHN quy định, ứng viên dự tuyển NCS trong thời hạn 3 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển, phải là tác giả hoặc đồng tác giải tối thiểu 1 bài báo hoặc tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 1 báo cáo khoa học đăng tại kỷ yếu của các hội nghi, hội thảo khoa học quốc gia hoặc quốc tế có phản biện, có mã số xuất bản ISBN liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu, được hội đồng chức danh GS, PGS của ngành/liên ngành công nhận. Đối với những người đã có bằng thạc sĩ nhưng hoàn thành luận văn thạc sĩ với khối lượng học học tập dưới 10 tín chỉ trong chương trình đào tạo thạc sĩ thì phải có tối thiểu 02 bài báo/báo cáo khoa học.

Người dự tuyển phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ phù hợp với chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của chương trình đào tạo được ĐHQGHN phê duyệt. Trong các trường hợp văn bằng/chứng chỉ không phải là tiếng Anh thì người dự tuyển phải có khả năng giao tiếp được bằng tiếng Anh trong chuyên môn. Hội đồng tuyển sinh thành lập tiểu ban để đánh giá năng lực tiếng Anh giao tiếp trong chuyên môn của các thí sinh thuộc đối tượng này. Người dự tuyển đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành ngôn ngữ Anh hoặc sư phạm tiếng Anh phải có chứng chỉ tiếng nước ngoài khác tiếng Anh ở trình độ tương đương.

Đồng thời, trong hồ sơ dự tuyển, trước kia chỉ cần bài luận, nay theo Quy chế mới NCS phải chuẩn bị Đề cương NCS. Khác với trước kia, trong năm đầu tiên cơ sở đào tạo phải tổ chức góp ý cho NCS hoàn thiện đề cương luận án, nay quá trình này được thực hiện ngay từ khi xét tuyển đầu vào, do vậy ứng viên phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn.

- Song song với việc siết chặt hơn chuẩn đầu vào thì tiêu chuẩn dành cho những người hướng dẫn NCS có được đặt ra như thế nào thưa GS?

Tiêu chuẩn đặt ra đối với người hướng dẫn cũng rất chi tiết. Trước hết, người hướng dẫn chính phải có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư hoặc có học vị Tiến sĩ Khoa học với chuyên môn phù hợp với đề tài luận án hoặc lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Đối với người có bằng Tiến sĩ nhưng chưa có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư hoặc học vị Tiến sĩ Khoa học thì phải có tối thiểu 03 năm (36 tháng) hoạt động chuyên môn kể từ khi được cấp bằng Tiến sĩ, thì được giao hướng dẫn phụ cho NCS. Trường hợp Tiến sĩ có kết quả nghiên cứu xuất sắc như là tác giả chính của 02 công bố ISI/năm liên tục trong 3 năm gần nhất thì đơn vị đào tạo có thể đề nghị Giám đốc ĐHQGHN xem xét cho phép làm hướng dẫn chính hoặc hướng dẫn độc lập tối đa 03 nghiên cứu sinh. GS, PGS, và TS đủ 36 tháng sau khi có QĐ công nhận học vị, nếu có thành tích xuất sắc (3 bài ISI/năm) mới được hướng dẫn chính hoặc hướng dẫn độc lập NCS.

Người hướng dẫn phải đã hoặc đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trở lên, là tác giả chính (tên đầu hoặc tác giả liên hệ - corresponding author) của tối thiểu 01 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 01 chương sách chuyên khảo có mã số chuẩn quốc tế ISBN của nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc 02 bài báo được xuất bản tại các tạp chí khoa học của nước ngoài hoặc 02 báo cáo khoa học in bằng tiếng nước ngoài tại kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế có phản biện, có mã số chuẩn quốc tế ISBN thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh trong vòng 05 năm tính đến thời điểm được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Ngày nhận bằng của tân Tiến sĩ Đào Thanh Trường, nay anh là Phó giáo sư,
Trưởng Khoa Khoa học Quản lý, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Mỗi NCS có tối đa 2 người hướng dẫn, trong đó ít nhất 1 cán bộ là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của ĐHQGHN. ĐHQGHN khuyến khích các đơn vị đào tạo mời các nhà khoa học có đủ tiêu chuẩn hướng dẫn NCS đang công tác tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có uy tín ở nước ngoài tham gia đồng hướng dẫn. GS được đồng thời hướng dẫn độc lập và đồng hướng dẫn tối đa 5 NCS; tương tự, PGS hoặc TS khoa học tối đa 4 NCS; TS được đồng hướng dẫn tối đa 3 NCS.

Để khuyến khích, với các cán bộ có năng lực nghiên cứu xuất sắc (là tác giả chính có từ 3 công bố ISI/năm trở lên, liên tục trong 3 năm gần nhất) hoặc có đề tài lớn đủ cấp học bổng hỗ trợ cho nghiên cứu sinh, đơn vị đào tạo có thể đề nghị Giám đốc ĐHQGHN xem xét cho phép điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh được phép hướng dẫn.

 Cũng theo Quy chế mới, Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ gồm 7 thành viên, trong đó số thành viên thuộc đơn vị đào tạo và phản biện độc lập không quá 3 người. Số thành viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học tối thiểu là 5 người. Thành viên Hội đồng là những nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư, có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ ngành đúng/gần hoặc phù hợp với đề tài nghiên cứu hoặc lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh; thành viên chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ khoa học phải có tối thiểu 3 năm (36 tháng) hoạt động chuyên môn kể từ khi có Quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ tính đến thời điểm được mời tham gia Hội đồng.

Có tối thiểu 01 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện hoặc 01 chương sách được xuất bản bằng tiếng nước ngoài của các nhà xuất bản có uy tín của nước ngoài hoặc 01 báo cáo được xuất bản bằng tiếng nước ngoài trên kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế có phản biện, có mã số chuẩn ISBN liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong vòng 3 năm tính đến khi được mời tham gia Hội đồng.

- Thế còn đối với chính luận án Tiến sĩ - công trình khoa học chứng tỏ năng lực nghiên cứu chuyên sâu của NCS thì cần phải đáp ứng những tiêu chí nào?

Luận án là công trình nghiên cứu khoa học của NCS, trong đó chứa đựng những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn - có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học và giải quyết trọn vẹn các vấn đề  thuộc nhiệm vụ nghiên cứu của luận án, các luận điểm và kết quả nghiên cứu cần bảo vệ. Luận án được tính thời lượng từ 70-80 tín chỉ trong chương trình đào tạo.

Yêu cầu về chất lượng luận án thể hiện qua việc phát hiện và giải quyết những vấn đề mới, đóng góp mới cho khoa học và thực tiễn, đã công bố tối thiểu (trong thời gian làm nghiên cứu sinh) 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong đó tối thiểu có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 02 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có uy tín xuất bản bằng tiếng nước ngoài có phản biện, có mã số ISBN; hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của nước ngoài.

Hướng tới công bố quốc tế và tiêu chí bài báo ISI

- Như GS đã chia sẻ, những thay đổi này không chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Tiến sĩ mà còn phù hợp hơn với xu thế quốc tế. Điều này thể hiện như thế nào?

ĐHQGHN quy định đào tạo trình độ TS được tổ chức theo hình thức giáo dục chính quy, tập trung. NCS phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại đơn vị đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu. Thời gian đào tạo chuẩn trình độ TS đối với người có bằng ThS là 3 năm và 4 năm áp dụng cho người chưa có bằng ThS. Đây cũng là điểm mới của quy chế.

Quy chế mới cũng thúc đẩy tăng cường việc gắn đào tạo với nghiên cứu, với đơn vị chuyên môn. Nghiên cứu khoa học là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo của NCS. NCS phải đảm bảo tính trung thực, chính xác, tính mới của kết quả nghiên cứu khoa học của mình, chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam và quốc tế. Các đơn vị đào tạo triển khai hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp - các đơn vị sử dụng nghiên cứu sinh sau tốt nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, gắn đào tạo với nghiên cứu - triển khai sản xuất - thực tiễn để đáp ứng yêu cầu xã hội.

Nhiều người nước ngoài đã và đang học tập, nghiên cứu bậc đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN

Quy chế mới khuyến khích mời các giáo sư nước ngoài, các nhà khoa học, chuyên gia giỏi ở nước ngoài tham gia hướng dẫn NCS. Khuyến khích NCS viết luận án và bảo vệ luận án bằng ngoại ngữ. Với các NCS có công bố quốc tế xuất sắc, là tác giả chính của 3 bài báo ISI với tổng IF từ 3.0 trở lên được đặc cách bỏ qua quy trình phản biện kín.

Đồng thời, tham gia sinh hoạt chuyên môn và công tác trợ giảng và hỗ trợ đào tạo là yêu cầu bắt buộc với nghiên cứu sinh. Đơn vị chuyên môn phải lên lịch sinh hoạt chuyên môn và lịch cho từng nghiên cứu sinh báo cáo, trình bày kết quả hoạt động chuyên môn của mình tại seminar do đơn vị chuyên môn tổ chức trong từng 6 tháng/năm học. Nghiên cứu sinh phải tham gia đầy đủ các seminar khoa học hoặc các hội nghị, hội thảo do đơn vị chuyên môn tổ chức, quy định.

Giảm thiểu thủ tục hành chính

-  Thưa GS, việc giảm thiểu các thủ tục hành chính được thể hiện như thế nào trong Quy chế này?

Giảm thiểu và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng là một mục tiêu quan trọng của Quy chế mới này. Theo đó, các đơn vị trong toàn ĐHQGHN sử dụng thống nhất phần mềm tuyển sinh, nộp hồ sơ tuyển sinh online và sử dụng thống nhất phần mềm quản lý đào tạo, quản lí người học. Các loại hồ sơ của NCS từ lúc tuyển sinh đầu vào cho đến khi công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ được tập hợp, lưu trữ trên phần mềm quản lý đào tạo NCS.

Một cải tiến mới cần nhấn mạnh trong Quy chế lần này là liên quan đến đánh giá của Phản biện. Trong trường hợp Phản biện đánh giá ở mức đồng ý nhưng có yêu cầu sửa chữa bổ sung, nghiên cứu sinh cần tiếp thu và sửa chữa, hoặc bảo lưu và giải trình, nhưng không cần gửi lại cho người phản biện để lấy ý kiến đồng ý hay không đồng ý, mà được giải trình bằng văn bản để lưu hồ sơ và trình bày công khai trước Hội đồng đánh giá luận án. Hội đồng xem xét nội dung đó để đánh giá.

Hoàn thành bậc đào tạo tiến sĩ là vượt qua một thử thách lớn của các nhà khoa học

ĐHQGHN chỉ đạo, điều hành thống nhất công tác tổ chức và quản lí đào tạo theo cơ chế liên thông, liên kết và hợp tác giữa các đơn vị đào tạo; phát huy lợi thế chuyên môn, phân cấp quản lí theo hướng phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị đào tạo; phối hợp sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung phục vụ đào tạo trong toàn ĐHQGHN; quản lý trực tiếp và toàn diện công tác đào tạo của các khoa trực thuộc.

 Điểm đặc biệt mới của Quy chế lần này là Bằng Tiến sĩ của ĐHQGHN do Giám đốc và thủ trưởng đơn vị đào tạo cùng ký (đóng dấu của ĐHQGHN), và áp dụng  với các NCS có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ  sau ngày 31.12.2018.

 Các NCS của tất cả các khóa trước, nếu làm thủ tục bảo vệ luận án cấp cơ sở sau ngày 31.12.2020, thì điều kiện về công bố để được bảo vệ cấp cơ sở sẽ phải áp dụng như yêu cầu trong Quy chế này.

- Quy chế này có tính đến đặc thù riêng của từng chuyên ngành Tiến sĩ không? Qua quy chế mới giúp ĐHQGHN phát huy được những lợi thế gì trong đào tạo TS?

Quy chế đào tạo TS hướng tới mục tiêu phát huy tính liên thông, liên kết, liên ngành qua việc xây dựng chương trình đào tạo. ĐHQGHN xác định nguyên tắc khi xây dựng chương trình đào tạo đó là phải có minh chứng thể hiện ngành/chuyên ngành có nhu cầu xã hội cao, hoặc dự báo sẽ có vai trò khoa học quan trọng trong tương lai gần. ĐHQGHN khuyến khích xây dựng các chương trình đào tạo có tính liên ngành, độc đáo, phát huy thế mạnh của các đơn vị đào tạo; thúc đẩy liên thông, liên kết trong ĐHQGHN; hoặc có vai trò thí điểm tiên phong cho hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam; hợp tác với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng nghiên cứu sinh sau tốt nghiệp.

- Với việc đưa quy chế mới vào thực tiễn, ông dự đoán sẽ có những ảnh hưởng như thế nào về việc đào tạo TS ở ĐHQGHN?

Như tôi đã nói ở trên, những điểm mới trong quy chế đào tạo Tiến sĩ được xem xét và bổ sung dựa trên nhu cầu và thực tiễn đào tạo TS đặt ra cho ĐHQGHN thời gian vừa qua, trên cơ sở những định hướng rõ nét theo xu thế giáo dục đại học thế giới như: đẩy mạnh công bố quốc tế, tăng cường chất lượng các hoạt động học thuật, gắn đào tạo với nghiên cứu, nhóm nghiên cứu, đề cao vai trò của các đơn vị chuyên môn (tổ bộ môn, PTN), tin học hoá hoạt động quản lý đào tạo. Có thể tiêu chuẩn này cao hơn tiêu chuẩn chung tại các cơ sở đào tạo khác song nó phù hợp với điều kiện và định hướng của ĐHQGHN với tư cách là đơn vị đầu tàu tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, là cái nôi đào tạo ra những nhà khoa học hàng đầu, các nhà giáo cho các cơ sở đào tạo khác. Những yêu cầu này buộc các NCS cũng như người hướng dẫn hay đơn vị đào tạo luôn ý thức rất cao về tinh thần trách nhiệm cũng như về chất lượng hoạt động nghiên cứu của mình. Đào tạo TS chất lượng cao cũng giúp ĐHQGHN tăng công bố quốc tế, tăng hạng và hội nhập quốc tế, từ đó ngày càng khẳng định thương hiệu, uy tín học thuật của mình với xã hội.

>>> Quyết định 4555/QĐ-ĐHQGHN - Ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN

 

 

 Vũ Lê - Ảnh: BT - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ