TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Thông báo   Sau đại học 11:10:59 Ngày 25/11/2021 GMT+7
Thông tin LATS của NCS Nguyễn Hương Ngọc
Tên đề tài: Tản Đà trong tiến trình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX

1. Họ và tên: Nguyễn Hương Ngọc                                2. Giới tính: Nữ

3. Ngày sinh: 5/2/1991                                                   4. Nơi sinh: Thái Nguyên

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 3216/2014/QĐ-XHNV-SĐH ngày 31/12/2014 của Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQGHN

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Thay đổi tên đề tài của luận án từ Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại (qua truyện ngắn của Lê Minh Khuê, Y Ban và Dạ Ngân) thành Tản Đà trong tiến trình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX theo quyết định số 418/QĐ-SĐH, ngày 26 tháng 5 năm 2015 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Tên đề tài luận án: Tản Đà trong tiến trình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX

8. Chuyên ngành: Lý luận Văn học                                 9. Mã số: 60.22.01.20

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Phạm Quang Long

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

- Ở Tản Đà rõ ràng tồn tại những mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi phân tích văn nghiệp, hành trạng của ông, chúng tôi nhận thấy tất cả những điều đó lại có sự thống nhất với nhau và đi đến thống nhất để tạo nên cá tính sáng tạo nghệ thuật Tản Đà. Những mâu thuẫn này cũng thể hiện sự đa diện của tính cách, quan niệm, cá tính. Những điều này trước đó thường chưa được đánh giá đúng mức. Ở luận án, chúng tôi coi như một dấu hiệu về sự hình thành của cá tính sáng tạo.

- Tản Đà là một nhân vật vô cùng đặc biệt, đặc biệt từ tính cách cá nhân, quan điểm sống, ý thức hệ, đến gia đình và các mối quan hệ xã hội khác. Ở mỗi hệ giá trị khác nhau, ông đều bộc lộ sinh động, rõ ràng phẩm cách và suy nghĩ của bản thân. Thật ra, Tản Đà là người sống rất thành thật với con người của chính mình vì thế ở trong hệ giá trị nào, ông cũng bộc lộ được con người cá nhân rất rõ. Điều này vừa gần với Nho gia lại vừa khác. Con người cũng nhà nho được in dấu ấn tinh thần trên văn nghiệp cũng như các mối quan hệ khác nhưng là con người khắc kỉ, đã có sự tu dưỡng, tiết chế rõ ràng. Sự biểu hiện của Tản Đà trong các hệ giá trị khác nhau có cái ngông nghênh của nhà nho tài tử thế hệ trước đồng thời lại có cái tôi cá nhân của thời hiện đại. Nói cách khác, bản thân sự biểu hiện con người ông cũng thể hiện được thế nằm trên lằn ranh của thời đại, nơi mà những giá trị truyền thống và cách tân đan xen, bài trừ lẫn nhau nhưng vẫn đi đến thống nhất. Trong sự thống nhất cuối cùng đó, con người nghệ sĩ hiện đại và cá tính sáng tạo nghệ thuật của ông được thể hiện rất rõ ràng.

- Về cơ bản, tác phẩm của ông mang hồn cốt, chất liệu của thơ ca, du ký, thuyết luận theo kiểu nhà Nho trung đại và văn học Việt Nam truyền thống. Về thơ ca, diễn xướng dân gian, ông hầu như không có sự cách tân nào. Về văn xuôi, ông cố gắng tạo nên sự đổi mới nhưng thất bại vì ông mới chỉ tạo ra những thay đổi đơn giản ở hình thức bên ngoài. Với mong muốn được thay đổi trong sáng tạo nghệ thuật, Tản Đà cố gắng học hỏi để tạo nên những thay đổi trong văn chương của mình nhưng điều quan trọng là ông chưa hiểu được bản chất của quá trình thay đổi đó không chỉ nằm ở hình thức bề ngoài mà là nằm ở tinh thần, giá trị bên trong. Ông chưa đạt tới sự khai thác cá nhân, cá tính như những nhà thơ mới lãng mạn, nhất là trong thể hiện những cảm xúc cá nhân mạnh bạo, cuồng nhiệt, đắm say như các nhà thơ mới. Chính điều này đã hạn chế khả năng vượt thoát của các tác phẩm của Tản Đà giữ chúng mãi nằm ở ranh giới giữa truyền thống và hiện đại mà chưa thể bước sang bên đổi mới hoàn toàn.

- Với những đặc điểm, biểu hiện rất riêng biệt, Tản Đà trở thành một gương mặt văn học quan trọng đầu thế kỉ XX. Nói như Hoài Thanh, chính ông chứ không ai khác là người đã “dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa…” (Hoài Thanh, 1999: 255). Những đóng góp của ông trong văn học Việt Nam hiện đại là không thể phủ nhận. Ông là nhà văn đã có sự trải nghiệm phong phú, đa dạng hơn cả về thể loại, về lối viết trong toàn bộ tiến trình vận động của văn học Việt Nam. Ông sáng tác nhiều ở cách thể loại khác nhau và cố gắng đưa nhiều các chất liệu của văn học hiện đại vào sáng tác của mình tuy nhiên những cách tân của ông đều không thành công như mong ước. Sự thất bại ấy trong quá trình cách tân văn học ở Tản Đà là do những hạn chế rất rõ ràng trong nhận thức, tư duy, thế giới quan của chính ông.

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:

Làm tài liệu tham khảo cho các hoạt động nghiên cứu, học tập và giảng dạy Văn học Việt Nam ở các trường phổ thông, cao đẳng và đại học.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:

- Nghiên cứu các hiện tượng văn học khác trong văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX.

- Nghiên cứu và so sánh Tản Đà với các hiện tượng văn học tương tự trên thế giới.

- Nghiên cứu và so sánh sự dịch chuyển trong Văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX với các hiện tượng tương tự trên thế giới.

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

Nguyễn Hương Ngọc (2019), “Tiểu thuyết Giấc mộng con của Tản Đà nhìn từ góc độ thể loại”, Tạp chí Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh (4), tr. 48-57.

Nguyễn Hương Ngọc (2019), “Vấn đề “xê dịch” trong tiểu thuyết Giấc mộng con của Tản Đà”, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, (29), tr. 88-92.

Nguyễn Hương Ngọc (2020), “Tản Đà và thể nghiệm vần mới trong sáng tác văn học”, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, (33), tr. 66-69.

Nguyễn Hương Ngọc (2021), “Đề tài, chủ đề lớn trong thơ Tản Đà”, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật (37), tr. 97 - 102.

Nguyễn Hương Ngọc (2021), “Hình ảnh đất nước, dân tộc trong văn chương Tản Đà (Qua Tản Đà toàn tập của Nguyễn Khắc Xương)”, Tạp chí Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh (5), tr. 42-50.

 VNU Media - VNU - USSH
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ