Ngày 24/11/ 2021, Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER) chính thức được khởi động dưới sự tham dự của đại diện lãnh đạo ĐHQGHN, ĐHQG Tp.HCM, ĐH Đà Nẵng và Đại học Indiana, Cơ quan USAID và Ngân hàng Thế giới (WB), sau hơn hai tháng các bên cùng tham gia thiết kế chương trình. Dự án PHER là một sáng kiến của USAID, thực hiện trong 5 năm nhằm hiện đại hóa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu nhằm cải tiến giáo trình và phương pháp giảng dạy, các trường này sẽ có vai trò là các hình mẫu cho một hệ thống giáo dục đại học thế kỷ 21. Mục tiêu là giúp đào tạo đội ngũ sinh viên ra trường có tay nghề, đủ kỹ năng cần thiết để sẵn sàng làm việc và cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa ngày càng cao. Việc thúc đẩy cải cách chính sách giáo dục đại học, công nghệ và số hóa, nâng cao năng lực quản trị là những chiến thuật xuyên suốt, then chốt để Dự án đạt được thành công và bền vững lâu dài. Dự án sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 1/2022. Theo lịch trình, trong năm thứ nhất, Dự án dự kiến sẽ tiến hành giai đoạn khảo sát, đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực quản trị của 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; tiếp theo đó sẽ là giai đoạn xây dựng chương trình và nội dung đào tạo diễn ra từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2022; tháng 6 đến 8/2022, chương trình dự kiến sẽ bắt đầu giai đoạn triển khai đào tạo tại Việt Nam, ba tháng cuối năm 2022 sẽ là giai đoạn trao đổi học giả và đào tạo nhà lãnh đạo, quản lý tại Hoa Kỳ. Đại diện nhà tài trợ USAID mong muốn dù nguồn lực không phải quá lớn nhưng Dự án sẽ tận dụng và đi vào giải quyết trọng tâm những nhu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực của ba Đại học lớn của Việt Nam, đồng thời, tất cả các bên tham gia đều cần chung tay để Dự án hoạt động năm đầu tiên thực sự hiệu quả. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải phát biểu đánh giá cao Dự án đã xúc tiến công tác chuẩn bị rất tích cực và bài bản để nhanh chóng đi vào thực chất, nâng cao năng lực đào tạo nghiên cứu, quản trị, kết nối của các cơ sở giáo dục đại học lớn của Việt Nam. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp của Nhóm Giải pháp Kỹ thuật tham gia thực hiện xây dựng Dự án. Với các trụ cột của Dự án, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải hoàn toàn đồng ý tuy nhiên cũng lưu ý Dự án cần lưu tâm đến các điều kiện cụ thể của Việt Nam và hy vọng Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) sẽ hỗ trợ tích cực cho Đại học Indiana và 3 Đại học của Việt Nam trong quá trình triển khai Dự án. Đồng thời, với kinh nghiệm kiểm định chất lượng của ĐHQGHN, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh đây là một hoạt động khó, do đó, khâu kiểm định Dự án cần phải chuẩn bị thật sự cẩn thận. Bên cạnh đó, ĐHQGHN mong muốn được Dự án Đổi mới Giáo dục Đại học sẽ hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ cho doanh nghiệp và xã hội, làm nguồn lực đầu tư trở lại cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Trước đó, trong tháng 10/2021, ĐHQGHN, ĐHQG Tp.HCM và ĐH Đà Nẵng cùng các đối tác Hoa Kỳ đã phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến nhằm trực tiếp tham gia thiết kế xây dựng Khung chương trình cho Dự án PHER. Chiến lược của dự án xoay quanh bốn trụ cột chính: Xuất sắc về quản trị, Xuất sắc về giảng dạy và học tập, Xuất sắc về nghiên cứu và Liên kết với các doanh nghiệp. Trong đó, Xuất sắc về quản trị là thiết lập các hệ thống đảm bảo chất lượng mạnh mẽ nhằm giúp các trường đại học thúc đẩy việc tự chủ; Xuất sắc về giảng dạy là phát triển chuyên môn của giảng viên trong việc thiết kế các khóa học hiện đại, số hóa chương trình giảng dạy để tăng khả năng tiếp cận với các nguồn bài giảng chất lượng cao, cũng như là thành lập Cộng đồng Học tập để khuyến khích hợp tác giữa các tổ chức. Xuất sắc về nghiên cứu là nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới, đồng thời điều chỉnh các hoạt động nghiên cứu phù hợp với nhu cầu xã hội và kinh tế của đất nước thông qua trao đổi giảng viên, các chương trình thăm quan học giả, hội nghị nghiên cứu, hội thảo trên web, hội thảo và các khóa học ngắn hạn. Cuối cùng, thông qua việc Liên kết với các doanh nghiệp, Đại học Indiana và các đối tác tư nhân sẽ hỗ trợ và hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ với doanh nghiệp tư nhân, trong cải cách chương trình và giảng dạy. Tầm nhìn của Dự án PHER phù hợp với những giá trị cốt lõi mà ĐHQGHN đang theo đuổi là “Đổi mới sáng tạo – Trách nhiệm Quốc gia – Phát triển bền vững”. ĐHQGHN đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) đáp ứng với những yêu cầu phát triển mới, trong đó tập trung hoàn thiện mô hình quản trị đại học, xây dựng một đại học thông minh, ĐMST bằng việc áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt có tính đột phá để thúc đẩy các yếu tố ĐMST ở ĐHQGHN. ĐHQGHN tiếp tục tập trung đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức quản lý và triển khai các hoạt động KH&CN. Một số chính sách về nhóm nghiên cứu mạnh, thu hút nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ người học, quản lý tài sản trí tuệ… sẽ được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho các nhà khoa học chủ trì đề tài, dự án đưa nghiên cứu sinh, học viên cao học và cả sinh viên vào các hoạt động KH&CN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực sáng tạo của người học. ĐHQGHN tập trung triển khai xây dựng Khu nghiên cứu liên ngành tiên tiến, hiện đại rộng 22,9 ha tại Hòa Lạc. Đây là cơ sở để ĐHQGHN tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động ĐMST từ nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai và thương mại hóa. Đồng thời, ĐHQGHN cũng triển khai phát triển các phòng thí nghiệp trọng điểm trong một số lĩnh vực mũi nhọn, liên ngành như: công nghiệp vũ trụ, y - sinh - tin, nông nghiệp linh hoạt công nghệ cao; chú trọng giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo… Ngày 19/11/2021, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã ký Quyết định số 3688/QĐ-ĐHQGHN ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh và các thực tập sinh sau tiến sỹ ở ĐHQGHN. Đây là lần đầu tiên ĐHQGHN cấp học bổng lên tới 100 triệu năm cho nghiên cứu sinh và cũng là lần đầu tiên trong cả nước có một đại học công lập tiên phong thiết lập và cấp học bổng cho thực tập sinh sau tiến sỹ. Thông qua quyết định này, ĐHQGHN mong muốn thu hút được nhiều nghiên cứu sinh và tiến sỹ giỏi đến ĐHQGHN học tập, nghiên cứu, góp phần tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, tầm ảnh hưởng và xếp hạng của ĐHQGHN trong những năm tới. | >>> Các tin liên quan: USAID: Nâng cao năng lực quản trị nhằm hiện đại hóa các đại học hàng đầu Việt Nam
Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 Học bổng hỗ trợ cho nghiên cứu sinh và các thực tập sau tiến sỹ - bước đột phá tiên phong của ĐHQGHN Đại học Quốc gia Hà Nội: Phát triển theo định hướng đại học đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng đổi mới sáng tạo Hoạt động khoa học và công nghệ với trọng trách quốc gia Ngân hàng Thế giới cấp tín dụng để xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc ĐHQGHN đạt thứ hạng 401-600 thế giới trong Bảng xếp hạng Impact Rankings của Times Higher Education (THE) [Infographic] Các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu phát triển ĐHQGHN, giai đoạn 2020 – 2025 [Infographic] Tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo [Infographic] Hoạt động khoa học và công nghệ phát triển về quy mô và chất lượng [Infographic] Gia tăng các chỉ số quốc tế hóa và xếp hạng đại học [Infographic] Phát triển các điều kiện đảm bảo góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động của ĐHQGHN |