Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chứng kiến lễ trao đổi thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh (Ảnh: Nhật Bắc)
Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường diễn ra ngày 12-14/10, theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Lý Cường thăm Việt Nam kể từ khi nhậm chức vào tháng 3/2023. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục đưa quan hệ hai Đảng, hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, toàn diện, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Sau cuộc hội đàm sáng nay (13/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chứng kiến lễ trao đổi nhiều thoả thuận hợp tác song phương, trong đó có văn kiện về kết nối đường sắt, nghiên cứu mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR, hợp tác toàn diện giữa ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo và sinh viên ĐHQGHN (Ảnh: Thái Sơn)
Các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký trong dịp này gồm:
1. Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Uỷ ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
2. Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
3. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc cùng thúc đẩy dự án sửa chữa, bảo trì Cung Hữu nghị Việt - Trung.
4. Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ sáng kiến Phát triển toàn cầu.
5. Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững.
6. Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu về mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
7. Kế hoạch hành động giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thoả thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam và Chương trình Quản lý tín nhiệm doanh nghiệp của Hải quan Trung Quốc.
8. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Đài Phát thanh truyền hình Trung ương Trung Quốc.
9. Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
10. Bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam - Trung Quốc.
|
Giám đốc ĐH Bắc Kinh GS. Gong Qihuang và Giám đốc ĐHQGHN GS. Lê Quân (Ảnh: Tuấn Anh)
Tại cuộc trao đổi giữa hai bên, GS. Lê Quân bày tỏ sự vui mừng và coi trọng mối quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh. Ông tin rằng, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, sự ủng hộ của Chính phủ hai nước sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ tạo tiền đề để hai đại học triển khai các hoạt động học thuật và nghiên cứu, thể hiện trách nhiệm xã hội cũng như năng lực, vị thế của các đại học hàng đầu trong khu vực.
Giám đốc ĐH Bắc Kinh GS. Gong Qihuang bày tỏ niềm vui mừng và cảm thấy thật may mắn khi hai đại học hàng đầu của Việt Nam và Trung Quốc được trao đổi thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường. Việc ký kết hợp tác giữa ĐH Bắc Kinh và ĐHQGHN là nỗ lực của hai bên, hiện thực hóa những trao đổi trong chuyến công tác vào cuối tháng 8 của GS. Lê Quân đến Trung Quốc.
Bày tỏ ấn tượng với sự trẻ trung, năng động của sinh viên ĐHQGHN, GS. Gong Qihuang mong rằng, ngoài hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu, ĐH Bắc Kinh và ĐHQGHN sẽ tăng cường các hoạt động trao đổi sinh viên trong thời gian tới.
GS. Gong Qihuang cùng GS. Lê Quân và sinh viên ĐHQGHN (Ảnh: Thái Sơn)
GS. Gong Qihuang đã gửi lời mời ĐHQGHN tham dự Diễn đàn Bắc Kinh 2024, được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 01-03/11/2024. Diễn đàn được đồng tổ chức bởi Đại học Bắc Kinh, Ủy ban Giáo dục Thành phố Bắc Kinh và Viện Chey. Diễn đàn Bắc Kinh cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu tiên tiến tập trung vào các vấn đề toàn cầu và thúc đẩy tiến bộ học thuật, tiến bộ xã hội trên thế giới. Năm nay, Diễn đàn Bắc Kinh sẽ giải quyết một vấn đề toàn cầu cấp bách bằng cách tập trung vào chủ đề “Kỷ nguyên đổi mới và Sự tiến bộ của nhân loại” (“The Era of Innovation and Advancement of Mankind).
Giám đốc ĐH Bắc Kinh cũng gửi lời mời ĐHQGHN tham gia Liên minh quốc tế về Phát triển giáo dục – Trí tuệ kỹ thuật số (Digital Intelligence International - Development Education Alliance, DI-IDEA). DI-IDEA được khởi xướng bởi ĐH Bắc Kinh, chính thức ra mắt ngày 03/11/2023 với sự tham gia của 22 đối tác toàn cầu. Liên minh nhằm tạo ra những thành tựu hữu hình trong việc chuyển đổi giáo dục kỹ thuật số, khai thác những cơ hội do những chuyển đổi đó mang lại và đề xuất giải pháp cho những thách thức mà các tổ chức giáo dục đại học phải đối mặt trong thời đại trí tuệ kỹ thuật số hiện nay.
Cũng trong tháng 10/2024, đoàn công tác của Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu (School of Material Sciences and Engineering) thuộc ĐH Bắc Kinh sẽ có chuyến công tác tại Việt Nam, tới thăm và làm việc với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu thuộc ĐH Bắc Kinh cũng gửi lời mời ĐHQGHN cử một nghiên cứu sinh Tiến sĩ tham dự và có bài chia sẻ tại Diễn đàn học thuật quốc tế dành cho nghiên cứu sinh “Boyba M-Talents”.
Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã ký kết hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của thế giới ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Á như: ĐH Bách khoa Paris Yves Demay (CH Pháp); ĐH Dublin, ĐH Cork, ĐH Trinity (Ireland); ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva, ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, ĐH Nghiên cứu Quốc gia - Trường Kinh tế Cao cấp, ĐH Kỹ thuật Năng lượng Moscow (Liên bang Nga); ĐH Indiana, ĐH Arizona (Hoa Kỳ); ĐH Công nghệ Sydney, ĐH Adelaide, ĐH RMIT (Australia); ĐHQG Seoul (Hàn Quốc); ĐH Thanh Hoa, ĐH Hạ Môn (Trung Quốc); ĐH Tokyo, ĐH Kyoto (Nhật Bản); ĐH Khoa học và Công nghệ Mông Cổ…
Các tin liên quan:
ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh hợp tác trong nhiều lĩnh vực khoa học mũi nhọn
- Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam Phan Thị Thanh Tâm và Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc GS. Bành Lệ Viên thăm và giao lưu với sinh viên ĐHQGHN
- Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa Giang Trạch Dân thăm và phát biểu tại ĐHQGHN
- Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường tới thăm và giao lưu với cán bộ và sinh viên trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
- Phát triển bền vững đô thị dựa vào đại học
- BESETOHA lần thứ 13: Sự đồng thuận của Châu Á trong giáo dục
|