TIN TỨC & SỰ KIỆN
Các ngành Khoa học Trái đất tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn
Hội nghị Khoa học Quốc tế Hanoi Geoengineering 2022 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo Khoa học Trái đất, Kinh tế tuần hoàn và Tính bền vững” được khai mạc ngày 11/02/2022 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Hội nghị do trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái đất- Mỏ và Đại học Kyoto (Nhật Bản) cùng các trường đại học đối tác trong nước và của Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ, phối hợp tổ chức.

Tiếp nối chuỗi bảy hội nghị trước đó kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003, hội nghị Hanoi Geoengineering năm 2022 được tổ chức theo hình thức kết hợp offline và online với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp đến từ Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các trường Đại học và Viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài. GS.TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng Giáo dục ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất– Mỏ là người có đóng góp rất lớn trong việc khởi tạo nên Hội nghị này.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, Hội nghị đã lựa chọn ý tưởng chủ đề có tính thời sự cao, phù hợp với xu thế chung của nhân loại, đồng thời, nhấn mạnh “việc quy tụ được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Khoa học Trái đất trong và ngoài nước cũng như liên kết các bộ môn khoa học cơ bản như địa chất, khí tượng, thủy văn, hải văn sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu phải nghiên cứu toàn diện các quy luật tự nhiên của Trái đất”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã gợi mở các nhà khoa học cần nghiên cứu tường tận các quy luật tự nhiên để góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người với tự nhiên theo hướng tuân theo quy luật của tự nhiên. Chuyển đổi từ khai thác tự nhiên sang đầu tư, phục hồi.

Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững, Hội nghị khoa học quốc tế Hanoi Geoengineering 2022 là nơi để các nhà khoa học, công nghệ, nhà quản lý và các doanh nghiệp từ các nước trên thế giới trao đổi và thảo luận về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Khoa học Trái đất, công nghệ địa môi trường, năng lượng, công nghiệp, phát triển hạ tầng và kinh tế để tìm ra giải pháp bảo vệ hành tinh trái đất từ các biến động toàn cầu, khu vực và địa phương để phát triển bền vững, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững. Đây là hoạt động góp phần cụ thể hóa định hướng lãnh đạo của Đảng thúc đẩy phát triển đất nước ta trong giai đoạn 2021–2030 đó là “xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn bày tỏ sự tin tưởng rằng sự đóng góp của tất cả các bên tham gia Hanoi Geoengineering 2022 sẽ tạo ra các giải pháp sáng tạo để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đồng thời, giúp tăng cường sự hợp tác giữa các bên.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN gửi lời cảm ơn đến GS.TS. Mai Trọng Nhuận về những đóng góp không ngừng nghỉ cho sự phát triển của ĐHQGHN và hoạt động nghiên cứu Khoa học Trái đất tại Việt Nam.

Các chủ đề của Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 tập trung vào các chủ đề chính, đó là: Thứ nhất, Khoa học trái đất, công nghệ địa kỹ thuật, địa chất sinh thái cho phát triển kinh tế sinh thái và kinh tế tuần hoàn, các nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, khắc phục môi trường, giảm chất thải, nước thải và khí nhà kính, giảm thiểu thiên tai và chống chịu với thiên tai, phục hồi môi trường và thiên tai; chống chịu với thiên tai và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cơ sở hạ tầng và các địa hệ, công nghệ thủy văn (quản lý nước thải và xử lý nước), giảm ô nhiễm vi nhựa; thứ hai, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và kinh tế tuần hoàn: Tái tạo tài nguyên thiên nhiên, vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (thủy điện, năng lượng thủy triều, gió, mặt trời và địa nhiệt); khai thác bền vững và sử dụng sáng tạo các năng lượng truyền thống (than, dầu và khí); khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, vốn tự nhiên, đa dạng sinh học và hệ sinh thái; du lịch sinh thái, bảo tồn di sản thiên nhiên; mô hình tích hợp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; phân phối và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; thứ ba, giải pháp cho kinh tế tuần hoàn và nâng cao tính bền vững: các giải pháp khoa học và công nghệ; giải pháp thể chế và chính sách; nâng cao năng lực và hợp tác cho phát triển bền vững, duy trì tính bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chống chịu; các giải pháp chuyển đổi số và công nghệ sáng tạo (bao gồm: trí tuệ nhân tạo, IoT, công nghệ chuỗi-khối, phân tích dữ liệu).

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhấn mạnh Hội nghị chuyên đề quốc tế Hanoi Geoengineering là chuỗi sự kiện khoa học uy tín trong suốt 20 năm được Nhà trường tổ chức. Năm nay, đây là một trong những sự kiện đáng chú ý nhằm kỷ niệm 65 năm thành lập Trường, 55 năm thành lập Khoa Địa chất, 25 năm thành lập Bộ môn Địa kỹ thuật và Địa môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

 

Nhân dịp này, GS.TS. Mai Trọng Nhuận đã được trao Huân chương vì Sự nghiệp Phát triển Tài nguyên và Môi trường cho những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu Khoa học trái đất.

>>> Các tin liên quan:

Khai mạc “Hanoi Geoengineering 2013”

 Phương Hà - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ