Điểm nhấn trong thỏa thuận này là ba cơ quan sẽ hợp tác trong nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, tập trung vào một số nội dung, đó là Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội và kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mô hình hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và mô hình tăng trưởng kinh tế; Dự báo phát triển kinh tế - xã hội; Giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Phát triển và liên kết vùng; liên kết ngành, cụm ngành, đặc biệt là cụm liên kết đổi mới sáng tạo; Nghiên cứu trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, xây dựng và phát triển nền kinh tế số.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn và Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Tp.HCM Huỳnh Thành Đạt ký kết biên bản hợp tác ba bên
Thứ hai, ba cơ quan sẽ phối hợp trong nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các đề án, báo cáo thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thứ ba, các bên liên quan sẽ cung cấp tài liệu phục vụ cho việc tham gia ý kiến, thẩm định các báo cáo, đề án về kinh tế - xã hội trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cán bộ của ĐHQGHN, ĐHQG Tp.HCM có thể tham gia thẩm định, góp ý các báo cáo, đề án có liên quan trong trường hợp cần thiết
Thứ tư, định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu, các cơ quan trao đổi thông tin, ấn phẩm, các tư liệu, các kết quả nghiên cứu về kinh tế - xã hội để phục vụ công tác.
Cuối cùng, các cơ quan sẽ phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bên.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng lợi thế so sánh của mỗi đất nước không phải nằm ở sức mạnh kinh tế mà là tiềm năng khoa học. Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam cũng có nhiều lợi thế về văn hóa và nguồn nhân lực tiềm tàng. Chính vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Bình mong muốn đưa mối hợp tác giữa ba cơ quan đi vào chiều sâu, tạo ra một sự tập hợp trí tuệ để giải quyết những vấn đề vĩ mô quan trọng của đất nước. Song, để đạt hiệu quả thì cần vừa phải xây dựng tầm nhìn, vừa cần có lộ trình cụ thể để biến chủ trương thành hiện thực. Sự hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và hai ĐHQG là phù hợp với chủ trương ưu tiên phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo của đất nước và đồng thời để biểu thị sự trân trọng với những người làm khoa học, cổ vũ họ tham gia sâu hơn vào việc giải quyết những vấn đề của quốc gia.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình khẳng định lợi thế so sánh của mỗi đất nước nằm ở tiềm năng khoa học.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc ĐHQGHCM Huỳnh Thành Đạt bày tỏ sự cảm ơn các cơ quan Trung ương đã đánh giá cao năng lực học thuật của hai ĐHQG. Hai Giám đốc cho rằng mối hợp tác ba bên này sẽ tạo ra một sức ảnh hưởng rất lớn và chính sự đặt hàng từ các cơ quan ban hành chính sách sẽ là động lực để các nhà khoa học buộc phải tiến lên và tiến gần hơn đến thực tế cuộc sống. Hai ĐHQG cam kết sẽ thực hiện hiệu quả những nội dung ký kết và phát huy tích cực vai trò nghiên cứu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước và các cơ quan Ban, ngành.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho rằng sự giao việc của Ban Kinh tế Trung ương sẽ là động lực cho các nhà khoa học của ĐHQGHN
Giám đốc ĐHQG Tp.HCM Huỳnh Thành Đạt bày tỏ sự tin tưởng vào tầm ảnh hưởng của việc hợp tác ba bên
Trước đó, ĐHQGHN và Ban Kinh tế Trung ương thường xuyên hợp tác và phối hợp trong các hoạt động khoa học như tổ chức Hội thảo “Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam” năm 2014, "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai" năm 2018 và Tọa đàm khoa học “Kết quả nghiên cứu của Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc tư vấn tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW” vào tháng 6 vừa qua. Đặc biệt, cũng trong năm qua, dưới sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn đã được Ban Bí thư bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
>>> Các tin liên quan:
Ban Bí thư bổ nhiệm Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai: Đối thoại chính sách cấp cao và Hội thảo về Kinh tế vĩ mô (2018)
Chương trình Tây Bắc: Ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương (2019)
Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Các hoạt động KHCN và đào tạo của ĐHQGHN đóng góp vào sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc (2017)
Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam (2014)
Liên kết vùng - giải pháp đột phá phát triển kinh tế Hà Giang (2015)
Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (2014)
|