Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ dự và chỉ đạo Hội nghị. Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức đồng chủ trì Hội nghị.
Tới dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng ĐHQGHN cùng toàn thể lãnh đạo và cán bộ viên chức làm công tác quản lý đào tạo đại học và sau đại học của các đơn vị thuộc ĐHQGHN.
Tại Hội nghị, Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức đã trình bày báo cáo Tổng kết công tác đào tạo năm 2014 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2015.
Năm 2014, lần đầu tiên ĐHQGHN tiến hành quy hoạch, Quy hoạch ngành/ chuyên ngành, theo đó đến năm 2020 ĐHQGHN sẽ có 415 ngành, chuyên ngành đào tạo. Quy hoạch ngành, chuyên ngành trong toàn ĐHQGHN được ban hành, trở thành giải pháp đột phá nhằm phân tầng và hoạch định các chính sách, kế hoạch đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển ĐHQGHN và nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
ĐHQGHN đã phê duyệt và ban hành 27 chương trình đào tạo bao gồm 11 chương trình đào tạo bậc đại học (trong đó có 1 ngành mở mới), 10 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ (trong đó có 7 chuyên ngành mở mới), và 6 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ (trong đó có 3 chương trình mở mới).
Năm 2014 cũng là năm ĐHQGHN đã tiến hành tổng kết việc tổ chức đào tạo các chương trình thí điểm. Hai mươi năm qua, ĐHQGHN đã mở mới 32 ngành, chuyên ngành thí điểm, trong đó hiện nay có 26 ngành, chuyên ngành (4 ngành bậc đại học, 19 chuyên ngành bậc thạc sĩ và 3 chuyên ngành bậc tiến sĩ) đang đào tạo thí điểm và 6 chương trình thí điểm đã được đưa vào danh mục các chương trình đào tạo chính thức của Nhà nước.
Với những thành tựu nổi bật đã đạt được trong công tác đào tạo, vị thế và uy tín của ĐHQGHN đã không ngừng được nâng cao. Năm 2014, Tổ chức xếp hạng đại học uy tín trên thế giới (Tổ chức QS) đã xếp ĐHQGHN vào nhóm 170 các đại học hàng đầu Châu Á, đứng đầu trong số các trường đại học của Việt Nam.
Hợp tác quốc tế về đào tạo của ĐHQGHN trong năm 2014 đã đạt kết quả tốt với 23 chương trình đào tạo liên kết quốc tế ở cả bậc đại học và thạc sĩ với quy mô tuyển sinh dao động từ 25 tới 140 người học/1 chương trình, tùy vào mô hình đào tạo của các trường đại học đối tác.
Đến năm 2014 ĐHQGHN đã có 7 chương trình đào tạo được kiểm định AUN, bao gồm các chương trình Hóa học, Toán học, Sinh học, Quản trị kinh doanh, Khoa học máy tính, Công nghệ điện tử viễn thông, Ngôn ngữ học. Dự kiến trong năm 2015, sẽ có thêm các chương trình đào tạo ngành Vật lý, Địa chất sẽ được kiểm định AUN.
Trong năm 2014, ĐHQGHN cũng điều chỉnh một số chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình đào tạo thuộc nhiệm vụ chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo quy mô đào tạo một cách hợp lý, tiếp tục khẳng định truyền thống phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, đào tạo nhân tài trong các lĩnh vực khoa học cơ bản của ĐHQGHN.
Ngoài ra, năm 2014, ĐHQGHN cũng đã ban hành 2 Quy chế đào tạo Đại học và Qui chế đào tạo thạc sĩ mới cùng một số văn bản quan trọng về quản lý đào tạo.
Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng đã xây dựng hoạt động hợp tác và phát triển theo chiều sâu, bình đẳng, cùng có lợi với các trường đại học trong và ngoài nước, tăng chỉ số hội nhập và quốc tế hóa của ĐHQGHN.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đánh giá và ghi nhận: “Năm 2014 đánh dấu bước phát triển quan trọng của ĐHQGHN với nhiều điểm sáng. Tiêu biểu nhất, đổi mới mang tính đột phá là việc thực hiện quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo và triển khai Đề án đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực toàn diện của người học. Phương thức đánh giá năng lực trong tuyển sinh đã được triển khai thí điểm thành công, tạo tiếng vang trong dư luận và là cơ sở thực tiễn để Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN thông qua chủ trương chính thức triển khai phương án tuyển sinh này từ năm 2015”.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cho rằng, công tác đào tạo tại ĐHQGHN năm 2014 cũng còn có những hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là việc mở rộng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn khiêm tốn; công tác đào tạo liên kết quốc tế chưa có chuyển biến mạnh; khả năng tự chủ để phát huy thế mạnh của các chương trình được kiểm định AUN hoặc các chương trình mà xã hội có nhu cầu cao chưa cao; chưa chủ động được kinh phí cho việc giảng dạy và nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản; công tác kiểm tra đánh giá, phản hồi của người học, giáo trình học liệu, các điều kiện giúp người học đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ nêu ra 5 nhiệm vụ chính trong công tác đào tạo của ĐHQGHN năm 2015 là:
Thứ nhất, các đơn vị cần đẩy mạnh phân tầng chất lượng các chương trình đào tạo dựa vào kiểm định chất lượng (sử dụng chuẩn AUN). Theo đó, cần đầu tư theo phần tầng, tập trung vào các ngành có khả năng đạt chuẩn ngay, hoàn thiện các chương trình còn nhiều hạn chế; xem xét dừng tuyển sinh theo lộ trình các chương trình không đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng và không đáp ứng được nhu cầu xã hội; tập trung cho phát triển các chương trình mới, có nhu cầu xã hội cao, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.
Thứ hai, triển khai thực hiện tốt đề án Đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học nhằm tuyển chọn được những ứng viên phù hợp nhất vào học các chương trình đào tạo tại ĐHQGHN. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của năm 2015, đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị trong ĐHQGHN phải vào cuộc Các hội đồng tuyển sinh cần bám sát các mốc thời gian để các công việc được tiến hành theo đúng quy trình và đúng thời hạn, tổng kết rút kinh nghiệm sau triển khai để hoàn thiện mô hình và bộ công cụ kiểm tra đánh giá phục vụ tuyển sinh.
Thứ ba, đổi mới phải đi cùng với nâng cao chất lượng đào tạo. Viện Đảm bảo chất lượng phối hợp với Ban Đào tạo rà soát, sắp xếp phân tầng các chương trình đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng; xem xét vấn đề định biên cho đào tạo sau đại học. Giám đốc Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, ĐHQGHN sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư các ngành khoa học cơ bản, đây là lợi thế và cũng là trách nhiệm của ĐHQGHN - cái nôi đào tạo các ngành khoa học cơ bản của cả nước. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng sẽ tiến hành mở mới các ngành đào tạo có thế mạnh, phù hợp với nhu cầu của xã hội và đầu tư xây dựng hệ thống giáo trình tương xứng (có thể nhập tài liệu nước ngoài), xây dựng hệ thống học liệu chất lượng cao phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
Thứ tư, trong vòng 5 năm tới, ĐHQGHN phải đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế, tận dụng thế mạnh của ĐHQGHN, đa dạng hóa hình thức tổ chức, hình thức đào tạo.
Cuối cùng, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội từ đó tạo kết nối giữa nhà trường và xã hội, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
“Sứ mạng của ĐHQGHN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài”, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ khẳng định.