TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tuyển sinh 16:08:51 Ngày 21/05/2024 GMT+7
VNU-UED: Lần đầu tiên tuyển sinh bậc đại học ngành Tâm lý học, chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên
Với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội, khi sự chăm sóc về thể chất ngày một tốt lên, con người càng gặp phải nhiều các vấn đề về tâm thần, tâm lý và hành vi do áp lực của cuộc sống và công việc hiện đại. Việc mở ngành cử nhân Tâm lý học sẽ tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh thời xã hội số.

 

 

Chuẩn hóa nguồn nhân lực trong lĩnh vực tâm lý tại Việt Nam

Thực tế ở Việt Nam hầu như mọi điều trị và can thiệp các vấn đề sức khỏe tâm thần chỉ dừng lại ở việc điều trị tại bệnh viện và dùng thuốc do bác sĩ tâm thần kê đơn mà chưa có những can thiệp về tâm lý, xã hội, nghề nghiệp. Cách tiếp cận can thiệp một chiều này là không toàn diện cho người bệnh do bản chất tâm - sinh lý - xã hội phức tạp của con người cũng như gây quá tải cho bệnh viện.

Trong hầu hết các trường hợp người có vấn đề về tâm thần hay tâm lý, vai trò của nhà tâm lý (psychologist), cụ thể là nhà tâm lý lâm sàng (clinical psychologist) là rất quan trọng và hữu ích. Họ vừa là người sẽ hỗ trợ hoặc cùng với bác sĩ tâm thần thực hiện việc đánh giá, chẩn đoán và đề xuất điều trị. Họ cũng tham gia trực tiếp vào quá trình điều trị thông qua các liệu pháp tâm lý, tư vấn cá nhân, nhóm và gia đình. Theo hướng tiếp cận đa lĩnh vực của Tổ chức Y tế thế giới về chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT), một trong những lực lượng lao động quan trọng của chăm sóc SKTT được giao cho các chuyên viên tâm lý lâm sàng.

Trong danh mục nghề nghiệp Việt Nam mới đây đã xác định chức danh Nhà tâm lý học, mã nghề 2634, với mô tả cụ thể về một số chức năng nhiệm vụ chủ yếu. Mã nghề này còn được phân loại thành các mã nghề nhỏ hơn như nhà tâm lý học lâm sàng, nhà trị liệu tâm lý, nhà tâm lý học đường. Điều đáng nói là nghề nhà trị liệu tâm lý đã được phân biệt rõ với nghề Bác sĩ tâm thần, mã nghề 22128.

Luật khám chữa bệnh năm 2023 và văn bản liên quan đều xác định chức danh Tâm lý lâm sàng cần phải cấp phép hành nghề, quy định cụ thể với chức danh Tâm lý lâm sàng với phạm vi hành nghề tâm lý lâm sàng phổ thông với các điều kiện cụ thể, làm cơ sở để chuẩn hóa nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng trong tương lai

Trên thế giới, có một số trường tại những quốc gia phát triển như Mỹ và Anh đã đào tạo Tâm lý học định hướng tâm lý học lâm sàng ngay từ bậc cử nhân với thời lượng từ 120 – 160 tín chỉ.

 

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN cho biết: Các chương trình cử nhân tâm lý học lâm sàng nghiên cứu lịch sử tâm lý học, sự phát triển bình thường và bất thường trong hành vi, cảm xúc, suy nghĩ, kỹ năng tham vấn và quản lý ca bệnh mà các nhà tâm lý học lâm sàng điều trị. Sinh viên cũng học các kỹ năng giao tiếp cần thiết để làm việc với khách hàng. Khi sinh viên gần kết thúc chương trình giáo dục đại học, họ có thể sử dụng các nguồn thông tin giới thiệu việc làm của trường để khám phá nghề nghiệp tiềm năng. Ngoài ra, các trường cũng hỗ trợ sinh viên xem xét các chương trình sau đại học về tâm lý học lâm sàng.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ có 35 cơ sở giáo dục đào tạo tâm lý học, trong đó có duy nhất một chương trình đào tạo tâm lý, phân nhánh từ năm thứ 3 theo hướng tâm lý học lâm sàng từ bậc cử nhân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Các chương trình tâm lý học lâm sàng đều chỉ được đào tạo ở bậc sau đại học trong đó có Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN. Như vậy, mỗi năm chỉ có khoảng 40 – 80 nhà tâm lý lâm sàng tốt nghiệp và thực hành nghề tại các cơ sở tâm lý và giáo dục khác nhau trên cả nước. Nguồn nhân lực như vậy là không đủ đáp ứng hiện trạng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của cộng đồng trong tương lai.

Lợi thế về đội ngũ giảng viên chuyên sâu

Trường Đại học Giáo dục có đội ngũ giảng viên uy tín, mạng lưới thực hành nghề nghiệp chuyên sâu. Kế thừa kinh nghiệm đào tạo gần 15 năm ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên bậc thạc sĩ và tiến sĩ, Trường Đại học Giáo dục, có nhóm nghiên cứu mạnh về Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên cấp ĐHQGHN thành lập từ năm 2016 với nhiều công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng quốc tế; Nhà trường là cơ sở đào tạo duy nhất trong cả nước có 1 giáo sư và 2 phó giáo sư có học vị Tiến sĩ đúng chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng được đào tạo bài bản tại Hoa Kỳ.

Trường có mạng lưới cơ sở thực hành nghề nghiệp dành cho sinh viên đến thực tập tại các bệnh viện như Bệnh viện Tâm thần TW 1 – Thường Tín; Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng; Viện Sức Khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Tâm thần và Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện E, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cùng hệ thống phòng tham vấn tâm lý tại mạng lưới các trường thực hành – đối tác của nhà trường.

Đội ngũ cán bộ cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm tham gia xây dựng chương trình đào tạo Tâm lý học (định hướng tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) của Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN là thành viên chủ chốt của các Hiệp hội nghề nghiệp tại Việt Nam và quốc tế. Họ đang tham gia đóng góp xây dựng chính sách về quy trình công nhận mã nghề và quy trình đảm bảo chất lượng cấp chứng chỉ hành nghề Tâm lý học lâm sàng đã xây dựng các học phần bậc học cử nhân đảm bảo chuẩn bị tốt cho các năng lực của nhà tâm lý học lâm sàng và các kỹ thuật nghề tâm lý lâm sàng phổ thông.

Cơ hội việc làm rộng mở

Sinh viên tốt nghiệp chương trình cử nhân ngành Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) có cơ hội nâng cao năng lực nghề nghiệp và cơ hội việc làm rộng mở

Sinh viên sau tốt nghiệp chương trình cử nhân Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) sẽ có năng lực nhận diện, thu thập và diễn giải các thông tin lâm sàng và tâm lý, xã hội của các cá nhân để xác định vấn đề và nhu cầu tâm lý cá nhân. Có năng lực đánh giá và can thiệp giải quyết các vấn đề về tâm lí hoặc liên quan đến sức khỏe tâm thần, phối hợp can thiệp cho các cá nhân/nhóm với những đặc điểm, điều kiện sức khỏe khác nhau. Làm việc tự chủ, độc lập, trong các môi trường và bối cảnh đa dạng, đảm bảo các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp. Sinh viên cũng thực hiện quy trình tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học, phương pháp và kĩ thuật triển khai nghiên cứu, xử lý phân tích và trình bày kết quả nghiên cứu, ứng dụng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng.

Người học có cơ hội được làm việc trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tâm lý ở các cơ sở giáo dục, y tế, cộng đồng, xã hội, … có thể đảm nhiệm các vị trí như (i) Chuyên viên tâm lý lâm sàng mức độ cơ bản tại các cơ sở khám chữa bệnh; (ii) Cán bộ hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên ở các trường đại học và cao đẳng, các học viện, viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứuvà ứng dụng về giáo dục, … trong phát triển đội ngũ và nghề nghiệp tham vấn học đường.

Sinh viên tham gia chương trình cử nhân ngành Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) cũng có cơ hội lấy bằng kép ngành Tham vấn học đường và chương trình đào tạo bằng kép trong ĐHQGHN. Có cơ hội học chuyển thẳng lên các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ ngành Tham vấn học đường và Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên của Trường Đại học Giáo dục.

Thông tin tuyển sinh ngành Tâm lý học do Trường ĐH Giáo dục đào tạo trình độ đại học

+ Chuyên ngành: tâm lí học lâm sàng trẻ em và vị thành niên

+ Mã số: 7310401

+ Chỉ tiêu: 100 sinh viên

+ Tổ hợp xét tuyển: thuộc nhóm ngành GD3 với tổ hợp xét tuyển bao gồm: Toán, Vật lý, Hóa học (A00); Toán, Hóa học, Sinh học (B00); Ngữ văn, Lịch Sử, Địa lý (C00); Toán, Ngữ văn, tiếng Anh (D01).

+ Phương thức tuyến sinh tại đây

 

 Yến Dương - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ