TIN TỨC & SỰ KIỆN
00:00:00 Ngày 27/01/2022 GMT+7
Nữ giảng viên "truyền lửa" cho sinh viên khởi nghiệp sáng tạo vì cộng đồng
Giáo dục vốn là một ngành trong phân khúc hoạt động phi lợi nhuận rất khó tìm được hướng khởi nghiệp. Theo tư duy thông thường, người giáo viên sẽ được tôn vinh khi dành trọn tâm huyết cho giáo dục mà không màng đến quyền lợi của cá nhân. Cũng là một giáo viên, song TS. Bùi Thị Thanh Hương lại tư duy theo một cách khác - khởi nghiệp và sáng tạo từ chính mục đích phi lợi nhuận theo hướng tiếp cận phục vụ cộng đồng, nhằm tận dụng các nguồn lực ẩn trong xã hội để chung tay giải các bài toán không của riêng ai.

Được lựa chọn là Đồng trưởng làng “Kinh tế tuần hoàn” cho TECHFEST Việt Nam 2022 - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TS. Bùi Thị Thanh Hương tự tin chia sẻ: “Khởi nghiệp sáng tạo vì cộng đồng là một việc khó nhưng với tôi, làm được việc khó lại là thách thức hào hứng mà tôi muốn theo đuổi”.

Khởi nghiệp từ giáo dục - vấn đề thách thức nhiều hơn cơ hội

Với TS. Bùi Thị Thanh Hương, được làm việc với các sinh viên là niềm hạnh phúc, nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ vơi cạn. Năm học 2019 - 2020, chị cùng nhóm sinh viên say sưa nghiên cứu sáng tạo “Mobile App PM2.5 cảnh báo ô nhiễm bụi mịn tại các trường học”- công trình đạt giải sinh viên NCKH cấp Bộ - đã góp phần chung tay cùng cộng đồng nhận biết thực trạng ô nhiễm bụi mịn tại các trường học hiện nay tại Hà Nội. Đồng thời, hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi mịn tại các trường học cũng nhận được giải thưởng dự án cộng đồng xuất sắc trong Hội thi Nghiệp vụ Giảng viên giỏi do Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2020.

Năm học 2020-2021 TS. Bùi Thị Thanh Hương tiếp tục say sưa khởi nghiệp, sáng tạo cùng 3 nhóm sinh viên với 3 dự án phục vụ cộng đồng trong giáo dục: (1) Chatbot - Gia sư nhân tạo môn Hóa học (phần mềm luyện thi Hóa học miễn phí tự động trên Facebook); (2) Star Edu - Thiên thần giúp việc cho giáo viên chủ nhiệm (ứng dụng di động miễn phí hỗ trợ cho các giáo viên chủ nhiệm trong đánh giá rèn luyện đạo đức cho học sinh); (3) 3SR - mạng xã hội tái tuần hoàn rác thải thông minh (một ứng dụng di động miễn phí hỗ trợ phân loại và thu gom rác thải tại các trường học). TS. Hương chia sẻ “Tôi chọn cách thắp lên ngọn lửa đổi mới sáng tạo, ươm tạo ước mơ tự xây dựng cuộc sống của chính mình cho các em sinh viên thực chất là phương pháp giáo dục bằng truyền cảm hứng, biến quá trình giáo dục trở thành quá trình tự giáo dục, một phương pháp giáo dục theo tôi là độc đáo và nhiều thành tựu hơn cả”.

Vậy làm sao để những sáng tạo vì cộng đồng trên trở thành những dự án khởi nghiệp để các sinh viên sẽ có cơ hội trải nghiệm thực sự, thử thách bản thân để không lãng phí giai đoạn đầy sáng tạo và nhiệt huyết này? So với các ngành khác, phải chăng giáo dục là một ngành nghề rất khó khởi nghiệp, sáng tạo? Các bài toán vị trí việc làm trong giáo dục rất quen thuộc: giáo viên - làm công; nhà quản lý giáo dục - làm công. Hầu hết các sinh viên sư phạm tốt nghiệp sẽ ổn định với vai “làm thuê”, cống hiến sức lực và trí tuệ cho các trường công lập, dân lập, tập đoàn giáo dục hay tự mở lớp dạy thêm bằng uy tín và sự tin tưởng của phụ huynh. Có khi nào, các bạn nghĩ đến việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong giáo dục để không “sắm vai” là người làm công ăn lương theo một mô thức truyền thống?

Giáo dục vốn là một ngành trong phân khúc hoạt động phi lợi nhuận rất khó tìm được hướng khởi nghiệp. Theo tư duy thông thường, người giáo viên sẽ được tôn vinh khi dành trọn tâm huyết cho giáo dục mà không màng đến quyền lợi của cá nhân. Cũng là một giáo viên, song TS. Bùi Hương lại tư duy theo một cách khác - khởi nghiệp và sáng tạo bằng chính mục đích phi lợi nhuận theo hướng tiếp cận phục vụ cộng đồng nhằm tận dụng các nguồn lực ẩn trong xã hội để chung tay giải các bài toán không của riêng ai. “Khởi nghiệp sáng tạo vì cộng đồng là một việc khó nhưng với tôi, làm được việc khó lại là thách thức hào hứng mà tôi muốn theo đuổi”, TS. Bùi Thị Thanh Hương tự tin chia sẻ.

Khởi nghiệp từ giáo dục tái tuần hoàn rác thải thông minh - chìa khóa của kết nối cộng đồng làm giáo dục

TS. Bùi Thị Thanh Hương dành 6 năm để thử sức trải nghiệm và khám phá những lĩnh vực mới khác với hướng nghiên cứu khi hoàn thành luận án tiến sĩ, từ mô hình nông nghiệp thông minh (smart agriculture) tại Israel, Đài Loan; nghiên cứu những mô hình ứng dụng thiết bị di động trong giáo dục (BOYD) tại Australia đến các hình thức giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững tại Singapore và Trung Quốc. Sáu năm sau, khi có dịp thăm lại địa bàn nghiên cứu từ thời làm luận án ngày nào, tiềm thức về rác thải lại dội về trong cô. Cô vẫn trăn trở, Việt Nam thuộc top 5 châu Á về lượng rác thải nhựa và top 20 thế giới về rác thải sinh hoạt. Năm 2006, JICA đã triển khai dự án phân loại rác tại nguồn 3R, ghi nhận lượng rác chôn lấp đã giảm 30%, giảm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp… Một năm sau khi dự án 3R dừng, người dân coi việc “xách 3 túi đi đổ rác” là việc làm “ngốc nghếch”. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến “cái chết” của một thói quen tốt vừa mới manh nha hình thành?

Nhóm 6 sinh viên khởi nghiệp của Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN đồng hành cùng cô giáo trong dự án khởi nghiệp “3SR – mạng xã hội tái tuần hoàn rác thải thông minh” đã gặt hái bội thu các giải thưởng và thu hút được sự quan tâm sâu rộng từ cộng đồng. Là một trong 5 dự án xuất sắc nhất của EdTech Việt Nam 2021, được truyền thông nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua, 3SR tiếp tục khẳng định với giải Ba và giải Đội thi được yêu thích nhất trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp VNU 2021”. Bởi vậy, 3SR trở thành một trong hai START UP thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất trong TECHFEST Connect 2021, hiện đang đóng vai trò quan trọng trong liên minh không rác thải của Việt Nam và mạng lưới các trường học không rác thải – zero waste in school. Mang trong mình sứ mạng của một tổ chức giáo dục tái tuần hoàn rác thải thông minh, 3SR tiếp cận kết nối cộng đồng bằng công nghệ và mạng lưới, theo đuổi giá trị của “một cuộc sống không có rác thải” hướng đến tầm nhìn của một tổ chức giáo dục tái tuần hoàn rác thải hàng đầu Việt Nam và tiến tới mở rộng thị trường trong khu vực và trên thế giới.

Dự kiến trong hai năm tới, 3SR sẽ triển khai ở 30 trường tại Hà Nội, 20 trường ở Đà Nẵng và 30 trường tại TP.HCM. Sau đó, sẽ lan ra các nước trong khu vực và trên thế giới. 3SR phát triển trên 3 trụ cột: (1) Công nghệ Mobile App SR1 trên Apple Store và CH Play cho phép tích điểm đổi quà hoặc tiền trong mạng lưới liên kết với các hãng thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Grab và web server quản trị dữ liệu người dùng và quản lý hoạt động thu gom một cách thông minh nhất; (2) Chương trình giáo dục STEM+ tái tuần hoàn rác thải thông minh tích hợp bài học, chủ đề từ Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT vừa hỗ trợ các trường tìm lời giải cho bài toán giáo dục môi trường và giáo dục bền vững, đặc biệt là giáo dục theo tiếp cận STEM+ tại các trường học hiện nay; (3) Hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo của học sinh sinh viên về kinh tế tài nguyên rác tại Việt Nam hiện nay.

Rác thải và cộng đồng: Từ vô giá trị đến vô giá

3SR bắt đầu từ những thứ xã hội “vứt bỏ”: rác thải giấy, rác thải nhựa, rác thải hữu cơ kết nối các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng các dự án kinh tế tuần hoàn tái tuần hoàn rác thải giấy, tái tuần hoàn rác thải nhựa, tái tuần hoàn rác thải hữu cơ. Bằng hướng tiếp cận độc đáo, mới lạ, 3SR lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín ở Hoa Kỳ, Đức và Thái Lan để khai thác có hiệu quả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh tế tuần rác thải tại các trường học ở Việt Nam. Xác định “ giáo dục tái tuần rác thải thông minh” là cống hiến độc đáo của cuộc đời mình, được lựa chọn là đồng trưởng làng “kinh tế tuần hoàn” cho TECHFES VIỆT NAM 2022 - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TS Bùi Thị Thanh Hương tiếp tục truyền lửa đam mê khởi nghiệp vì cộng đồng đến các sinh viên cộng tác cùng cô giáo hoàn thành sứ mệnh “vì trường học không có rác thải - zero waste in school”. Và các trường học lan tỏa đến với cộng đồng, hình thành nên văn hóa ứng xử với tài nguyên rác - một điều vô giá với Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

 Di Viên - Bản tin ĐHQGHN số 361
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ