TIN TỨC & SỰ KIỆN
Khai mạc Khóa học quốc tế dành cho các nhà quản lý giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á
Sáng ngày 24/02/2025, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Đại học Khoa học Ứng dụng Osnabrueck (Cộng hòa Liên bang Đức) và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tổ chức Lễ khai mạc Khóa học Quốc tế dành cho các Nhà Quản lý Giáo dục Đại học khu vực Đông Nam Á (International Dean’s Course Southeast Asia 2024/2025, Part III).

 

 Bà Carolin Seidel, Trưởng Phòng Văn hóa, Báo chí và Khoa học, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, khẳng định chương trình là sự kiện đặc biệt hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Đức

 

Phát biểu tại sự kiện, bà Carolin Seidel, Trưởng Phòng Văn hóa, Báo chí và Khoa học, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội nhấn mạnh rằng chỉ trong hơn một năm qua, Chương trình Trao đổi Học thuật Đức đã cấp kinh phí hỗ trợ hơn 1.000 cá nhân tham gia các hoạt động trao đổi giữa Đức và Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, việc tổ chức chương trình khoa học quốc tế này tại Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, đặc biệt là tại giảng đường Ngụy Như Kon Tum với bề dày lịch sử hơn 100 năm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bà hy vọng chương trình sẽ trở thành cầu nối gắn kết các nhà quản lý giáo dục tại Đức, châu Âu và khu vực Đông Nam Á, tạo điều kiện để các bên chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác giáo dục hiệu quả.

 

 

Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN Vũ Hoàng Linh phát biểu khai mạc khóa học

 

GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, khẳng định chương trình do DAAD hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, đổi mới và phát triển giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á. GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, nhấn mạnh cam kết của Nhà trường đối với chất lượng học thuật, nghiên cứu sáng tạo và sự phát triển bền vững của giáo dục đại học. Theo ông, năng lực lãnh đạo có tầm nhìn tại cấp Khoa và Trường là yếu tố then chốt giúp các cơ sở giáo dục đối mặt với thách thức và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh giáo dục thay đổi không ngừng. Chương trình DIES là nền tảng quý báu để các trưởng khoa và nhà lãnh đạo giáo dục trao đổi ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng chiến lược nâng cao quản trị, quốc tế hóa và đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục.

 

 

PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc ĐHQGHN cùng GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN trao quà lưu niệm tới các thành viên trong ban tổ chức đến từ Đức

 

 

 

Ông Felix Wagenfeld, Giám đốc Văn phòng DAAD tại Hà Nội phát biểu tại khóa học

 

Đại diện DAAD, ông Felix Wagenfeld, Giám đốc Văn phòng DAAD tại Hà Nội, bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên phiên thứ ba của chương trình được tổ chức tại Việt Nam đúng vào thời điểm Việt Nam đang chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới. Ông kỳ vọng trong tương lai, chương trình sẽ tiếp tục được tổ chức tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà quản lý giáo dục đại học trong khu vực giao lưu, học hỏi.

 

 

GS.TS. Kai Handel đến từ Trường Đại học Khoa học ứng dụng Osnabruck, Đức chia sẻ 1 số thông tin về chương trình tại khu vực Đông Nam Á

 

Chia sẻ thêm về chương trình, GS.TS. Kai Handel đến từ Trường Đại học Khoa học ứng dụng Osnabruck, Đức cho biết, kể từ năm 2007, IDC (International Dean’s Course) đã cung cấp chương trình đào tạo quản lý giáo dục đại học cho các phó, trưởng khoa ở khu vực châu Phi và Đông Nam Á. Do đó, IDC Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu vào năm 2008 - 2009 và hiện chương trình đã triển khai ở 8 IDC Đông Nam Á. Cứ hai năm, Chương trình có khoảng 30 người tham gia, tạo nên khoảng 270 cựu học viên trong mái nhà chung IDC Đông Nam Á.

 

Khóa học lần này nằm trong khuôn khổ chương trình đào tạo DIES về quản lý quốc tế hóa, hướng tới đối tượng là lãnh đạo các văn phòng hợp tác quốc tế và nhà quản lý trường đại học chịu trách nhiệm điều phối hoạt động quốc tế. Các chủ đề chính bao gồm: quốc tế hóa giáo dục, quản lý chiến lược, quản lý quan hệ đối tác, di chuyển học thuật trong và ngoài nước, cũng như tư vấn và tiếp thị giáo dục.

 

Trong phiên trao đổi lần này, các bài trình bày tập trung vào chủ đề "Đối thoại về chiến lược giáo dục đại học đổi mới sáng tạo" – một vấn đề đang nhận được sự quan tâm rộng rãi. Đổi mới giáo dục đại học không chỉ liên quan đến cập nhật chương trình đào tạo mà còn bao gồm đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa trường đại học với cộng đồng, doanh nghiệp và thị trường lao động toàn cầu. Xu hướng đổi mới giáo dục đại học hiện nay không chỉ hướng tới cải cách chương trình mà còn chú trọng xây dựng môi trường học tập linh hoạt, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, đảm bảo sự gắn kết giữa giáo dục và nhu cầu thực tiễn của xã hội.

 

 

Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN Trần Thị Thanh Tú chia sẻ về kinh nghiệm từ ĐHQGHN về Hệ sinh thái Đại học đổi mới sáng tạo

 

 

 

Khoá học lần này thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á và châu Âu

>>> Các tin bài liên quan:

Chú trọng phát triển công nghệ enzyme, khoa học sự sống và công nghệ sinh học

VNU-HUS: Hội thảo quốc tế về kiểm soát nguồn nước thải tại các khu công nghiệp

 Minh Nguyệt - Quốc Toản - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ