TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tuyển sinh 16:12:42 Ngày 09/05/2024 GMT+7
VNU-USSH: ngành Điện ảnh và Nghệ thuật Đại chúng góp phần đào tạo nhân lực kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa
Ngày 26/4/2024, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định 1683/QĐ-ĐHQGHN về việc Ban hành chương trình và giao nhiệm vụ đào tạo bậc cử nhân ngành Điện ảnh và Nghệ thuật Đại chúng. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN được giao nhiệm vụ đào tạo bậc cử nhân chương trình này và chính thức tuyển sinh từ năm 2024.

Từ nhu cầu thực tiễn…

Một trong những mục tiêu quan trọng thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chính phủ ban hành đó là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế. Nắm bắt được xu thế thị trường, đồng thời hướng đến mục tiêu đổi mới giáo dục đào tạo, chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực đồng thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế, việc triển khai chương trình đào tạo cử nhân ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng là vô cùng đúng đắn và phù hợp với chiến lược phát triển chung của ĐHQGHN.

Ngay từ năm 2020, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN lên ý tưởng và chuẩn bị rất kĩ lưỡng, đưa ngành học mới này vào quy hoạch ngành, chuyên ngành giai đoạn 2021 - 2025 và đã được ĐHQGHN phê duyệt. Ngay sau đó, Khoa Văn học với vai trò là đầu mối chuyên môn đã tích cực tiến hành xây dựng khung chương trình đào tạo; chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật, văn học, giáo dục trong và ngoài nước.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương: “Nhà trường có kinh nghiệm và kế thừa kết quả từ Dự án đào tạo chứng chỉ Biên kịch, Lý luận phê bình điện ảnh (Quỹ Ford, giai đoạn 2005-2012). Việc triển khai thực hiện đề án xây dựng ngành đào tạo bậc cử nhân Điện ảnh và nghệ thuật đại chúng cũng dựa trên những nghiên cứu và khảo sát thực tiễn rất cẩn trọng về xu hướng vận động của đời sống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đương đại, bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền công nghiệp văn hóa cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đại chúng hiện nay”.

Phó Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng cho biết: trên cở sở tham khảo từ các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, cụ thể là Trường Đại học Truyền thông (College of Media) thuộc Đại học Illinois Urbana - Champgain, Hoa Kỳ, tích hợp những nội dung phù hợp và thực tiễn của Việt Nam, nội dung của chương trình đào tạo cử nhân ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng bao gồm khối kiến thức chung, khối kiến thức theo lĩnh vực, khối kiến thức theo khối ngành, theo nhóm ngành và ngành.

Chương trình đào tạo này được xây dựng nhằm đào tạo cử nhân làm công tác nghiên cứu/ thực hành điện ảnh, nghệ thuật đại chúng, công nghiệp văn hóa và những lĩnh vực có liên quan. Trong đó, khối kiến thức theo nhóm ngành và khối kiến thức ngành chú trọng đến kiến thức trực tiếp liên quan đến lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đại chúng như: Nghệ thuật đại chúng trong thời đại số hóa; Đại cương các thể loại điện ảnh -  truyền hình; Đại cương lịch sử điện ảnh thế giới; Văn hóa đại chúng Hàn Quốc và Nhật Bản; Tự sự, thực tế ảo và công nghệ kỹ thuật số; Âm nhạc đại chúng; Nghệ thuật thị giác đương đại; Sân khấu và Nghệ thuật trình diễn đương đại; Kịch học điện ảnh trong sáng tạo tác phẩm đa phương tiện; Điện ảnh Việt Nam và điện ảnh thế giới; Giám tuyển phim và nghệ thuật; Biên kịch điện ảnh; Đạo diễn điện ảnh, dựng phim, …

Ngoài ra, sinh viên theo học Ngành Điện ảnh và Nghệ thuật Đại chúng cũng được rèn luyện các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng bổ trợ cần thiết cho các nghề nghiệp liên quan đến điện ảnh và nghệ thuật. Các học phần về kỹ năng nghiên cứu, phê bình điện ảnh, kỹ năng viết kịch bản phim, … được chú trọng xây dựng với nội dung phong phú, gắn với năng lực thực hành của người học.

Trong năm đầu tiên mở ngành, năm 2024, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN dự kiến tuyển sinh 50 chỉ tiêu, từ các năm tiếp theo tuyển sinh khoảng 60-80 chỉ tiêu cho ngành học này. Thời gian đào tạo trong vòng 4 năm, Đây là ngành học thứ 28 của nhà trường, tuyển sinh rộng rãi phạm vi toàn quốc.

… Đến cơ hội việc làm rộng mở

Chỉ nhìn vào độ phổ biến của phim ảnh, sân khấu, âm nhạc trên các kênh truyền thống như rạp chiếu phim, truyền hình, nhà hát, phòng trà, hay các kênh phi truyền thống trên không gian mạng, cũng có thể nhận thấy các loại hình nghệ thuật đại chúng đã thực sự trở thành một ngành công nghiệp văn hóa được đầu tư một lượng vốn lớn, có số lượng công chúng vô cùng đông đảo và mang lại lợi nhuận khổng lồ. Như vậy, có thể nói, tiềm năng phát triển và sử dụng lao động của lĩnh vực này trong tương lai là vô cùng lớn.

Theo PGS.TS Hoàng Cẩm Giang, Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: khác với mô hình đào tạo truyền thống của những trường chuyên ngành đã có bề dày hoạt động nhiều năm ở Việt Nam với những lĩnh vực mang tính hướng nghiệp chuyên sâu như đạo diễn, quay phim, diễn viên, ... chương trình cử nhân Điện ảnh và Nghệ thuật Đại chúng hướng đến việc đào tạo những người lao động có nền tảng kĩ năng viết, có vốn kiến thức nhân văn và liên ngành tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đại chúng ở những vị trí khác nhau.

Có thể nói, chương trình không lặp lại những chương trình đào tạo đã có mà mở ra một hướng mới trong đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho khoảng trống của thị trường lao động do sự phát triển của điện ảnh gắn với nghệ thuật đại chúng tạo nên. Đó cũng là một cách thiết thực để đóng góp vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hoá mà Đảng và Nhà nước đang có chủ trương thúc đẩy.

Một nét nổi bật của chương trình đào tạo ngành Điện ảnh và nghệ thuật Đại chúng của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngoài trang bị cho sinh viên những kiến thức bài bản, chuyên sâu về lịch sử, quá trình phát triển, đặc điểm, các trào lưu điện ảnh/nghệ thuật đại chúng lớn trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt Nhà trường còn chú trọng mục tiêu rèn luyện cho sinh viên các kĩ năng chuyên môn và kĩ năng bổ trợ cần thiết liên quan trực tiếp đến điện ảnh và nghệ thuật.

Ngoài các học phần lí thuyết, sinh viên được học những học phần mang tính thực hành cao: Dựng phim: lý thuyết và thực hành; Chuyển thể kịch bản trong nghệ thuật điện ảnh; Thực hành biên kịch điện ảnh - truyền hình; Quản lý dự án điện ảnh và quỹ điện ảnh; Tổ chức sản xuất, phân phối và lưu trữ phim.

Bên cạnh đó, với hệ thống đối tác rộng lớn của nhà trường, sinh viên ngành Điện ảnh và nghệ thuật đại chúng tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có rất nhiều cơ hội thực hành, thực tập, thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh, truyền thông, truyền hình; được trực tiếp tham gia vào các dự án sản xuất các sản phẩm điện ảnh, cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các đạo diễn, biên kịch gạo cội, những nghệ sĩ trực tiếp tham gia vào đời sống nghệ thuật, công nghiệp văn hóa ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Như vậy, có thể nói rằng, sau khi tốt nghiệp, sinh viên không chỉ có nền tảng kiến thức chắc chắn, chuyên sâu, mà còn có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng để tham gia ngay vào thị trường lao động, đồng thời bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của nền điện ảnh trong nước và thế giới, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Chia sẻ về việc mở ngành học này, thầy Trần Hinh, giảng viên chính Bộ môn Văn học phương Tây, Khoa Văn học cũng là người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành Điện ảnh và Nghệ thuật Đại chúng cho biết: Cách đây 11 năm về trước, năm 2005, Khoa Văn đã bắt đầu hình thành nhóm nhỏ về Câu lạc bộ Điện ảnh. Trong 11 năm hình thành và hoạt động cũng đã đủ thời gian để hình thành bản sắc của một “thương hiệu” riêng của mình. Đây cũng sẽ là nơi để sinh viên ngành Điện ảnh và Nghệ thuật Đại chúng của nhà trường thực hành trong quá trình học tập để nâng cao nghiệp vụ.

Thầy Trần Hinh chia sẻ thêm, từ ngày đầu thành lập, Câu lạc bộ Điện ảnh của Khoa Văn đã đào tạo lớp lớp sinh viên tiềm năng và triển vọng. Đã có nhiều sinh viên tham gia hoạt động câu lạc bộ điện ảnh giờ trở thành những người làm điện ảnh khá thành công, một số bạn trở thành các biên kịch chủ lực ở Hãng phim Truyền hình của VTV. Thái Hà là nhà biên kịch từng viết kịch bản Em và Trịnh, Lệ phí tình yêu. Nguyễn Hoàng Quý Hà, khóa 1 đã được nhận học bổng làm tiến sĩ tại trường Nghệ thuật Điện ảnh Nam California; …

Theo Luật Điện ảnh 2022 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, sử dụng tài năng nghệ thuật, tiềm năng văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh. Khi điện ảnh được coi là ngành kinh tế đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, thì sự phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành khác như du lịch, giải trí, truyền thông, giáo dục, …

Ngành: Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng

Đơn vị đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tổ hợp xét tuyển: C00, D01, D04, D78

 >>> Tin bài liên quan:

- Chính thức mở ngành cử nhân Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng

 Ánh Dương - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ