TIN TỨC & SỰ KIỆN
Vượt ra ngoài đường chân trời: Sự phát triển toàn cầu của giáo dục đại học được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo
Ngày 30/8/2024, tại Trung tâm Hội nghị Bắc Kinh, Giám đốc Lê Quân và đoàn công tác ĐHQGHN đã tham dự Diễn đàn Giáo dục Đại học Thanh Hoa lần thứ 3 với chủ đề “Ranh giới của khả năng: Trao quyền cho giáo dục đại học với công nghệ trí tuệ nhân tạo”.

 

 

GS. Li Luming và GS. Lê Quân

Tiếp đoàn có GS. Li Luming – Giám đốc Đại học Thanh Hoa, GS. Yang Bin – Phó Giám đốc Đại học Thanh Hoa cùng các lãnh đạo các khoa, viện thuộc Đại học Thanh Hoa.

Diễn đàn Giáo dục Đại học Thanh Hoa là một sự kiện khoa học tầm cỡ quốc tế, nơi các nhà giáo dục đại học hàng đầu trên thế giới gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Với chủ đề “Ranh giới của khả năng: Trao quyền cho giáo dục đại học với công nghệ trí tuệ nhân tạo”, diễn đàn năm nay tập trung vào việc đưa trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động đào tạo và quản trị đại học nhằm tạo ra nguồn lực chất lượng cao trong tương lai. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã chia sẻ và thảo luận những lợi ích công nghệ số và trí tuệ mang lại cho giáo dục đại học, đặc biệt trong việc triển khai đào tạo cá thể hóa…

Phát biểu tại khai mạc, GS. Li Luming – Giám đốc Đại học Thanh Hoa cho rằng, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt các hệ thống đào tạo cá thể hóa được xây dựng dựa trên trí tuệ nhân tạo có thể giúp cho người học nhanh chóng học những thứ họ cần và giúp cho quá trình đào tạo nhanh hơn, hiệu quả hơn; người học có thể học trực tuyến, học bất cứ lúc nào thông qua nội dung bài giảng được trí tuệ nhân tạo tạo ra một cách trực quan bằng hình ảnh, dễ hiểu. Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ rất nhiều nhiệm vụ của giảng viên, giúp các thầy cô nâng cao chất lượng bài giảng, xây dựng bài giảng một cách hiệu quả hơn. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể giúp chúng ta phân tích, đánh giá hiệu quả giảng dạy, năng lực của sinh viên, và thậm chí đánh giá các chiến lược đào tạo, nhận diện và sớm đưa ra các cảnh báo về rủi ro đối với người học để giảng viên có thể đưa ra các quyết định điều chỉnh.

Tại diễn đàn, GS. Wen Wen – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Thanh Hoa đã thay mặt nhóm nghiên cứu công bố Báo cáo “Vượt ra ngoài đường chân trời: Sự phát triển toàn cầu của giáo dục đại học được hỗ trợ bởi AI” (Beyond the horizon: The global development of AI-empowered higher education). Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu về Giáo dục thực hiện với sự tài trợ của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Báo cáo cung cấp một bức tranh toàn cảnh về sự phát triển toàn cầu của giáo dục đại học trong thời đại trí tuệ nhân tạo. Báo cáo không chỉ đề cập ảnh hưởng toàn cầu của trí tuệ nhân tạo đối với hiện trạng giáo dục và những thách thức khi áp dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học mà còn cung cấp kết quả phân tích, đánh giá tổng quát về các xu thế phát triển và thiết kế chính sách áp dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học trong tương lai.

 

Với sự phân công của Giám đốc ĐHQGHN, GS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin đã trình bày báo cáo mời về “Thúc đẩy đại học số thông qua các ứng dụng trí tuệ nhân tạo”. Báo cáo đề cập đến ứng dụng tối đa trí tuệ nhân tạo trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi hoạt động của đại học. Từ hoạt động đào tạo với mô hình đào tạo cá thể hóa dựa trên hệ thống học tập thích ứng trực tuyến, hệ thống theo dõi, phân tích đánh giá quá trình học tập của sinh viên cho đến việc hình thành các nền tảng số dựa trên trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ giảng viên triển khai dễ dàng các hoạt động xây dựng bài giảng, bài tập, kiểm tra đánh giá hay triển khai mô hình đào tạo theo dự án một cách dễ dàng hơn nhờ ứng dụng AI. Báo cáo cũng đề cập đến việc kết nối dữ liệu và hình thành hệ thống đại học số nhằm phục vụ công tác điều hành, quản lý chất lượng đào tạo và nghiên cứu một cách hiệu quả và thống nhất tại ĐHQGHN.

Diễn đàn thu hút hơn 600 người tham dự gồm nhiều diễn giả đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Úc, Nga… và các đại học lớn tại Trung Quốc. Diễn đàn gồm 4 phiên toàn thể và 5 phiên chuyên đề về: Đánh giá lại giáo dục đại học trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: giá trị, mục tiêu, và phát triển đạo đức; Trí tuệ nhân tạo và quản trị đại học; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy và đánh giá; Trí tuệ nhân tạo và Ươm mầm tài năng; Sự đổi mới mang tính đột phá của giáo dục đại học được hỗ trợ bởi AI: ý tưởng và thực thi.

Các tin liên quan:

- ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh hợp tác trong nhiều lĩnh vực khoa học mũi nhọn

- ĐHQGHN hợp tác với Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) trong nghiên cứu khoa học và đào tạo

- Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân thăm và làm việc với ĐH Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc)

- ĐHQGHN và ĐH RMIT hợp tác nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn

 

 

 Tú Trần - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ