TIN TỨC & SỰ KIỆN
ĐHQGHN và ĐH Đà Nẵng: Cộng hưởng thế mạnh thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và khoa học vì một quốc gia thịnh vượng
Ngày 13/12/2022, tại Đà Nẵng, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ đã đại diện cho hai đơn vị ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác nhằm thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực mũi nhọn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Mai Thị Thu - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng; GS.TSKH. Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng; Ban Giám đốc, lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng, các đơn vị của ĐH Đà Nẵng.

Về phía ĐHQGHN có Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các đơn vị thành viên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ bày tỏ niềm vui, vinh hạnh được đón đoàn công tác của ĐHQGHN đến thăm, làm việc và ký kết văn bản hợp tác giữa hai đơn vị. Đánh giá cao bề dày truyền thống, vị thế hàng đầu và vai trò, sứ mệnh của ĐHQGHN là “cái nôi đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các thế hệ nhà giáo, danh nhân, doanh nhân đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc”, Giám đốc Nguyễn Ngọc Vũ cho biết những kết quả, thế mạnh và kinh nghiệm của ĐHQGHN là những bài học quý giá cho quá trình phát triển của ĐH Đà Nẵng.

Ông đã giới thiệu tổng quan về ĐH Đà Nẵng là đại học vùng trọng điểm quốc gia, có mô hình tổ chức tương đồng với ĐHQGHN, cùng là đại học quản lý hai cấp, đa lĩnh vực, đa ngành, vì vậy cần học hỏi lẫn nhau, đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình phát triển trong giai đoạn mới.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chia sẻ, mô hình hoạt động của ĐHQGHN qua gần 30 năm thành lập đã dần hoàn thiện với sứ mệnh bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; vừa kế thừa nền tảng, thế mạnh trong các lĩnh vực/các ngành khoa học cơ bản: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, vừa phát triển thêm nhiều ngành/lĩnh vực mới (như Công nghệ, Kỹ thuật Ứng dụng, Kỹ thuật số/Chuyển đổi số, Y-Dược, Luật…), nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp với mô hình đại học đổi mới sáng tạo.

Giám đốc Lê Quân bày tỏ mong muốn, hai bên sẽ tăng cường chia sẻ chính sách, nguồn lực và kinh nghiệm phát triển; tiếp tục hoàn thiện mô hình, quản trị đại học và hợp tác cùng phát triển; thể hiện vai trò tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế ngày càng hiệu quả vì lợi ích chung.

Trước sự chứng kiến của các đại biểu, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng và GS.TS. Lê Quân - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc ĐHQGHN đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác, theo đó nội dung hợp tác sẽ được triển khai sâu rộng trong giai đoạn 05 năm, bao gồm:

Trong lĩnh vực đào tạo, đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục: phối hợp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đại học chính quy; mời giảng viên của hai bên thỉnh giảng, tham gia các hội đồng, các khoá học, hội thảo, chuyên đề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng các chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục; phát triển, thúc đẩy văn hoá chất lượng; hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong xếp hạng ĐH; đối sánh chất lượng giáo dục và quản trị ĐH; trao đổi sinh viên giữa các trường thành viên của hai bên; chia sẻ, khai thác chung cơ sở dữ liệu, tài liệu số phục vụ nghiên cứu và giảng dạy; phối hợp xây dựng khai thác dữ liệu thông qua Dự án PHER mà cả hai đều là thành viên tham gia tích cực, thụ hưởng.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế: phối hợp thành lập nhóm chuyên gia tham vấn chính sách và tư vấn giải pháp cho các vấn đề trong thực tiễn phát triển kinh tế các địa phương và doanh nghiệp; nghiên cứu chính sách, giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19; tăng cường cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; cụ thể hoá thành các dự án để huy động nguồn lực, tài trợ từ các cơ quan, tổ chức và cộng đồng; xây dựng và chia sẻ mạng lưới học giả, chuyên gia nhằm tăng thêm cơ hội trải nghiệm, học tập, nghiên cứu của sinh viên; chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng nội dung, hình thức Tạp chí Khoa học của hai ĐH để đạt các chuẩn quốc tế; tăng cường phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo uy tín tầm vóc quốc gia, quốc tế... 

Bên cạnh những nội dung đã ký trong văn bản, người đứng đầu hai đại học cũng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ để triển khai thành công các Dự án ODA, Dự án PHER; Đẩy mạnh hợp tác để tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo quốc tế (trong đó cùng mời các chuyên gia hàng đầu của thế giới đến Việt Nam cùng "3 điểm đến" là ĐHQGHN, ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng); Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các địa phương; cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các chương trình và dự án; hợp tác giải quyết các vấn đề đáp ứng thực tiễn phát triển các vùng và cả nước.

 

Các tin liên quan:

- Hoa Kỳ dành 14,2 triệu đô la để phát triển ba cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam theo chuẩn quốc tế

- ĐHQGHN được thụ hưởng nhiều từ Dự án PHER cho chiến lược phát triển

- Tổng quan Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER)

Hội thảo Dự án PHER: Sự kiện học thuật đầu tiên tổ chức tại khu giảng đường mới của ĐHQGHN tại Hòa Lạc

 Minh Sơn, Ảnh: Thanh Nhã
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ