TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tuyển sinh 09:39:08 Ngày 14/05/2024 GMT+7
ĐHQGHN tiên phong đào tạo kiến trúc sư chuyên ngành Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan
Kiến trúc thể hiện bản sắc văn hóa, trình độ phát triển của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, ngành kiến trúc nói chung cũng như các hoạt động thiết kế kiến trúc và cảnh quan nói riêng đang không ngừng gia tăng vai trò với những đóng góp quan trọng. Trước những đòi hỏi về năng lực toàn diện của người làm về Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan trong thời đại 4.0, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN chính thức đào tạo ngành này bắt đầu từ năm học 2024-2025. Đây là chương trình đào tạo liên ngành nhằm trang bị cho người học tư duy mở về thiết kế theo hướng bền vững, đề cao tính nhân văn, trách nhiệm với môi trường và xã hội, sự nhạy bén về kinh doanh cũng như năng lực ứng dụng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số.

Nền kiến trúc Việt Nam cần những bước tiến đột phá

 

Nhận thấy tầm quan trọng của ngành Kiến trúc, Chính phủ đã ban hành những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, coi các ngành công nghiệp văn hóa (trong đó có kiến trúc) là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Chiến lược này đã định hướng phát triển lĩnh vực kiến trúc trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

 

Tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nhằm tiếp tục xây dựng, phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tạo lập môi trường sống bền vững, hội nhập với thế giới, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Định hướng này một lần nữa đặt ra cho những người làm nghề phải giữ gìn được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật.

 

Kiến trúc và thiết kế cảnh quan có vai trò to lớn không chỉ để thúc đẩy nền kiến trúc nước nhà nói riêng mà cả nền công nghiệp văn hóa sáng tạo và nền kinh tế tri thức Việt Nam nói chung. Để đạt được mục tiêu của Chiến lược, đến năm 2030, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Với mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%, chắc chắn kiến trúc và thiết kế cảnh quan cần phải là một trong những mũi nhọn tiên phong. Chiến lược cũng chỉ rõ sự ưu tiên mục tiêu Việt Nam có từ 1-3 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

 

Hiện nay, Hà Nội là thành phố đầu tiên ở Việt Nam được tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở hạng mục Thiết kế. Sự tham gia của Hà Nội vào mạng lưới này đã và đang tạo nên những chuyển biến mới với những nỗ lực khẳng định vị thế của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, việc phát triển nhân lực chất lượng cao về kiến trúc và thiết kế cảnh quan vẫn là một nhu cầu bức thiết để thúc đẩy môi trường sáng tạo và đóng góp vào sự phát triển mọi mặt của đất nước.

 

Nguồn nhân lực kiến trúc sư còn thiếu và yếu

 

Mặc dù nhu cầu đối với kiến trúc và thiết kế cảnh quan ở Việt Nam là rất lớn, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này vẫn thiếu hụt và chưa tương xứng với kỳ vọng. Đồng thời, việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp có trình độ cao về kiến trúc và thiết kế cảnh quan cũng còn nhiều bất cập.

 

Bên cạnh những yếu tố đầu vào, chẳng hạn do việc hướng nghiệp ở cuối bậc trung học phổ thông còn yếu hoặc phương thức tuyển sinh chưa hoàn toàn phù hợp, thì công tác đào tạo cũng là một nguyên nhân. Ngay ở những trường lớn và có truyền thống đào tạo kiến trúc sư, do bị ảnh hưởng từ những quán tính thời bao cấp nên chương trình đào tạo còn ôm đồm và tương đối lạc hậu.

 

Nhờ sự bùng nổ xây dựng trong khoảng hai thập kỷ gần đây, số lượng kiến trúc sư ở nước ta đã tăng lên nhanh chóng. Với số lượng hơn 20.000 kiến trúc sư so với dân số năm 2020 là 97 triệu người, tỷ lệ kiến trúc sư/số dân ở Việt Nam là 1/4850. Tỉ lệ này chỉ bằng 1/10 so với các nước phát triển trên thế giới, trong khi nước ta là nước đang phát triển có nhu cầu xây dựng lớn hơn hẳn.

 

 

Trong 10 năm tới, dự đoán việc làm ngành kiến trúc sẽ tăng trưởng khoảng 4%. Tỷ lệ này tạo ra rất nhiều việc làm chất lượng cho các kiến trúc sư có đủ trình độ và kinh nghiệm. Ngay tại Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng kiến trúc sư  hướng đến đáp ứng các tiêu chí thiết kế xanh và bền vững cũng liên tục tăng mạnh. Sự phát triển vũ bão của công nghệ đã làm thay đổi cách thức làm việc cũng như lựa chọn tiếp cận của khách hàng đối với kiến trúc. Trong khi đặt ra không ít thách thức cho việc hành nghề theo những mô hình cũ, nó cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho một thế hệ kiến trúc sư mới nếu được trang bị những kiến thức và kỹ năng phù hợp.

 

Nhìn chung nhu cầu về kiến trúc sư vẫn còn rất lớn, đặc biệt là những người hành nghề đam mê và có trình độ cao. Việc cho ra đời một chương trình đào tạo Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan có chất lượng tương xứng với tầm vóc, uy tín của ĐHQGHN và phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động vì vậy là hết sức cần thiết.

 

Đào tạo kiến trúc sư bằng hệ thống kiến thức liên ngành

 

Trước đòi hỏi của xã hội về nhân lực ngành Kiến trúc, rút kinh nghiệm từ các mô hình trong nước cũng như tham khảo xu hướng từ các cơ sở đào tạo nước ngoài, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN đã xây dựng chương trình đào tạo mang tính liên ngành và hướng sinh viên dành nhiều thời gian cho các đồ án thực hành nhằm tăng khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn. Bên cạnh đó, để đáp ứng các mối quan tâm khác nhau trong một thị trường lao động với nhu cầu đa dạng, chương trình đào tạo cũng chú trọng đề cao tính linh hoạt trong cấu trúc giúp người học có thể chủ động cá thể hóa con đường học tập và phát triển riêng của bản thân.

 

 

Chương trình đào tạo Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN không bị giới hạn bởi đối tượng, cách thức và công cụ thiết kế mà đi theo triết lý đào tạo tư duy cho người học, với việc cung cấp phương pháp tư duy sáng tạo cùng nền tảng kiến thức vững chắc. Người làm về kiến trúc và thiết kế cảnh quan cần có tư duy mở về thiết kế theo hướng bền vững, đề cao tính nhân văn, trách nhiệm với môi trường và xã hội, sự nhạy bén về kinh doanh cũng như năng lực ứng dụng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số. Với quan điểm đó, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận liên ngành Nghệ thuật - Công nghệ - Văn hóa xã hội, kết hợp với sự đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa.

 

 

TS. KTS. Lê Phước Anh - Trưởng khoa Kiến trúc, Đô thị và Khoa học bền vững, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN

 

TS.KTS. Lê Phước Anh - Trưởng khoa Kiến trúc, Đô thị và Khoa học bền vững, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật cho biết, mục tiêu chung của Chương trình đào tạo Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan tại ĐHQGHN là cung cấp nguồn nhân lực chuyên nghiệp chất lượng cao, năng động và sáng tạo, làm việc trách nhiệm gắn với thấu hiểu khách hàng, nắm vững kỹ thuật và công nghệ, tư duy thẩm mỹ văn minh tiến bộ, sẵn sàng linh hoạt thích ứng trong môi trường đa văn hóa và hội nhập quốc tế.

 

Về mục tiêu cụ thể, chương trình hướng đến đào tạo nguồn nhân lực có tư duy tổng hợp và tiếp cận liên ngành trong các chủ đề liên quan đến kiến trúc và cảnh quan; có năng lực sáng tạo trong đề xuất giải pháp cho các vấn đề phức tạp; có khả năng sử dụng các nền tảng công nghệ phù hợp trong hoạt động nghề nghiệp; nắm vững kiến thức cơ bản về quản trị, quản lý trong việc tổ chức, điều phối và triển khai các dự án thiết kế xây dựng; có khả năng kết nối và huy động sự tham gia của các bên liên quan trong việc thực thi ý tưởng; có khả năng cập nhật và thích ứng linh hoạt với các thay đổi về bối cảnh, văn hóa cũng như xu hướng phát triển. Đồng thời, kiến trúc sư sau khi tốt nghiệp sẽ có tầm nhìn dài hạn và kiên định khi theo đuổi những chủ đề mang tính địa phương, toàn cầu; có đạo đức và trách nhiệm xã hội trong quản lý và điều hành các hoạt động thiết kế xây dựng.

 

Trong Chương trình đào tạo Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đào tạo hướng ngành chính là thiết kế công trình kiến trúc nhưng bổ sung thêm các kiến thức về cảnh quan nhằm mở rộng tầm nhìn và năng lực, giúp các kiến trúc sư tương lai có thể hành nghề cả trong lĩnh vực thiết kế cảnh quan tùy theo hoàn cảnh. Đây là sự lựa chọn mang tính chiến lược, nhằm kết nối giữa hoạt động đào tạo với nhu cầu thực tiễn của xã hội.

 

Học phần thực hành chiếm tỷ trọng lớn

 

Chia sẻ về điểm khác biệt của CTĐT Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan tại ĐHQGHN so với các CTĐT đã có trong nước, TS.KTS. Lê Phước Anh cho biết, là chương trình đào tạo đầu tiên tại Việt Nam hướng đến tích hợp hai mảng kiến thức về Kiến trúc và Cảnh quan, khác biệt lớn nhất của CTĐT này là sự gia tăng tỷ trọng các học phần thực hành và đồ án (chiếm 36% tổng số tín chỉ) nhằm phù hợp với xu hướng hiện nay trên thế giới (Project-based learning). Thay vì chủ yếu đề cập trong các môn học riêng rẽ vốn làm kiến thức dễ bị phân mảnh và khó tổng hợp, nhiều nội dung lý thuyết giờ đây sẽ được tích hợp trong đồ án giúp người học thuận tiện hơn trong việc nắm bắt và ứng dụng. Cùng với đó, chương trình đào tạo cũng đưa vào thêm nhiều môn học mới như Quản lý dự án, Thiết kế thuật toán, AI và Ứng dụng trong thiết kế, Bảo tồn di sản, Lý luận và Phê bình tác phẩm, Tư duy liên ngành trong nghệ thuật… Yếu tố công nghệ thông tin được đặc biệt chú trọng, nhằm tăng cường cho người học khả năng vận dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu và tốc độ phát triển của thời đại.

 

 

Với cấu trúc chương trình đào tạo hiện tại, sinh viên tốt nghiệp từ ngành Kiến trúc, chuyên ngành Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan có thể làm việc ở cả khối nhà nước cũng như tư nhân và phi chính phủ, tại các cơ quan và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế hoặc có liên quan (các đơn vị quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công…). Các vị trí cụ thể có thể kể đến:

 

- Nhân viên thiết kế: Làm trong bộ phận thiết kế của tổ chức, doanh nghiệp tại các phân đoạn công việc khác nhau như xây dựng ý tưởng, thiết kế chi tiết, diễn họa 2D và 3D…, theo cả hai hướng chuyên môn về kiến trúc và cảnh quan.

 

- Chuyên viên sáng tạo: Nhân viên của bộ phận chuyên trách trong việc tìm tòi và đưa ra các ý tưởng đột phá và có khả năng áp dụng.

 

- Giám đốc thiết kế: Chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng và hoàn thiện các ý tưởng thiết kế, từ những phác thảo ban đầu đến hết quá trình triển khai.

 

- Quản lý kỹ thuật: Theo dõi quy trình và kiểm tra chất lượng các bản vẽ thiết kế theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng có liên quan.

 

- Giám sát công trường: Phụ trách việc thi công công trình theo đúng thiết kế và đề xuất hướng xử lý khi có vấn đề nảy sinh tại công trường.

 

- Quản lý dự án: Tham gia cùng chủ đầu tư trong việc lập kế hoạch và nhiệm vụ cho dự án, làm việc với các đơn vị tư vấn thiết kế cùng nhà thầu thi công trong quá trình triển khai.

 

- Chuyên viên thẩm định: Làm việc tại các tổ chức có chức năng thẩm định thiết kế.

 

- Chuyên viên nghiên cứu: Làm việc tại bộ phận nghiên cứu phát triển của các tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc và cảnh quan.

 

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp Chương trình đào tạo Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan cũng có thể theo học tiếp các khóa đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế về thiết kế kiến trúc, cảnh quan, quản trị đô thị, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quản lý dự án, quản lý đô thị…, đồng thời tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo đại học về kiến trúc, thiết kế cảnh quan… Sinh viên tốt nghiệp sau khi đi làm một thời gian có thể thi sát hạch để lấy chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, cảnh quan, thiết kế đô thị.

 

Nhằm xứng đáng với tầm vóc và uy tín của ĐHQGHN, Chương trình đào tạo Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan ra đời không chỉ điền nốt một lĩnh vực quan trọng còn thiếu, mà còn tham gia đóng góp một thế hệ tinh hoa mới ở nghề nghiệp này cho đất nước. Đó sẽ là những kiến trúc sư năng động, đam mê sáng tạo và làm chủ công nghệ, những con người có thể tạo ảnh hưởng và ở trình độ quốc tế. Phương châm làm việc của họ không chỉ giới hạn ở việc thỏa mãn khách hàng mà còn chịu chi phối bởi những mục tiêu có ý nghĩa lớn hơn về môi trường và trách nhiệm xã hội.

  

Một số thông tin về ngành đào tạo

- Tên ngành đào tạo:

+ Tiếng Việt: Kiến trúc

+ Tiếng Anh: Architecture

- Mã số ngành đào tạo: 7580101

- Tên chuyên ngành đào tạo:

+ Tiếng Việt: Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan

+ Tiếng Anh: Architecture and Landscape Design

- Trình độ: Đại học

- Danh hiệu tốt nghiệp: Kiến trúc sư

- Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Việt

- Thời gian đào tạo: 5 năm

- Tên văn bằng tốt nghiệp:

+ Tiếng Việt: Kiến trúc sư

+ Tiếng Anh: The Degree of Architect

- Đơn vị tổ chức đào tạo: Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN

- Hình thức tuyển sinh:

+ Xét tuyển bằng các tổ hợp V00, V01, V02, V03, V10, V11 đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT

+ Các phương thức khác được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và ĐHQGHN

- Đối với tất cả các phương thức xét tuyển, thí sinh bắt buộc phải có thêm kết quả của bài thi Năng khiếu nghệ thuật đạt ngưỡng yêu cầu. Bài thi Năng khiếu nghệ thuật là bài thi do Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN tổ chức.

 

>>> Các tin tức liên quan:

 

Thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 của ĐHQGHN

 

VNU-USSH: ngành Điện ảnh và Nghệ thuật Đại chúng góp phần đào tạo nhân lực kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa

 

Chính thức mở ngành cử nhân Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng

 

- [Infographic] Lần đầu tiên ĐHQGHN đào tạo bậc cử nhân Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng

 

 Đăng An - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ