Theo đó, ngày 18/12/2021, tại thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã phối hợp với Trường Đại học Hạ Long tổ chức Hội thảo quốc gia “Vị trí và vai trò của Thiên Long Uyển trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288”. GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường tham gia chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực khảo cổ và lịch sử của Việt Nam. Các nhà nghiên cứu đã trình bày tham luận với nhiều nội dung, như: “Vị thế của Đông Triều trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288” (GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam); “Địa thế và vai trò của các bãi cọc trong chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 – Nhận thức từ những kết quả nghiên cứu khảo cổ học gần đây” (TS Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam), “Xác định niên đại Cacbon phóng xạ của di tích khảo cổ học Thiên Long Uyển và Cúc Bồ” (GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn)… Các tham luận đã góp phần lí giải các vấn đề liên quan đến vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Thiên Long Uyển là tên gọi dùng để chỉ khu vực nằm trong cụm núi đá vôi bên tả ngạn sông Bạch Đằng. Dưới thời Trần, nơi này gọi là Thiên Liêu Sơn, thuộc trang Ma Liêu, nay thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX Đông Triều. Sở dĩ khu vực này được gọi là Thiên Long Uyển bởi tại đây có bia khắc trực tiếp vào núi đá 3 chữ Thiên Long Uyển bằng chữ Hán, tức là vườn nghìn rồng. Cách bia Thiên Long Uyển khoảng 100m về phía Đông là tấm bia Tam Bảo địa tức đất Tam Bảo, cũng khắc trực tiếp vào vách núi đá, niên hiệu Thiệu Phong thứ 8 (1348), đời vua Trần Dụ Tông, ghi chép việc công chúa Bảo Hoàn và Trần Khắc Chung cúng đất trang Ma Liêu làm của Tam Bảo (của nhà Phật, của chùa). Gần tấm bia này hiện vẫn còn một ngôi chùa nhỏ của thôn. Nằm ở khu vực phân bố dày đặc di tích, Thiên Long Uyển được giới nghiên cứu khoa học rất quan tâm. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ra Quyết định số 4138/QĐ-BVHTT&DL ngày 22/11/2019 cho phép Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh khai quật khảo cổ tại di tích Thiên Long Uyển. Theo đó, di tích sẽ được khai quật trên diện tích 300m2 trong thời gian 2 tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. | Ngày 20/12/2021, tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, đoàn công tác Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có buổi làm việc với Thành ủy Cẩm Phả về việc triển khai các chương trình hợp tác giữa Nhà trường với thành phố Cẩm Phả trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa và các lĩnh vực khác mà Nhà trường có thế mạnh, phù hợp với nhu cầu của địa phương. ĐHQGHN và tỉnh Quảng Ninh là những đối tác có truyền thống hợp tác lâu dài. Năm 2021 cũng là năm hai bên cùng tổng kết 10 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010-2020 và ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2010, ĐHQGHN và tỉnh Quảng Ninh đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, nhằm phục vụ mục tiêu cho chiến lược phát triển của 2 bên. Sau 10 năm ký kết thỏa thuận, các hoạt động hợp tác giữa 2 bên được triển khai thiết thực, hiệu quả, thể hiện trách nhiệm xã hội của ĐHQGHN; đồng thời, góp phần thực hiện chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái các vùng tại địa phương; đặc biệt hiệu quả hợp tác trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức. >>> Các tin liên quan: - ĐHQGHN và tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động khoa học, giáo dục - ĐHQGHN và UBND tỉnh Quảng Ninh: Thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường - ĐHQGHN và tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động khoa học, giáo dục - Hợp tác giữa ĐHQGHN & Tỉnh Quảng Ninh: Tầm nhìn chiến lược |