Tham dự chương trình còn có ông Hideo Suzuki - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Toshinori Kobayashi - Cục trưởng Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp vùng Kansai, Nhật Bản; ông Motonori Tsuno, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam; ông Moritake Hattori – Cố vấn điều hành Ngân hàng Senshu Ikeda; GS. Hiroshi Matsumoto – Giám đốc ĐH Kyoto; GS. Hideki Fukuda – Giám đốc ĐH Kobe;GS. Toshio Hirano – Giám đốc ĐH Osaka; PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội; GS.TS Hoàng Văn Châu – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên và sinh viên Việt Nam và Nhật Bản.
Hội nghị nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973-2013). Chủ đề chính của Hội nghị là “Nguồn nhân lực toàn cầu: Những suy nghĩ về nguồn nhân lực của Việt Nam và vùng Kansai, Nhật Bản”. Nguồn nhân lực toàn cầu ở đây không chỉ có năng lực, chuyên môn mà sẽ trở thành cầu nối trong giao lưu văn hóa cũng như trong sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Hội nghị cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và trường ĐH cùng nhau trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết cũng như xây dựng quan hệ hợp tác.
Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Hữu Đức đã giới thiệu về chiến lược hội nhập và quốc tế hóa của ĐHQGHN, quan điểm của ĐHQGHN về lực lượng sản xuất hiện đại, các giải pháp chính trong đào tạo nguồn nhân lực cũng như đưa ra một số đề xuất hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Theo Phó Giám đốc ĐHQGHN, ngoài việc dần khẳng định vị thế là đại học nghiên cứu hàng đầu, ĐHQGHN còn đang phát triển theo định hướng trở thành đơn vị đầu tàu trong công cuộc đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước đồng thời là một trong những địa chỉ giao lưu văn hóa, khoa học và chính trị quan trọng nhất tại Việt Nam.
ĐHQGHN quan niệm, hội nhập và quốc tế hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của mình. Phó Giám đốc ĐHQGHN đã đề cập 3 mục tiêu chính của hội nhập và quốc tế hóa, đó là: tiếp cận được với mô hình và tiêu chí của quản trị đại học tiên tiến để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa; tăng cường các nguồn lực cho ĐHQGHN trong đó có nguồn lực con người; cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nước ngoài nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn tốt, khả năng hội nhập cao.
Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, quan điểm của ĐHQGHN về lực lượng sản xuất hiện đại bao gồm 3 yếu tố chính: (1) nguồn nhân lực toàn cầu, gồm nguồn nhân lực có khả năng sáng nghiệp và nguồn nhân lực phi truyền thống - có kiến thức liên ngành cao, có thể giải quyết bài toán liên ngành, liên lĩnh vực; (2) tiềm lực khoa học công nghệ của 1 trường ĐH, rộng hơn chính là tiềm lực KHCN của quốc gia; (3) các sản phẩm KHCN, các phát minh, sáng chế của các nhà khoa học đóng góp vào phát triển nền kinh tế tri thức của ĐHQGHN nói riêng và của đất nước nói chung.
Hiện nay, ĐHQGHN đang triển khai đề án 16+23, trong đó chọn 16 chương trình đào tạo cử nhân, 23 chương trình đào tạo thạc sĩ và 23 chương trình đào tạo tiến sĩ để đưa lên đạt chuẩn quốc tế. Để đảm bảo điều kiện chất lượng và sự tin cậy của quốc tế, ĐHQGHN tổ chức kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế (đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á - AUN).
Với thế mạnh và tiềm lực trong đào tạo nguồn nhân lực hiện đại và toàn cầu, ĐHQGHN mong muốn mở rộng hợp tác hơn nữa với các đối tác Nhật Bản. Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức đề xuất trong thời gian tới, ĐHQGHN mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác trong đào tạo kỹ sư với các đại học Nhật Bản: triển khai các hoạt động liên kết trong đào tạo tiến sĩ như trao đổi NCS; thành lập một số trung tâm nghiên cứu xuất sắc và mời các nhà khoa học, chuyên gia, các giáo sư Nhật Bản sang làm việc; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học, an toàn thực phẩm và công nghệ xanh; cùng xây dựng đề án xây dựng Trường ĐH Việt – Nhật tại ĐHQGHN, từ đó đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia.
Hội nghị cũng đã nghe các giáo sư, nhà khoa học và chuyên gia chia sẻ, thảo luận về phương án đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực toàn cầu một cách thiết thực, hiệu quả cũng như đề ra các hướng hợp tác giữa các đối tác Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.
|