TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Thông báo   Sau đại học 10:54:24 Ngày 04/11/2021 GMT+7
Thông tin LATS của NCS Chu Quang Duy
Tên đề tài: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sử dụng các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại

1. Họ và tên: Chu Quang Duy                                        2. Giới tính: Nam

3. Ngày sinh: 25/04/1990                                                4. Nơi sinh: Bắc Ninh

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: Quyết định số 3239/QĐ-ĐHQGHN ngày 22/8/2017 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Quyết định trả về địa phương số 948/QĐ-KL ngày 21/08/2020 của Chủ nhiệm Khoa Luật.

7. Tên đề tài luận án: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sử dụng các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại

8. Chuyên ngành: Luật Quốc tế                                      9. Mã số: 9380101.06

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Hồng Thao; PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

Kết quả nghiên cứu đề tài luận án có những điểm mới sau:

Thứ nhất, luận án đã làm rõ và bổ sung vấn đề lý luận về biện pháp TRIMs như: Định nghĩa, nội dung, phạm vi, đối tượng áp dụng và đặc trưng riêng. Qua đó, luận án đã làm sáng tỏ bản chất pháp lý của biện pháp TRIMs là những biện pháp định hướng đầu tư của nước chủ nhà nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và các sản phẩm trong nước; Phương pháp và việc xác định “hàng hóa tương tự” bị phân biệt đối xử thông qua các yếu tố làm thay đổi mối quan hệ cạnh tranh giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.

Thứ hai, bằng việc so sánh quy định của biện pháp TRIMs giữa các IIAs tác giả đã cho thấy sự phát triển về quy định đối với biện pháp TRIMs tại IIAs. Theo đó, nội dung các biện pháp đã có sự phát triển đi cùng với sự phát triển của IIAs, đặc biệt là FTAs thế hệ mới. Tại đây, biện pháp TRIMs được quy định rõ ràng thông qua từng biện pháp PRs và được phân loại theo mức độ áp dụng: Thứ nhất, là các biện pháp cấm, không được áp dụng, bao gồm cả những biện pháp không mang tính chất bắt buộc nhưng là điều kiện để nhận được ưu đãi. Thứ hai, là các biện pháp được áp dụng đi kèm với những ưu đãi.

Thứ ba, quá trình sử dụng và giải quyết tranh chấp tại WTO cho thấy. Nhu cầu sử dụng biện pháp TRIMs là tất yếu, tùy thuộc vào mối quan tâm của từng quốc gia, từng thời điểm trong lịch sử và trong từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là trong giai đoạn đầu phát triển. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp tại WTO, biện pháp TRIMs không dẫn đến hậu quả buộc bên bị đơn phải có nghĩa vụ bồi thường một khoản thiệt hại cho nguyên đơn. Mà đơn giản chỉ cần sửa đổi các biện pháp đó phù hợp với quy định.

Thứ tư, luận án đã đưa ra phương hướng và giải pháp hoàn thiện quy định tại IIAs: Một là, nâng cao quan điểm và vị thế của Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế có các điều khoản về biện pháp TRIMs. Hai là, thể hiện quan điểm của Việt Nam đối với việc sử dụng biện pháp TRIMs theo quy định tại WTO. Ba là, đưa ra đề xuất xây dựng hiệp định chung về đầu tư quốc tế tại các diễn đàn đa phương. Bốn là, đưa ra ý tưởng xây dựng cơ quan giải quyết tranh chấp về đầu tư quốc tế. Năm là, Việt Nam cần đưa ra quan điểm về việc hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển trong việc xây dựng các chính sách đối với các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.

Cuối cùng, căn cứ vào thực tiễn mối quan hệ giữa các IIAs mà Việt Nam tham gia, thực tiễn quy định, sử dụng biện pháp TRIMs và định hướng phát triển của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, tác giả đã đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế pháp lý và các vấn đề liên quan tới việc sử dụng, giải quyết có hiệu quả các tranh chấp phát sinh. Trong đó giải pháp cấp thiết cần thực hiện là: Ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung quy định, văn bản hướng dẫn sử dụng biện pháp TRIMs; Phải có cơ chế bảo vệ đầu tư toàn diện thông qua việc hoàn thiện thể chế pháp lý, xây dựng cơ chế riêng biệt về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Toà án nhân dân tối cao đối với tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam.

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: Ứng dụng trong việc hoạch định các chính sách, pháp luật về đầu tư liên quan tới thương mại để phát triển đất nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nội địa; Phòng ngừa và chủ động giải quyết có hiệu quả các tranh chấp liên quan tới thương mại và đầu tư quốc tế.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: Tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những gợi ý về chính sách pháp luật đối với các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại trong từng lĩnh vực cụ thể và việc xây dựng hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính phủ tại Việt Nam.

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

1. Chu Quang Duy (2017), “Giải quyết tranh chấp liên quan tới hiệp định TRIMs trong khuôn khổ WTO”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại – Đại học Ngoại thương, số 90/2017, tr.86-94.

2. Chu Quang Duy (2019), “Vấn đề đầu tư trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 02-2019, tháng 01/2019, tr.14-22.

3. Chu Quang Duy (2020), “Các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại trong ngành sản xuất năng lượng tái tạo theo quy định tại EVFTA”, Tạp chí Công Thuơng, số 06, tháng 4/2020, tr.40-45.

 VNU Media - Ban Đào tạo
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ